Magie Là Gì? Tác Dụng, Cách Dùng, Tác Dụng Phụ, Thực Phẩm Giàu ...

Magie là một loại khoáng chất đóng vai trò hết sức quan trọng với sức khỏe của cơ thể và não bộ chúng ta. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau để biết rõ magie có tác dụng gì, cách dùng và tác dụng phụ, cũng như chúng ta có thể bổ sung magie qua những loại thực phẩm nào nhé.

1Magie là gì?

Magie (magnesium) là một khoáng chất không thể thiếu đối với cơ thể người, đóng vai trò quan trọng trong nhiều quá trình sinh lý. Magie chiếm vị trí thứ tư về độ phổ biến và là cation nội bào phổ biến thứ hai sau kali.

Với vai trò xúc tác cho hơn 300 phản ứng sinh hóa, magie tham gia vào hầu hết các quá trình sống như điều hòa sự tương tác giữa hormone và thụ thể, kiểm soát sự co rút của cơ, hoạt động của hệ thần kinh, duy trì độ căng của mạch máu và điều hòa nhịp tim.

Đặc biệt, magie cần thiết cho việc vận chuyển tích cực các ion kali và canxi qua màng tế bào. Hơn nữa, hoạt động của ATP - nguồn năng lượng chính của tế bào, cũng phụ thuộc hoàn toàn vào sự có mặt của magie.[1]

Magie (magnesium) là một khoáng chất không thể thiếu đối với cơ thể

Magie (magnesium) là một khoáng chất không thể thiếu đối với cơ thể

2Tác dụng của magie với cơ thể

Tăng cường sức khỏe xương

Để có bộ xương chắc khỏe, chúng ta cần cả canxi và magie. Magie giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn bằng cách điều hòa vitamin D và nồng độ canxi trong máu, đồng thời tham gia vào quá trình tạo xương, giúp mật độ xương cao hơn, giảm nguy cơ loãng xương và cải thiện hình thành tinh thể xương.

Ngoài ra, magie còn là yếu tố cần thiết cho quá trình tổng hợp hormone tuyến cận giáp (PTH) - một hormone có vai trò quan trọng trong việc điều hòa canxi máu. Khi thiếu magie, quá trình này bị gián đoạn, dẫn đến giảm canxi trong máu và tăng nguy cơ loãng xương. [1]

Magie giúp tăng cường sức khỏe hệ cơ xương

Magie giúp tăng cường sức khỏe hệ cơ xương

Giảm triệu chứng đau nửa đầu

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị đau nửa đầu thường thiếu hụt magie trong máu. Bổ sung magie được xem là một phương pháp đơn giản và ít tốn kém để phòng ngừa các cơn đau đầu tái phát.

Sự thiếu hụt magie khiến lượng magie trong máu và mô não thấp hơn so với bình thường, gây tác động đến sự dẫn truyền thần kinh và làm hạn chế co thắt mạch máu từ đó sinh ra đau nửa đầu.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả phòng ngừa, liều lượng magie cần bổ sung thường cao hơn nhu cầu hàng ngày và có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Do đó người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn về liều lượng phù hợp và đảm bảo an toàn cho sức khỏe. [1]

Bổ sung magie có thể làm giảm đau nửa đầu

Bổ sung magie có thể làm giảm đau nửa đầu

Giúp giảm huyết áp

Magie đóng vai trò quan trọng trong việc hạ huyết áp bằng cách hoạt động như một chất chặn kênh canxi tự nhiên và đồng thời là đồng yếu tố của bơm Na-K-ATP. Cơ chế này giúp giãn nở mạch máu, giảm sức cản ngoại vi và từ đó làm giảm huyết áp.

Bên cạnh đó, magie còn giúp điều hòa nhịp tim bằng cách kiểm soát sự dẫn truyền xung điện tại nút nhĩ thất, góp phần ổn định huyết áp.[1]

Một nghiên cứu tổng hợp dữ liệu từ 22 thử nghiệm lâm sàng với sự tham gia của 1.173 người đã bổ sung magie với liều lượng dao động từ 120 đến 973 mg mỗi ngày, kéo dài từ 3 đến 24 tuần. Kết quả cho thấy việc bổ sung magie có thể giúp giảm cả huyết áp tâm thu và tâm trương. Hiệu quả này càng rõ rệt hơn khi sử dụng liều lượng magie cao hơn. [2]

Hạ huyết áp là một trong những tác dụng của magie

Hạ huyết áp là một trong những tác dụng của magie

Giúp chống viêm

Thiếu hụt magie không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp mà còn góp phần vào tình trạng viêm mãn tính trong cơ thể. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em có nồng độ magie thấp thường có mức CRP cao hơn, đây là một dấu hiệu cho thấy tình trạng viêm đang diễn ra.

