Mạt Chược – Wikipedia Tiếng Việt

Bài viết hoặc đoạn này cần được wiki hóa để đáp ứng tiêu chuẩn quy cách định dạng và văn phong của Wikipedia. Xin hãy giúp sửa bài viết này bằng cách thêm bớt liên kết hoặc cải thiện bố cục và cách trình bày bài.
Bài này không có nguồn tham khảo nào. Mời bạn giúp cải thiện bài bằng cách bổ sung các nguồn tham khảo đáng tin cậy. Các nội dung không nguồn có thể bị nghi ngờ và xóa bỏ. Nếu bài được dịch từ Wikipedia ngôn ngữ khác thì bạn có thể chép nguồn tham khảo bên đó sang đây. (Tìm hiểu cách thức và thời điểm xóa thông báo này)

Mạt chược là một trò chơi có nguồn gốc từ Trung Hoa vào cuối thời nhà Thanh được lan rộng ra khắp thế giới từ đầu thế kỷ 20. Ở Trung Quốc có thể có đến 4 hay 6 người chơi cùng lúc (có biến thể 3 người chơi ở Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á). Trò chơi và các biến thể được chơi rộng rãi khắp Đông và Đông Nam Á và cũng trở nên phổ biến ở các nước phương Tây.

Mạt chược
Một bộ bài Mạt chược
Tên tiếng Trung
Phồn thể麻將
Giản thể麻将
Phiên âm
Tiếng Hán tiêu chuẩn
Bính âm Hán ngữmá jiàng
Tiếng Quảng Châu
Latinh hóa Yalema4 jeung3
Việt bínhmaa4 zoeng3
Tên tiếng Trung thay thế
Phồn thể麻雀
Giản thể麻雀
Phiên âm
Tiếng Hán tiêu chuẩn
Bính âm Hán ngữmá què
Tiếng Quảng Châu
Latinh hóa Yalema4 jeuk3
Việt bínhmaa4 zoek3
Tiếng Mân Nam
POJ tiếng Mân Tuyền Chươngmoâ-chhiok
Tên tiếng Việt
Tiếng Việtmạt chược
Tên tiếng Triều Tiên
Hangul마작
Hanja麻雀
Phiên âm
Romaja quốc ngữmajak
McCune–Reischauermachak
Tên tiếng Nhật
Kanji麻雀
Kanaマージャン
Chuyển tự
Rōmajimājan

Từ ngữ

[sửa | sửa mã nguồn]

Mạt chược là một từ gốc tiếng Quảng Đông: ma4 jeuk2 (麻雀 - Ma tước) nghĩa là con chim sẻ vừng, còn phiên âm theo tiếng Phổ Thông (麻將 - Ma tướng hay Ma thương) là Májiàng, vì thế trong tiếng Anh là Mahjong. Trong bài mạt chược thì ký hiệu con chim sẻ là con bài thứ nhất của bộ bài, tức là con Nhất Sách.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Có giả thuyết cho rằng, mạt chược do một nhà quý tộc ở Thượng Hải sáng tác khoảng những năm 1850, có người nói rằng khoảng từ 1870-1875, và khởi đầu nó là những con bài làm bằng giấy. Không hiểu từ khi nào nó trở thành những con bài bằng chất liệu cứng như hiện nay.

Dù là một môn giải trí nhưng nó đòi hỏi người chơi phải có trình độ, hơn nữa việc chế tác những con bài đòi hỏi nhiều công phu và dĩ nhiên tốn kém, ngay cả trước 1975 ở miền Nam Việt Nam, chỉ những dân trí thức hoặc giàu mới chơi mạt chược, còn giới bình dân thì ít ai biết đến, cũng chỉ vì nó khó học, khó chơi và rất đắt tiền khi sắm bài, sắm bàn.

Những bộ mạt chược ngày xưa thường được làm bằng gỗ hoặc xương, riêng bài của những đại phú gia, các vương tôn công tử hoặc giới quý tộc, hoàng thân quốc thích thì nghe nói được làm bằng ngà voi. Ngày nay, hầu hết bài mạt chược được làm từ nhựa PVE hoặc PVC. Những bộ bài thường thì các quân bài được dập và sơn bằng máy, bài đặc biệt được khắc bằng tay. Trước năm 1975, trong Chợ Lớn nhiều người dùng máy khắc thẻ bài để khắc bài mạt chược vì thế những quân bài có đường nét rất thanh và đẹp. Nhưng dù làm bằng chất liệu gì, bài mạt chược vẫn phải đạt được một số yếu tố như vuông vức, đều đặn, không tì vết, phải bền chắc và tạo ra âm thanh vui tai khi va chạm với nhau.

Bên cạnh đó, việc chơi mạt chược còn được gọi là "xoa mạt chược". Sở dĩ nó được gọi như vậy, vì khi chuẩn bị chia bài, người chơi sẽ xoa bộ bài trên mặt bàn để trộn bài, thay vì xào bài liên tục trong hai bàn tay như tú lơ khơ, tam cúc, tứ sắc, tổ tôm....

