Mách Mẹ Cách Tắm Cho Bé Bằng Lá Khế, Trị Rôm Sảy, Mẩn Ngứa

Tắm lá khế là một trong những phương pháp dân gian được nhiều bà mẹ áp dụng mỗi khi con bị rôm sảy, mẩn ngứa, dị ứng. Liệu đây có thực sự là phương pháp tốt cho trẻ hay không? Cũng như cách làm và tắm cho bé như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất. Mời các mẹ cùng theo dõi bài viết sau của Tinsuckhoe để có thể giải đáp các thắc mắc trên.

Mục lục

  • 1. Tìm hiểu chung về cây khế
  • 2. Tắm lá khế cho trẻ có tác dụng gì?
  • 3. Mẹ nên tắm cho bé bằng lá khế chua hay lá khế ngọt
  • 4. Cách thực hiện và tắm cho bé bằng nước lá khế
  • 5. Một số lưu ý khi tắm cho con bằng nước lá khế

1. Tìm hiểu chung về cây khế

Cây khế còn có tên gọi khác là cây ngũ liêm tử hay khế chua. Ở nước ta

Khế có tên khoa học: Averrhoa carambola L

Họ: Chua me.

  • Khế là loài cây thân gỗ, cây có thể cao tối đa từ 10 – 12 mét.
  • Rễ cây khế thuộc loại rễ trụ, ăn sâu và lan tỏa rộng dưới lòng đất. Nếu cây bằng trồng bằng hạt hoặc ghép thì rễ có thể ăn sâu dưới lòng đất khoảng 2 mét.
  • Lá khế thuộc họ lá kép, lá khế có hình bầu dục và có kích thước nhỏ dần xuống dưới. Mặt dưới của lá khế có màu xanh nhạt hơn so với mặt trên.
  • Hoa thường có màu tím và mọc thành từng chùm, nụ hoa có hình cầu. Đài hoa có 5 lá, ngắn bằng nửa tràng. Tràng gồm 5 cánh hoa mỏng, có hình tròn ở ngọn.
  • Quả to, tiết diện hình ngôi sao 5 cánh, da quả mỏng, mịn và bóng. Khi còn non có màu xanh lục nhạt, khi già chuyển sang màu vàng đậm.
  • Mùa hoa khế từ tháng 4 đến tháng 8, quả thì từ tháng 10 đến tháng 12.

Phân bố: Ở nước ta cây khế được trồng rộng rãi và phân thành 2 loại chính là khế chua và khế ngọt.

Công dụng:

  • Hoa khế có vị chua chát, hơi ngọt, tính bình nên có tác dụng trừ ho, bổ thận sinh tinh, nhuận phế.
  • Quả khế có vị chua ngọt, tính bình nên có tác dụng trong việc giải khát, tiêu viêm, trừ phong. Ngoài ra, quả khế còn chứa nhiều giá trị dinh dưỡng như các loại vitamin C, A, Protein, kali, magie, natri, canxi và sắt. Với các hàm lượng chất calo cao giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch chống lại ho, sốt, đau họng. Đặc biệt, với các chị em phụ nữ còn giúp đẩy lùi quá trình lão hóa và cũng mang lại hiệu quả cho sự phát triển của tóc, giúp tóc mềm và khỏe mạnh hơn.
  • Lá khế có vị chua, chát, tính bình nên có tác dụng trong việc thanh nhiệt, mát huyết, lợi tiểu, tiêu viêm. Trong dân gian, lá khế còn được sử dụng nhiều để chữa nổi mề đay, rôm sảy, mẩn ngứa, lở sơn, sổ mũi, sốt, ho, sốt xuất huyết, viêm đường tiết niệu, viêm ngứa âm đạo ở phụ nữ.
  • Vỏ thân và vỏ rễ cây khế có vị chua chát, hơi ngọt, tính bình nên có tác dụng thanh hỏa nhiệt, trừ ho, tiêu đờm trệ. Ngoài ra, vỏ thân và vỏ rễ khế còn có thể chữa được đau khớp, đau đầu mãn tính, viêm ruột, viêm dạ dày, viêm họng.

