Mách Bạn Cách Nhận Ra Các Triệu Chứng Khi Bị Cảm Cúm | Hapacol
Có thể bạn quan tâm
Cảm cúm rất phổ biến và có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào. Bệnh sẽ khiến bạn mệt mỏi và khó chịu, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hàng ngày. Việc phát hiện sớm các triệu chứng cảm cúm sẽ giúp bạn chữa cảm cúm kịp thời và phòng ngừa bệnh lây lan. Bài viết dưới đây của Hapacol sẽ giúp bạn nhận biết sơ lược về các dấu hiệu của cảm cúm
Nhiều người thường nhầm lẫn cảm cúm và cảm lạnh là một, nhưng thực tế đây là hai tình trạng khác nhau. Cảm cúm xảy ra khi virus tấn công hệ hô hấp, gồm mũi, cổ họng và phổi. Cảm cúm do nhiều loại virus gây ra, phổ biến nhất là cúm A. Vậy cúm A sốt bao lâu bạn đã biết chưa? Cùng tìm hiểu nhé.
Đối với hầu hết trường hợp, cảm cúm sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cúm và các biến chứng của bệnh có thể gây tử vong.
1. Cảm cúm là bệnh gì?
Cảm cúm là một căn bệnh truyền nhiễm phổ biến liên quan đến đường hô hấp, thường phát sinh từ tình trạng mũi, họng hay thậm chí là phổi bị nhiễm trùng do virus. Bệnh có thể tương đối nhẹ ở đa số trường hợp. Tuy nhiên, đôi khi bạn vẫn có nguy cơ tử vong vì mắc cảm cúm.
Khi virus xâm nhập vào cơ thể, chúng có khả năng gây ra bệnh cảm cúm với những triệu chứng như:
- Sốt: Hầu hết những người bị cúm đều bị sốt. Cơn sốt có thể dao động từ 37,8 độ C đến 40 độ C. Trẻ em luôn bị sốt cao hơn người lớn. Hầu hết các cơn sốt đều kéo dài dưới 1 tuần, thường là khoảng từ 3-4 ngày.
- Viêm họng: Vi khuẩn cúm cũng có thể gây ra tình trạng viêm họng.
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi: Đây là triệu chứng cảm cúm phổ biến nhất, hầu hết mọi người đều phải “làm bạn” với khăn giấy khi bị cảm cúm.
- Ớn lạnh: Kèm theo cơn sốt, bệnh nhân bị cúm còn có thể cảm thấy ớn lạnh, đổ mồ hôi hoặc cảm thấy lạnh mặc dù nhiệt độ cơ thể cao.
- Ho: Ho khan là dấu hiệu cảm cúm thường gặp. Tình trạng có thể trở nên tồi tệ hơn, khó chịu và đau đớn hơn, bạn cũng có thể cảm thấy khó thở hoặc đau tức ngực. Những cơn ho có thể kéo dài trong khoảng 2 tuần.
- Đau cơ: Phổ biến nhất là những cơn đau ở cổ, lưng, cánh tay và chân của bạn. Những cơn đau này có thể khiến cho việc di chuyển của bạn trở nên khó khăn hơn ngay cả khi thực hiện những hoạt động cơ bản.
- Đau đầu: Triệu chứng đầu tiên khi bạn bị cúm có thể là sự xuất hiện của một cơn đau đầu dữ dội. Một số triệu chứng khác đi kèm với đau đầu sẽ là lóa mắt, nhạy cảm với ánh sáng.
- Mệt mỏi hay thậm chí là suy nhược cơ thể: Đây là một triệu chứng không rõ ràng của bệnh cúm. Tuy nhiên, cảm giác mệt mỏi là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý khác nhau.
- Nôn mửa và tiêu chảy cấp: Tuy nhiên, tiêu chảy cấp chủ yếu chỉ phát sinh ở trẻ em.
2. Nguyên nhân gây bệnh cảm cúm
Nguyên nhân gây cảm cúm là do virus Influenza, lây nhiễm trực tiếp hoặc từ người bệnh lây sang. Khi người bệnh nói chuyện, ho hay hắt hơi, các virus cúm sẽ theo các dịch ra ngoài và bám vào đồ vật xung quanh. Nếu bạn nói chuyện trực tiếp với người bệnh hoặc chạm những đồ vật nhiễm virus, bạn có nguy cơ mắc cảm cúm.
