Mafia Sicilia – Wikipedia Tiếng Việt

Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. Mời bạn giúp hoàn thiện bài viết này bằng cách bổ sung chú thích tới các nguồn đáng tin cậy. Các nội dung không có nguồn có thể bị nghi ngờ và xóa bỏ. (Tìm hiểu cách thức và thời điểm xóa thông báo này)
Biểu tượng tiêu biểu của Mafia con bạch tuộc: ngay cả khi mất đầu thì các xúc tu của nó vẫn hoạt động bên ngoài [1].

Mafia (còn có tên Cosa Nostra) là một tổ chức tội phạm bí mật của người Sicilia được hình thành vào giữa thế kỉ 19 tại vùng đảo Sicilia thuộc Ý. Một trong những bộ phận hậu duệ của nó xuất hiện ở vùng ven biển miền đông Hoa Kỳ và Úc, được du nhập cùng với làn sóng di cư của người Sicilia và các cư dân khác thuộc miền nam của Ý. Ở Bắc Mỹ, Mafia dùng để chỉ các tổ chức tội phạm của Ý nói chung, chứ không hẳn là chỉ giới tội phạm của riêng cộng đồng Sicilia. Theo nhà sử học Paolo Pezzino "Mafia là một tổ chức tội phạm không những chỉ hoạt động trong một số lĩnh vực bất hợp pháp; mà còn là một tổ chức đa chức năng như là một thế lực của một vùng, một khu vực nhất định...".

Cosa Nostra là một liên minh không chặt chẽ của hàng trăm nhóm Mafia, còn được gọi là gia đình. Mỗi tổ chức này có quyền kiểm soát một vùng lãnh thổ riêng, thường là một thị trấn, một làng hay một vùng của một thành phố lớn và thường không có nhiều các hoạt động xâm lấn hay bạo lực giữa các địa bàn hoạt động của nhau. Qua thời gian cơ cấu tổ chức của các gia đình hình thành nên dạng liên minh vừa giữ quyền lực trung tâm vừa có các tổ chức bộ phận và Cosa Nostra được hình thành từ cuối những năm 1950.

Một số nhà quan sát cho rằng, Mafia chỉ là những dấu hiệu đặc trưng có nguồn gốc văn hoá như là "lối sống". Khi giải thích về Mafia, nhà dân tộc học người Sicilia Giuseppe Pitrè cho rằng: "Mafia theo quan niệm thông thường nói rộng ra, đây là một lực lượng đứng ra phán xử những mâu thuẫn, xung đột, quyền lợi hay những quan điểm khác nhau".

Nhiều người Sicilia không nhất trí về quan niệm mang tính tội phạm của các nhân vật trên, nhưng đều nhất trí rằng đây là một tổ chức hình thành để bảo vệ những người nghèo hèn trong xã hội. Cuối những năm 1950, trên bia mộ của một thủ lĩnh huyền thoại Mafia là Villalba Calogero Vizzini có ghi hàng chữ: "Ông là một Mafia; tuy phạm tội nhưng ông cũng rất tôn trọng pháp luật, bảo vệ lẽ phải và là một nhân cách vĩ đại. Đó là con người đáng kính". Ở đây Mafia có nghĩa là niềm kiêu hãnh, niềm vinh dự hay thậm chí là trách nhiệm xã hội như: quan điểm, chứ không phải một tổ chức. Tương tự như vậy, vào năm 1925, chủ tịch hạ viện Ý, ngài Vittorio Emanuele Orlando xuất hiện trước quốc hội và ông rất hãnh diện với tên gọi mafioso (thành viên của Mafia), vì từ này có hàm ý là danh giá, quý phái và hào phóng.

Từ nguyên

[sửa | sửa mã nguồn]

Có một số giả thuyết về nguồn gốc của từ này. Theo tiếng Sicilia, tính từ mafiusu có lẽ vay mượn từ gốc Arập là mahyas có nghĩa là " ba hoa, hiếu chiến" hay marfud có nghĩa là "đồ bỏ đi". Đại khái được dịch theo nghĩa chung là " thái độ nghênh ngang" hay cả nghĩa " tính gan dạ, anh hùng". Khi liên hệ với một người, theo ý kiến của nhà nghiên cứu Diego Gambetta, mafiusu vào thế kỉ 19 ở Sicilia được hiểu theo các nghĩa là: sự ức hiếp, tính kiêu ngạo, can đảm, mạnh dạn, kiêu hãnh.

Theo nhà dân tộc học người Sicilia Giuseppe Pitrè, mối liên hệ của từ này với những băng đảng tội phạm bí mật mới hình thành ở Sicilia và Ý mới chỉ sau này. Vì thế nguồn gốc từ Mafia mang tính chất hoang đường, lỏng lẻo và rất khó giải thích cặn kẽ. Thuật ngữ "Mafia" sau này được dùng trong cộng đồng Ý như đã nêu trên quả là một hiện tượng kỳ lạ. Từ "Mafia" xuất hiện lần đầu tiên trên công luận vào năm 1865 trong bản báo cáo của quận trưởng thị trấn Palermo ngài Filippo Antonio Gualterio. Leopoldo Franchetti, một quan chức chính phủ Ý tới Sicilia và đã viết một báo cáo cặn kẽ nhất về Mafia vào năm 1876. Ông coi Mafia là "tổ chức bạo lực" và mô tả cấu trúc của Mafia như sau: "Mafia chắc chắn là một hệ thống bạo lực chỉ có điều gọi nó như thế nào và xem nó có ảnh hưởng tới tính chất xã hội cũng như vai trò của nó đối với Sicilia như thế nào thôi. Chúng còn có một số tên gọi biến tướng ở những vùng khác nhau nữa". Ông cho rằng, Mafia ăn sâu bén rễ vào đời sống xã hội của Sicilia và nếu không dập tắt được nó, thì những kiến trúc xã hội của vùng đảo phía nam này sẽ bị nó lấn át.

Tên đích thực: Cosa Nostra

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo một số thành viên của Mafia thì tên đích thực của Mafia là Cosa Nostra (của chúng ta). Theo tên Mafia đào tẩu Tommaso Buscetta thì từ "Mafia" là sự hư cấu mang tính văn chương. Những tên Mafia đào tẩu khác như Antonio Calderone và Salvatore Contorno cũng nói tương tự. Theo họ, tên thật sự của tổ chức này là "Cosa Nostra". Đối với một người, niềm vinh hạnh đứng trong tổ chức này thì không cần đặt tên cho nó. Các thành viên của Mafia giới thiệu với nhau hay các thành viên khác thuộc về "Cosa Nostra" (việc của chúng ta) hay la stessa cosa (việc giống nhau). Có nghĩa là "anh ta cũng giống như thế, đều là thành viên của Mafia, như anh thôi". Chỉ có những người ngoài thế giới Mafia mới cần tên để gọi chúng, sau đó viết hoa thành "Cosa Nostra".