Các quân bài

[sửa | sửa mã nguồn]

Trước khi nói về các quân bài mạt chược, chúng ta nên tìm hiểu sơ qua về chiếc bàn kê mạt chược, một công cụ không thể thiếu trong trò chơi này. Bàn để chơi mạt chược của người Hoa khá đơn giản, nó có mặt hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 80 cm và cao chừng 60 – 85 cm; khi chơi người ta thường trải một tấm khăn để các quân bài không bị trầy xước.

Bàn mạt chược của người Việt lại là một công cụ đặc dụng cao chừng 90 cm, cũng có mặt hình vuông với mỗi cạnh dài khoảng 90 – 95 cm và có gờ bao xung quanh, gờ cao từ 3 – 4 cm được bọc da hoặc nỉ. Mặt bàn cũng được lót bằng một loại chất liệu nylon hoặc mica cứng, trơn láng và có màu tối; thường là màu xanh lam hoặc xanh lục để tăng độ tương phản, giúp những quân bài (thường có màu sáng) trở nên nổi bật hơn.

Mục đích của việc phủ mặt bàn bằng chất liệu trơn láng và cứng để khi xoa bài, những quân bài không rớt ra ngoài và dễ dàng chạy trên mặt bàn hơn. Qua một thời gian sử dụng, mặt bàn sẽ khó tránh khỏi việc bị nhiễm bẩn, độ trơn láng cũng theo đó mà giảm đi ít nhiều. Lúc này, người ta sẽ dùng một lớp phấn bôi lên mặt bàn, giúp cho việc xoa bài trở nên dễ dàng hơn.

Bài mạt chược tuy do người Hoa sáng tạo, nhưng qua thời gian, cách chơi trò này của người Việt và người Hoa có nhiều khác biệt, và vì thế, bộ bài cũng khác biệt theo. Người Hoa dùng bộ bài có 144 quân, nghĩa là chỉ có 2 bộ hoa và không có khung. Trước năm 1975, người Việt đã chơi bài có 4 bộ hoa và 2 bộ khung, tổng số quân bài lên tới 160 quân. Còn bây giờ bài thông dụng có tới 4 bộ khung, thậm chí có khi lên đến 4,5 bộ, đồng nghĩa sẽ có thêm bốn con Nhị Khẩu. Ở đây chúng ta chỉ nói về bộ bài cơ bản, có 1 bộ khung và 160 quân, được chia ra như sau:

Bài Nạc gồm ba loại là:

  • Sách: Biểu thị bằng hình vẽ các đốt của cây trúc có màu xanh lục ngọc, bắt đầu từ 2 đến 9, riêng quân Nhất Sách biểu thị bằng con chim sẻ. Có bốn con với mỗi loại quân như vậy.

  • Vạn: Tất cả những con bài này đều có màu đỏ, viết chữ số Hán tự từ "Nhất" tới "Cửu" và thêm một chữ "Vạn" phồn thể bên dưới.

  • Văn: Biểu thị bằng những vòng tròn nhỏ từ 1 tới 9.

  • Tài Phao: Hay còn gọi là gió, gồm bảy loại, mỗi loại bốn con là:

Đông; Nam; Tây; Bắc

Trung; Phát; Bạch

Bộ Khung: Đây là những quân bài đại diện, thay thế cho những quân bài khác, gồm hai loại khung:

  • Khung Xanh có bốn quân:
Tổng: Thay thế cho tất cả mọi quân bài, kể cả Hoa Thùng: Thay thế cho những quân thuộc hàng Văn Soọc: Thay thế cho những quân thuộc hàng Sách Màn: Thay thế cho những quân thuộc hàng Vạn
  • Khung Đỏ cũng có bốn quân:
Hoa: Thay thế cho tài phao Hỷ: Thay thế cho 4 gió Nguyên: Thay thế cho Trung; Phát; Bạch Hợp: Thay thế cho các quân bài Nạc Văn; Sách; Vạn

(Những bộ bài có từ 2 bộ khung trở lên còn có thêm từ 1 tới 4 khung đặc biệt gọi là nhị khẩu, là quân bài có viết 2 chữ nhỏ hỉnguyên, nó thay thế cho nguyênhỷ)

Cũng cần chính danh cho các tên gọi, như đã nói ở trên, Mạt chược tuy do người Tàu sáng tạo, nhưng đã bị Việt hoá, thậm chí ngay cả tên chính của quân bài cũng bị Việt hóa, điển hình là quân Văn, chữ (đọc theo âm Hán Việt là đồng, nghĩa là kim loại đồng, còn đọc theo phiên âm Quảng Đông là Thùng) quân bài biểu thị bằng những vòng tròn nhỏ tượng trưng cho các đồng xu (cent) hoặc đồng trinh (1/10 cent) vì thế nó không liên quan gì đến chữ Văn cả. Có thể các cụ ngày xưa chơi Tổ tôm quen nên đã đồng hoá tên gọi theo các con bài tổ tôm cho dễ gọi, dễ nhớ chăng, bởi cách chơi Mạt chược cũng có nhiều điểm giống với Tổ Tôm như phu ngang, phu dọc...