Thời gian lây nhiễm là từ trước khi các triệu chứng cảm cúm xuất hiện và kéo dài 5 ngày sau khi các dấu hiệu bệnh xuất hiện. Tuy nhiên bạn có biết cúm A sốt bao nhiêu ngày chưa? Cúm A có thể gây bệnh nặng hơn và thời gian sốt vì thế cũng có thể kéo dài từ 1 tuần trở lên. Trẻ em và người có hệ miễn dịch yếu có thời gian lây bệnh lâu hơn.
3. 6 triệu chứng cảm cúm bộc lộ sớm
3.1 Mệt mỏi quá mức hoặc đột ngột
Mệt mỏi quá mức hoặc đột ngột là một trong những triệu chứng cảm cúm sớm. Mệt mỏi cũng có thể là triệu chứng cảm lạnh, nhưng bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi quá mức nếu bị cảm cúm. Việc cơ thể mất sức và mệt mỏi có thể ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hàng ngày. Do đó, bạn nên nghỉ ngơi một vài ngày để được tăng cường hệ miễn dịch và giúp cơ thể chống lại virus.
3.2 Đau nhức cơ thể và ớn lạnh
Một triệu chứng cảm cúm khác mà bạn có thể nhận thấy sớm chính là đau nhức cơ thể và ớn lạnh. Tình trạng đau nhức có thể xuất hiện ở bất kì đâu trên cơ thể, đặc biệt là ở vùng đầu, lưng và chân.
Ớn lạnh thường đi cùng với đau nhức cơ thể. Cảm giác ớn lạnh có thể xuất hiện trước khi bạn bị sốt. Nếu bị ớn lạnh, bạn hãy trùm cơ thể trong chăn để tăng nhiệt độ và giảm cảm giác ớn lạnh. Bạn cũng có thể dùng một số thuốc giảm đau nhanh không kê đơn để giảm đau nhức, như paracetamol hoặc ibuprofen.
3.3 Ho khan, ho dai dẳng
Tình trạng ho dai dẳng có thể liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có cảm cúm. Virus cúm có thể khiến bạn ho, kèm thở khò khè và tức ngực. Bạn có thể ho ra đờm hoặc chất nhầy, nhưng trường hợp này rất hiếm trong giai đoạn đầu của cảm cúm.
Nếu có các vấn đề về hô hấp, như hen suyễn hoặc khí phế thũng (liên quan đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính), bạn hãy đến gặp bác sĩ ngay để ngăn ngừa các biến chứng. Ngoài ra, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu thấy đờm có màu. Cúm có thể dẫn đến viêm phế quản và viêm phổi.
Nếu bị ho, bạn hãy dùng thuốc ho và uống nhiều nước lọc hoặc trà không có chứa caffeine. Bạn cũng nên che miệng khi ho để tránh lây nhiễm.
Xem thêm: 5 loại thực phẩm nên tránh khi bị cảm cúm
3.4 Đau họng
Ho do cảm cúm có thể dẫn đến đau họng. Thậm chí, một số virus cúm có thể gây sưng và đau họng mà không kèm theo ho. Trong giai đoạn đầu của bệnh, bạn có thể cảm thấy cổ họng khó chịu, kích thích và không thể nuốt đồ ăn hoặc nước như bình thường. Cơn đau họng có thể nặng hơn khi virus tiến triển.
3.5 Sốt
Sốt là triệu chứng cảm cúm phổ biến ở giai đoạn đầu, nhưng không phải ai mắc cúm cũng sẽ bị sốt. Đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chống lại nhiễm trùng. Nếu bị cúm, bạn có thể sốt từ 38°C trở lên.
Trong một số trường hợp, bạn có thể bị sốt 2 pha. Vậy sốt 2 pha là gì? Đây là tình trạng sốt 2 ngày rồi hạ sốt nhưng sau đó 3-5 ngày bị tái sốt lại. Tuy nhiên sốt 2 pha thông thường là triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết hơn là sốt do cúm.
Paracetamol và ibuprofen có thể giúp hạ sốt hiệu quả nhưng không thể diệt được virus.
3.6 Các vấn đề về tiêu hóa
Các triệu chứng cảm cúm sớm cũng có thể ảnh hưởng các cơ quan khác trong cơ thể. Một số chủng virus có thể gây tiêu chảy, buồn nôn, đau dạ dày hoặc nôn.