Cosa Nostra được dùng lần đầu tiên vào năm 1960 ở Mỹ, do một tên là thành viên của Mafia nhưng sau đó ra toà làm nhân chứng. Cũng trong thời gian đó, nó trở thành tên riêng được FBI sử dụng và được các phương tiện thông tin đại chúng phổ biến rộng rãi. Sau đó thuật ngữ này được sử dụng khắp nơi thay thế cho tên gọi Mafia trước đây. Thậm chí FBI còn đề xướng một cách gọi là "La Cosa Nostra", trong tiếng Ý từ "la" được dùng như một mạo từ đứng trước danh từ Mafia, tương tự như "a, the" trong tiếng Anh.

Những tên khác

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong lịch sử, Mafia mang nhiều tên khác nhau, như: xã hội danh giá. Các thành viên của Mafia cũng tự gọi họ là những con người danh giá.

Nghi thức của Cosa Nostra Sicilia

[sửa | sửa mã nguồn]

Một nghi thức hướng tới hình thành của hầu hết mọi gia đình Mafia là khi thành viên tập hợp thành một hội và sau đó trở thành một đội quân. Theo sự mô tả của Tommaso Buscetta, người bị thẩm phán Giovanni Falcone chất vấn, thì một thành viên mới gia nhập phải có ít nhất "ba người bảo lãnh" (có uy tín) của gia đình Mafia và người già nhất cảnh báo với anh ta là vào "nhà này" tức là phải bảo vệ những người yếu chống lại những kẻ mạnh; sau đó anh ta được chọc kim vào đầu ngón tay cho máu nhỏ xuống một bức hình, thường là tượng thánh để làm lễ tuyên thệ. Bức hình này được đặt trong lòng bàn tay của người mới gia nhập và châm vào lửa; khi hình cháy hết anh ta bắt đầu lời thề sẽ trung thành với luật lệ của Cosa Nostra, với lời trang trọng "máu thịt tôi sẽ chảy như bức hình này nếu tôi không giữ trọn lời thề của mình". Joseph Valachi là người đầu tiên nói lên điều đó trước toà. Ở Sicilia cũng có một điều luật im lặng gọi là omertà, cấm tất cả mọi người đàn ông bình thường, phụ nữ, trẻ em hợp tác với bất cứ một cảnh sát hay quan chức chính quyền nào, bằng không sẽ chết.

Lịch sử Cosa Nostra Sicilia

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Đã từ lâu, người ta đưa ra giả thuyết rằng Mafia ra đời vào thời trung cổ. Pentito Tommaso Buscetta quá cố (pentito- người cộng tác với pháp luật) cũng nghĩ như thế, nhưng các học giả đôi khi lại nghĩ khác. Có lẽ nguồn gốc của Mafia hình thành nên như một tổ chức xã hội bí mật nhằm bảo vệ người dân Sicilia chống lại mối đe doạ của quân xâm lược Catalan vào thế kỉ thứ 15. Tuy nhiên, có rất ít những chứng cứ ủng hộ những giả thuyết đó. Một khả năng khác có nguồn gốc từ "Robin Hood" gắn với xã hội ngoài pháp luật Sicilia, tồn tại lâu dài và được người dân nơi đây chấp nhận. Cách lý giải nữa về nguồn gốc này cho thấy rằng, Mafia là những kẻ phiến loạn chính đáng để bảo vệ người dân chống lại sự áp bức của quân xâm lược La Mã hay đội quân miền bắc nước Ý.

Sau cuộc cách mạng năm 1848 và năm 1860, Sicilia thất thủ và rơi vào hỗn loạn. Lúc đầu mafiosi (các hội hay thành viên mafia) biệt lập với nhau tạo thành những băng đảng ngoài pháp luật, chuẩn bị vũ khí để nổi dậy. Arthur John Dickie cho rằng, đây chỉ là cách biện hộ để đánh lừa và bắn giết cảnh sát mà thôi. Tuy nhiên khi chính phủ mới được hình thành ở Rome, thì rõ ràng là Mafia không có khả năng làm những việc ấy, chúng bắt đầu thay đổi phương pháp và chiến thuật trong suốt nửa cuối thế kỉ 19. Các khu rừng, các vùng đất của các quý tộc bắt đầu sinh lợi nhưng cũng rất nguy hiểm. Lúc đầu Palermo là địa bàn chính của những hoạt động này, nhưng sau đó Mafia Sicilia nhanh chóng ảnh hưởng sang miền tây của hòn đảo này. Để củng cố giao kèo giữa các băng đảng với nhau, nhằm tăng lợi nhuận và đảm bảo môi trường lao động an toàn, có thể Mafia đã được hình thành vào khoảng thời gian giữa thế kỉ 19.

Mafia sau khi thống nhất nước Ý

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1860, nước Ý thống nhất các vùng lãnh thổ lần đầu tiên bao gồm cả Sicilia và Papal, Giáo hoàng phẫn nộ với chính phủ nước này. Từ năm 1870, Giáo hoàng cho rằng lãnh thổ bị bao vây bởi nước Ý và thúc giục nhà thờ không hợp tác với nước này. Nhìn chung nước Ý không khuyến khích bạo lực. Sicilia có tổ chức nhà thờ rất mạnh, nhưng lại đa dạng về sắc tộc chứ không mạnh về mặt tri thức và xã hội và lại có truyền thống đứng ngoài sự kiểm soát của chính quyền trung ương. Sự va chạm giữa chính quyền và nhà thờ tạo cho các băng đảng ở Sicilia đại diện cho những người dân nơi đây hợp tác với chính quyền trung tâm (chuẩn bị cho việc hình thành nước Ý thống nhất) chống lại các hoạt động của nhà thờ. Trải qua hai thập kỉ kể từ khi hình thành quốc gia thống nhất vào năm 1860, hoạt động của Mafia mới được công chúng chú ý tới, nhưng nó được quan niệm như một hệ thống giá trị và quan điểm hơn là một tổ chức.

Sự đề cập tới Mafia một cách chính thức bằng tư liệu bắt đầu từ những năm 1800, khi Galati đề cập tới vấn đề bạo lực của Mafia địa phương nhằm trục xuất Galati khỏi vùng rừng mà hắn chiếm cứ. Nhằm bảo vệ các đàn gia súc khỏi bị trộm cắp, mua chuộc các quan chức chính quyền là những nguồn thu nhập chính và bảo đảm cho hoạt động của Mafia giai đoạn đầu. Cosa Nostra cũng du nhập những nghi thức hoạt động từ Tam Điểm hội, như trong buổi lễ kết nạp thành viên mới nổi tiếng.

