Mật Tông Là Gì? Thần Chú Mật Tông & Các Nguyên Tắc Tu Trì - CoHoc.VN

Mật Tông là pháp môn đặc sắc được bắt nguồn từ sự kết hợp giữa Ấn Độ giáo và Phật giáo Đại thừa. Mật Tông được hình thành vào khoảng thế kỷ 5,6 tại Ấn Độ. Mật Tông còn được gọi là Mật giáo, Chân ngôn môn, Kim cương thừa hay Mật thừa…

Mục lục bài viết

Toggle
  • Mật Tông là gì?
  • Sao gọi là Trì ?
  • Sao gọi là Chú ?
  • Trì Chú
  • Tụng Chú hoặc Niệm Chú :
  • Thần Chú Mật Tông
  • Om Mani Padme Hum – Lục Tự Đại Minh Chú
  • Tiểu hiếu hay Đại hiếu
  • Thời kỳ Mạt Pháp
  • Niệm Phật & Trì Chú
  • Tịnh Độ Tông hay Mật Tông?
  • Tu Tịnh Độ & Mật Tông khó hay dễ?
    • Tại sao dễ ?
    • Nhưng tại sao khó ?
  • Mật Tịnh là cùng nguồn gốc
  • Hàm ý 2 chữ Mật Tịnh
  • Tất cả đều do Tâm sinh
  • Thay lời kết: Phật tử tu Mật tông nên biết
    • Phải cẩn thận điều này
    • Điều nhiều người không biết

Mật Tông là gì?

Mật Tông là gì? Mật tông tây tạng - Cohoc.vn

Mật tông là một pháp tu bí mật của Phật giáo, dạy về cách “bắt ấn”, “trì chú” v.v… Pháp tu nầy có tính chất liễu nghĩa (trọn đủ), căn cứ vào nơi tâm pháp bí truyền.

Trong các pháp môn mà Phật đã chỉ dạy cho chúng sanh nương theo tu tập trong thời buổi “Mạt Pháp” sau nầy, hành môn nào cũng đều có một tôn chỉ thù thắng vi diệu. Ví dụ như :

Bên Tịnh Độ Tông lấy tôn chỉ :

“Một đời vãng sanh, được bất thối chuyển” làm tông.

Bên Thiền Tông lấy tôn chỉ :

“Chỉ thẳng lòng người, thấy tánh thành Phật” làm tông.

Bên Hoa Nghiêm Tông lấy tôn chỉ :

“Lìa thế gian, nhập pháp giới” làm tông.

Bên Pháp Hoa Tông lấy tôn chỉ :

“Phế huyền, hiển thật” làm tông.

Và riêng :

Bên Mật Tông lấy tôn chỉ:

“Tam mật tương ưng, tức thân thành Phật” làm tông v.v…

Tam mật là: Thân mậtKhẩu mậtÝ mật

Tóm lại, pháp môn tuy nhiều và tôn chỉ khác nhau, nhưng tựu trung rồi cũng quy về một mục đích duy nhất là giải thoát khỏi sinh tử luân hồi mà thôi.

Nay xin nói sơ qua về “Mật Tông”. Gọi là “Mật”, vì đây là một hành môn thuộc về “Bí Mật Pháp Môn”, chuyên dạy về cách trì Chú, bắt Ấn, nên phải có Sư thừa ( tức người truyền dạy ).

Sao gọi là Trì ?

TRÌ có nghĩa là giữ hoài (trì giữ) không cho mất, không cho quên.

Sao gọi là Chú ?

CHÚ nói cho đủ thì là Thần Chú, là lời bí mật. Nay để cho tiện, nên gọi tắt là “Chú”,

Có người không hiểu, nói rằng : Thần Chú là của Thần đạo thuyết ra. Đó là trật, là sai lầm.

  • Chữ THẦN nơi đây có nghĩa là “thần thông, linh thông, biến hoá”.
  • Chữ CHÚ thì còn được gọi là CHÂN NGÔN.