Hơn nữa, thiếu magie cũng liên quan đến các vấn đề về đường huyết và mỡ máu. Tuy nhiên, việc bổ sung magie thông qua chế độ ăn uống hoặc các thực phẩm chức năng có thể giúp giảm viêm, cải thiện các chỉ số sinh hóa và phòng ngừa nhiều bệnh mãn tính.

Magie còn có tác dụng chống viêm

Magie còn có tác dụng chống viêm

Bảo vệ tim mạch

Thiếu magie có thể làm tăng tính kích thích của cơ tim, dẫn đến các rối loạn nhịp tim nguy hiểm. Do đó, magie thường được khuyến cáo trong một số trường hợp như xoắn đỉnh, loạn nhịp tim liên quan đến digoxin, loạn nhịp thất như rung thất và nhịp nhanh thất.

Magie đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa hoạt động của tim bằng cách hoạt động như một chất chặn kênh canxi tự nhiên và đồng thời là đồng yếu tố của bơm Na-K-ATP. Magie giúp ổn định hoạt động của hệ thống dẫn truyền tim, đặc biệt là tại nút nhĩ thất.[1]

Magie có thể giúp điều hòa nhịp tim và huyết áp

Magie có thể giúp điều hòa nhịp tim và huyết áp

Ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ

Một nghiên cứu kéo dài 7-8 năm trên 9.820 người trung bình 65.1 tuổi do Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ thực hiện đã chỉ ra rằng những người có nồng độ magie trong máu thấp có nguy cơ tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch cao hơn.

Do đó, bổ sung magie có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ nhờ khả năng giãn nở mạch máu, giảm huyết áp, ổn định nhịp tim, ngăn ngừa các rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến đột quỵ.

Bổ sung magie có thể giảm nguy cơ đột quỵ

Bổ sung magie có thể giảm nguy cơ đột quỵ

Giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng magie đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.

Theo một đánh giá được công bố trên Tạp chí Đái tháo đường Thế giới năm 2015, người bệnh tiểu đường thường có lượng magie thấp trong cơ thể. Sự thiếu hụt magie có thể làm trầm trọng thêm tình trạng kháng insulin, một yếu tố chính gây ra bệnh tiểu đường type 2.

Một nghiên cứu khác thuộc Khoa dinh dưỡng tại đại học Harvard thực hiện trên 85000 phụ nữ và 42000 nam giới trong khoảng thời gian 12-18 năm. Kết quả cho thấy những người có chế độ ăn uống bổ sung magie giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường tuýp 2 lên đến 34%.

Qua các nghiên cứu trên cho thấy, việc bổ sung magie có thể giúp cải thiện khả năng sử dụng insulin của cơ thể, kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường hiệu quả hơn.

Nhiều nghiên cứu cho thấy người mắc tiểu đường có nồng độ magie máu thấp

Nhiều nghiên cứu cho thấy người mắc tiểu đường có nồng độ magie máu thấp

Hỗ trợ điều trị táo bón

Magie khi uống vào cơ thể có tác dụng nhuận tràng, giúp tăng cường nhu động ruột và làm mềm phân. Cơ chế hoạt động của magie là giữ lại nước trong ruột, tạo điều kiện cho phân dễ dàng di chuyển và đào thải ra ngoài.[1]

Magie có thể giúp giảm triệu chứng táo bón

Magie có thể giúp giảm triệu chứng táo bón

Cải thiện tình trạng rối loạn lo âu, stress

Theo một nghiên cứu mới nhất của Trường Y Larner, Đại học Vermont đã chỉ ra rằng việc bổ sung 248mg magie mỗi ngày có thể giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng trầm cảm.

Nghiên cứu tập trung vào magie clorua và kết quả cho thấy loại magie này đặc biệt hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng trầm cảm và rối loạn lo âu ở cả nam và nữ, bất kể độ tuổi nào.

Giảm stress và lo âu là một trong những tác dụng của magie

Giảm stress và lo âu là một trong những tác dụng của magie

Giúp tăng trí nhớ

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Neurocentria (Trung tâm nghiên cứu rối loạn suy giảm nhận thức) đã khẳng định rằng việc tăng cường magie trong tế bào thần kinh đóng vai trò cốt lõi trong việc duy trì và tăng cường các kết nối thần kinh, từ đó nâng cao khả năng nhận thức ở người cao tuổi.