Bộ Hoa: gồm 4 bộ hoa là: Mai Lan Cúc Trúc

Bốn mùa: Xuân Hạ Thu Đông

  • Tứ Hoàng (cũng gọi là Vương) đánh số từ 1 tới 4 và bên dưới là chữ Hoàng
  • Tứ Hậu, đánh số từ 1 tới 4 và bên dưới là chữ Hậu

(Đôi khi có 2 bộ Hoa khác là Cầm Kỳ Thi Họa và Ngư Tiều Canh Độc thay thế cho 2 bộ Vương & Hậu)

Cách chơi

[sửa | sửa mã nguồn]

Để chơi Mạt chược phải có từ 4 đến 6 người. Nếu có sáu người thì 4 người chơi, 2 người ngồi ngoài dự bị nhận gió Trunggió Phát, hết gió Đông, 2 người này vô và 2 người cửa Đông và cửa Tây ra, còn nếu 5 người thì người thứ 5 gió Trung sẽ thế người gió Đông khi hết vòng gió.

Bắt đầu chơi, một người gieo ba con xúc xắc để chọn chỗ (2 con 1 màu và một con khác màu). Người được cửa Đông sẽ gieo xúc xắc để bắt đầu, một con để chỉ tụ bài nằm cửa nào, tổng số sẽ chỉ bắt bài từ hàng thứ mấy đếm từ phải qua trái. Nếu chỉ có bốn người chơi thì lần đầu tiên gieo xúc xắc trúng cửa nào, người ở cửa đó sẽ là cửa Đông, còn từ 5 người thì ai được cửa Đông sẽ giữ cái, gọi là nhà cái, những người còn lại là nhà con.

Lấy bài hay bắt bài mỗi người 13 quân, cửa cái 14 quân và sẽ đánh ra 1 quân đầu tiên. Khi tới hay ù thì sẽ có 14 quân.

14 quân bài khi tới được chia ra là 4 phu, mỗi phu 3 quân và 1 cặp mắt. Có hai loại phu là phu ngang và phu dọc, dù ngang hay dọc tất cả các phu đều phải cùng một loại, một hàng. Ví dụ sách ăn theo sách, văn theo văn, vạn theo vạn, tài phao theo tài phao. Phu ngang là ba con giống nhau (gọi là khàn), nếu có hai con mà người khác đánh ra bất kỳ từ cửa nào cũng có quyền ăn, khi đó phải xướng lên "phỗng" hoặc "đôi", phu dọc là theo thứ tự, ví dụ 234, 345…và chỉ được ăn khi người trên đánh xuống, khi tới thì bất kỳ cửa nào đánh cũng được. Tất cả Tài Phao-Chữ đều là phu ngang (chỉ được phỗng không được ăn, ví dụ: chỉ có thể có 3 quân (khàn) Đông, không thể có phu Đông-Nam-Tây). Phỗng luôn luôn được ưu tiên hơn ăn, cho dù có dùng khung hay không. Ví dụ một nhà đánh cây Ngũ Vạn, người dưới cánh hạ Tam Vạn-Tứ Vạn để ăn, nhưng người đối diện có đôi Ngũ Vạn hay cây Ngũ Vạn và khung Màn, thì người có đôi (hay 1 cây+khung) được quyền ưu tiên phỗng cây bài. Nếu cả 2 người cùng gọi phỗng thì người phỗng bằng đôi được ưu tiên hơn người phỗng bằng khung. Nếu cả 2 người đều phỗng bằng khung thì khung nào chuyên đi với hàng của quân đánh ra được ưu tiên (ví dụ 1 người đánh cây Trung, 1 người định dùng khung Nguyên để phỗng, và 1 người nữa định dùng khung Tổng để phỗng thì người dùng khung Nguyên được ưu tiên). Nhưng nếu 1 người phỗng và 1 người ù, thì người ù được ưu tiên, bất luận dưới hình thức nào. Còn nếu cả 2 người cùng ù thì người trên cánh được ưu tiên (cũng bất luận dưới hình thức nào), gọi là Ù Tay Trên. Một khi người dưới cánh (ngồi bên tay mặt) hay người đối diện đánh đúng quân bài chúng ta ù mà thấy người trên cánh suy nghĩ thì tốt hơn hết đừng nhanh nhẩu hạ bài xuống ù vội mà hãy chờ cho người ấy đưa tay bốc hẵng hạ bài ù. Vì chúng ta chưa biết người ấy có ý định ăn hay phỗng, thậm chí là ù. Nếu chúng ta hạ bài xuống ù vội thì dù rằng người kia dù không (hay chưa) có ý định ù vẫn có thể hạ bài xuống ù tay trên chúng ta. Còn như người ấy đưa tay bốc thì sau đó có đổi ý muốn ù cũng không được, vì đã đưa tay bốc là có ý nhường quyền ưu tiên cho người khác ù rồi.

  • Phỗng quật: là một kỹ thuật chơi nhằm mục đích không cho người đối diện hay người trên cánh bốc hay ăn để chạy bài, thường áp dụng để "đánh ác" người có bài lớn cho dù không có lợi cho người phỗng.
  • Âm Coong và Hối Coong: Nếu có 4 quân bài giống nhau thì có thể hạ xuống 'trình làng' để bốc tụ Hoa gọi là Âm Coong (để ngửa 2 quân 2 phía bìa và để úp 2 quân giữa, khi ù phải lật 2 cây xấp lên cho mọi người xem), được thêm 1 phán, và vẫn được kể là Bất Cầu Nhần (nếu có). Còn nếu phỗng 1 quân nào đó mà bốc cây thứ 4 thì cũng được hạ xuống để bốc tụ Hoa gọi là Hối Coong hay 'Nhé', cũng được thêm 1 phán (có nơi chỉ cho coong nhưng không cho thêm phán). Trái với Âm Coong, ai cũng có quyền ù nếu chờ quân Hối Coong (Nhé). Người ù được thêm 1 phán Coong Xừng Phá và người Hối Coong (Nhé) phải đền tiền thưởng Coong Xừng Phá cho tất cả.

