Mất Cảm Giác: Dấu Hiệu Triệu Chứng Và Nguyên Nhân - Dieutri.Vn
Có thể bạn quan tâm
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Mô tả
Mất cảm giác thể hiện qua việc ảnh hưởng tới các loại cảm giác (ví dụ. đau, nhiệt độ, sờ nông, rung, cảm giác bản thể) và các phân vùng giải phẫu.
Hình. Con đường dẫn truyền cảm giác. A: Bó cột sau, và B: Bó gai đồi thị.
Hình. Mất cảm giác mặt và tay. Nhồi máu động mạch não giữa (MCA); Khối u, vỏ não cảm giác.
Hình. Mất cảm giác chân. Bệnh lý rễ cột sống thắt lưng cùng bên; khối u, vỏ não cảm giác; nhồi máu động mạch não trước (ACA); tổn thương tủy sống cùng bên dưới T1, trên L1/L2.
Hình. Mất cảm giác mặt tay chân. Tổn thương đồi thị; tổn thương nhánh trước bao trong; nhồi máu động mạch cảnh trong (ICA=MCA+ACA).
Hình. Mất cảm giác mặt cùng bên + tay và chân đối bên. Hội chứng hành não bên (Hội chứng Wallenberg).
Hình. Mất cảm giác đau và nhiệt độ 2 tay kiểu áo choàng. Hội chứng tủy trung tâm, bệnh lý tủy cổ.
Hình. Mất cảm giác chi trên chi dưới. Tổn thương tủy cổ.
Hình. Mất cảm giác hai chi dưới. Tổn thương tủy dưới T1, trên L1/ L2.
Hình. Mất cảm giác theo sự phân vùng thần kinh ngoại biên. Bệnh lý chèn ép đơn dây thần kinh ngoại biên.
Hình. Mất cảm giác phân vùng kiểu tất và gang tay. Bệnh lý thần kinh ngoại biên phụ thuộc chiều dài (length-dependent peripheral neuropathy).
Hình. Mất cảm giác phân vùng theo các khoanh da. Bệnh lý rễ.
Cảm giác sờ nông, rung, và bản thể
Cảm giác sờ nông, rung và bản thể được dẫn truyền chủ yếu qua bó cột sau.
Cảm giác đau và nhiệt độ
Cảm giác đau và nhiệt độ được dẫn truyền bởi bó gai đồi thị.
Nguyên nhân
Phổ biến
Bệnh lý chèn ép đơn dây thần kinh (ví dụ. hội chứng đường hầm cổ tay).
Bệnh lý thần kinh ngoại biên (ví dụ. đái tháo đường biến chứng thần kinh).
Nhồi máu não.
Xuất huyết não.
Tổn thương tủy.
Bệnh lý rễ thần kinh.
Ít phổ biến
Viêm tủy cắt ngang.
Hội chứng hành não bên (hội chứng Wallenberg).
Hội chứng khoang.
Bệnh rỗng tủy sống.
Các khối (ví dụ. u, abscess).
Cơ chế
Các nguyên nhân gây mất cảm giác gồm:
Tổn thương vỏ não cảm giác.
Tổn thương nhánh trước của bao trong.
Tổn thương đồi thị.
Tổn thương thân não.
Tổn thương tủy sống.
Bệnh lý rễ.
Bệnh lý thần kinh ngoại biên.
Tổn thương vỏ não cảm giác
Các tổn thương vỏ não cảm giác một bên gây mất cảm giác nửa người đối bên bởi sự phân bố các cấu trúc cơ thể trên vùng xuất chiếu cảm giác. Các tổn thương đơn độc hồi sau trung tâm có thể gây ra mất cảm giác nhiều hơn mất vận động.
Tổn thương nhánh trước bao trong
Một tổn thương ở nhánh trước bao trong gây ra mất cảm giác thuần túy nửa người đối bên ở mặt, tay, và chân vì sự phân bố dày đặc các sợi cảm giác ở các vùng này. Yếu cơ có thể cùng tồn tại nếu có sự liên quan tới nhánh sau của bao trong. Nguyên nhân hay gặp nhất là đột quỵ lỗ khuyết.
Tổn thương đồi thị
Nguyên nhân phổ biến nhất của mất cảm giác nửa người thuần túy mà không kèm mất vận động là nhồi máu đồi thị. Các nguyên nhân của tổn thương đồi thị gồm nhồi máu ổ khuyết, xuất huyết não và khối u.
