Mắt Thần Núi, Tỉnh Cao Bằng - Cục Di Sản Văn Hóa

Mắt Thần Núi, tỉnh Cao Bằng

Mắt Thần Núi, theo tiếng Tày là Phia Piót, nghĩa là núi thủng. Mắt Thần Núi là một cái hang thủng hình tròn, xuyên từ mặt bên này sang mặt bên kia của ngọn núi, có đường kính hơn 50m, nằm ở độ cao khoảng 50m so với mặt hồ (Thang Hen) trong Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng đã được UNESCO ghi danh, là một thắng cảnh độc đáo trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo các nhà khoa học, Mắt Thần Núi (Núi Thủng) thực chất là một hang khô, hang hóa thạch được hình thành cách ngày nay hơn 300 triệu năm. Hang nằm ở độ cao như hiện nay là do vận động nâng trong giai đoạn tân kiến tạo, bao gồm các khối núi dạng tháp và dạng nón đan xen với hàng chục hồ nước lớn nhỏ. Trước kia được hình thành sát mặt nước, là một hang dài nhưng do quá trình tiến hóa Karst làm cho các quả núi tách biệt nhau ra nên chúng ta chỉ quan sát thấy một đoạn núi thủng.

Mắt Thần Núi nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh hồ Thăng Hen (xã Quốc Toản, huyện Quảng Hòa), với hệ thống 36 hồ liên thông nhau. Bao quanh Mắt Thần Núi, nằm xen kẽ là các dãy núi đá trập trùng, bên dưới là những con suối uốn lượn bao bọc lấy thảm cỏ mênh mông, xanh mướt tạo nên vẻ đẹp mềm mại nên thơ như nàng thiếu nữ tuổi xuân thì. Trên những vạt cỏ xanh mênh mông bên hồ nước là các hang sâu có đáy phủ rêu xanh và lởm chởm nhũ đá với những hình dạng khác nhau. Điều độc đáo ở đây là các hồ liên thông nhau với các dòng chảy trên bề mặt hoặc dòng chảy ngầm. Vì thế mực nước các hồ có thể thay đổi theo mùa, đôi khi rất đột ngột, có khi chỉ trong một vài giờ nước ào ạt dâng lên mênh mông, cũng chỉ trong vài khoảnh khắc nước lại sôi réo và có thể lại rút cạn toàn bộ. Đi dọc theo con đường mòn, du khách có thể tận hưởng nét độc đáo của người Tày xóm Bản Danh. Với mái nhà sàn lợp ngói âm dương, những mỏ nước trong vắt mát ngọt chảy ra từ vách núi và các bờ rào đá men theo đường làng nhỏ quanh co được xếp thành hàng dài nhiều cây số dọc ruộng nương và vắt cả lên lưng núi, tựa như vách tường vừa ngăn trâu bò phá ruộng, vừa tránh được thú dữ và các loài động vật phá hoại cây cối, hoa màu và nước cuốn trôi. Những hàng rào đá xếp của đồng bào địa phương rất độc đáo, ngoài những mục đích phục vụ cuộc sống còn mang những giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa truyền thống, đậm bản sắc bản sắc văn hóa của đồng bào Tày, Nùng nơi đây. Hòa cùng bức tranh sinh hoạt của con người, cộng thêm là những thung lũng cỏ xanh mượt như nhung, những đỉnh núi san sát, muôn hình vạn trạng tạo nên một quang cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, xứng danh là “Tuyệt tình cốc”.

Danh lam thắng cảnh Mắt thần núi có diện tích khoanh vùng bảo vệ I là 49.192,6m2 và khu vực khoanh vùng bảo vệ II là 172.284,1m2.

Mắt thần núi là thắng cảnh đẹp, độc đáo do thiên nhiên tạo ra, hiện nay di tích vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, chưa có sự tác động của bàn tay con người... Hiện tại các cấp chính quyền đã đưa di tích Mắt Thần Núi vào tuyến tham quan phía Đông của Công viên địa chất non nước Cao Bằng với chủ đề "trải nghiệm văn hóa bản địa xứ sở thần tiên".

Với giá trị tiêu biểu trên, Mắt Thần Núi, tỉnh Cao bằng đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Danh lam thắng cảnh quốc gia theo Quyết định số 1988/QĐ-BVHTTDL ngày 29/6/2021./.

Khánh Chi

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Từ khóa » Núi Một Mắt