Giai đoạn Phát- xít

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong suốt giai đoạn chủ nghĩa Phát- xít nắm quyền ở Ý, Cesare Mori là quận trưởng thành phố Palermo, ông đã dùng quyền lực của mình để chống Mafia. Ông đã buộc nhiều tên Mafia phải chạy ra nước ngoài hay ra toà. Nhiều tay Mafia chạy sang Mỹ, trong số đó có Joseph Bonanno với biệt danh là Joe Bananas, sau này thống lĩnh toàn bộ hệ thống Mafia ở Mỹ. Tuy nhiên khi bị Mori truy quét thì nhiều tên Mafia lại tìm cách chui vào hàng ngũ Phát- xít, chúng lại tiếp tục bị phá vỡ và chính quyền Phát- xít tuyên bố rằng Mafia đã bị xóa sổ. Mặc dù Mafia đã bị suy yếu, nhưng nó không bị đánh đổ hoàn toàn như báo cáo. Mặc dù tấn công vào các đạo hữu của chúng, nhưng giới Mafia ở New York vẫn hết sức khâm phục Mussolini, đặc biệt là Vito Genovese (mặc dù hắn đến Mỹ từ Naples, chứ không phải Sicilia).

Sự hồi sinh thời hậu chiến

[sửa | sửa mã nguồn]

Khi Phát-xít sụp đổ, Mafia không phát triển mạnh lên cho tới khi nước này đầu hàng đồng minh và bị Mỹ chiếm đóng. Quân đội Mỹ đã sử dụng Mafia Ý để liên lạc trong giai đoạn của cuộc chiến ở Ý và Sicilia năm 1943. Lucky Luciano và những tay Mafia khác bị giam cầm ở Mỹ đã được trưng dụng để cung cấp thông tin cho quân đội Mỹ và dùng uy tín của Luciano để chiến dịch quân sự được tiến hành thuận lợi hơn. Hơn nữa, Luciano còn có nhiệm vụ bảo vệ các cảng biển của Mỹ khỏi bị quân Phít- xít phá hoại.

Có một số ý kiến cho rằng, cục chiến lược Mỹ đã cảnh báo với CIA rằng nên cẩn nhắc kỹ khi cho phép Mafia hoạt động trở lại trong vai trũ chống chính quyền ở Sicilia. Ở Mỹ, Mafia được quân đội huấn luyện cho tới năm 1943, đây trở thành bước ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử Mafia và đã tạo nên hình thức hoạt động mới cho giai đoạn 60 năm sau. Hơn nữa nhà sử học Palermo Francesco Renda đã tranh luận rằng, không có sự liên minh như thế. Mafia đã lợi dụng tình trạng hỗn loạn của thời kì hậu Phát-xít để giành lại vị thế xã hội ở Sicilia. OSS (tiền thân của CIA) đã đưa ra một "báo cáo về tình hình Mafia" vào năm 1944, do W. E. Scotten đảm nhận, ông nhận định Mafia đã hồi sinh và cảnh báo về những hiểm hoạ của nó đối với trật tự xã hội và phát triển kinh tế. Ông còn viện dẫn thêm rằng, những lợi nhuận (nhìn từ góc độ của Mỹ) đã tạo ra lực lượng Mafia Sicilia chống lại ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản.

Chuyên gia nghiên cứu về buôn bán ma tuý, tiến sĩ Alfred W. McCoy cho rằng, Luciano đã được đánh đổi án ngồi tù để tại ngoại do những đóng góp của ông ta. Sau chiến tranh Luciano được phóng thích khỏi nhà tù và bị đày về Ý, tại đây hắn có điều kiện hoạt động phạm tội mà không bị cản trở. Hắn trở lại Sicilia năm 1946 để tiếp tục hoạt động, được McCoy đề cập tới trong cuốn "hoạt động buôn bán heroin ở Đông Nam Á" vào năm 1972. Luciano đó liên minh với Mafia đảo Coóc, phát triển mạng lưới buôn bán heroin toàn cầu; lúc đầu là nguồn cung cấp từ Thổ Nhĩ Kỳ nhập vào Mác-xây, trong cái gọi là "điểm trung chuyển Pháp". Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu loại trừ cây thuốc phiện, hắn lại liên hệ với giới Mafia đảo Coóc để lấy hàng từ miền nam Việt Nam. Trong khi liên kết với các thủ lĩnh ở Mỹ trong đó có Santo Trafficante Jr, Luciano và những người kế vị của hắn đã lợi dụng tình trạng hỗn loạn do cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam để phát triển nguồn cung ứng heroin tại "vùng tam giác vàng", nơi đây đã nhanh chóng trở thành địa điểm cung cấp heroin lớn nhất cho Mỹ, Úc và nhiều quốc gia khác.

Phiên toà Maxi và cuộc chiến chống lại chính quyền

[sửa | sửa mã nguồn]

Cuộc chiến Mafia lần thứ hai diễn ra vào đầu những năm 1980, đây là cuộc xung đột lớn nhất trong nội bộ Mafia dẫn tới việc ám sát một số nhà chính trị, cảnh sát trưởng và các vị chánh án.

Salvatore Riina và đồng bọn Corleonesi rốt cuộc đã chiến thắng. Các thế hệ Mafia mới hướng tới lao động chân tay hơn là mánh khoé gian lận theo kiểu truyền thống. Để đáp lại xu thế phát triển này, người Ý đưa ra tên gọi là Cosa Nuova (cái mới) để đối lại Cosa Nostra và thể hiện sự cách tân. Một trong những tay Mafia cộm cán đầu tiên(bị bắt và cộng tác với toà án) là Tommaso Buscetta bị mất hết đồng minh trong cuộc chiến và đã tiết lộ với chánh án Giovanni Falcone từ năm 1983. Điều này dẫn đến phiên toà Maxi (1986-1987) kết quả là hàng trăm tên Mafia đã bị lộ diện. Khi toà án tối cao Ý kết tội những tên này vào tháng 1 năm 1992 thì Riina tiến hành trả thù. Nhà chính trị Salvatore Lima đã bị giết vào tháng 3 năm 1992, ông đã nghi ngờ có sự liên kết giữa chính quyền với Mafia từ lâu(sau đó được Buscetta làm nhân chứng) và Mafia đã trút cơn tức gận lên ông. Falcone và người bạn chống Mafia của ông Paolo Borsellino cũng bị giết một vài tháng sau đó. Những điều đó dẫn đến sự phẫn nộ của công luận và đòi chính phủ phải trừng trị thích đáng, kết quả là Riina đó bị bắt vào tháng 1 năm 1993. Rất nhiều tên Mafia dần dần lộ diện. Rất nhiều tiền được trả cho các hoạt động liên quan tới giết người, ví dụ như vợ, anh chị em và cô dì, chú bác của kẻ đào tẩu Francesco Marino Mannoia đã bị giết.

