Măng Sặt Cần Quy Hoạch Trồng, Khai Thác Nguồn Lợi Tự Nhiên

Địa bàn có cây măng sặt phân bố khá rộng như vậy, nhưng măng sặt thực sự trở thành thứ hàng thực phẩm đặc sản được rất nhiều người ưa thích và bán nhiều ở vùng Văn Chấn, Trạm Tấu, Nghĩa Lộ rồi chuyển đi các nơi khác tiêu thụ thì cũng mới chỉ bắt đầu trong những năm trở lại đây.

Sở dĩ như vậy, là vì loài măng này do đặc thù chỉ sống ở đồi gò có bình độ thấp, nên chính khu vực này trước đây hầu hết là chỗ thả rông gia súc của người dân. Bà con dân tộc ít người trong vùng này nhiều năm về trước còn có tập quán đốt rừng sặt, lau lách từ dịp trước tết để sang xuân cỏ mọc làm thức ăn cho gia súc.

Việc thả rông gia súc cũng đã khiến cho đất chai lỳ nên măng không mọc được hoặc có lên được thì trâu bò cũng dẫm gẫy nát hết. Tập quán đốt rừng nuôi cỏ khiến cho cây sặt mẹ bị chết, làm giảm khả măng đẻ măng hoặc cây măng mọc lên rất nhỏ, cứng.

Bên cạnh những yếu tố trên, do tình trạng thiếu lương thực triền miên đã khiến việc canh tác lương thực, hoa màu trên nương rẫy là rất phổ biến, khiến cho môi trường phát triển của cây sặt cũng bị thu hẹp lại.

Tuy vậy, kể từ khi các địa phương ở khu vực phía tây của tỉnh tập trung chuyển dịch cơ cấu giống lúa và cơ cấu mùa vụ, sản lượng lương thực trong vùng đã tăng nhanh, diện tích canh tác lương thực trên nương rẫy cũng thu hẹp lại.

Đặc biệt, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, Trạm Tấu đẩy mạnh việc giao đất giao rừng để bảo vệ khoanh nuôi tái sinh, tập trung phát triển kinh tế rừng, nhất là việc nghiêm cấm đốt rừng nuôi cỏ thì cây sặt cũng bắt đầu hồi sinh trên diện rộng.

Đi từ Nghĩa Lộ lên huyện Mù Cang Chải, qua các xã: Nậm Lành, Gia Hội, Nậm Búng của huyện Văn Chấn, ta có thể nhìn thấy nhiều khu rừng trồng quế hay trồng cây nguyên liệu nhưng ở phía dưới vẫn có mọc cả cây sặt. Có những cánh rừng tái sinh mọc khá nhiều cây sặt.

Măng sặt bắt đầu mọc từ tháng 12 Âm lịch và mọc rộ vào tháng Giêng, tháng Hai cho đến đầu tháng Ba năm sau. Chị Lò Thị Chướng, dân tộc Thái là người thường lấy măng sặt về bán tại chợ Mường Lò đã cho biết, nơi nào đất ẩm, xốp, cây sặt mẹ mọc nhiều thì một sào đất có thể thu cả tạ măng và cho thu nhập tới trên dưới 2 triệu đồng. Nhà nào có 5-6 sào măng sặt thì sẽ có nguồn thu cả chục triệu đồng.

Sặt là loài cây không phải trồng, chăm sóc mà một sào đất rừng cho thu tiền triệu trong vòng 3 tháng thì hiếm có loại cây nào hiệu quả kinh tế như vậy, đó là chưa kể đến trong rừng sặt còn trồng được cả quế, cây gỗ bản địa, cây nguyên liệu và rừng sặt chống xói mòn rất tốt.

Anh Khoa-một tư thương ở chợ Mường Lò (Nghĩa Lộ) cho biết, trong một vụ măng anh đã mua gom được cả chục tấn măng sặt để chuyển đi nơi khác tiêu thụ. Lượng măng do những người khác mua gom hoặc bán lẻ cho người tiêu dùng tại chỗ, khách vãng lai mua về làm quà thì khó mà thống kê được, nhưng chắc chắn là rất nhiều.

Với giá bình quân khoảng 12-15 nghìn đồng/ki-lô-gam măng tươi còn nguyên vỏ, chắc chắn từ lâu bà con trong vùng có măng sặt đã có nguồn thu rất lớn từ loài măng đặc sản này. Đồng thời, từ lợi ích kinh tế của cây măng sặt, nó sẽ tác động mạnh tới ý thức bảo vệ rừng của người dân. Những địa phương có cây măng sặt cần nghiên cứu kỹ hơn về lợi ích mọi mặt của cây măng sặt để có giải pháp quy hoạch khai thác tốt nguồn lợi tự nhiên này.

Sơn Nam

Từ khóa » Cách Trồng Cây Sặt