Các nghiên cứu đã được thực hiện trên nhóm người từ 50 - 70 tuổi đang gặp các vấn đề về trí nhớ và giấc ngủ. Sau 12 tuần bổ sung magie với liều lượng 25mg/kg cân nặng mỗi ngày. Kết quả cho thấy, khả năng nhận thức của họ đã có sự tiến bộ rõ rệt, đạt mức tăng 10%.

Magie giúp tăng cường trí nhớ

Magie giúp tăng cường trí nhớ

Giảm nguy cơ bị sỏi thận

Thiếu magie không chỉ gây tăng lipid máu mà còn là một yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến hình thành sỏi thận.

Một nghiên cứu quy mô lớn trên 560.180 người, được công bố trên tạp chí The American Journal of Gastroenterology, đã khẳng định vai trò quan trọng của magie trong việc ngăn ngừa bệnh sỏi thận.

Magie có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh sỏi thận

Magie có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh sỏi thận

Giảm chứng chuột rút ở phụ nữ có thai

Các nhà khoa học tại Bệnh viện Đại học Linkoping, Thụy Điển đã tiến hành thử nghiệm bổ sung magie trong 3 tuần cho phụ nữ mang thai. Nghiên cứu cho thấy magie có hiệu quả rõ rệt trong việc giảm thiểu tình trạng chuột rút thường gặp ở phụ nữ trong thai kỳ.

Ngoài ra, magie còn được sử dụng như một thuốc giảm co thắt để trì hoãn chuyển dạ sớm. Bằng cách kích thích sự tái hấp thu canxi vào lưới nội chất của tế bào cơ, magie giúp thư giãn cơ tử cung, từ đó ngăn chặn sự co thắt quá mức và ngăn chặn chuyển dạ sớm. [1]

Magie giúp giảm chuột rút ở phụ nữ có thai

Magie giúp giảm chuột rút ở phụ nữ có thai

Điều trị viêm loét dạ dày

Magie sử dụng trong điều trị viêm loét dạ dày thường ở dạng magie hidroxit - một chất khi vào đến dạ dày sẽ tạo một lớp màng giúp bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày khỏi sự tấn công của axit dịch vị. Các chế phẩm phổ biến chứa magie trong điều trị viêm loét dạ dày là Phosphalugel, Malox, Gaviscon,...

Magie có thể được sử dụng để điều trị viêm loét dạ dày

Magie có thể được sử dụng để điều trị viêm loét dạ dày

3Tác dụng phụ của magie

Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng magie có thể kể đến là:

  • Hạ huyết áp.
  • Giãn mạch.
  • Phản xạ bị suy yếu.
  • Đau bụng.
  • Tiêu chảy.
  • Đầy hơi.
  • Buồn nôn/nôn mửa.
  • Suy hô hấp.
  • Rối loạn điện giải (hạ canxi máu, tăng kali máu).
  • Tăng magie máu.

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp sử dụng magie có thể gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng là:

  • Suy tim mạch.
  • Suy hô hấp hoặc tê liệt.
  • Hạ thân nhiệt.
  • Chức năng tim bị suy giảm.
  • Phù phổi. [1]

Nôn ói là một trong các tác dụng phụ của magie

Nôn ói là một trong các tác dụng phụ của magie

4Cách dùng và liều dùng của magie

Lượng magie mà cơ thể cần mỗi ngày được khuyến nghị cụ thể trong Lượng hấp thụ tham khảo chế độ ăn uống (DRI), một tiêu chuẩn dinh dưỡng do Hội đồng Thực phẩm và Dinh dưỡng (FNB) thuộc Viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ đưa ra, như sau:[3]

Tuổi Nam giới Nữ giới Mang thai Cho con bú
Từ lúc sinh ra đến 6 tháng 30mg 30mg
7 - 12 tháng 75mg 75mg
1 - 3 tuổi 80mg 80mg
4 - 8 tuổi 130mg 130mg
9 - 13 tuổi 240mg 240mg
14 - 18 tuổi 410mg 360mg 400mg 360mg
19 - 30 tuổi 400mg 310mg 350mg 310mg
31 - 50 tuổi 420mg 320mg 360mg 320mg
Trên 50 tuổi 420mg 320mg

Hầu hết chúng ta có thể dễ dàng đáp ứng nhu cầu magie hàng ngày thông qua chế độ ăn uống cân bằng. Các loại thực phẩm như bơ, rau lá xanh, hạt và ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp magie dồi dào. [1]

Lượng magie nạp từ đường tiêu hóa nếu quá nhiều thì cũng không gây hại vì cơ thể có khả năng tự điều chỉnh bằng cách đào thải phần thừa qua đường tiểu và phân.

