Mang Thai Tuần 23: Thai Nhi Ngày Càng Trưởng Thành - YouMed

Nội dung bài viết

  • Sự phát triển của em bé
  • Sự thay đổi của mẹ khi mang thai tuần 23
  • Mẹ cần làm gì khi mang thai tuần 23?

Dần dần, các cơ quan của bé yêu đều trở nên hoàn thiện. Phổi bé bắt đầu những động thái đầu tiên trong hành trình trưởng thành. Bé cuối cùng cũng có thể đạt mốc nửa lạng còn da dẻ thì hồng hào và bớt nhăn nheo hơn. Hãy cùng tìm hiểu xem bé phát triển thêm như thế nào và cơ thể mẹ sẽ thay đổi ra sao khi mang thai tuần 23 nhé.

Thiên thần nhỏ nay đã 21 tuần tuổi. Cảm giác gắn kết giữa bạn và bé ngày càng rõ nét hơn. Nắm bắt những đặc điểm của con khi mang thai tuần 21 rất cần thiết để các mẹ chăm sóc và bổ sung dinh dưỡng phù hợp.

Sự phát triển của em bé

1. Hình thể

Ở tuần 23, thai nhi có cân nặng khoảng 0,5 kg và dài khoảng 28 đến 36 cm. Phần môi, mí mắt, lông mày của bé tiếp tục trở nên rõ ràng hơn. Ở những tuần trước, bé vẫn còn khá mảnh khảnh với làn da nhăn nheo lỏng lẻo. Tuy nhiên đến tuần này, chất béo tích tụ lại để tạo nên lớp mỡ dưới da. Bởi vậy, da dẻ bé nhìn dày dặn hơn, không còn trong suốt nữa. Mẹ đừng nên quá ngạc nhiên khi nhận thấy có những đám lông xuất hiện trên mặt bé.  Những sợi lông này có khả năng bảo vệ làn da của bé an toàn khỏi nước ối. Chúng sẽ nhanh chóng biến mất khi bé chuẩn bị chào đời.

da dẻ bé bớt nhăn nheo hơn khi mang thai tuần 23
Da dẻ bé bớt nhăn nheo hơn

2. Hệ hô hấp

Hình thái phổi

Trong vài tuần tới, phổi của bé phát triển nhanh chóng. Mục đích nhằm để bé thích nghi với cuộc sống bên ngoài. Tới thời điểm hiện tại, phổi thai nhi đã hình thành nhiều đơn vị nhỏ. Mỗi chồi phổi sẽ phát triển thành một bộ phận hô hấp độc lập bao gồm phế quản và các mao mạch máu. Tuy hình thái đã có nhưng phổi bé vẫn chưa thực hiện được chức năng. Thai nhi được bao bọc bởi nước ối và phổi của bé cũng chứa đầy nước. Quá trình trao đổi oxy và CO2 trong cơ thể sẽ thông qua nhau thai và dây rốn kết nối giữa mẹ và bé.

Surfactant

Thai nhi tuần 23 bắt đầu hình thành một chất quan trọng trong phổi. Đó là surfactant – một chất giúp phổi nở ra để hít đầy không khí ngay khi bé lọt lòng. Những túi khí nhỏ trong phổi nhờ vậy mới được nở để có thể truyền dẫn khí oxy đến những mạch máu xung quanh. Chỉ đến tháng thứ 9, surfactant mới được sản xuất đủ để giúp phổi trưởng thành. Do đó, nếu người mẹ chuyển dạ sớm, bé không có đủ surfactant. Hệ quả, bé có nguy cơ xẹp phổi. Steroid sẽ được tiêm để hỗ trợ cung cấp chất surfactant cho bé.

bé sinh non có nguy cơ suy hô hấp do xẹp phổi
Bé sinh non có nguy cơ suy hô hấp do xẹp phổi vì thiếu surfactant

Tập thở

Mặc dù khi nằm trong bụng mẹ, bé không chính thức thở. Nhưng, đôi lúc mẹ vẫn cảm thấy những chuyển động nhẹ như bé đang thở. Thực ra, là bé đang tập thở. Ở tuần 23, hiện tượng này xuất hiện thoáng qua nhẹ nhàng. Đến những tháng cuối thai kì, mẹ mới nhận thấy hiện tượng này rõ rệt hơn. Trong quá trình tập thở sẽ làm nước ối đi vào – đi ra khỏi phổi.

