Mách Mẹ Cách Tập Cho Con ăn Bốc - Phunutoday

Giai đoạn 8, 9 tháng là thời điểm bé mọc răng lần đầu và trở nên rất thích nghiền, nhai. Để con tự ăn bốc thức ăn mềm nguyên miếng vào thời điểm này là mẹ đã tận dụng đúng “khung giờ vàng” trong giai đoạn phát triển của con để dạy bé tập nhai và tập ăn thô. Những trẻ được ăn bốc vào thời điểm này thường biết ăn cơm sớm hơn các bạn cùng tháng tuổi.

Thêm vào đó, giai đoạn 8, 9 tháng cũng là “thời điểm vàng” để bé tập luyện kỹ năng cầm theo dạng “gọng kìm”, tức là sử dụng hai ngón tay: ngón cái và ngón trỏ để cầm nắm đồ vật. Ăn bốc chính là một phương pháp hữu hiệu để bé học cách cầm hai ngón và kết hợp kỹ năng tay – mắt – miệng. Những bé được ăn bốc vào thời điểm này thường biết cầm nắm khéo léo hơn những trẻ cùng tháng tuổi.

Trên thực tế, trẻ sơ sinh không cần nhai bằng răng. Bé hoàn toàn có thể nghiền, xé thực phẩm nhờ nướu của mình. Tuy nhiên, mẹ cũng nên đảm bảo chỉ cho bé ăn bốc những thực phẩm đủ mềm và dễ nuốt hoặc đơn giản là khi vào miệng sẽ dễ dàng tan ra.

Dưới đây là những món dễ làm, bổ dưỡng cho các bé ăn bốc:

Khoai lang

Giàu cả vitamin A và C, khoai lang rất bổ dưỡng, lại có hương vị ngọt thơm, dễ ăn. Rửa sạch khoai, gọt vỏ, nấu trong lò vi sóng 2-5 phút, tùy vào kích thước củ.

Sau khi nấu chín, cắt đôi khoai và để nguội. Cạo bớt phần cứng bên ngoài, cắt thành miếng nhỏ và thêm bơ nếu bé thích.

Thịt mềm

Hội Nhi Khoa Mỹ mới đây công bố một báo cáo cho thấy 15% trẻ dưới 3 tuổi không nhận đủ chất sắt - chất cần thiết trong những năm đầu đời của bé. Bạn cần biết là chất sắt trong thịt được hấp thụ tốt và đễ dàng, là một thực phẩm lý tưởng cho trẻ nhỏ.

Thịt dai không chỉ dễ gây hóc mà còn không hấp dẫn đối với trẻ. Thử nấu thịt trong nồi hầm để thịt mềm, nhừ. Lựa chọn tốt nhất là thịt gà, thịt lợn, thịt xay.

Não đang phát triển của trẻ cần những chất béo thiết yếu như omega-3 DHA... Vì các chất béo chủ yếu đến từ các nguồn như cá, nên đây là một phần quan trọng trong chế độ ăn của trẻ tuổi chập chững.

Hãy thử các loại cá có độ thủy ngân thấp như cá hồi, cá ngừ đóng hộp nhỏ và cá rô phi - những loại mềm và dễ cắt thành miếng nhỏ. Bạn cũng có thể chiên cá hình que để bé dễ cầm và hấp dẫn.

Trứng

Với hàm lượng protein cao và rất tốt, đồng thời chứa sắt, choline, vitamin B12, B2 và nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu khác, trứng là thực phẩm hoàn hảo cho trẻ nhỏ. Bạn có thể bác trứng cùng với rau như rau chân vịt hay nấm xào trứng hoặc luộc trứng trước. Trứng chế biến rất nhanh, cung cấp nguồn protein bổ dưỡng cho trẻ phát triển.

Rau, quả mềm

Quả và rau là chất bổ sung tuyệt vời cho bất kỳ bữa ăn nào của trẻ. Cắt trái cây chín, mềm thành miếng nhỏ. Đảm bảo loại trái cây và rau ăn hằng ngày của bé có ít nhất một loại vitamin C như dưa vàng, đu đủ, xoài, kiwi, bông cải xanh, súp lơ và dâu tây.