Lượng magie mà cơ thể cần mỗi ngày khác nhau theo độ tuổi và đối tượng

Lượng magie mà cơ thể cần mỗi ngày khác nhau theo độ tuổi và đối tượng

5Tương tác với magie

Việc sử dụng các chất bổ sung magie có thể tương tác với nhiều loại thuốc khác nhau, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị hoặc gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, những người đang dùng thuốc nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi bổ sung magie.

Một số tương tác giữa magie là các loại thuốc như:

  • Thuốc bisphosphonat: Việc bổ sung magie có thể làm giảm hiệu quả của thuốc bisphosphonate qua đường uống (ví dụ alendronate - thuốc dùng để điều trị loãng xương). Để đảm bảo thuốc phát huy tác dụng tốt nhất, nên cách xa thời gian uống hai loại thuốc này ít nhất 2 giờ.
  • Thuốc kháng sinh: Magie có thể kết hợp với các loại kháng sinh như tetracycline và quinolone tạo thành các phức hợp không hòa tan, làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc. Để đảm bảo thuốc được hấp thụ tối đa, nên cách xa thời gian uống magie ít nhất 2 giờ trước hoặc 4-6 giờ sau khi dùng kháng sinh.
  • Thuốc lợi tiểu: việc sử dụng lâu dài các loại thuốc lợi tiểu như furosemide, bumetanide, hydrochlorothiazide và axit ethacrynic có thể làm giảm đáng kể lượng magie trong cơ thể do tăng bài tiết qua nước tiểu. Ngược lại, thuốc lợi tiểu giữ kali như amiloride và spironolactone lại có tác dụng giữ lại magiê trong cơ thể.
  • Thuốc ức chế bơm proton: Việc sử dụng thuốc ức chế bơm proton (PPI) như esomeprazole hay lansoprazole trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng thiếu magie trong máu. Do đó, FDA khuyến cáo nên kiểm tra nồng độ magie trong máu trước và trong quá trình điều trị bằng PPI. [3]

Magie có thể làm giảm tác dụng của một số kháng sinh khi dùng chung

Magie có thể làm giảm tác dụng của một số kháng sinh khi dùng chung

6Cách bổ sung magie an toàn, hiệu quả

Để thực hiện hóa mục tiêu có một cơ thể khỏe mạnh, bên cạnh việc bổ sung đầy đủ magie thì cách thức bổ sung cũng là một vấn đề quan trọng cần cân nhắc. Hãy bắt đầu với liều lượng thấp nếu muốn bổ sung magie và tốt nhất là nên bổ sung magie thông qua các bữa ăn để giúp giảm nguy cơ mắc các tác dụng phụ tiêu cực, chẳng hạn như tiêu chảy và các vấn đề tiêu hóa.

Nếu bắt buộc cần phải bổ sung magie thông qua viên uống, tốt nhất bạn hãy liên hệ với bác sĩ của mình để được tư vấn một cách khoa học và đảm bảo hạn chế thấp nhất những tương tác bất lợi có thể xảy ra.

Magie có thể được bổ sung thông qua một số loại thực phẩm như bơ, chuối, một số loại rau quả,...

Magie có thể được bổ sung thông qua một số loại thực phẩm như bơ, chuối, một số loại rau quả,...

7Những lưu ý trước và sau khi sử dụng magie

Để bổ sung magie an toàn và hiệu quả, bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Canxi và photpho làm giảm hấp thu magie tại ruột non, cho nên không dùng kết hợp các khoáng chất này. Khi vừa thiếu canxi vừa thiếu magie (chẳng hạn như người mãn kinh) thì ưu tiên bổ sung magie trước.
  • Magie và vitamin B6 thường được phối hợp vì cùng tham gia vào các phản ứng chuyển hóa trong cơ thể. Tuy nhiên, không nên dùng chung với thuốc levodopa điều trị Parkinson vì vitamin B6 ức chế thuốc này.
  • Magie và kali thường được phối hợp vì cùng có tác dụng trên tim. Tuy nhiên, cần dùng theo chỉ định của bác sĩ để tránh quá liều.
  • Người già cần thận trọng khi sử dụng các sản phẩm chứa magie vì nguy cơ tăng nồng độ magie trong máu, gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như buồn nôn, nôn ói, thậm chí tử vong.
  • Để đảm bảo cơ thể có đủ magie, chúng ta nên ưu tiên các loại thực phẩm giàu magie như ngũ cốc nguyên hạt, đậu các loại, đặc biệt là các loại rau lá xanh đậm. Đây là những nguồn cung cấp magie tự nhiên và hiệu quả.

