Mách Bạn Mẹo Thi Dừng Và Khởi Hành Ngang Dốc Khó Nhất Bài Thi Sát ...

Dừng và khởi hành ngang dốc được đánh giá là một trong những bài thi khó nhất trong 11 bài thi sa hình B2 với nhiều ví von như “con dốc tử thần” hay “con dốc định mệnh”. Không ít thí sinh khi thi sát hạch lái xe ô tô đã trượt “thẳng cẳng” vì không qua được phần thi này. Vậy có bí quyết nào để vượt qua nó dễ dàng hơn không? Hãy cùng theo dõi bài viết sau đây để hiểu rõ các thao tác quan trọng, kinh nghiệm mấu chốt, cũng như những mẹo thi dừng và khởi hành xe ngang dốc hữu ích hiệu quả nhất nhé!

Yêu cầu bài thi sa hình dừng và khởi hành ngang dốc

Dừng và khởi hành xe ngang dốc là nội dung thứ 3 của chuỗi 11 bài thi sa hình trong phần thi sát hạch bằng lái xe hạng B2. Bài thi này cơ bản còn có tên gọi khác là đề pa lên dốc B1, B2 với mục đích ra đời nhằm trang bị cho người lái xe những kỹ năng khi lái xe lên dốc ngoài thực tế.

Thường thì đa số các thí sinh tham gia bài này rất dễ bị mất nhiều điểm hoặc thi trượt luôn. Lỗi hay gặp là dừng xe qua vạch giới hạn, để xe tụt dốc quá 50cm hoặc vượt quá 30 giây nhưng xe không leo qua dốc được. Do đó, gần như tất cả mọi người đều muốn tìm bí kíp để có thể thực hiện bài thi khởi hành ngang dốc dễ dàng hơn.

Tuy nhiên trước khi đi sâu vào tìm hiểu bí kíp, chúng ta vẫn cần nắm rõ yêu cầu cần đạt để thực hiện cho đúng bài thi dừng và khởi hành xe ngang dốc như sau:

  • Đảm bảo quá trình dừng xe ô tô cách vạch dừng quy định không quá 50cm.
  • Khởi hành xe êm dịu, đảm bảo không bị tụt dốc quá 50cm.
  • Đáp ứng thời gian vượt khỏi dốc theo yêu cầu là 30 giây và vòng tua máy không vượt quá 4000 vòng/phút.
  • Đảm bảo động cơ xe vận hành hoạt động liên tục.
  • Khi thực hiện lái xe phải đúng chuẩn quy tắc giao thông đường bộ.
  • Tốc độ xe khi vận hành không vượt quá: 24 km/giờ đối với hạng B, D; 20 km/h đối với hạng C, E.

Sau khi qua bài thi sa hình thứ 2, thí sinh nhả hết côn, phanh cho xe tự bò lên dốc. Bài này bản chất giống bài 2 ở chỗ dừng xe rồi lại đi tiếp. Tuy nhiên vì xe đang ở trên dốc nên người điều khiển không thể đỡ côn cho xe đi chậm lại bởi nếu đỡ côn thì xe sẽ bị trôi ngược về chân dốc. Vậy nên, chỉ có thể nhắm đúng vị trí cần đỗ (qua vạch đỏ trên ta-luy hoặc mặt đường) để đạp côn, phanh đúng lúc.

Thao tác trong bài thi dừng và khởi hành ngang dốc

Trong bài thi dừng và khởi hành ngang dốc B2 thông thường, thí sinh sẽ phải trải qua 3 thao tác chính. Chi tiết các bước tương ứng với từng thao tác mà thí sinh nhất định cần thực hiện đúng là:

  • Dừng xe ô tô sao cho đúng vị trí quy định. Trong đó khoảng cách từ hình chiếu của xe xuống mặt đường cho đến vạch dừng xe không vượt quá 50cm.
  • Đưa lên dốc nhẹ nhàng, không bị tụt dốc vượt quá 50cm và phải đảm bảo đạt chuẩn thời gian quy định. Thời gian vượt khỏi dốc là 30 giây, không được tăng ga quá lớn. Nếu điều khiển xe vượt quá vạch quy định thì bị loại ngay.
  • Lái xe tiếp tới bài thi tiếp theo: qua vệt bánh xe B2 và đường hẹp vuông góc.