Mất nước là một biến chứng nguy hiểm của tiêu chảy và nôn mửa. Để tránh mất nước, bạn hãy uống nước lọc, nước uống thể thao bổ sung điện giải, nước ép trái cây, trà và nước ngọt không chứa caffeine.
Có thể bạn quan tâm: Cảm cúm nên ăn gì? 10 món ăn giúp giải cảm hạ sốt nhanh
4. Triệu chứng cảm cúm ở trẻ nhỏ
Virus cúm cũng gây ra các triệu chứng cảm cúm như trên ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bé có thể có các dấu hiệu khác và cần được chăm sóc y tế, bao gồm:
- Không uống đủ nước
- Khóc không có nước mắt
- Không thể thức dậy do mệt mỏi quá mức
- Không thể ăn
- Sốt với phát ban
- Khó tiểu
Thực tế, rất khó để biết được sự khác biệt giữa cảm cúm và cảm lạnh ở trẻ em. Khi bị cảm lạnh và cảm cúm, trẻ nhỏ đều có thể ho, đau họng và đau nhức cơ thể. Các triệu chứng này thường nghiêm trọng hơn nếu trẻ mắc bệnh cúm. Nếu con bạn không bị sốt, trẻ có thể bị cảm lạnh.
Nếu bạn đã sử dụng thuốc cảm cho bé nhưng tình trạng bệnh vẫn không thuyên giảm, bạn hãy nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ để điều trị kịp thời.
5. Mất bao lâu để các triệu chứng cảm cúm bộc phát?
Virus cúm cần một khoảng thời gian ủ bệnh sau khi xâm nhập vào cơ thể người thì mới có thể bộc phát các triệu chứng. Thời gian ủ bệnh là khoảng thời gian virus xâm nhập vào cơ thể bạn và phát triển. Thông thường, quá trình này sẽ kéo dài 2 ngày. Tuy nhiên, đôi khi chúng chỉ cần 1 ngày hoặc trì hoãn đến 4 ngày tiếp theo.
Một người trưởng thành có khả năng lây truyền virus cúm vào khoảng 1 – 2 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện và kéo dài đến tầm 7 ngày sau đó. Hắt hơi, ho hoặc nói chuyện có thể làm lây lan virus cúm. Từ đó, virus có thể xâm nhập vào cơ thể qua mũi, miệng hoặc mắt. Bạn cũng có thể nhiễm cúm khi chạm vào đồ vật có dính virus.
6. Cách điều trị cảm cúm hiệu quả
Thông thường, cách chữa cảm cúm nhanh nhất, bạn chỉ cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê thuốc trị cảm giúp kháng virus, như oseltamivir (Tamiflu) hoặc zanamivir (Relenza). Nếu được dùng ngay khi bạn phát hiện sớm các triệu chứng, các thuốc này có thể rút ngắn thời gian bệnh và phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, các thuốc kháng virus có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn và nôn. Để giảm thiểu tác dụng không mong muốn của thuốc, bạn có thể dùng thuốc cùng với thức ăn.
Một số mẹo sau sẽ giúp bạn cách trị cảm cúm tại nhà:
- Uống nhiều nước, bao gồm nước lọc, nước ép trái cây hoặc nước canh ấm.
- Nghỉ ngơi nhiều hơn. Bạn có thể ngủ để giúp hệ miễn dịch nhanh chóng phục hồi và chống lại bệnh.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê toa. Các thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như paracetamol hoặc ibuprofen, có thể chống lại cơn đau liên quan đến cúm. Trẻ em và thiếu niên hồi phục sau các triệu chứng giống như cúm không nên dùng aspirin vì có nguy cơ cao mắc hội chứng Reye – một tình trạng hiếm gặp nhưng có khả năng gây tử vong.
Xem thêm: 7 mẹo trị cảm cúm bằng phương pháp dân gian mà bạn nên biết
7. Thuốc cảm cúm bao gồm những loại nào?
Ngày nay, các nhà khoa học đã tìm ra năm loại thuốc cảm cúm để phòng ngừa cũng như đối phó với các chủng vi sinh vật gây bệnh này. Trong số đó, chỉ có ba loại đủ khả năng chống lại cả hai chủng virus cúm A và B, bao gồm:
- Oseltamivir dạng uống
- Zanamivir dạng hít
- Peramivir dạng tiêm tĩnh mạch
Ngược lại, hai loại cuối cùng là amantadine và rimantadine chỉ bảo vệ cơ thể chống lại virus cúm nhóm A.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cảm cúm chỉ giới hạn trong các tình huống như:
- Dịch bệnh đang diễn ra
- Bảo vệ những người dễ bị thương tổn, chưa được tiêm chủng ngay lập tức
- Người đang tiếp nhận điều trị ung thư
- Người không thể tiêm vắc xin
Chính vì vậy, bạn cần lưu ý thuốc cảm cúm không phải là một phương án thay thế cho việc tiêm chủng.