2. Tắm lá khế cho trẻ có tác dụng gì?

Việc tắm cho trẻ sơ sinh bằng lá khế mang lại một số tác dụng sau:

Giúp loại bỏ rôm sảy, mẩn ngứa: Rôm sảy, mẩn ngứa là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vào thời tiết oi nóng. Nhiệt độ cao khiến cho trẻ tiết nhiều mồ hôi nhưng không thoát hết ra ngoài, gây bít tắc tuyến mồ hôi, hình thành lên những mụn đỏ và mẩn ngứa. Nhờ lá khế có đặc tính thanh nhiệt, giải độc, giảm ngứa nên có thể giúp bé điều trị được rôm sảy, mẩn ngứa rất hiệu quả.

Giúp làm sạch và bảo vệ làn da cho bé: Việc tắm bằng lá khế có thể giúp loại bỏ được hết các chất bẩn và bã nhờn bám trên bề mặt da, giúp cho da sạch và lỗ chân lông được thông thoáng. Ngoài ra, trong lá khế còn có các thành phần kháng sinh tự nhiên và các tinh dầu nên có khả năng kháng viêm, kháng khuẩn tốt. Nên có thể bảo vệ da của bé khỏi sự tấn công của những vi khuẩn gây hại.

Khắc phục các bệnh lý về da: Theo y học hiện đại, trong lá khế còn chứa nhiều các dưỡng chất như sắt, kẽm, magie, vitamin C, chất chống oxy hóa và chất kháng viêm nên có thể chữa được các chứng bệnh về da rất hiệu quả.

Lá khế là loại lá lành tính, dịu nhẹ nên không làm tổn thương đến làn da nhạy cảm của con. Vì vậy, khi con bị rôm sảy, mẩn ngứa thì mẹ nên dùng lá khế để tắm cho con. So với việc sử dụng các sữa tắm thì việc áp dụng tắm cho bé bằng lá khế an toàn hơn nhiều. Mà mẹ không phải lo ngại về các thành phần chất hóa học có trong lá khế.

3. Mẹ nên tắm cho bé bằng lá khế chua hay lá khế ngọt

Nhờ công dụng tuyệt từ việc tắm cho bé nước lá khế, nhiều mẹ cũng muốn tìm hiểu và dùng để nấu nước tắm cho con nhưng lại băn khoăn không biết nên dùng lá khế chua hay ngọt. Theo kinh nghiệm của nhiều mẹ đi trước, áp dụng tắm cho con bằng nước lá khế để chữa trị rôm sảy, mẩn ngứa và các vấn đề khác về da thì dùng lá khế chữa sẽ có hiệu quả hơn lá khế ngọt. Do đó, nếu mẹ muốn áp dụng để làm cho con thì mẹ nên nấu bằng lá khế chua nhé.

4. Cách thực hiện và tắm cho bé bằng nước lá khế

Trị rôm sảy bằng lá khế là phương pháp dân gian mà hầu hết các mẹ đều đã từng nghe qua. tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách làm nước tắm và sử dụng như thế nào cho đúng, để an toàn với làn da nhạy cảm của trẻ sơ sinh. Dưới đây là các bước thực hiện mà mẹ có thể áp dụng:

Chuẩn bị:

  • Bạn hãy chuẩn bị một nắm lá khế chua tươi, không chọn những lá khế bị sâu, úa, héo. Bạn nên chọn những lá khế bánh tẻ không quá già hoặc quá non. Đem rửa sạch để loại bỏ hết bụi bẩn, vi khuẩn. Sau đó, ngâm với nước muối pha loãng từ 10 – 15 phút, vớt ra rửa lại với nước sạch.
  • Một chậu nước ấm để sau khi tắm xong với nước lá khế thì tráng lại người con.
  • Mẹ chuẩn bị: quần áo, bao chân, bao tay, khăn xô, khăn mặt…những thứ cần thiết để tắm cho con.

Cách thực hiện:

  • Bạn tuốt lá ra khỏi phần gân, chỉ lấy phần lá còn phần gân thì bỏ đi. Vò nhẹ lá khế, sau đó bạn cho lá khế vào nồi đun với 2 lít nước, nước sôi vặn nhỏ lửa đun tầm 5 phút nữa thì tắt bếp. Để cho các chất trong lá khế ngấm hết ra nước.
  • Mẹ đợi cho nước nguội bớt một chút, rồi dùng một chiếc khăn xô để lọc lấy nước, bỏ bã đi.
  • Đổ nước vừa lọc được ra chậu, pha thêm nước lọc vào, sao cho nhiệt độ nước tắm trong chậu từ 35 – 38 độ C thì tắm cho con.

