Mắt Thần Núi

Mắt Thần Núi mùa nước đổ, ảnh: Hoài Nam

“Mắt Thần núi” hay núi “Phja Piót” (tiếng Tày là “Núi thủng”) thuộc xã Cao Chương huyện Trùng Khánh và một phần của xã Quốc Toản, huyện Quảng Hòa. Mắt Thần núi thực chất là một hang thủng hình tròn đường kính hơn 50m, nằm ở độ cao khoảng 50m so với mặt hồ. Hang nằm ở độ cao như hiện nay là do vận động nâng trong giai đoạn Tân kiến tạo.

Thiiếu nữ Tày bên Mắt Thần Núi, ảnh: Hoài Nam

Hang phát triển trong địa hình đá vôi dạng tháp ở độ cao chung khoảng 650-700m, bao gồm các khối núi dạng tháp và dạng nón đan xen với hàng chục hồ nước lớn nhỏ, cùng tạo nên hệ thống hồ Thang Hen. Nét độc đáo của hệ thống hồ Thăng Hen là các hồ liên thông với nhau và với các dòng chảy mặt hoặc dòng chảy ngầm. Vì thế mực nước các hồ có thể thay đổi theo mùa, đôi khi rất đột ngột. Đến tham quan Mắt Thần núi vào mùa mưa (tháng 6-8), sau khi đi hết con đường mòn, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy hồ nước rộng khoảng 15ha có tên là Nậm Trá. Nhưng vào mùa khô (từ tháng 9 trở đi) cũng tại đây người dân địa phương lại có thể chăn thả gia súc trên đồng cỏ. Phía bên phải, cách hồ khoảng 500-600m, đi bộ mất 10 phút là thác nước Nậm Trá trên dòng suối cùng tên, cũng là một thác nước đẹp đáng để tham quan.

Mắt Thần Núi mùa nước cạn, ảnh: Hoài Nam

Ngoài “Mắt Thần núi” độc đáo, dọc con đường mòn chỉ khoảng 15 phút đi bộ, du khách có thể tận hưởng sự giao hòa gần gũi, bình yên đến tuyệt vời của người Tày xóm Bản Danh, với nhà sàn lợp ngói âm dương, hàng rào đá, cánh đồng lúa, ruộng ngô, đàn trâu, bò... cùng cảnh quan karst trưởng thành xanh tốt xung quanh, những trải nghiệm chắc chắn sẽ giúp du khách thư giãn sau những căng thẳng của cuộc sống thường ngày.

Từ khóa » Núi Mắt Thần Trà Lĩnh - Cao Bằng