Với rau, hấp cho đến khi chúng mềm và cắt thành miếng nhỏ và mang cho bé ăn. Đảm bảo mỗi loại rau hay quả bé ăn hằng ngày giàu vitamin A như bí đỏ, cà rốt, khoai lang và rau cải bó xôi.

Táo nghiền

Táo thường bị bỏ ngoài chế độ ăn của trẻ dưới một tuổi vì độ cứng của nó. Nhưng vọt vỏ và nghiền táo, bạn có thể tạo ra một loại thực phẩm ăn bốc tuyệt vời, nhờ nó giàu chất xơ hòa tan, giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.

Pho mát nghiền

Thêm pho mát nghiền vào rau, đậu, trứng và quả để bé ăn trong bữa chính hay bữa phụ. Pho mát là một nguồn protein và canxi rất tốt, nó cũng chứa chất béo đặc biệt cần thiết cho hai năm đầu đời của trẻ.

Đậu

Giàu protein, vitamin B, sắt và chất xơ và dễ cầm ăn bởi các ngón tay nhỏ xíu, đậu có thể thay thế tuyệt vời cho thịt trong bữa ăn. Cần đảm bảo đậu mềm và cắt những hạt đậu to làm đôi. Cho bé ăn cùng bơ và trái cây hay rau giàu vitamin C để giúp tăng cường hấp thụ sắt.

Bạn có thể nấu ngay đậu đã đóng sẵn trong hộp hay ngâm đậu khô qua đêm và nấu trong nồi hầm. Dù bằng cách nào thì đậu cũng rất giàu dinh dưỡng và dễ ăn no nên bạn có thể để nó là một phần trong chế độ ăn của trẻ trong những năm tới.

Ngũ cốc nguyên hạt

Từ mì đến các hạt ngũ cốc giàu sắt, bánh mì đều là lựa chọn tốt cho bữa ăn của trẻ. Nhớ rằng ngũ cốc nguyên hạt chứa tất cả các thành phần của ngũ cốc bao gồm cả mầm, cám - những thứ chứa chất xơ và giàu chất dinh dưỡng.

Cho bé ăn đa dạng

Cho bé làm quen với nhiều vị, nhiều loại thức ăn khác nhau trong giai đoạn từ 9 tháng đến 15-18 tháng sẽ có thể ngăn ngừa được thói kén ăn sau này. Hãy tranh thủ giai đoạn này để đưa ra cho bé nhiều thực đơn phong phú. Tránh nêm muối, còn mọi gia vị khác - kể cả tỏi hay hành đều có thể dùng cho bé được.

Các loại thức ăn cần tránh

Xúc xích, kẹo cứng hay kẹo gôm, kẹo cao su, hột lạc, nho khô, các loại hạt, bỏng ngô, hoa quả sấy. Bất kể loại thức ăn nào có kích cỡ không phù hợp cũng đều gây nguy cơ hóc cho trẻ. Nếu cho bé ăn, cà rốt đã hấp chín phải thái hạt lựu nhỏ, nho tươi cho ăn miếng bằng 1/4 quả, bánh quy giòn đập giập...

Các dấu hiệu trẻ đã sẵn sàng ăn bốc

- Ngồi vững trên ghế ăn, giữ đầu tốt

- Bé có thể nhặt những mẫu thức ăn nhỏ đưa chúng vào miệng

- Bé biết nhay nhay bằng lợi (cha mẹ hãy cho bé những miếng thức ăn nhỏ xíu cỡ hạt đậu hay cái móng tay, phòng khi bé nuốt chửng).

- Khi bé chưa mọc răng sữa, bé vẫn có thể bắt đầu ăn bốc. Khi lợi của trẻ đã đủ cứng để nhai đồ ăn.

Từ khóa » Các Món Cho Trẻ ăn Bốc