Nếu dùng khung để phỗng 1 quân nào đó và bốc thêm quân đó thì có thể "nẩy" khung ra, được tính phán của khung theo quy định (nhưng nếu dùng khung để ăn thì không được nẩy, ví dụ dùng khung Thùng để thay thế Nhị Văn+Tam Văn để ăn cây Tứ Văn thì sau đó có mó cây Tứ Văn cũng không được nảy khung Thùng ra). Trường hợp "nẩy" thì không ai có quyền ù Khung, nhưng có quyền ù quân Hối Coong nếu đương sự bốc thêm quân nữa và Hối Coong (cũng có nơi cho ù khung nẩy nhưng chỉ được kể theo quân bài bốc để nẩy chứ không được tính theo khung nẩy).

Cửa cái, sau khi bắt bài nếu có hoa hoặc khung thì dựng, trường hợp chỉ có 1 hoa có quyền đánh hoặc dựng, nhưng từ 2 hoa bắt buộc phải dựng. Hoa đúng cửa thì được tính phán và không được đánh khung nữa, còn nếu không có hoa cửa vẫn được quyền đánh khung (nhiều nơi không cho). Dựng xuống bao nhiêu hoa hoặc khung thì được bắt lại bấy nhiêu quân bài ở chồng ngược lại gọi là đầu coong. Nếu đủ 14 con bài mà tròn, nhà cái sẽ ù gọi là Thiên Ù.

Sau khi cả làng đã lấy hoa xong thì nhà cái sẽ đánh ra một con bài rác, người kế tiếp nếu ăn không được và không bị ai phỗng (lấy vào hay ăn bài) thì sẽ được bắt một con vào bài từ chồng bài thuận, và sau đó sẽ phải đánh đi một con.

Cứ đánh và bắt bài như vậy cho tới khi bài tròn, nghĩa là khi đủ 4 phu và 1 mắt thì được ù. Nếu bắt lấy mà ù thì gọi là ù cái và cả làng phải chung cái, còn nếu người khác đánh cho ù thì ai đánh phải chung cái, 2 người kia sẽ chung con. Thông thường chung cái sẽ gấp đôi chung con (không kể điểm thưởng), vì thế tránh chung cái cũng là một cách đánh để đỡ phải thua nhiều, và đây là một nghệ thuật cũng như chiến thuật căn bản của người chơi Mạt chược: Ăn lớn, chung nhỏ.

Những điều cần lưu ý và những trường hợp phải đền:

  • Cửu Chướng Báo: Nếu một người ăn hay/và phỗng 3 phu/khàn cùng 1 hàng thì gọi là Cửu Chướng Báo (áp dụng cho cả Tài Phao-Chữ, toàn Nhất Cửu và 3 hàng Văn, Vạn, Sách). Có nghĩa là người nào tiếp tục đánh hàng đó hay Nhất Cửu mà bị ù toàn hàng hay toàn Nhất Cửu thì phải đền, tức là phải thay tất cả mà giam tiền cho người ù.
  • Thập Nhị Chướng Báo Chủy Mó: Nếu gặp Cửu Chướng Báo mà ai đánh cho người đó ăn/phỗng phu/khàn thứ 4 thì gọi là Thập Nhị Chướng Báo Chủy Mó, có nghĩa là nếu người kia ù, cho dù là tự tay mó thì người đánh cây bài cho người đó ăn hay phỗng phu/khàn thứ 4 cũng phải đền (dĩ nhiên phải ù toàn hàng, nếu không toàn hàng thì không phải đền).
  • Luật trên cũng áp dụng cho cả Nhất Cửu (toàn) cũng như Chữ-Tài Phao (về cả Cửu Chướng và Thập Nhị Chướng). Ngoài ra còn thêm vấn đề Tam Nguyên và Tứ Hỉ, ví dụ trường hợp Tam Nguyên, nếu ai phỗng Trung và Phát thì gọi là Bạch Báo, có nghĩa là ai đánh Bạch ra bị ù thì phải đền toàn bộ ván bài cho tất cả, giam cho người ù. Cũng như Toàn Hàng, nếu gặp Bạch Báo mà đánh Bạch cho người đó phỗng thì cũng là 'Báo Chủy Mó', nếu người đó ù cho dù chủy mó thì người đánh cây bài cảnh giác cho phỗng kia cũng phải đền như luật Thập Nhị Chướng Báo Chủy Mó của Toàn Hàng. Còn về Trường hợp Tứ Hỉ, ví dụ ai phỗng Đông, Nam, Tây thì vừa là Bắc Báo và Cửu Chướng Báo. Nếu đánh Bắc bị ù thì phải đền (Tứ Hỉ), mà đánh chữ bị ù cũng phải đền, miễn là Toàn Chữ. Và nếu đánh Bắc hay Chữ để phỗng khàn thứ 4 thì cũng là "Báo Chủy Mó" như đã kể trên.

