Mái ấm Của động Vật Bị Bỏ Rơi Tại TPHCM - Sài Gòn Tiếp Thị

(SGTT) - Được thành lập từ tháng 4-2014, Trạm cứu hộ chó mèo có tên gọi Sài Gòn Time hiện đang nuôi dưỡng gần 300 chú chó và mèo. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng các thành viên của trạm vẫn luôn dành hết tình yêu thương để chăm sóc các con vật bị bỏ rơi.
  • Máy uống nước dành cho chó mèo
  • Đeo vòng cổ cho vật nuôi đã tiêm vắc xin ngừa bệnh dại

Trạm cứu hộ Sài Gòn Time (SGT) tính đến nay đã thành lập được bảy năm, đang là nơi chăm sóc hơn 100 chú chó và gần 200 chú mèo bị bỏ rơi, khuyết tật…; ngoài ra còn có chim, cú, gà, vịt, heo, sóc... Trạm do chị Trần Uyên Như (30 tuổi) quản lý từ năm 2014. Hiện tại, chị Như đang vừa là trưởng trạm, vừa kinh doanh cửa hàng đồ dùng cho thú cưng tại TPHCM.

Chị Uyên Như luôn xem các chú chó mèo như thành viên trong gia đình. Ảnh: Hương Trà

Từ cái “duyên” đến tình yêu thương

Chị Uyên Như cho biết SGT có hai trạm, ở quận 6 và quận Bình Chánh. “Từ 5:00 sáng mình bắt đầu dọn dẹp trạm quận 6, sau đó tầm 7-8 giờ sẽ điểm còn lại. Trưa mình sẽ bắt đầu công việc quản lý cửa hàng đồ dùng dành cho thú cưng và trang trí tiệc, tối thì quay lại trạm dọn dẹp.”

Các chú chó mèo ở đây đều được chị đặt cho những cái tên dễ nhớ mà mỗi lần chị gọi lại thấm đẫm tình yêu thương, như: bé Kiến, Rô, Bánh Mì, Zombie… Với mỗi con vật, chị Uyên Như luôn nhớ rành mạch tên và hoàn cảnh gặp.

“Bé Rô bị xe tải cán, kéo lê một quãng đường hơn cả trăm mét làm cho hai bên đùi trong của bé bị rách nát hết. Trên đường đưa bé đến bác sĩ thì người xung quanh ai cũng sợ hết, vì máu cứ chảy xuống đường. Phải điều trị hết hai tháng bé mới hồi phục”, chị xót xa kể lại.

Chị Như chia sẻ cái “duyên” với trạm bắt đầu từ một lần có ý định nhận nuôi một chú chó bị cắt nguyên hàm dưới, rút toàn bộ răng, cắt lỗ tai, bị liệt và viêm da tại đây. “Khi qua đến trạm, thấy không có ai chăm sóc các bé nên mình và chồng của mình hiện tại mới quyết định ở lại trạm đến giờ”, chị cho biết.

Thời gian đầu tiếp nhận trạm, chị Uyên Như gặp không ít khó khăn về tài chính, các con vật bệnh liên miên, thậm chí, chị còn bị hàng xóm cũ mắng chửi vì chăm sóc chó mèo. Khi đó, cô gái 9x đã quyết định bán cả cặp nhẫn đính hôn để có tiền lo cho trạm. Cũng trong đợt đó có hai con vật mất do bệnh tật, chị Như đã ôm xác suốt ba ngày, phải nhờ sự động viên của chồng mới tiếp tục chăm lo trạm được. Từ đây, cô sinh viên ngành Nhân học càng thêm gắn bó với SGT, tình cảm dành cho trạm ngày một nhiều hơn.

Tình cảm của chị Uyên Như dành cho trạm khiến chồng chị từ một người từng rất sợ chó vì đã bị chó cắn, trở thành một trong những người luôn hỗ trợ chị trong mọi hoạt động của trạm. Bộ ảnh cưới anh chị mới chụp có địa điểm là Trạm SGT và nhân vật không thể thiếu chính là những chú chó mèo, một phần trong gia đình của chị.