8. Cảm cúm nghiêm trọng như thế nào?
Không ít người cho rằng cảm cúm chỉ là một dạng của cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, thực tế đây lại là vấn đề nhiễm trùng đường hô hấp đặc biệt nghiêm trọng, có nguy cơ gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Bất kỳ ai cũng có khả năng mắc bệnh cảm cúm. Mặc dù vậy, nguy cơ biến chứng xảy ra cũng như tỷ lệ tử vong ở những đối tượng dưới đây sẽ cao hơn đáng kể:
- Người từ 65 tuổi trở lên.
- Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 24 tháng tuổi. Theo thống kê từ các chuyên gia, vào mùa cúm 2017 – 2018, có hơn 180 trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ liên quan đến cúm. Xa hơn, vào trận đại dịch cúm H1N1 (2009 – 2010), 349 ca tử vong xảy ra ở trẻ em đã được ghi nhận.
- Người mang trong mình vấn đề sức khỏe cụ thể, ví dụ như đái tháo đường (tiểu đường), tăng huyết áp (cao huyết áp)…
- Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai hoặc sau sinh cũng dễ dàng gặp các rủi ro biến chứng nghiêm trọng hơn.
8.1 Biến chứng của cảm cúm gồm những gì?
Cảm cúm kéo dài có khả năng dẫn đến một loạt vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Trong số đó, phổ biến nhất là viêm phổi do nhiễm khuẩn.
Viêm phổi do virus cũng có nguy cơ xảy ra nhưng tình huống này không phổ biến. Mặc dù vậy, tình trạng này có khả năng cao đe dọa đến tính mạng người bệnh. Một số biến chứng khác cũng có thể phát sinh, ví dụ như:
- Viêm cơ tim
- Các tình trạng tệ hơn của bệnh lý liên quan đến phổi, chẳng hạn như viêm phế quản
- Hội chứng Reye, xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ. Lúc này, bé sẽ có dấu hiệu nôn mửa và lú lẫn nghiêm trọng. Một số trường hợp trẻ còn hôn mê do phù não. Nhằm giảm thiểu nguy cơ phát triển hội chứng Reye, bố mẹ cần lưu ý không cho trẻ dưới 18 tuổi sử dụng aspirin để hạ sốt hoặc giảm đau.
8.2 Cảm cúm có thể tái phát không?
Một người đã từng bị cảm cúm vẫn có khả năng tái phát bệnh nếu không phòng ngừa cẩn thận. Chủng virus gây cảm cúm ở người có đến hai loại (cúm A và cúm B). Do đó, việc đã từng bị nhiễm một loại virus cúm không thể cung cấp sức đề kháng cho cơ thể trước chủng còn lại.
9. Một số dấu hiệu cảnh báo mức độ nghiêm trọng của cảm cúm
Cúm là một bệnh tiến triển, nghĩa là các triệu chứng sẽ xấu đi trước khi chúng trở nên tốt hơn. Không phải ai cũng phản ứng giống nhau với virus cúm. Mức độ nghiêm trọng của bạn phụ thuộc vào sức khỏe tổng quát. Tuy nhiên, hãy gọi cấp cứu ngay nếu người bệnh gặp phải các triệu chứng:
- Đau ngực
- Khó thở
- Da và môi xanh
- Mất nước nghiêm trọng
- Chóng mặt và nhầm lẫn
- Sốt từng đợt
- Ho nặng hơn
10. Làm thế nào để phòng ngừa cảm cúm hiệu quả?
10.1 Sử dụng vắc xin để bảo vệ cơ thể khỏi cảm cúm
Tiêm chủng vắc xin thường niên đầy đủ là biện pháp phòng ngừa cảm cúm hiệu quả nhất. Phần lớn vắc xin cúm được điều chế từ virus bất hoạt (đã chết). Trong số đó, loại vắc xin tái tổ hợp (RIV) sẽ không dùng trứng virus để làm thành phần chính hoặc sử dụng trứng gà trong quy trình sản xuất.