Các lỗi bị trừ điểm đối với bài thi dừng xe lên dốc

Thống kê cho thấy hàng năm có khoảng 30% đến 40% học viên không qua bài thi dừng xe ngang dốc. Nguyên nhân không chỉ đến từ việc bản thân học viên nắm bắt không rõ yêu cầu, thao tác thực hiện mà còn chưa thực sự hiểu rõ các lỗi sẽ bị trừ điểm.

Theo đúng quy định về thi sát hạch lấy bằng lái xe, các lỗi bị trừ điểm đối với bài thi dừng xe và khởi hành ngang dốc gồm có:

  • Dừng xe nhưng chưa đúng đến vạch dừng đã quy định: Trừ 5 điểm
  • Xe khi vận hành bị chết máy: mỗi lần trừ 5 điểm.
  • Lái xe để động cơ vượt qua 4.000 vòng/phút: mỗi lần vi phạm trừ 5 điểm.
  • Lái xe vượt quá tốc độ đã quy định: cứ 3 giây sẽ bị trừ 1 điểm.
  • Tổng thời gian thực hiện chậm so với quy định.:cứ chậm 3s là bị trừ 1 điểm
Nhiều người mất điểm ở phần thi dừng xe ngang dốc
Nhiều người mất điểm ở phần thi dừng xe ngang dốc

Các lỗi bị loại trực tiếp đối với bài thi dừng xe lên dốc

Trong một số trường hợp mắc lỗi khi thực hiện bài thi dừng và khởi hành ngang dốc, thí sinh sẽ bị tước quyền thi. Nói cách khác là loại trực tiếp, đánh trượt luôn. Cụ thể các lỗi đó là:

  • Không thực hiện dừng xe đúng với vạch quy định: bị truất quyền thi
  • Dừng xe quá vạch dừng đã quy định: bị truất quyền thi
  • Vượt quá thời gian 30 giây tính từ lúc lúc dừng xe mà không qua được dốc: bị truất quyền thi
  • Để xe bị tụt dốc vượt quá 50cm: bị truất quyền thi
  • Xử lý tình huống không hợp lý, gây ra tai nạn ngoài ý muốn: bị truất quyền thi
  • Điểm thi sát hạch của không vượt quá 80 điểm: Trượt

Mẹo dừng và khởi hành xe ngang dốc dễ học dễ đậu

Đa phần ở các bài thi trước, để dừng xe thì người lái sẽ đạp hết hành trình côn và rà phanh từ từ cho đến khi xe dừng hẳn. Tuy nhiên ở bài thi khởi hành ngang dốc B2 thì không thể áp dụng như vậy vì có thể khiến xe bị cắt chuyển động và bị tụt dốc. Dưới đây là một số mẹo cho bài thi dừng và khởi hành ngang dốc hiệu quả nên áp dụng:

1. Mẹo dừng xe ngang dốc hiệu quả

Bài thi lên dốc cơ bản sẽ trải qua 3 phần chính. Phần đầu tiên là yêu cầu dừng xe ngang dốc theo đúng yêu cầu cách vạch dừng không quá 50cm. Ở phần này thường có 2 cách để áp dụng tốt nhất là:

Cách 1: Dừng non

Cách này có tên gọi khác là đỗ non, được khá nhiều người áp dụng trong bài dừng xe ngang dốc với sự chấp nhận sẽ bị trừ 5 điểm thay vì quá vạch rồi bị truất quyền thi luôn. Thao tác thực hiện khá đơn giản vì trước tiên chỉ cần nhả hết côn để xe từ từ bò lên dốc, có thể đệm thêm một chút ga nếu thấy xe yếu, đi chậm. Khi có tín hiệu “ting ting” nhận bài thì đạp côn và phanh đồng thời để dừng xe lại.

Cách 2: Dừng chuẩn vị trí

Cách này giúp hạn chế tình huống bị trừ điểm với thao tác thực hiện y như cách 1. Tuy nhiên khi có tín hiệu nhận bài thì bạn đừng vội dừng xe ngay. Thay vào đó, hãy chờ khi nào điểm chính giữa của cánh cửa bên lái phụ đến đúng điểm mốc thì côn phanh đồng thời để dừng xe.

Cách này chỉ nên áp dụng với các bạn tự tin và kỹ năng lái xe đã thuần thục. Kèm theo lưu ý quan trọng là mỗi sân thi sẽ có điểm mốc khác nhau, khi học xe chip các thầy sẽ hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, bạn hãy chú ý không nên ngồi dựa lưng vào ghế lái mà nên rướn người lên ngồi thẳng để căn vị trí chuẩn xác hơn.