Corleonesi đã trả thù bằng hàng loạt các vụ khủng bố đánh bom vào một số điểm du lịch trên lãnh thổ Ý. Các điểm Via dei Georgofili ở Florence, Via Palestro ở Milano, Piazza San Giovanni ở Laterano và Via San Teodoro ở Rome bị đánh bom làm cho 10 người bị thiệt mạng, 93 người bị thương và nhiều công trình bị phá huỷ, trong đó có khu triển lãm nghệ thuật Uffizi. Bernardo Provenzano lên thay Corleonesi, hắn tạm dừng chiến dịch khủng bố và thay vào đó là chiến dịch im lặng được gọi là pax mafiosi. Chiến dịch đó làm cho Mafia hồi phục dần dần như trước đây. Hắn đã bị bắt vào năm 2006 sau 43 năm hoạt động.

Mafia hiện đại ở Ý

[sửa | sửa mã nguồn]

Sự chia rẽ của Mafia ở Sicilia trong giai đoạn hiện nay là vì các ông chủ đang bị kết án và ở trong tù, trong đó có Riina và Bernardo Provenzano, nhưng cũng có kẻ chưa bị kết tội. Những ông chủ ở trong tù lâu năm rất khó chỉ đạo những hoạt động ở bên ngoài. Antonino Giuffrè, bạn thân của Provenzano đã nhanh chóng thay thế hắn ngay sau khi tên này vào tù năm 2002. Năm 1993, Cosa Nostra đã tiếp xúc trực tiếp với đại diện của thủ tướng Silvio Berlusconi. Ông đã gợi ý bãi bỏ một số điều chống Mafia trong đạo luật 41 bis và đã trao quyền bầu cử riêng đối với Sicilia.

Giuffrè cho rằng tuyên bố không được khẳng định. Quốc hội Ý được sự ủng hộ của đảng Dân chủ-Tự do thiên chúa giáo của Silvio Berlusconi đã phải phê chuẩn lại đạo luật 41 bis đã bị hết hạn vào năm 2002, nhưng vẫn còn hiệu lực 4 năm nữa để áp dụng cho các tội phạm khác như khủng bố. Tuy nhiên theo bài báo của L'Espresso đăng trên một tờ báo hàng đầu của Ý, thì có khoảng 1/5 trong số 119 tên Mafia bị ngồi tù vì đạo luật 41 bis được phóng thích. Tổ chức ân xá quốc tế đã khẩn trương xem xét lại đạo luật 41 bis có đề cập tới "tội ác vô nhân tính hay đối xử đê hèn" đối với tù nhân.

Hơn nữa, Salvatore Riina như đã đề cập ở trên, nhà chính trị Giulio Andreotti, chánh án toà án tối cao Corrado Carnevale bị nghi ngờ có dính líu với Mafia trong một giai đoạn dài.

Cuối những năm 1990, Cosa Nostra bị suy yếu, lợi tức chính là do buôn bán ma tuý từ Calabria tới Ndrangheta. Năm 2006 chúng kiểm soát theo ước tính tới khoảng 80% lượng cocaine bán vào châu Âu. Mafia còn tống tiền các công ty lớn, nhỏ khác nữa. Ước tính có tới khoảng 7% thu nhập của Ý do các tổ chức tội phạm mang lại. Mafia đã trở thành một hoạt động kinh doanh lớn nhất ở Ý, đem lại lợi tức hơn 120 tỷ đô la Mỹ hàng năm.

Mười điều răn

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2007, cảnh sát Sicilia đã tìm thấy 10 điều răn tại nơi ở của Salvatore Lo Piccolo (một trong những tay trùm Mafia). Cũng tương tự như 10 điều răn trong Kinh Thánh của Thiên Chúa Giáo, nhằm khuyên răn những chiến hữu của chúng trở thành những thành viên trung thành. Mười điều răn đó như sau:

1. Không ai được phép giới thiệu trực tiếp mình với một thành viên khác của chúng ta. Phải có một người thứ ba làm trung gian.

2. Không bao giờ được nhòm ngó tới vợ của bạn bè.

3. Không được để bị nhìn thấy cùng cảnh sát.

4. Không được đến quán rượu hay hộp đêm.

5. Luôn sẵn sàng với Cosa Nostra, đó là một nghĩa vụ. Thậm chí vợ sắp đẻ.

6. Phải tuyệt đối tôn trọng các cuộc hẹn.

7. Phải tôn trọng với các bà vợ.

8. Khi được hỏi về bất kỳ thông tin nào, phải nói sự thật.

9. Không được chiếm đoạt tiền của người khác hay của gia đình khác.

10. Những người không được trở thành thành viên của Cosa Nostra: Nếu có họ hàng gần trong ngành cảnh sát, trong gia đình có người dối trá, cư xử tồi và không có phẩm hạnh.

Theo lời luật của Antonino Calderone về Mười điều răn vào năm 1987: Luật lệ là không được động đến vợ của những người danh giá, không được ăn cắp của những người đàn ông danh giá và nói chung của bất cứ ai; không được dính tới mại dâm; không được giết những người đàn ông danh giá, trừ khi thật cần thiết; tránh cung cấp thông tin cho cảnh sát; không được tranh chấp với những người đàn ông danh giá để duy trì hòa khí; giữ kín về nội bộ Cosa Nostra với người bên ngoài; tránh giới thiệu bản thân với những đàn ông danh giá.