Ngoại lệ: nếu ai trên bài chỉ còn lại toàn những cây trong hàng của người có Cửu Chướng thì dù có đánh ù (Toàn Hàng) sau đó cũng không phải đền vì không còn đường nào lựa chọn, nhưng với điều kiện là không ăn/phỗng sau Cửu Chướng.

  • Ù Báo hay Chao Ù: Ù không đúng luật. Thường thì ù bao nhiêu phán phải đền bấy nhiêu cộng thêm mủn cun. Có nghĩa nếu ù 1 phán thì phải đền 7 phán. Người có kinh nghiệm chơi khi ù không nên hạ tất cả các quân bài xuống một lượt, mà nên hạ tán tiêu, xuyên hay từng phu từng khàn một để có cơ hội kiểm bài một lần cuối. Nếu phát hiện mình ù báo mà chưa lật ngửa tất cả các quân bài trên tay thì có thể gượng lại để khỏi phải đền (cho dù chỉ còn 1 quân chưa lật), nhưng sau đó phải lần lượt đánh ra tất cả những quân bài đã lật ngửa cho làng trông thấy, nếu trong đó có khung thì phải dựng xuống.
  • Đánh khung hay đánh hoa bị ù (trái với khung, chỉ tính theo giá trị từng khung, hoa coi như Tổng, ai chờ quân nào cũng có quyền ù). Phải đền toàn bộ cho cả làng (số phán của người ù cộng thêm mủn cun).

Cách gọi tên và tính điểm

[sửa | sửa mã nguồn]

Mạt chược hấp dẫn người chơi hơn các môn bài bạc khác vì nó có tính toán, sắp đặt, bao gồm chiến thuật và chiến lược. Cũng là một ván bài đó, người chơi giỏi sẽ tạo nên ván bài lớn, nghĩa là tới nhiều điểm, ở đây gọi là phán. Mốc quan trọng khi chơi là làm sao để "tới mủn" (mủn cun: mãn quan) nghĩa là tới 6 phán và cứ mỗi bội số của 6 phán là thêm 1 mủn. Theo kinh nghiệm, người chơi tham từ 5 phán lên đến 6, nhưng không tham từ 6 lên đến 11, mà sẽ tham từ 11 lên đến 12. Có những trường hợp người chơi phải "bỏ bài". Bỏ bài đây có nghĩa là khi cảm thấy mình khó ù, ít phán hay chẳng có gì để tham trong khi có người bài lớn, nhất là người dưới cánh. Gặp trường hợp này người chơi không còn thiết gì đến chuyện ù nữa mà chỉ lo "đánh lành", cố gắng không để cho người bài lớn ăn/phỗng, hay nói nôm na là không tạo cơ hội cho người bài lớn chạy bài/ù, mà tìm cách đánh cho người ít phán hơn ù. Và theo kinh nghiệm chơi, trong trường hợp gặp người đỏ ù liên miên thì nên cố gắng mà đánh cho người khác ù, cho dù là bài lớn, nhiều phán hơn người đang đỏ (gọi là Triệt Người Đỏ).

Mỗi ván bài khi tới (ù) sẽ có một tên gọi tùy theo kết cục của 4 phu, và cũng từ đó người ta sẽ tính điểm cho ván bài tới (ù).