Những câu Thần Chú của chư Phật và Bồ Tát thuyết ra có oai lực và công đức không thể nghĩ bàn. Ta phải nên phân biệt giữa TRÌ Chú và NIỆM Chú.

Trì Chú

Tức là 1 câu Chú phải được lập đi lập lại liên tục từ vài trăm biến (trăm lần) trở lên, thì mới được gọi là trì. Còn chỉ đọc 3 câu, 7 câu, thì là niệm, chứ không được gọi là trì.

Tụng Chú hoặc Niệm Chú :

Tức là chỉ lướt qua có một lần mà thôi. Chẳng hạn như “Thập Chú Lăng Nghiêm” sáng được tụng lướt qua có 1 lần thôi, chứ không có tụng lần thứ 2, thứ 3.

Thần Chú Mật Tông

Thần Chú Mật Tông - Cohoc.vn

Thần Chú tiếng Phạn gọi là Dhàrani ( Đà ra ni, Đà la ni ), tiếng Hán dịch là Tổng Trì, tiếng Anh gọi là Mantra.Vì bao gồm vô lượng pháp, nên gọi là “Tổng”. Vì giữ chứa vô lượng nghĩa, nên gọi là “Trì”.

Thần Chú mang ý nghĩa bao trùm (tổng) tất cả Pháp, gìn giữ (trì) tư tưởng cao thượng từ vô lượng diệu nghĩa của nội tâm. Câu “Thần Chú” là cả một “Tâm Ý” của chư Phật, Bồ Tát đối với chúng sinh.

Ý nghĩa của Thần Chú thì cực kỳ bí mật, không ai hiểu được, ngoại trừ bổn tôn (vị chủ) của Thần Chú đó và chư Phật mới biết được mà thôi.

Chú đại bi tâm Đà la ni (Đà ra ni)

Chú đại bi tâm Đà la ni (Đà ra ni) - Cohoc.vn

Có ba loại Ðà ra ni, đó là : Một chữ, nhiều chữ, và không chữ (vô tự).

Thần Chú của Phật khác với của Tà đạo. Chú của Phật có công năng phá tà lập chánh, tiêu diệt nghiệp ác, phá được vọng tưởng tà quấy, phát sanh trí huệ, tăng trưởng phước đức căn lành, ngăn trừ tội lỗi, cứu mình độ người thoát khỏi ma nạn, nhất là cứu độ cho vong linh được siêu thoát một cách tuyệt diệu và hy hữu, đưa người từ cõi Phàm đến cõi Thánh nhanh chóng, gần gũi cùng cảm ứng đạo giao với Phật, Bồ Tát, Thánh Thần và thành tựu được đạo quả.

Còn Thần Chú của Tà đạo chỉ làm hại người, hại vật, gieo tai họa cho người, chết phải đọa vào 3 ác đạo.

Thần Chú tuy không có thể giải nghĩa ra được, nhưng nếu chí tâm, thành kính thọ trì, thì sẽ được công hiệu kỳ diệu khó thể nghĩ bàn. Cũng giống như người uống nước, cảm giác ấm hay lạnh thì chỉ người đó tự biết – còn người khác thì không cách chi biết được, cũng không hiểu hoặc không tin được. Phần công hiệu của việc trì Chú cũng vậy, chỉ riêng người chuyên trì Chú mới biết rõ nó hiệu nghiệm như thế nào mà thôi !

Thường thì một câu Thần Chú hay thâu gồm hết một bộ Kinh. Vậy cũng đủ hiểu hiệu lực, công đức của câu Thần Chú mà Phật nói ra không thể nghĩ bàn.

Thí dụ như :

1. Bộ Kinh ĐẠI BÁT NHÃ gồm có 600 quyển, mà chỉ có một câu Thần Chú gom hết 600 cuốn Đại Bát Nhã. Đó là câu :

Yết đế, yết đế ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.

2. Kinh ĐẠI BI TÂM ĐÀ RA NI kết lại hết 85 câu Chú :

Án, tất điện đô mạn đa ra, bạt đà dạ, ta bà ha.