3. Hệ thần kinh

Khi mang thai được 23 tuần, bề mặt não bé – trước đó bằng phẳng – bắt đầu phát triển các nếp gấp. Việc hình thành các nếp gấp trong não sẽ tiếp tục cho đến tuần thứ 34 của thai kỳ, khi não của bé có đủ diện tích bề mặt cho các tế bào não. Ngũ quan của thai nhi 23 tuần tuổi bắt đầu hoàn thiện và trở nên nhạy bén hơn bao giờ hết. Đặc biệt là thính giác. Lúc này bé đã có thể nghe thấy rõ những âm thanh phía bên ngoài bụng mẹ.

4. Hệ tim mạch

Bạn có thể nghe thấy tiếng tim bé bỏng qua ống nghe sản khoa. Trung bình, em bé sẽ có nhịp tim nhanh gấp đôi mẹ. Bạn sẽ có cảm giác vô cùng an tâm khi lắng nghe nhịp đập liên hồi đó. Một khi cảm nhận được điều này, ắt hẳn mẹ có thể nghe cả ngày không biết chán. Càng lúc, mẹ sẽ càng thấy gắn bó mạnh mẽ với bé yêu của mình.

nghe tim thai tại nhà khi mang thai tuần 23
Nghe tim thai tại nhà

Sự thay đổi của mẹ khi mang thai tuần 23

1. Hệ tim mạch – hệ tuần hoàn khi mang thai tuần 23

Huyết áp có thể sẽ tiếp tục ở mức thấp hơn bình thường trong tháng này. Sau tuần thai thứ 24, huyết áp sẽ quay trở lại mức trước khi mang thai. Lí do là vì cơ thể mẹ tiếp tục tạo ra nhiều máu hơn trong tháng này, sản xuất các tế bào hồng cầu cũng mạnh mẽ hơn. Mẹ có thể tiếp tục bị nghẹt mũi, chảy máu cam và chảy máu nướu răng, do tăng lưu lượng máu đến đường mũi và nướu.

2. Tuyến sữa

Lúc này, ngực của mẹ tiếp tục phát triển lớn hơn. Các tuyến ở vú sẵn sàng cung cấp sữa khi mang thai tuần 23. Mẹ có thể thấy những giọt nhỏ xíu dịch màu hơi vàng hoặc chứa nước xuất hiện trên núm vú ngay cả giai đoạn rất sớm này. Đây là sữa ban đầu, còn gọi là sữa non. Đừng lo lắng nếu ngực của mẹ không tiết sữa trong thời gian mang thai. Điều đó hoàn toàn bình thường. Khả năng cho em bé bú sau khi sinh cũng không bị ảnh hưởng.

3. Hệ tiết niệu

Mẹ dễ gặp nhiễm trùng tiểu hơn.

Lí do vì sao mang thai tuần 23 trở đi thường gặp nhiễm trùng tiểu

  • Do hormone:

Hormone thai kì làm giãn trương lực cơ niệu quản, làm chậm dòng chảy của nước tiểu. Sự thay đổi này làm nước tiểu mất nhiều thời gian hơn để đi qua đường tiết niệu. Vi khuẩn nhờ vậy có nhiều thời gian hơn để sinh sôi.

  • Do sự chèn ép của tử cung lên bàng quang:

Chèn ép khiến mẹ bầu khó tống xuất hết nước tiểu trong bàng quang. Nước tiểu còn sót lại có thể trở thành nguồn lây nhiễm khi trào ngược từ bàng quang lên niệu đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

bầu càng lớn, mẹ càng dễ có bất thường đường tiểu
Bầu càng lớn, mẹ càng dễ có bất thường đường tiểu

Điều trị thế nào đối với nhiễm trùng đường tiết niệu?