  • Xuông (hay Cà Ri, Cáy, Muỗi): là tên gọi của một ván bài tạp, nghĩa là khi tới 4 phu bài có đủ thứ, cả tài phao, cả phu ngang, phu dọc. Bài này không được tính phán, cả làng cùng chung 1 đơn vị, không chung cái, con. Đây là ván bài nhỏ nhất.
  • Phình: 4 phu bài đều là phu dọc, ván bài này được tính 1 phán nghĩa là người đánh chung gấp đôi người khác, hoặc bốc lấy thì cả làng chung 2 đơn vị.
  • Tui Tui: 4 phu bài đều là phu ngang, ván bài này được tính 3 phán. Không khung được thêm một phán.
  • Lai Hàng: bài gồm hai loại vừa tài phao vừa 1 hàng bài có cả phu ngang và phu dọc, ván bài này cũng được tính 3 phán, nhưng được cộng thêm phán của tài phao, nếu phu đó có điểm, ví dụ cửa 2 gió Nam thì được 1 điểm nếu có phu Nam.
  • Tui Tui Lai Hàng: 4 phu bài gồm tài phao và một hàng bài phu ngang, ván bài này được tính 6 phán (mủn). Đây là loại bài lớn. (dĩ nhiên cũng được tính thêm phán tài phao, nếu có.)
  • Tui Tui Toàn Cầu Nhần: 4 khàn bài đều là phu ngang phỗng lật ngửa, và quân bài ù cũng do người đánh. Ván bài này được tính mủn cun. Không khung được thêm một phán.
  • Tui Tui Lai Hàng Toàn Cầu Nhần: 4 khàn bao gồm tài phao và 1 hàng [hoặc Văn, Vạn hay Sách) đều phỗng lật ngửa, và quân bài ù cũng do người đánh. Được tính 2 mủn. Không khung thêm 1 phán.
  • Tui Tui Lai Nhất Cửu: 4 khàn (cả ngửa và kín) chỉ gồm tài phao, Nhất và Cửu. Ván bài này được tính mủn cun, nếu Toàn Cầu Nhần thì được 2 mủn; Nhất Cửu Lai Hàng (Tài phao và Nhất Cửu cùng 1 hàng) cũng được 2 mủn, dĩ nhiên cũng được tính thêm phán tài phao, nếu có, Nhất Cửu Lai Hàng Toàn Cầu Nhần thì 3 mủn.
  • Không Hoa, Chữ: là ván bài không có hoa và khung trong bài, ván bài này được tính 1 mủn, nếu có cước sắc tính thêm, nếu có đánh khung được tính thêm phán cho khung đánh đi.
  • Không Hoa, Chữ & Tui Tui: 2 mủn.
  • Không Hoa, Chữ & Xuyên-Phình-Bất Cầu Nhần (hoặc Tán Tiêu-Phình-Bất Cầu Nhần): 2 mủn.
  • Không Hoa, Chữ & Toàn Cầu Nhần: 2 mủn.
  • Không Hoa, Chữ & Tui Tui Toàn Cầu Nhần: 3 mủn.
  • Toàn Hàng: bài gồm 1 hàng (văn, sách, vạn) nhưng cả phu ngang lẫn phu dọc và có cả khung), không có khàn tài phao, ván bài này cũng 1 mủn. Nếu bài không có khung sẽ được 2 mủn, hoặc tui tui toàn hàng cũng 2 mủn, tui tui toàn hàng không khung 3 mủn, không hoa 4 mủn.
  • Cửu Tử Liên Hoàn : Toàn Hàng (Văn, Vạn hay Sách), gồm 3 cây Nhất (1) 3 cây Cửu (9), từ Nhị đến Bát (2-8) mỗi thứ 1 cây, tức chờ cả 9 tiếng từ 1-9. Được tính 3 mủn, không khung thì 4, không hoa thì 5.
  • Toàn Hàng (Tài Phao-Chữ, không Tam Nguyên/Tứ Hỉ): 4 mủn, không khung 6 mủn. Toàn chữ đương nhiên tối thiểu phải là Tui Tui, nhưng không được tính thêm. Nhưng nếu Khàn Khàn hay Coong Coong thì được tính thêm.

Xin lưu ý: Không Hoa đương nhiên là Không Khung, nhưng Không Khung vẫn có thể có Hoa.

  • Xập Xám Díu (Thập Tam Yêu): Gồm Đông, Nam, Tây, Bắc, Trung, Phát, Bạch, Nhất Văn, Nhất Vạn, Nhất Sách, Cửu Văn, Cửu Vạn, Cửu Sách (tức chờ cả 13 cây trên). Nếu có 12 trong số 13 cây trên và cây 13 là 1 trong 12 cây đó thì có nghĩa là chờ 1 nước [chờ cây bài thiếu, tức 1 trong 13 cây bài nêu trên]. Được tính 2 mủn, không khung thì 3.
  • Tui Tui Toàn Nhất Cửu: Gồm 4 khàn và một đôi (kín và ngửa) toàn Nhất và Cửu (lẫn lộn cả 3 hàng Văn, Vạn, Sách). Được tính 3 mủn, không khung thì 4, không hoa thì 5.
  • Tiểu Tam Nguyên: bài gồm 2 phu nguyên và 1 phu nguyên nữa làm mắt, bắt buộc phải đủ ba loại Trung Phát Bạch, ván bài này được tính 5 phán (có nơi chơi 6 phán, tức mủn cun). Nếu thêm tui tui hoặc lai hàng sẽ tính thêm mỗi thứ 3 phán. Nếu thêm Tui Tui Lai Hàng, Tui Tui Lai Nhất Cửu thì 2 mủn, Tui Tui Nhất Cửu Lai Hàng thì 3 mủn.
  • Đại Tam Nguyên: gồm 3 phu (khàn) Trung Phát Bạch, 8 phán (có nơi chơi 9 phán). Nếu thêm tui tui hoặc lai hàng sẽ tính thêm mỗi thứ 3 phán. Tóm lại nếu Đại Tam Nguyên thêm Tui Tui hay Lai Hàng thì được 2 mủn; Tui Tui Lai Hàng hay Tui Tui Lai Nhất Cửu thì được 3 mủn; và Tui Tui Nhất Cửu Lai Hàng sẽ được 4 mủn.

Cả hai ván bài này nếu không có khung đều được tính thêm 1 mủn nữa, riêng lai hàng thì không được tính là không khung, nghĩa là phần lai hàng dù có khung hay không có khung cũng vậy.