Những Mafia Sicilia nổi bật nhất

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Vito Cascio Ferro bị Cesare Mori tống giam.
  • Calogero Vizzini (1877 – 1954): được coi là một trong những tên trùm Mafia có ảnh hưởng nhất ở Sicilia kể sau từ chiến tranh thế giới 2 cho tới khi hắn chết năm 1954.
  • Stefano Magaddino (1891 – 1974): được coi là "bố già uy quyền của Cosa Nostra", hoạt động ở các thành phố Buffalo và Detroit.
  • Giuseppe Genco Russo (1893 – 1976): sếp của Mussomeli, được coi là người kế thừa Calogero Vizzini.
  • Michele Navarra (1905 – 1958): đứng đầu gia đình Corleone từ năm 1930 tới 1958
  • Salvatore "Ciaschiteddu" Greco (1923 – 1978): đứng đầu gia đình Mafia ở Ciaculli, từng là thư ký đầu tiên của liên minh Mafia từ năm 1958.
  • Gaetano Badalamenti (1923 – 2004): sếp của gia đình Mafia ở Cinisi
  • Angelo La Barbera (1924 – 1975): chủ của gia đình Mafia ở Palermo
  • Michele Greco (1924 – 2008): chủ của gia đình Mafia ở Croceverde
  • Luciano Liggio (1925 – 1993 chủ của gia đình Mafia ở Corleone
  • Tommaso Buscetta (1928 – 2000): Mafia Sicilia trở thành nhân vật quan trọng năm 1984. Buscetta đứng ra làm chứng trong suốt phiên toà Maxi.
  • Salvatore Riina (sinh năm 1930): còn được gọi là Totũ Riina là một trong những thành viên khét tiếng của Mafia Sicilia. Hắn có biệt hiệu là "cục súc" hay được còn được gọi là "gã lùn"(U Curtu trong tiếng Sicilia) và hắn điều hành Mafia bằng bàn tay sắt trong giai đoạn từ những năm 1980 cho tới khi hắn bị bắt vào năm 1993.
  • Bernardo Provenzano(sinh năm 1933): người kế vị Riina là một trong những cánh tay phải của Corleonesi và là một trong những nhân vật có uy quyền nhất của Mafia Sicilia. Provenzano lẩn trốn pháp luật từ năm 1963. Hắn bị bắt vào ngày 11 tháng 4 năm 2006 tại Sicilia. Trước khi bị bắt, các nhà điều tra đã phải theo dõi hắn trong suốt 10 năm.
  • Stefano Bontade (1939 – 1981): sếp của gia đình Mafia ở Santa Maria di Gesu.
  • Leoluca Bagarella (sinh năm 1941): thành viên của gia đình Mafia Corleone bị bắt năm 1995
  • Salvatore Lo Piccolo (sinh năm 1942): được coi là một trong những người kế vị Provenzano.
  • Salvatore Inzerillo (1944 – 1981): sếp của gia đình Mafia ở Passo di Rigano
  • Giovanni 'Lo Scannacristiani' Brusca (sinh năm 1957): dính líu tới vụ ám sát chánh Giovanni Falcone.
  • Matteo Messina Denaro (sinh năm 1962): được coi là một trong những người kế vị Provenzano.
  • Michele Cavataio: bị chết do giao tranh giữa các băng Mafia năm 1969
  • Benedetto Santapaola (sinh 1938): nhân vật quan trọng nhất của Mafia ở Catania.

Cấu trúc của Cosa Nostra Sicilia

[sửa | sửa mã nguồn]

Cosa Nostra được các thành viên của Mafia coi là một "tổ chức danh giá", chuỗi các mệnh lệnh được tổ chức theo dạng hình kim tự tháp, giống như mô hình của liên minh hiện đại.

Cấu trúc truyền thống

[sửa | sửa mã nguồn]

1.Capo di Tutti Capi: là "ông chủ của mọi ông chủ"

2. Capo di Capi Re: "Hoàng đế của các ông chủ", danh hiệu thể hiện sự kính trọng đối với những Mafia cao tuổi đã nghỉ hưu.

3. Capo Crimine: "ông chủ phạm tội", còn gọi là Don - Đứng đầu gia đình Mafia phạm tội ác. Sếp của gia đình Mafia.

4. Capo Bastone: "sếp của câu lạc bộ", còn gọi là "Underboss" nhận mệnh lệnh cấp hai từ Capo Crimine. Còn được gọi là sếp phó.

5. Consigliere: cố vấn

6. Caporegime: "đội trưởng", người nắm giữ một đội quân khoảng 10 người thi hành nhiệm vụ.

7. Sgarrista hay Soldato: "người lính", là thành viên của Mafia có nghĩa vụ phục vụ như một người lính.

8. Picciotto:"người đàn ông bé nhỏ": một số lượng nhỏ những người ép buộc làm việc cho Mafia.

9. Giovane D'Onore: một hội gồm các thành viên, thường không phải gốc Ý và Sicilia

Cấu trúc của Mafia Ý

[sửa | sửa mã nguồn]

1. Capofamiglia: Sếp

2. Consigliere: cố vấn

3. Sotto Capo: sếp phó

4. Capodecina: ban lãnh đạo

5. Uomini D'onore: thành viên danh dự

Mafia Mỹ

[sửa | sửa mã nguồn]

Mafia Mỹ (hay còn được gọi là Cosa Nostra Mỹ), có nguồn gốc từ Mafia Sicilia nổi lên ở vùng ven biển miền đông nước Mỹ trong giai đoạn thế kỉ 19 theo làn sóng nhập cư của người Sicilia (hay còn được gọi là diaspora Ý). Mafia Mỹ gốc Ý thống trị các tổ chức tội phạm ở nước này. Nó duy trì các hoạt động phạm tội ở hầu hết các thành phố lớn như Chicago và New York; các thành phố ở vùng đông bắc và nhiều vùng khác, trong đó có: Philadelphia, Las Vegas, New Orleans và nhiều thành phố khác. Mafia nổi danh và đã đi vào nền văn hoá Mỹ; được dựng thành phim, truyền hình, quảng cáo thương mại và trò chơi game.

Mafia Mỹ gốc Ý, đặc biệt là 5 gia đình Mafia ở New York có nguồn gốc từ Mafia Sicilia và tồn tại biệt lập nhiều năm ở Mỹ. Ngày nay Mafia Mỹ liên kết với một số tổ chức tội phạm có nguồn gốc từ Ý, như Camorra có tổ chức đầu não ở Ý. Bị hiểu lầm là " Mafia gốc", nhưng cũng là một tổ chức tội phạm láng giềng lâu đời nhất không phải chỉ có hoạt động ở Mỹ. Năm 1986, theo báo cáo của chính phủ, ước tính có khoảng 1700 tổ chức Cosa Nostra với hàng ngàn thành viên của chúng. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Mafia Mỹ gốc Ý là tổ chức tội phạm lớn nhất nước Mỹ và nó tiếp tục thống lĩnh nghiệp đoàn tội phạm Mỹ, cho dù tiếp tục xuất hiện nhiều băng nhóm đường phố khắc.

Cosa Nostra Mỹ hoạt động mạnh nhất ở vùng New York,, Philadelphia, New England, Detroit và Chicago; tổng cộng có tới 26 gia đình Cosa Nostra trên toàn nước Mỹ.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Xuất xứ: "bàn tay đen"

[sửa | sửa mã nguồn]

Các nhóm Mafia xuất hiện và hoạt động đầu tiên là xung quanh khu vực thành phố New York, ban đầu từ các khu vực nghèo khó của người Do Thái láng giềng, dần dần biến thành những tổ chức tội phạm quốc tế. Mafia Mỹ gốc Ý bắt đầu từ La Mano Nera, "bàn tay đen", tức là tống tiền những người Ý(và các cộng đồng nhập cư khác) xung quanh thành phố New York. Các băng "bàn tay đen" có thể đe doạ họ bằng thư, nếu những đòi hỏi không được đáp ứng. Thư đe doạ này đôi khi được điểm chỉ bằng dấu tay dính mực đen ở cuối thư. Đặc biệt là khi những băng tội phạm Sicilia nhập cư vào Mỹ, chúng hoạt động phạm pháp dưới dạng cho vay nặng lãi, mại dâm, ma tuý, buôn rượu lậu, cướp giật, bắt cóc, giết người. Nhiều người Ý di cư nghèo phải bám vào Mafia để mong có được vị thế và thoát khỏi nghèo đói.