Magie và kali thường được phối hợp vì cùng có tác dụng trên tim nhưng cần dùng theo chỉ định để tránh quá liều

Magie và kali thường được phối hợp vì cùng có tác dụng trên tim nhưng cần dùng theo chỉ định để tránh quá liều

8Chống chỉ định

Việc sử dụng magie cần thận trọng và có sự tư vấn của bác sĩ, đặc biệt đối với một số nhóm đối tượng sau:

  • Suy thận: Cần đánh giá kỹ chức năng thận trước khi sử dụng magie. Suy thận có thể làm giảm khả năng bài tiết magie, dẫn đến nguy cơ ngộ độc.
  • Bệnh thần kinh cơ: Người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ khi sử dụng magie vì có thể gây yếu cơ.
  • Phụ nữ mang thai: Mặc dù không có chống chỉ định tuyệt đối nhưng cần sử dụng dưới sự giám sát của bác sĩ. Sử dụng trong thời gian dài, hơn 5 đến 7 ngày có thể gây các vấn đề về xương và chuyển hóa canxi.
  • Nhiều loại thuốc có thể tương tác với magie, làm tăng hoặc giảm nồng độ magie trong máu.[1]

Magie chống chỉ định cho người bị suy thận

Magie chống chỉ định cho người bị suy thận

9Lưu ý về quá liều và độc tính

Khi sử dụng magie quá liều sẽ dẫn đến độc tính gây nên các tình trạng nghiêm trọng, cụ thể là:

  • Nồng độ magie trong máu trên 2,6 mg/dL: gây tăng magie máu với các triệu chứng bao gồm giãn mạch gây đỏ bừng, hạ huyết áp, giảm phản xạ và ức chế hô hấp. Tình trạng xảy ra khi bổ sung magie quá nhiều và quá nhanh.
  • Nồng độ magie trong máu trên 6 mg/dL: tác động trực tiếp đến quá trình dẫn truyền xung điện trong tim, dẫn đến những thay đổi đặc trưng trên ECG:
    • Kéo dài khoảng PR: Khoảng PR đại diện cho thời gian dẫn truyền xung điện từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Khi tăng magie máu, quá trình dẫn truyền này bị chậm lại, khiến khoảng PR kéo dài.
    • Mở rộng phức hợp QRS: Phức hợp QRS phản ánh thời gian kích thích và co bóp của tâm thất. Khi nồng độ magie tăng cao, sự dẫn truyền xung điện trong tâm thất cũng bị chậm lại, dẫn đến phức hợp QRS rộng ra.
    • Sóng T đỉnh cao: Sóng T đại diện cho quá trình tái phân cực của tâm thất. Tăng magie máu làm thay đổi quá trình này, khiến sóng T cao và nhọn hơn bình thường.
  • Nồng độ magie trong máu trên 15 mg/dL: có thể xảy ra ngừng tim bất kỳ lúc nào. [1]

Nồng độ magie trong máu trên 15 mg/dL có thể xảy ra ngừng tim

Nồng độ magie trong máu trên 15 mg/dL có thể xảy ra ngừng tim

Xem thêm:

  • Những loại thực phẩm chứa magie tốt cho sức khỏe
  • Magie có tác dụng gì? Tại sao cần Magie và cách bổ sung Magie
  • Những loại thực phẩm chứa magie tốt cho sức khỏe

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích xoay quanh các tác dụng của magie và những lưu ý khi sử dụng chúng. Nếu bạn cảm thấy bài viết hay hãy chia sẻ cho bạn bè và gia đình cùng tham khảo nhé!

Nguồn tham khảo
  1. Magnesium

    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK519036/

    Ngày tham khảo:

    09/08/2024

  2. Magiê giúp giảm huyết áp

    https://vienthongke.vn/magie-giup-giam-huyet-ap/

    Ngày tham khảo:

    09/08/2024

Xem thêm

Theo Gia đình mới

Xem nguồn

Link bài gốc

Lấy link!

https://giadinhmoi.vn/magie-co-tac-dung-gi-cach-dung-va-nhung-luu-y-khi-bo-sung-magie-d88148.html

Từ khoá: uống magie có tác dụng gì magie có tác dụng gì tác dụng của magie công dụng của magie magie

Từ khóa » Tác Dụng Của Magie Và B6