  • Khàn Khàn (hay tui tui kín, tui tui bất cầu nhần): là ván bài gồm 4 phu ngang (khàn), bốc lấy mà tới, không có phỗng bên dưới. Ván bài này được tính 3 mủn, không khung thêm 1 mủn.
  • Coong Coong: toàn Âm Coong và Hối Coong và ù Coong Xừng Phá. Được tính 4 mủn. Nếu toàn Âm Coong thì 5 mủn.
  • Tiểu Tứ Hỉ: Gồm 3 phu (khàn) và một cặp mắt, phải đủ Đông Nam Tây Bắc, được tính 4-5 mủn. Ván bài này không được tính thêm lai hàng, nhưng nếu phu còn lại là phu ngang thì được tính thêm 1 mủn nữa gọi là Tui Tui Tiểu Tứ Hỉ, 5-6 mủn. Nếu là khàn Nhất hay Cửu được tính thêm một mủn nữa, và nếu là khàn tài phao thì sẽ được gọi là Tiểu Tứ Hỉ Toàn Chữ được tới 8-9 mủn (Không Khung thêm một mủn).
  • Đại Tứ Hỉ: Đủ cả bốn Khàn Đông Nam Tây Bắc, được tính từ 8-10 mủn (10 nếu không khung), không được tính lai hàng, không được tính thêm tui tui nhưng nếu mắt là đôi Nhất hay Cửu được tính thêm 1 mủn, nếu mắt là đôi tài phao (Trung, Phát hay Bạch) thì được tính thêm 4 mủn nữa, gọi là Đại Tứ Hỉ Toàn Chữ, có nơi tính tới 12-16 mủn (16 nếu không khung). Nếu Khàn Khàn được tính thêm 3-4 mủn, Coong Coong thì thêm 4-5 mủn. Tóm lại, có thể nói Đại Tứ Hỉ Toàn Chữ Không Khung là ván bài lớn nhất của Mạt Chược, (chưa kể trường hợp có thêm Khàn Khàn hay Coong Coong, Thiên Ù, Địa Ù hay Nhân Ù nếu có thêm).
  • "Xuyên": Nếu bốc được con bài đang chờ là một con bài kẹt, nghĩa là chỉ có một con bài cho 1 phu dọc thì được tính thêm 1 phán, ví dụ bốc được con 6 khi trong bài có con 5&7, con 3 khi có 1&2 hoặc con 7 khi có 8&9...

"Tán Tiêu": Con bài bốc được là một con duy nhất để hình thành phu mắt.

Lưu ý: nước bài "xuyên" này là "bốc được con bài chờ duy nhất" vì thế khi có khung nó thường không được tính, tuy nhiên nếu có khung mà nước bài đang chờ cũng vẫn chỉ là 1 nước bài duy nhất thì vẫn được tính, thi dụ ta có khung Tổng hoặc Hợp, nhưng bài trên tay ta đang có là một con 6, hai con 8 và một con 9 thì nước bài ta chờ chỉ là một con 7, vậy bốc được con 7 thì ta có thêm phán "xuyên".

Đặc biệt:

Lấy bài xong nhà cái ù liền gọi là Thiên ù, 2 mủn. Nhà cái đánh một con, nhà con ù, gọi là Địa ù, cũng 2 mủn. Nếu nhà cái đánh hoa mà nhà con ù thì nhà cái phải đền, tổng cộng 3 mủn, chung ba cái + 6 con. Nhà con bốc mà ù ngay thì gọi là Nhân ù, 2 mủn.

Cả Thiên và Nhân ù, nếu bốc từ đầu coong mà ù thì được cộng thêm 1 phán coong (bốc tụ bài Hoa mà ù thì gọi là Coong Xừng Phá [Quan Thành Hoa], được thêm 1 phán, và thưởng thêm tiền tùy quy định).

Trên đây chỉ là những ván bài căn bản để tính phán, cách tính điểm dựa theo phán như sau:

0 phán: cái & con 1 1 phán: cái 2 con 1 2 phán: cái 4 con 2 3 phán: cái 8 con 4 4 phán: cái 16 con 8 5 phán: cái 32 con 16 6 phán (mủn, tức "mủn cun", hay "mãn quan"): cái 64 con 32.

Phán thừa tính thêm 1-2 tùy quy định, (ví dụ 8 phán thì tính mủn + 2 phán)

      • Xin bổ túc, cách chung trên đây bắt đầu từ 0 phán. Có nghĩa là mủn ăn 128/64.

Ngày trước ở Sài Gòn và bây giờ nhiều nơi vẫn còn chơi, tới mủn thưởng thêm 10 điểm nữa, như vậy tới mủn nhà cái chung 74, con chung 42. Vì ăn thua như vậy hơi lớn nên thường nhiều nơi bỏ điểm thưởng tới mủn, tuy nhiên vẫn giữ điểm thưởng tới coong là thêm 5 điểm. Cũng có nhiều nơi chơi thưởng cho mỗi gió không có người ù mủn (tùy quy định), ví dụ đến gió Bắc mà chưa có người ù mủn thì sau đó ai ù mủn sẽ được thưởng số điểm quy định nhân với 4. Cũng có nơi chơi nếu ai ù 6 ván liên tiếp thì gọi là Lục Khôi, ván bài ù thứ 6 trở đi được cộng thêm mủn cun, và cứ thế tiếp tục.

Ngoài ra cần phải lưu ý, để ván bài lớn phải biết cách dựng khung cũng như tính toán, cố gắng để ván bài khi tới đủ 6 phán không cần hơn vì mỗi phán thêm chỉ được tính thêm 2 điểm, 5 phán cũng chỉ thêm được 10 điểm, không đáng gì, đôi khi dựng khung sẽ làm bài trở nên khó tới.