Giuseppe Esposito là tên Mafia Sicilia đầu tiên nhập cư vào Mỹ. Hắn cùng với 6 người bạn của hắn chuồn sang Mỹ sau khi đã giết 11 chủ đất giàu có, một số vị quan chức tỉnh Sicilia. Hắn đã bị bắt ở New Orleans năm 1881 và bị dẫn độ về Ý.

New Orleans cũng là nơi ẩn náu đầu tiên của Mafia ở Mỹ, tại đó chúng thu hút sự chú ý cả ở trong nước và quốc tế. Ngày 15 tháng 10 năm 1890, viên sĩ quan cảnh sát của New Orleans tên là David Hennessey đã bị bắn chết theo lệnh ám sát. Hàng trăm tên Mafia Sicilia bị bắt và 19 tên trong số đó đã bị kết án về tội giết người. Nhưng sau đó được tha bổng, theo tin đồn là hối lộ và đe doạ những người làm chứng. Quá bất bình, những người dân của New Orleans đã xông vào giết chết 11 tên trong số 19 tên này. Hai tên bị treo cổ, 9 tên bị bắn và 8 tên trốn thoát.

Giai đoạn từ những năm 1910 đến những năm 1920 có 5 cụm băng đảng Mafia Sicilia hình thành ở thành phố New York.

Sự nổi lên trong giai đoạn ban hành đạo luật cấm rượu

[sửa | sửa mã nguồn]

Charles "Lucky" Luciano là một trong những ông chủ nổi tiếng nhất của thế giới ngầm ở Mỹ. Sự hoạt động của Mafia bị giới hạn từ năm 1920, bị phá sản bởi đạo luật cấm sản xuất và buôn bán rượu. Hoạt động của băng đảng Al Capone những năm 1920 chỉ giới hạn trong phạm vi Chicago.

Cuối những năm 1920, có hai đảng phái tội phạm nổi lên, nguyên nhân căn bản là do cuộc chiến tranh Castellamarese nhằm giành quyền kiểm soát các tổ chức tội phạm giữa các băng đảng ở thành phố New York. Sau khi Joseph Masseria, một trong những thủ lĩnh của Mafia bị tiêu diệt, chiến tranh chấm dứt, hai băng đảng nhập lại thành một tổ chức thống nhất. Salvatore Maranzano, là thủ lĩnh đầu tiên của Mafia Mỹ; do tự ý giết người nên 6 tháng sau Charles "Lucky" Luciano trở thành thủ lĩnh mới. Maranzano ban hành ra một đạo luật chỉ đạo cho tổ chức này; hình thành nên cơ cấu các gia đình và giải quyết xung đột. Luciano thiết lập nên hội đồng để điều hành các hoạt động của tổ chức. Hội đồng bao gồm ông chủ của 6 hay 7 gia đình Mafia.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1951, Estes Kefauver thượng nghị sĩ của bang Tennessee đưa ra một nhận định rằng: "các tổ chức tội phạm nguy hiểm còn được gọi là Mafia có liên hệ với Liên Xô đang hoạt động ráo riết ở Mỹ".

Năm 1957, cảnh sát New York đã không ngăn cản được cuộc họp của Mafia Mỹ ở thị trấn nhỏ Apalachin thuộc New York. Cuộc họp này được gọi là hội nghị Apalachin. Rất nhiều tên tham dự bị bắt và sự kiện này đó buộc các tổ chức tội phạm phải thay đổi luật lệ hoạt động.

Năm 1963, Joseph Valachi là người của Cosa Nostra Mỹ đầu tiên cung cấp những thông tin bên trong của tổ chức này. Được FBI trưng dụng, Valachi đó cung cấp tên tuổi, cấu trúc, quyền lực, luật lệ, lời thề và thành viên của tổ chức này. Tất cả mọi điều đó còn được giữ kín cho đến mãi sau này. Ngày nay, Cosa Nostra dính líu đến hầu hết các lĩnh vực hoạt động bất hợp pháp ở Mỹ. Nó bao gồm các lĩnh vực như giết người, tống tiền, buôn ma tuý, tham nhũng, đánh bạc, thâm nhập vào các lĩnh vực kinh doanh hợp pháp, nhập cư lao động bất hợp pháp, cho vay nặng lãi, mại dâm, khiêu dâm, gian lận thuế và đặc biệt hiện nay là lĩnh vực cổ phiếu.

Thâm nhập vào các hiệp hội lao động

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào giữa thế kỉ 20, Mafia nổi danh bởi sự thâm nhập vào nhiều nghiệp đoàn lao động ở Mỹ. Đặc biệt là khi vị chủ tịch nghiệp đoàn lái xe tải Jimmy Hoffa bị mất tích và được cho là đó bị ám sát. Những năm 1980, chính phủ liên bang Mỹ kiên quyết loại bỏ ảnh hưởng của Mafia ra khỏi liên đoàn lao động.

Cấu trúc

[sửa | sửa mã nguồn]

Mafia đá phát triển thành 26 tổ chức (gia đình) ở tất cả các thành phố trên toàn bộ lãnh thổ Mỹ, với trung tâm là New York. Sau nhiều cuộc chiến, 5 gia đình đã thiết lập được sự kiểm soát ở New York, đó là: gia đình Bonanno, gia đình Colombo, gia đình Gambino, gia đình Genovese và gia đình Lucchese. Các gia đình nay đã tổ chức một hội nghị ngầm với những băng đảng trứ danh khác như Joe Porrello ở Cleveland và Al Capone.

1. Sếp trưởng: Là ông chủ của các gia đình, thường nắm vai trò như một người điều hành chung cho toàn bộ một tổ chức Mafia, còn được gọi là Don hay "bố già". Những ông sếp này nắm giữ toàn bộ các hoạt động của mọi thành viên trong gia đình. Tuỳ theo từng gia đình, sếp có thể được bầu chọn trong hội nghị gia đình. Trong quá khứ, sếp phải được bầu qua hội nghị gia đình; nhưng từ những năm 1950 những cuộc tụ họp thường thu hút sự chú ý.

2. Sếp phó: Sếp phó thường được sếp trưởng chỉ định trực tiếp, là người có vai trò thứ hai trong một gia đình Mafia. Là người dưới quyền và thay thế sếp trưởng trong trường hợp sếp trưởng chết đột ngột. Sếp phó nắm toàn bộ việc điều hành các đội trưởng, nhưng đều dưới quyền sếp trưởng.