Cách tắm cho bé:

  • Để tránh bé bị trơn trượt, bạn có thể đặt một chiếc khăn ở dưới đáy chậu nước. Sau đó, bạn đặt bé từ từ vào trong chậu, để cho con dần thích nghi với nhiệt độ của nước.
  • Bạn dùng khăn xô lau hết các bộ phận trên cơ thể của con từ trên xuống dưới, xong đến chân, tay. Với những vùng da bị rôm sảy, mụn nhọt hoặc hăm tã, mẹ hãy kỳ thật kỹ những vùng da đó. Đặc biệt, với những vị trí da có nhiều nếp gấp như: cổ, nách, bẹn, háng, hãy tắm sạch những chỗ này.
  • Bạn chỉ nên tắm cho con dưới 5 phút, không nên tắm lâu vì như vậy con sẽ bị lạnh. Tắm xong bằng nước lá khế, bạn hãy tráng lại người cho con với chậu nước ấm đã chuẩn bị trước đó. Để có thể loại bỏ hết các cặn của lá khế bám trên da của bé.
  • Sau khi tắm xong, dùng khăn mềm lau khô người cho con, rồi nhanh chóng mặc quần áo để cơ thể con được giữ ấm.

Đọc thêm: Mực nước trong chậu khi tắm cho bé bao nhiêu là chuẩn?

5. Một số lưu ý khi tắm cho con bằng nước lá khế

  • Khi chọn lá khế để nấu nước tắm cho con, mẹ nên đảm bảo lá khế phải sạch, không chứa thuốc trừ sâu hoặc thuốc bảo vệ thực vật để tránh gây ảnh hưởng đến da của bé.
  • Để đạt được hiệu quả tốt nhất, mẹ chỉ nên tắm cho con 2 – 3 lần/tuần, mỗi ngày chỉ tắm tối đa 1 lần/ngày.
  • Da của trẻ sơ sinh còn non, dễ nhạy cảm và mỗi bé có một cơ địa da khác nhau. Mặc dù, nước lá khế lành tính và mát nhưng không phải bé nào cũng phù hợp với nước lá khế. Vì thế, trước khi tắm cho trẻ sơ sinh, mẹ nên thử xem bé nhà mình có hợp với nước tắm hay không, bằng cách lấy một ít nước lá khế nguyên chất xoa lên cánh tay của con. Sau đó, chờ từ 1 – 2 tiếng, nếu thấy da bé không có hiện tượng dị ứng thì mẹ có thể tắm toàn thân cho con với nước lá khế.
  • Mẹ không nên tắm cho các bé sơ sinh chưa rụng rốn, tránh gây nhiễm khuẩn ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
  • Bạn chỉ nên tắm cho con với một lượng lá khế vừa đủ, không nên nấu nước tắm đặc. Vì trong nước tắm đặc có các bột của lá, khi tắm có thể còn sót trên da gây bít lỗ chân lông dẫn đến viêm da cho bé.
  • Trong trường hợp da con bị mưng mủ, trầy xước thì mẹ không nên tắm cho con trong thời gian này bằng nước lá khế để tránh nhiễm trùng ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.
  • Sau khi áp dụng cho con được một thời gian mà không thấy có dấu hiệu thuyên giảm và có hiện tượng vùng da bị rôm sảy, mụn nhọt lan sang chỗ khác thì bạn nên đưa con đi khám bác sĩ để có biện pháp điều trị kịp thời.

Hi vọng qua bài viết này, Tinsuckhoe có thể cung cấp cho mẹ đầy đủ thông tin về công dụng của việc tắm lá khế cũng như cách tắm như thế nào để con đạt được kết quả cao nhất. Chúc các mẹ áp dụng thành công!

Xem thêm:

  • Mẹ nên làm gì khi bé bị hăm tã.
  • Các loại lá tắm trị rôm sảy cho bé mẹ đã thử chưa?

Từ khóa » Cách Tắm Cho Trẻ Sơ Sinh Bằng Lá Khế