Quy luật về dựng khung như sau:

Khung Tổng: Dựng đầu, hoặc cửa 1 dựng bất cứ khi nào 3 phán, cửa khác dựng sau 2 phán. Khung Hợp: Dựng đầu, hoặc cửa 4 dựng bất cứ khi nào 3 phán, cửa khác dựng sau 2 phán. Đại Hoa, tất cả các cửa dựng bất cứ khi nào đều 2 phán. Tổng+Hợp: Dựng đầu bất cứ cửa nào 9 phán, dựng sau 1 lần 6 phán. Thùng: cửa 2 dựng bất cứ khi nào 2 phán, các cửa khác 1 phán. Soọc: Cửa 3 dựng bất cứ khi nào 2 phán, các cửa khác 1 phán. Màn: Cửa 4 dựng bất cứ khi nào 2 phán, các cửa khác 1 phán. Hỉ: cửa 2 dựng bất cứ khi nào 2 phán, các cửa khác 1 phán. Nguyên: cửa 3 dựng bất cứ khi nào 2 phán, các cửa khác 1 phán. Hoa trúng cửa thì được 1 phán, không trúng cửa không được tính phán. 1 bộ hoa được tính 1 mủn, không được tính điểm hoa cửa nữa, nếu trúng cửa thêm 1 mủn nữa là 2 mủn. 8 hoa bất kể được tính 1 mủn, 10 hoa được 2 mủn, được thêm điểm hoa cửa. Tuy nhiên không phải mọi nơi đều chơi như vậy, cũng có nhiều nơi không chơi theo lối tính hoa kiểu này.

Như vậy, trước khi hạ bài xuống ù phải tính xem bài mình được bao nhiêu phán trước khi xướng, vì khi đã xướng rồi, nếu tính thiếu sẽ không được tính thêm nữa, rất thiệt thòi, còn tính dư sẽ bị làng tính lại. (Vì bây giờ đa số đều chơi bài có nhiều bộ khung nên không giới thiệu 1 ván bài pair-pair, nghĩa là toàn bài khi tới là 7 đôi. Bài này cũng ăn 1 mủn. Nhiều nơi chỉ cho ù, nếu tự bốc, khác với luật của Hongkong. Ván bài này, nhiều nơi gọi là lục phé bôn, trong lúc pair-pair được xài cho việc khác, nếu khi chờ bằng 2 đôi (2 con mắt), mà tự bốc lấy mà ù, thì được thêm 1 phán).

Vài ván bài đặc biệt: 1. Xập xám díu: 13 quân bài khác nhau: 7 tài phao + 3 lần quân 1 + 3 lần quân 9, quân thứ 14 tạo thành một đôi. 13 phán. Không khung, thêm 1 mủn. 2. Yêu Cửu: Chỉ toàn quân 1 (yêu) va 9 (cửu), 3 mủn. Lai hàng 9 phán. Không khung thêm 1 mủn. 3. Toàn chữ: Gió và tài phao, 4 mủn. Không khung, thêm 1 mủn. (xin so sánh với, Đại Tứ Hỷ Toàn Chữ bên trên) 4. Phóng hoa: đánh ra 3 lần hoa, bài sạch khung là ù, 1 mủn. Hoa khi đánh ra có giá trị như Tổng. Ai đang chờ là đều tới được. Ăn mủn, đền mủn. Nhiều nơi cho tính Khung như Hoa, nghĩa là, phóng khung thế hoa được, miễn ba con là được. Nếu phóng 3 khung xanh thì không cần sạch tài phao cũng ù được. Nếu phóng 2 khung xanh (khung Hợp kể như khung xanh) và một khung đỏ (khung Nguyên hay khung Hỷ) thì phải cần sạch tài phao mới ù được. Khung đánh ra, thì có quyền bị ăn, bị phỗng.

  • Xiểu Xường Cống (Tiểu Tướng Công) và Tài Xường Cống (Đại Tướng Công):Lấy thiếu bài thì gọi là Xiểu Xường Cống và thừa bài gọi là Tài Xường Cống. Khi gặp những trường hợp này thì đương sự không thể ù được, chỉ cố mà "đánh lành" và mong cho hòa (bốc hết bài mà không ai ù) hay người ít phán nhất ù. Người thiếu bài vẫn có quyền ăn/phỗng nhưng thừa bài thì không được. Nếu không tuân thủ theo nguyên tắc trên thì phải đền cho cả 3 nhà.
  • Ván bài hòa: khi còn lại 13 chồng (26 quân bài) tính từ tụ bài lấy Hoa sang tụ rút mà vẫn chưa có ai ù thì ván bài kể như hòa, chơi ván mới.

Các dị bản khác của Mạt chược

[sửa | sửa mã nguồn]

Cao Hùng là một cách chơi khác của Mạt chược. Thay vì sử dụng các quân Mạt Chược thông thường thì thay vào đó lại sử dụng đến 2 bộ quân cờ tướng (64 quân) và thay vì dùng 14 quân thì trong Cao Hùng chỉ được sử dụng 8 quân với 2 phu và 1 cặp mắt nhưng cặp mắt phụ thuộc vào 1 Phu trong cây bài để quyết định kiểu ù.

Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Mạt chược.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ khóa » đánh Bài Dịch Tiếng Trung