3. Cố vấn: Có vai trò tư vấn cho gia đình và được coi là cánh tay phải của sếp trưởng. Cánh này thường có vẻ ít găng-tơ và sếp có thể tin tưởng. Họ thường là trung gian cho những cuộc đụng độ, đại điện và ấn định cho những cuộc gặp gỡ giữa các gia đình. Họ còn đảm bảo cho các hoạt động của các gia đình tránh những rắc rối với luật pháp, như đánh bạc hay cho vay nặng lãi. Những người này đa số là luật sư hay môi giới chứng khoán có uy tín và có mối quan hệ gần với sếp. Cố vấn không có lực lượng trong tay, nhưng lại có quyền lực lớn trong gia đình, thương thuyết các vụ "mua" hay hối lộ cảnh sát hay quan toà.

4. Đội trưởng: Có nhiệm vụ điều hành một đội, mỗi đội thường từ 4 đến 6 nhóm trong gia đình, cũng có thể hơn. Mỗi nhóm khoảng 10 người. Đội trưởng điều hành trực tiếp công việc của đội mình, nhưng cũng có giới hạn và theo đường lối của sếp trưởng. Thưởng phạt cũng do sếp trưởng nắm quyền. Đội trưởng có thể do sếp phó đề nghị, nhưng thường được sếp trưởng chỉ định trực tiếp.

5. Lính trơn: Họ là những thành viên cấu thành nên gia đình Mafia và phải có nguồn gốc Ý (gồm cả Sicilia). Lính trơn bắt đầu hoạt động trong gia đình khi đã trải qua thử thách. Khi có sự mở rộng đội, thì đội trưởng có thể đề nghị tăng cường lính mới, nhưng quyết định là sếp trưởng. Lính mới dưới quyền chỉ đạo của đội trưởng và phải phục tùng mệnh lệnh của đội trưởng. Lính làm việc độc lập để tạo kinh phí cho gia đình Mafia. Lính là tầng lớp hèn kém nhất trong gia đình. Họ còn được gọi là " thợ", thường hay bị thí mạng trong những trường hợp các phi vụ bại lộ, phải thi hành những vụ giết người từ những sếp đứng trên họ. Những người lính được tín nhiệm không được tấn công một người mà người đó không chống lại mình. Bắt đầu khởi nghiệp là lính, nhưng không phải là lính cho đến khi kết thúc sự nghiệp.

6. Cộng tác viên: Cộng tác viên nhưng không phải gồm những thành viên tập hợp thành một đám đông, tương tự như những đám trẻ hư hỏng đường phố. Những người này thường làm môi giới ma tuý và thường tiếp xúc trực tiếp với những thành viên thực sự của gia đình. Họ là những thành viên của gia đình và thường làm những công việc như chủ nhà hàng. Cộng tác viên có thể là đại biểu của liên đoàn lao động hay thương gia. Họ cũng phải là những người Ý hay Sicilia. Đôi khi cộng tác viên cũng là những người có quyền lực với đối với gia đình riêng của họ, ví dụ Joe Watts rất thân cận với John Gotti(một trong những sếp của 5 gia đình quyền thế ở New York). Cấu trúc và hệ thống tổ chức của Mafia Mỹ được Salvatore Maranzano tạo ra (từng là ông chủ của mọi ông chủ của mạng lưới Mafia Mỹ, nhưng bị giết chết sau khi nắm chức này 6 tháng, Lucky Luciano lên thay và cũng là người có lẽ đó giết Salvatore Maranzano). Trong những năm gần đây, xuất hiện thêm hai vị trí trong hệ thống gia đình Mafia, đó là: sứ giả và sếp đường phố. Những vị trí này do Vincent Gigante đưa ra. Mỗi đội do một đội trưởng lãnh đạo và báo cáo với sếp trưởng. Khi sếp trưởng quyết định, anh ta không chỉ đạo trực tiếp xuống người lính mà phải theo một chuỗi mệnh lệnh. Trong trường hợp như thế, nếu có bị lộ thì chỉ có người bên dưới mới bị bắt. Cấu trúc này được Mario Puzo mô tả trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Bố già" phần II, trong mối liên hệ được gọi là " những cái đệm". Nó cung cấp cho hội đồng tình báo Mỹ một hình thức "cực kì hợp lý" để tham khảo.

Nghi thức

[sửa | sửa mã nguồn]

Ban đầu nghi thức được du nhập từ nhiều nguồn; như tình hữu ái của Thiên Chúa giáo, Tam Điểm hội giữa thế kỉ 19 ở Sicilia và cho đến nay cũng có ít biến đổi. Theo báo cáo của cảnh sát trưởng của Palermo năm 1875, trong buổi làm lễ gia nhập của một môn đồ mới thì phải có mặt của một nhóm sếp trưởng và các sếp phó. Một trong những vị này sẽ chọc vào ngón tay của người lính mới và nói với anh ta là phải bôi máu vào một bức hình thánh, thường là tượng thánh. Lời tuyên thệ phải được đọc sau khi bức tượng có máu cháy hết, đó là việc làm tượng trưng cho bản án dành cho những kẻ phản bội. Điều này được kẻ đào tẩu Tommaso Buscetta khẳng định lần đầu tiên. Việc xử lý một người lính nào đó phải do hội đồng lãnh đạo gia đình Mafia phê chuẩn, việc trả thù anh ta có thể kích thích chiến tranh. Trong trường hợp nếu có chiến tranh giữa các băng đảng thì căn hộ phải bỏ trống và có những người lính nằm trên đệm dưới sàn nhà, phải canh gác luân phiên và nhìn qua cửa sổ để sẵn sàng chiến đấu.

Các gia đình Mafia theo thành phố ở Mỹ

[sửa | sửa mã nguồn]

Lưu ý: Mafia gồm các thành viên, các cộng tác viên và gia đình ở các thành phố khác nhau. Nên các tổ chức này không chỉ giới hạn ở các thành phố này. Nhiều gia đình ở thành phố này, nhưng có ảnh hưởng tới thành phố khác.