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu không triệu chứng hay nhiễm trùng bàng quang:

Mẹ bầu có thể được điều trị bằng kháng sinh đường uống an toàn cho thai kì. Các loại thuốc kháng sinh có thể làm giảm các triệu chứng trong vòng một vài ngày. Quan trọng là dùng thuốc theo đúng và đủ thời gian theo chỉ dẫn của bác sĩ, không ngưng thuốc trước hạn.

  • Nhiễm trùng thận:

Mẹ bầu sẽ phải nhập viện điều trị tích cực. Lúc này, cả mẹ và bé sẽ được theo dõi sát sao, tiến hành làm các xét nghiệm đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn và chức năng thận, làm siêu âm kiểm tra hệ tiết niệu, siêu âm kiểm tra thai.

Mẹ cần làm gì khi mang thai tuần 23?

1. Siêu âm hình thái học thai nhi

Trong tháng thứ 6 của thai kì, mẹ nên siêu âm thai ít nhất một lần. Mục đích của lần siêu âm này bao gồm:

  • Đánh giá thông số sinh học thai nhi:

Đường kính lưỡng đỉnh (BPD).

Vòng đầu (HC).

Chiều dài xương cánh tay (HUM).

Chiều dài xương đùi (FL).

Vòng bụng (AC):

  • Đánh giá chi tiết cấu trúc thai nhi.
  • Khảo sát phần phụ thai nhi gồm bánh nhau, dây rốn, thể tích nước ối.
  • Đánh giá chiều dài và hình dạng cổ tử cung.

2. Tham dự lớp giáo dục tiền sản

Mẹ không còn nhiều thời gian nữa. Chẳng mấy chốc em bé sẽ chào đời và mẹ sẽ trở nên cực kì bận rộn. Chính vì vậy, dự các lớp học tiền sản ngay từ bây giờ là cần thiết để trang bị nhiều kiến thức bổ ích cho cả mẹ và bé

Chẳng hạn, mẹ sẽ được học về bài học dinh dưỡng thai kì, chu trình khám thai, lợi ích của uôi con bằng sữa mẹ…

Mẹ cũng sẽ hiểu được những vấn đề thường gặp khi chăm sóc trẻ dưới 1 tuổi. Ví dụ như cách tắm bé sơ sinh, lịch tiêm chủng, xử trí khi trẻ sốt, sặc sữa, ói…

Lớp tiền sản cũng là cơ hội để mẹ được các bác sĩ, nữ hộ sinh kinh nghiệm trực tiếp giải đáp mọi thắc mắc về lĩnh vực sản phụ khoa, nhi sơ sinh. Từ đó, mẹ cũng sẽ có nhiều thông tin về các dịch vụ sinh sản như kĩ thuật đẻ không đau, dịch vụ chăm sóc tại nhà cho mẹ và bé, phòng sanh gia đình…

lớp tiền sản cho bà bầu khi mang thai tuần 23
Lớp tiền sản cho mẹ bầu sẽ cung cấp nhiều thông tin bổ ích

3. Chú ý hơn các triệu chứng bất thường

Nếu mẹ bầu thấy đau, bị ra máu hoặc có bất kì triệu chứng bất thường nào, cần báo với hộ sinh hoặc đi khám bác sĩ ngay. Một số phụ nữ dễ bị sinh non hơn, nhưng dấu hiệu khởi phát nhiều khi khá mơ hồ. Đừng ngại đi kiểm tra dù kết quả khám có thể hoàn toàn bình thường. Ít nhất việc thăm khám sẽ giúp mẹ bầu an tâm hơn.

Chỉ tầm 4 tháng nữa là mẹ có thể gặp mặt thiên thần nhỏ của mình rồi. Kể từ đây, càng lúc mẹ sẽ càng có nhiều việc để chuẩn bị hơn đó. Bước sang tuần 24, mẹ phải lưu tâm về vấn đề đái tháo đường kì. Nhớ đón xem nhé!

Từ khóa » Tiêu Chuẩn Thai 23 Tuần