Mắt Thuyền - Báo Tài Nguyên Và Môi Trường

Những "đôi mắt" lênh đênh cùng thương hồ trên dòng Hậu Giang

Có rất nhiều truyền thuyết và truyện kể về hình ảnh con mắt trên thuyền, cũng có thể trong số ấy có những chi tiết hư cấu, tạo dệt của người đời sau nhằm giải thích những ẩn ý của người xưa xung quanh đôi mắt của ghe thuyền được vẽ nên từ quá khứ, thế nhưng, những hình ảnh còn tồn tại kèm theo các nghi thức văn hóa đã đọng lại trong niềm tin bất di bất dịch của cộng đồng về một nét văn hóa sông nước độc đáo trải dài hơn 3.000 cây số biển Việt Nam. Trong đó, mỗi con thuyền chở theo bao hoài bão của con người về việc chinh phục, làm chủ biển khơi như ước vọng ngàn đời của ngư dân mà con mắt chính là niềm tin soi sáng dẫn đường cho ước vọng ấy.

Cái ước vọng đầu tiên của ngư dân là ước vọng yên bình. Trong những chuyến đi chinh phục sông nước biển khơi, đã có những người phải bỏ thân nằm lại. Người dân hiền hòa với lòng biết ơn sông biển, luôn quan niệm rằng đó chính là do lực lượng thủy quái gây nên chứ lòng sông lòng biển thì luôn bao dung và chở nặng cá tôm cho con người. Bởi vậy nên, có chuyện kể rằng, có một vị vua, sau khi biết tin các hạ thần của mình bị kình ngư làm hại, đã ra lệnh cho họ xăm mình và trang trí lên vỏ thuyền các hình thù kỳ quái, dữ tợn. Sau đấy, lệnh truyền cho tất cả thần dân phải xăm mình, vẽ những hình thù kỳ quái nhằm khoác một lớp áo hung dữ cho chiếc thuyền, khiến cho thủy quái phải kinh hồn bạt vía mỗi khi thuyền thuyền di chuyển trên nước. Một trong những cách bù chú đó là vẽ mắt lên thuyền.

Mắt thuyền, có thể là đôi mắt chim ó - loài đại bàng chuyên săn cá trên biển, thường xuất hiện khi sóng to gió dữ; cũng có thể là mắt chim cú nhìn xuyên đêm, hay mắt rồng, mắt thuồng luồng, giao long, mắt trén - một con mắt dài, sắc sảo như lưỡi đao… Phải chăng, người xưa đã vẽ những con mắt thuyền theo hình dáng của những sinh vật to lớn, nhanh nhẹn và dữ tợn để trấn áp, làm khiếp đảm loài thủy quái.

Nét dữ tợn trong "ánh mắt" Cần Thơ

Nhưng đôi khi, con mắt thuyền lại mang đường nét đôi mắt của con người, hay phổ biến nhất là mắt cá Ông - một loài linh vật to lớn, hiền lành, thường che chở giúp đỡ ngư dân khi họ bị nạn, hay mang đến những điềm ứng báo tốt lành. Cá Ông, còn có tên khác là cá voi, được các thư tịch cổ kim ghi chép khá nhiều, phần lớn có đề cập đến sự linh ứng. Sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức có ghi: Loài cá đầu tròn, nơi trán có lỗ phun nước, mũi miệng giống như voi, mình trơn láng không có vảy, đuôi có hai nhánh rẽ như đuôi tôm, tánh hiền lành biết cứu giúp người. Người đánh cá thường kêu réo nhờ nó đuổi các loài cá vào lưới. Gặp thuyền đi biển bị chìm, cá nầy thường đưa người vào bờ, dân miền biển đều tôn kính, nếu thấy thây cá này trôi dạt, dân chài lưới góp tiền mua vải, sắm hòm tẩm liệm, chôn cất, cử người trùm trưởng trong làng chài đứng làm tang chủ, cất đền thờ phụng.

Cũng theo ghi chép của các thư tịch đời Nguyễn, cá Ông là loài cá hiền lành và linh thiêng, được tôn kính từ triều đình cho đến thứ dân. Cá này không chỉ phù hộ, độ trì người đi xuôi ngược, buôn bán trên biển, mà còn giúp cho người chài lưới đánh bắt thuận lợi, mỡ cá còn được dùng chữa bệnh, cứu người. Phải chăng, đó là lý do mà cá Ông được cư dân miền biển coi trọng, đem hình ảnh đôi mắt trang trí cho con thuyền của mình với ý niệm tốt lành.