Tổn thương thân năo
Tổn thương thân não đặc trưng bởi những khiếm khuyết phối hợp vận động cảm giác và / hoặc chỉ vận động. Rối loạn chức năng nhân của thần kinh sọ não gây ra những bất thường thần kinh sọ não cùng bên. Rối loạn chức năng các bó dài (ví dụ. Bó tháp, bó cột sau, bó gai đồi thị) tạo nên các bất thường cảm giác vận động đối bên ở dưới tổn thương. Hội chứng thân não được mô tả đầu tiên với tổn thương cảm giác bắt chéo là hội chứng Wallenberg.
Tổn thương tủy sống
Các tổn thương tủy sống gây mất cảm giác sờ nông, rung, bản thể cùng bên bởi con đường dẫn truyền ở cột sau bắt chéo ở hành tủy (phía trên tổn thương). Mất cảm giác đau và nhiệt đối bên bởi vì bó gai đồi thị bắt chéo ở mỗi mức tủy sống (bên dưới tổn thương). Sẽ có một khoanh hẹp mất hoàn toàn cảm giác ở ngang mức tổn thương. Một tầng suy giảm cảm giác (gián đoạn cảm giác ở dưới một mức khoanh da nhất định) là dấu hiệu đặc trưng.
Bệnh lý rễ
Rối loạn rễ thần kinh gây ra cảm giác dương tính (ví dụ. đau) và âm tính (ví dụ. giảm cảm giác nhận đau, vô cảm) điển hình phát hiện ở những phân vùng rễ thần kinh chi phối (khoanh cảm giác da). Các bất thường về cảm giác thường xảy ra trước các bất thường về vận động. Nguyên nhân phổ biến nhất là bệnh đĩa đệm và gai cột sống.
Bệnh thần kinh ngoại biên
Cơ chế hay gặp nhất của bệnh lý thần kinh ngoại biên là: 1) bệnh thần kinh ngoại biên phụ thuộc chiều dài và 2) bệnh lý chèn ép đơn dây thần kinh.
Bệnh thần kinh ngoại biên phụ thuộc chiều dài
Bệnh thần kinh ngoại biên phụ thuộc chiều dài gây ra bởi sự thoái hóa các sợi trục đặc biệt là ở phần xa của thần kinh và tiến triển hướng vào thân tế bào. Nguyên nhân của bệnh lý thần kinh ngoại biên phụ thuộc chiều dài gồm đái tháo đường, rượu và các bệnh lý thần kinh di truyền.
Bệnh lý chèn ép đơn dây thần kinh
Bệnh lý chèn ép thần kinh ngoại biên gây ra bởi tổn thương cơ học dẫn đến sự thoái hóa của các sợi trục và myelin xa nơi tổn thương (Thoái hóa Wallerian). Các khiếm khuyết về vận động và cảm giác ở vùng mà thần kinh ngoại biên chi phối là các dấu hiệu đặc trưng.
Các dây thần kinh ngoại biên nhạy cảm hay bị chèn ép hoặc chấn thương (ví dụ. thần kinh giữa, thần kinh mác chung).
Ý nghĩa
Các phương thức hoặc hình thức của mất cảm giác và phân vùng giải phẫu là quan trọng khi xem xét các nguyên nhân của mất cảm giác.
Từ khóa » Da Bị Tê Mất Cảm Giác
-
Tê Bì - Rối Loạn Thần Kinh - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Triệu Chứng Tê Bì, Yếu, Liệt Cơ - Bệnh Viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
-
Triệu Chứng Tê Bì Trong Bệnh Lý Nội Khoa, Thần Kinh Và Cơ Xương ...
-
Tê Bì Chân Tay: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, điều Trị Và Phòng Ngừa
-
️ Các Nguyên Nhân Gây Tê Mặt - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
-
Chứng Tê Bì Cảnh Báo Nhiều Bệnh Nguy Hiểm
-
Vì Sao Bị Tê Chân Mãi Không Dứt Và Liệu Có Nguy Hiểm Không?
-
Tê Bì Tay Chân Có Nguy Hiểm Không? - Bệnh Viện Hồng Ngọc
-
Chân Bị Tê Mất Cảm Giác Là Bệnh Gì? Cách Khắc Phục
-
Tê Bì - Triệu Chứng Của Nhiều Chứng Bệnh Nguy Hiểm Cần Phải Thận ...
-
Ngón Chân Cái Bị Tê Mất Cảm Giác Là Bệnh Gì? | TCI Hospital
-
Vì Sao Bạn Bị Tê Tay, Chân? - Vinmec
-
Tại Sao Mặt Bạn Tê Buốt? - Vinmec
-
Tê đầu Ngón Tay Là Bệnh Gì? TOP 10+ Nguyên Nhân Thường Gặp | ACC