Bị nói “chảnh” khi tìm chủ cho chó mèo

“Chảnh” là lời nhận xét mà chị Như thường được nghe mỗi khi xem xét để cho người khác nhận nuôi các con vật tại trạm. Chị có hẳn bảng câu hỏi để chắc chắn rằng người chủ mới sẽ yêu thương, chăm lo các con vật đến suốt đời. Bởi đối với chị, khi những chú chó, chú mèo thoi thóp mà chị còn có thể cứu chữa thành công thì việc tìm người chủ cam kết chăm sóc chúng là điều bắt buộc. Chị kể rằng mình từng phải đón hai “bé” về sau hai tuần để chủ mới chăm sóc vì điều kiện của họ không được tốt cho chúng.

Tuy nhiên, ít ai biết để duy trì trạm đến ngày hôm nay, chị Như và chồng gặp rất nhiều áp lực, đặc biệt là tài chính. Chị và chồng từng phải cầm cố đất để có tiền hoạt động trạm, dùng mạng xã hội kêu gọi hỗ trợ chi phí duy trì trạm. Chị cho biết số tiền mỗi tháng duy trì trạm tốn từ 80 – 100 triệu đồng và mới chỉ gồm phí thuê địa điểm, mua thức ăn, dụng cụ dọn dẹp cần thiết chứ chưa tính tiền khám chữa bệnh.

Thời gian đầu quản lý trạm, chị Uyên Như không nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Dần dần chị Như cũng thuyết phục được ba mẹ, đây cũng là mạnh thường quân lớn nhất hiện nay của SGT. Ngoài ra, vấn đề nhân sự cũng được chị lưu ý. “Thật sự rất khó tìm được các bạn đồng ý làm công việc này suốt cả tuần mà không có ngày nghỉ”, chị Như cho biết.

Sài Gòn Time là nơi chăm sóc hơn 100 chú chó và gần 200 chú mèo bị bỏ rơi, khuyết tật. Ảnh: Hương Trà

Điều chị trân trọng nhất, cũng là động lực cho chị tiếp tục công việc là sự giúp đỡ từ mọi người xung quanh. Các bác sĩ thú y tài trợ phần tiền khám chữa, nhiều em học sinh để dành tiền mỗi tháng và những bạn thường xuyên ủng hộ qua Facebook, chị đều ghi nhớ.

Trạm không phải là nơi bỏ chó mèo

Khoảng một tuần sau ngày cưới của chị Uyên Như, thay vì tận hưởng tuần trăng mật, chị và chồng lại tất bật với những chú chó mèo tại trạm, hình ảnh không khác với ngày thường là bao. “Sau đám cưới thì hai đứa cũng không đi trăng mật mà chọn cách là qua trạm lo cho tụi nhỏ. Mình xem đó như một kỳ trăng mật thật sự. Trên hình cưới cũng phải có chó mèo, những con vật tại trạm. Đối với mình, tụi nhỏ như một người em, người thân trong gia đình vậy, không thể nào mà không có tụi nhỏ trong một sự kiện trọng đại của mình được”, chị chia sẻ.

Chị tâm sự, bảy năm gắn bó với SGT đã cho chị nhiều niềm vui và bài học cuộc sống. Chị mơ ước sẽ xây một căn nhà để thú nuôi có điều kiện sống tốt hơn.

“Mình chỉ mong muốn là khi mọi người đọc được thông tin về trạm sẽ không nghĩ tới việc đây là nơi bỏ chó, bỏ mèo. Hãy có trách nhiệm với những chú chó mèo mà mình nuôi nấng. Có thể đối với chúng ta, những con vật đó chỉ là thú cưng nhưng đối với chúng, chúng chỉ có một người chủ duy nhất là chúng ta mà thôi”, đó là mong ước và cũng là lời nhắn nhủ của chị Như, sau nhiều năm chứng kiến nhiều vật nuôi bất hạnh bị chủ bỏ rơi.

Hương Trà - Anh Quỳnh

Từ khóa » Cách Nuôi Mèo Con Bị Bỏ Rơi