Thêm vào đó, vắc xin cúm cũng có loại giảm độc lực (virus còn sống nhưng yếu hơn bình thường), nhưng không phổ biến như hai loại trên. Ngoài ra, một lọ vắc xin có thể chứa 3 – 4 chủng virus cúm.
Đối với loại vắc xin bất hoạt và tái tổ hợp, bạn sẽ tiến hành tiêm vào cơ. Ngược lại, vắc xin giảm độc lực sẽ được dùng dưới dạng thuốc xịt vào mũi.
Các chuyên gia khuyến nghị mọi người nên tiêm phòng cảm cúm mỗi năm, vì vắc xin cúm của mỗi năm chỉ được điều chế để ngăn chặn chủng virus dự đoán của năm đó. Đồng thời, khả năng “phòng ngự” của các tế bào bạch cầu trước những loại virus cúm sẽ suy giảm sau một năm.
Chính vì vậy, kể cả khi thành phần chính của vắc xin là chủng virus không thay đổi từ năm này sang năm khác, bạn vẫn nên tiêm ngừa đầy đủ.
10.2 Một số biện pháp phòng ngừa khác
Bên cạnh vắc xin, bạn còn có thể áp dụng một số quy tắc để tránh bị nhiễm virus cúm từ người khác hoặc lây bệnh cho người xung quanh, chẳng hạn như:
- Dùng tay hoặc khăn giấy để che miệng và mũi khi bạn ho hay hắt hơi. Đừng quên vứt khăn giấy đi sau khi dùng nhé.
- Tập thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước, đặc biệt sau khi bạn ho hay hắt hơi. Đồng thời, hãy trang bị một lọ nước rửa tay khô bên người, phòng trường hợp bạn không tìm thấy chỗ để rửa tay.
- Không tiếp xúc với người đang bị cảm cúm
- Nếu bạn bị cúm, hãy ở nhà nghỉ ngơi cho đến khi cảm thấy khỏe hoàn toàn. Thêm vào đó, bạn không nên đứng gần người khác để tránh lây truyền virus.
- Cố gắng không để tay chạm vào mắt, mũi hoặc miệng. Đây là những đường virus dễ lây lan.
Nguồn tham khảo:
https://www.healthline.com/health/cold-flu/early-flu-symptoms#prevention
https://www.cdc.gov/flu/symptoms/symptoms.htm
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/flu/symptoms-causes/syc-20351719
Vui lòng đăng nhập để dùng chức năng này
Từ khóa » Cúm Virus Và Cúm Thông Thường
-
10 Dấu Hiệu Phân Biệt Cảm Cúm Với Cảm Lạnh - Vinmec
-
Cúm Thường Và Cúm A Khác Nhau Như Thế Nào? - Vinmec
-
Dấu Hiệu Phân Biệt Nhiễm Cảm Lạnh, Cúm Mùa Và COVID-19
-
Phân Biệt Cúm Mùa, Cảm Lạnh Và COVID -19 - Bệnh Viện Hồng Ngọc
-
Cảm Lạnh Hay Cúm: Sự Khác Nhau, Phân Biệt Và Phòng Ngừa?
-
Chuyên Gia Chỉ Cách Phân Biệt Cúm A Và Các Loại Cúm Khác | Medlatec
-
Bệnh Cúm Có Biểu Hiện Giống Cảm Cúm Thông Thường Không; Ai Dễ ...
-
Tất Cả Những điều Bạn Cần Biết Về Dịch Cúm Mùa
-
Sự Khác Nhau Giữa Mắc COVID-19, Cảm Lạnh, Dị ứng Và Cảm Cúm Là ...
-
Bị Cúm A Rồi Có Mắc Lại Không? - Khám Chữa Bệnh, Phổ Biến Kiến ...
-
Cách Phân Biệt Cảm Lạnh, Cảm Cúm Và Viêm Phổi Do Virus Corona
-
Triệu Chứng Của Bệnh Cúm Mùa Và Cách Phòng Bệnh
-
Cúm A: Triệu Chứng, Nguyên Nhân, Chẩn đoán Và điều Trị
-
Phân Biệt Bệnh Covid-19 Với Cảm Cúm, Cảm Lạnh Thông Thường