Nét hiền hòa trong "ánh mắt" Bình Thuận

Có nhiều điều thú vị trong văn hóa ứng xử của ngư dân gắn liền với tục vẽ mắt thuyền. Khi đóng một chiếc thuyền, các trại thuyền sẽ thực hiện nhiều nghi lễ trang nghiêm như lễ phạt mộc, đưa dăm, lễ cúng ghim lô, lễ khai nhãn, lễ hạ thuỷ. Cúng khai nhãn hay còn gọi là khai quang, điểm nhãn là lễ “mở mắt” cho thuyền. Sau khi đóng xong phần vỏ thuyền, chủ thuyền sẽ làm lễ cúng thuyền để thực hiện vẽ mắt thuyền. Sau khi vẽ xong, người ta tiến hành đặt “phong nhãn” (che kín mắt thuyền) bằng dải lụa điều. Việc này được thực hiện bởi chủ thuyền hay lão ngư giàu kinh nghiệm. Trước khi thực sự sống một cuộc đời gắn chặt với mặt biển bao la, con thuyền phải được khai quang, khai nhãn, điểm nhãn, mở mắt như bao sinh vật tri giác khác trên cõi sống này với thái độ trân trọng, linh thiêng của con người nhằm gửi gắm ước mơ con thuyền luôn đi về an toàn trên sông nước và công việc làm ăn của chủ thuyền sẽ hanh thông.

Bởi vậy, lễ khai quang, khai nhãn, điểm nhãn được xem là một nghi thức khai tâm. Cư dân vùng sông nước xem con thuyền của mình là một sinh vật có hồn, một “vật linh” trong đời sống của họ. Đích đến của những nghi lễ này là cầu nguyện bình an, bội thu và đó cũng là cách giúp họ tìm đến sự bình an trong tâm, thể hiện lòng biết ơn đối với các lực lượng siêu nhiên đã che chở họ trong suốt quá trình làm nghề. Với họ, thuyền không chỉ là một phương tiện mà còn là một ân nhân, một người bạn đồng hành, một ngôi nhà của ngư dân.

Và như vậy, mắt thuyền đã trở thành một biểu tượng văn hóa, trước tiên thể hiện yếu tố của văn hóa thị giác, thẩm mỹ; đồng thời, qua hình tượng “mắt” thuyền dưới góc độ nào đó, chính là sự giao tiếp tâm linh tín ngưỡng. Nó ẩn dụ một thế lực siêu nhiên mà theo ngư dân đó chính là thần linh che chở, bảo vệ cuộc sống của họ. Đó là những đôi mắt thần linh luôn dõi theo các hoạt động của ngư dân. Cũng vì thế mà trước mũi thuyền thường có một góc để ngư dân thờ cúng thần linh.

Phía trong mũi thuyền thường có một góc để ngư dân thờ cúng thần linh

Lang thang dọc miền sông biển, bạn sẽ thấy, dẫu là thuyền (ghe) lưới rùng Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu), thuyền (ghe) bầu Mũi Né (Bình Thuận), thuyền (ghe) câu Phan Rang (Ninh Thuận), thuyền (ghe) giã Bình Định, thuyền (ghe) bầu Quảng Ngãi, thuyền (ghe) câu Hội An (Quảng Nam), thuyền (ghe) nang Đà Nẵng, thuyền (ghe) giã Quảng Trị, thuyền (ghe) câu Quảng Khê (Quảng Bình), thuyền (ghe) mành Nghệ An, thuyền (ghe) mành vùng hạ lưu sông Hồng... mỗi con mắt thuyền mang một vẻ riêng nhưng ngoài việc chuyển tải cảm xúc và vẻ đẹp thẩm mỹ của một tác phẩm nghệ thuật, nó còn chuyển tải ý nghĩa văn hóa độc đáo đặc trưng của cư dân vùng sông nước. Mắt thuyền mở ra là biểu thị việc nhìn ra thế giới bên ngoài, hướng con thuyền đi bình an, đúng hướng tới những nơi có nhiều tôm cá. Nó còn là sự giao tiếp của con người với thế lực siêu nhiên thông qua con mắt thần.

Những con mắt thuyền vẫn ngày ngày đời đời lênh đênh sông biển, những con mắt khi giận giữ trước bão táp phong ba, lúc vui sướng trước mẻ cá nặng lưới đầy của ngư dân, khi buồn rầu vì bất lực… và bao giờ cũng tin cậy hiền hòa êm đềm trong mắt của ngư dân. Những con mắt chưa bao giờ ngủ. Phải chăng, kể từ khi mang thêm đôi mắt, thuyền cũng là thân phận…

(Bài viết có sử dụng hình ảnh của tác giả Phạm Dương)

Từ khóa » Ghe Thuyền