2. Mẹo khởi hành xe ngang dốc chuẩn

Sau khi dừng xe thành công thì sẽ chuyển tới bài thi khởi hành xe ngang dốc. Bài thi này cơ bản sẽ có 2 cách cơ bản được áp dụng nhiều nhất. Cụ thể, tùy theo sân thi và xe thi thì các thầy sẽ dạy bạn thực hiện phần khởi hành ngang dốc bằng 1 trong 2 cách sau đây để tăng tỉ lệ đỗ lên:

Cách 1: Sử dụng phanh tay

Đây là cách dạy chính thống trong trường học lái xe, thường được áp dụng đối với những sân thi mà hệ thống xe sát hạch đã cũ, xe yếu nên cần phải đệm ga vào để vượt dốc. Các bước thực hiện là:

  • Sau khi dừng xe trên dốc, bạn nhanh chóng kéo phanh tay với mục đích thay phanh chân giữ xe tại điểm dừng. Chú ý phanh tay có nhiều nấc, nên kéo luôn lên nấc cao nhất để đảm bảo xe không bị trôi dốc.
  • Tiếp đến, bạn bỏ chân phanh ra và đặt vào chân ga mớm lên. Chân trái đồng thời nhả côn từ từ, đến khi thấy tay lái hoặc cần số rung lên (báo hiệu các lá côn đã bắt vào nhau) thì nhả nhẹ phanh tay. Vừa thả vừa nghe ngóng nếu thấy xe không trượt thì thả nốt phanh tay, xe sẽ tự bò lên.

Lưu ý: Trong suốt quá trình, tuyệt đối không được đạp ga quá mạnh vì sẽ khiến vòng tua máy lên cao.

Cách 2: Không dùng phanh tay

Đây là cách các lái xe ô tô già thường làm trong thực tế, không dùng đến phanh tay. Điều kiện áp dụng lý tưởng là ở những sân thi có hệ thống xe sát hạch mới, xe khoẻ. Cách thực hiện như sau:

  • Sau khi xe đã dừng, bạn giữ nguyên chân phanh và nhả chân côn từ từ. Đến khi thấy tay lái hoặc cần số xe bắt đầu rung lên thì thực hiện nhả hết chân phanh để xe bò lên.
  • Nếu cảm thấy xe trôi thì đạp phanh vào, làm lại. Còn thấy xe không trượt thì thả cho hết phanh chân, lúc đó xe sẽ tự bò lên.
  • Nếu nhả hết phanh chân mà xe vẫn đứng yên thì tiếp vào chân ga một chút, kết hợp việc hơi nhả côn ra thêm. Chờ xe đã đi thì giữ nguyên vị trí chân côn và ga cho đến khi xe qua khỏi đỉnh dốc.

Một số người mới học lại thấy mẹo khởi hành xe ngang dốc ở cách 2 này dễ hơn cách 1. Bởi lẽ quá trình không cần dùng đến phanh tay mà chỉ tập trung vào hai chân điều chỉnh côn, phanh, tránh được trường hợp chưa quen có thể bị choạng tay lái hoặc ấn mạnh vào bàn đạp ga làm rú ga. Tuy nhiên thực tế, chọn cách nào còn tùy thuộc địa hình và sự cân nhắc dựa trên gợi ý của giáo viên.

Đặc biệt, dù chọn cách nào thì tâm lý khi thi cũng cực kỳ quan trọng nên bạn phải thật sự bình tĩnh trong quá trình thực hiện phần thi dừng và khởi hành ngang dốc. Thời điểm bắt đầu, hãy hít thở một hơi thật sâu, đồng thời đừng quên việc kiểm tra và chỉnh lại ghế, gương cẩn thận trước khi cho xe chạy.

Nói chung, chỉ cần nghiên cứu kỹ lưỡng và áp dụng hợp lý những mẹo thi dừng và khởi hành ngang dốc thì chắc chắn tỷ lệ đỗ sẽ tăng cao tối đa. Trường hợp bạn vẫn còn băn khoăn và lo lắng, hãy liên hệ Trung tâm đào tạo lái xe 9573. Những giáo viên giỏi nhất của trung tâm sẽ hướng dẫn và chỉ dạy tận tình cho bạn!

Từ khóa » Bài Thi Lên Dốc Cầu