  • Gia đình ở Buffalo
  • Gia đình ở Chicago
  • Gia đình ở Cleveland
  • Gia đình ở Kansas
  • Gia đình ở New England-Boston (gia đình Patriarca)
  • Gia đình ở New Jersey (gia đình DeCavalcante)
  • Gia đình ở New Orleans
  • 5 gia đình ở New York (gia đình Genovese, gia đình Gambino, gia đình Lucchese, gia đình Bonanno, gia đình Colombo)
  • Đông bắc Pennsylvania (gia đình Bufalino)
  • Gia đình ở Omaha
  • Ở Philadelphia (gia đình Scarfo)
  • Gia đình ở Pittsburgh

Những tên Mafia nổi tiếng ở Mỹ

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Joe Bonanno Joe Bananas' (1905-2002): sếp đầu tiên của gia đình Bonanno.
  • Al Capone (biệt danh: 'Scarface') (1899-1947): Trùm mafia nổi tiếng thời kì cấm rượu giai đoạn 1920-1930 ở Chicago.[2]
  • Paul Castellano (1915-1985): sếp của gia đình Gambino, bị ám sát theo lệnh của John Gotti.
  • Lucky Luciano(1897-1962): sếp của các gia đình của thành phố New York, kiến tạo nên Mafia Mỹ hiện đại, sếp đầu tiên của gia đình Genovese.
  • Carlo Gambino 'Don Carlo' (1902-1976): sếp của gia đình Gambino mở rộng. Được xem như chủ tịch hiệp hội Mafia Mỹ từ năm 1957.
  • Gaetano Gagliano 'Tommy' (1884-1951): sếp đầu tiên của gia đình Lucchese
  • Sam Giancana: sếp của vùng Chicago giai đoạn 1956-1966.
  • John Gotti 'The Dapper Don' (1940-2002): sếp của gia đình Gambino. Nổi tiếng trong mối quan hệ với các phương tiện thông tin đại chúng.
  • Henry Hill (sinh năm 1943) Mob: phản bội và cuộc đời hắn được đưa lên phim Goodfellas nổi tiếng.
  • Vincent Mangano (1888-1951): Trùm mafia đầu tiên của gia đình Gambino.
  • Carlos Marcello: sếp của gia đình ở New Orleans những năm 1960.
  • Joe Profaci (1897-1962): sếp đầu tiên của gia đình Colombo.
  • Santo Trafficante, Jr.: người có quyền lực lớn nhất ở Florida và Cuba(trước năm 1959).
  • Joe Valachi 'Joe Cargo' (1903-1971): Mafia đầu tiên hợp tác với chính quyền làm chỉ điểm.

Luật bắt buộc ở Mỹ

[sửa | sửa mã nguồn]

Mối liên hệ giữa chính quyền Mỹ với Mafia

[sửa | sửa mã nguồn]

Không mấy khi chính phủ Mỹ hiệp lực với giới tội phạm để ám sát các nhà lãnh đạo nước ngoài. Tháng 8 năm 1960, Colonel Sheffield Edwards đề xuất phương án ám sát lãnh tụ Cuba Fidel Castro bằng cách dùng Mafia để ám sát. Từ tháng 8 năm 1960 đến tháng 4 năm 1961, Mafia đã lên kế hoạch dùng chất độc hay bắn để hạ sát Fidel (được đề cập trong cuốn báo cáo về nỗ lực ám sát Fidel Castro", trang 3 và 14 của CIA). Vụ việc có sự tham gia của các nhân vật của Mafia như Sam Giancana, Carlos Marcello, Santo Trafficante, Jr. và John Roselli.

Luật bắt buộc và Mafia

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong một số gia đình Mafia, giết những người của chính quyền là điều bị cấm, vì có thể sẽ bị cảnh sát trả thù. Trong một số trường hợp, giết người thì bị hình phạt là cái chết. Tên Mafia Dutch Schultz người Do Thái được báo cáo là đã bị bắn chết bởi một Mafia Ý, vì hắn có kế hoạch ám sát ủy viên công tố Thomas Dewey của thành phố New York. Mafia có điều luật bắt buộc từ rất lâu. Viên cảnh sát thành phố New Orleans Joe Petrosino bị Mafia Sicilia bắn chết, sau người này được đúc tượng và bức tượng đó được đặt ở nơi đông người qua lại ở thành phố này.

Chương trình hành động RICO năm 1960 đã quy định hoạt động chống tội phạm và đưa ra kế hoạch bảo vệ nhân chứng. Đạo luật này mới bắt đầu thực hiện vào giai đoạn cuối những năm 1970 đầu những năm 1980. Chương trình này đã làm cho 2 bố già của thành phố New York là Anthony Corallo và Carmine Persico phải ra hầu toà vào năm 1985. Chương trình này vẫn còn hiệu lực cho tới cuối thế kỉ 20. Lực lượng phòng chống tội phạm Liên bang được thành lập tạo điều kiện cho việc loại trừ tội phạm ra khỏi đời sống xã hội.

Lực lượng phòng chống tội phạm Liên bang được thiết lập vào năm 1960 do nỗ lực của Robert Kennedy (em út của tổng thống Mỹ). Lực lượng này đặt dưới quyền lãnh đạo của ban thanh tra thuộc bộ lao động Mỹ. Nó đã bị giải tán ở cấp Liên bang, nhưng vẫn tồn tại ở các địa phương. Tổ chức này đã phá được một số băng đảng tội phạm lớn. Tuy nhiên Mafia vẫn còn hoạt động mạnh ở Mỹ, dù chương trình hành động RICO có những thành công nhất định. Theo Selwyn Raab, tác giả của cuốn: Năm gia đình: sự ra đời, suy yếu và hồi sinh của các đế chế Mafia hùng mạnh ở Mỹ, thì sau sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001 FBI lại chú ý đặc biệt tới các tên khủng bố, điều này góp phần làm hồi sinh các hoạt động của Mafia ở Mỹ.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ . 1996. Đã bỏ qua tham số không rõ |éditeur= (gợi ý |editor=) (trợ giúp); Đã bỏ qua tham số không rõ |passage= (gợi ý |pages=) (trợ giúp); Đã bỏ qua tham số không rõ |titre= (gợi ý |title=) (trợ giúp); Đã bỏ qua tham số không rõ |auteur= (gợi ý |author=) (trợ giúp); Chú thích có tham số trống không rõ: |lire en ligne= (trợ giúp); |title= trống hay bị thiếu (trợ giúp)
  2. ^ “Al Capone: vi.wikipedia”.
  • Mafioso. Lịch sử Mafia từ nguồn gốc của nó đến ngày nay (1976) Gaia Servadio, Secker & Warburg ISBN 436447002
  • ' Mafia Sicili: Sự che chở bí mật (1993), Diego Gambetta, ĐH Harvard, ISBN 0674807421
  • Cosa Nostra. Một nhân vật lịch sử của Mafia (2004) John Dickie, Coronet, ISBN 0340824352
  • Organized Crime: An Inside Guide to the World's Most Successful Industry (2004) Paul Lunde, ISBN 0789496488
  • Cigar City Mafia: A Complete History of the Tampa Underworld (2004), Scott M. Deitche, Barricade Books ISBN 1569802661
  • Excellent Cadavers (1995) Alexander Stille, Vintage ISBN 0-679-76863-7

Xem thêm

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Bố già

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn] Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Mafia Sicilia.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ khóa » Các Băng đảng Mafia ý