3. Nguyên cuốn Kinh CHUẨN ĐỀ kết lại câu :

Án chiết lệ chủ lệ chuẩn đề ta bà ha.

4. Kinh LĂNG NGHIÊM gồm có 9 cuốn, kết lại trong câu :

Án, a na lệ tỳ xá đề, bệ ra bạt xà ra đà rị, bàn đà bàn đà nể, bạt xà ra bàn ni phấn hổ hồng đô lô ung phấn, ta bà ha.

5. Kinh PHẬT ĐẢNH TÔN THẮNG ĐÀ RA NI v.v… thì cũng y như vậy.

Lại nữa, phải nên biết :

Câu CHÂN NGÔN (Thần Chú) đây thuộc về “bất tư nghì thần lực”.

Còn :

Câu NIỆM PHẬT thì thuộc về “bất tư nghì công đức”.

Cả hai, một MẬT, một TỊNH đồng chung nguồn gốc mà sanh ra, đều có năng lực đưa hành giả về nơi Tịnh Độ (nói chung) và vãng sanh về cõi CỰC LẠC (nói riêng), chứ không phải :

Trì Chú thì không được vãng sanh. Chỉ chuyên Niệm Phật mới được vãng sanh !

Nay Tổ Sư Thích Thiền Tâm đã phối hợp cả hai phần (MẬT và TỊNH) lại thì sự kiến hiệu càng tăng thêm gấp bội. Cái tâm “lực” đưa tới Cực Lạc sẽ nhanh chóng, an lành không bị trắc trở.

Như VÔ LƯỢNG THỌ NHƯ LAI Ðà ra ni,

  • Tụng một biến thì tất cả các tội tứ trọng, ngũ nghịch, thập ác thảy đều tiêu diệt.
  • Tụng 3 biến, tất cả tội chướng đều được tiêu trừ.
  • Tụng 7 biến thì dù cho hàng thiện nam, tín nữ tại gia phạm giới căn bản, hàng Tăng Ni phạm tội tứ khí, bát khí và các trọng giới khác, đều trở lại được giới phẩm thanh tịnh.

Hành giả khi kết Ấn tụng trì Thần Chú nầy liền được chư PHẬT phóng quang tụ nơi đỉnh đầu và được các Ngài nhiếp thọ.

Tụng đến 1 vạn biến (10.000 lần), tâm Bồ Đề (tâm Phật) hiển hiện trong thân không quên mất.

Người trì niệm dần dần thể nhập vào tịnh tâm tròn sáng, trong sạch, mát mẻ như trăng thu, tiêu tan hết tất cả phiền não. Khi lâm chung sẽ thấy đức A DI ĐÀ Như Lai, cùng với vô lượng trăm ngàn ức chúng BỒ TÁT đến vây quanh, an ủi, bao che và tiếp dẫn. Ðương nhân liền được sanh về một trong 9 phẩm sen ở cõi Cực Lạc. (Xin xem Kinh Niệm Phật Ba La Mật).

Om Mani Padme Hum – Lục Tự Đại Minh Chú

Om Mani Padme Hum - Lục Tự Đại Minh Chú

Um, Mani Padmé Hùm (Hán dịch theo Phạm-âm là : “Án ma ni bát di hồng ) tuy chỉ có sáu chữ ngắn ngủi thôi, nhưng oai lực lớn không thể nghĩ bàn ( tương đương với oai lực của chú Đại Bi ). Vì cả 2 chú (Đại Bi và Lục Tự Đại Minh) nầy là một sự “tổng hợp” của đức Quán Thế Âm Bồ tát cùng của rất nhiều chư Phật, đã mang hết cả “tâm ý” của Bồ Tát và của chư Phật, giúp cho chúng sanh giải tất cả nạn, tiêu ác nghiệp, dứt trừ bệnh nghiệp, được sự vô úy (không còn sợ sệt trước mọi hoàn cảnh) và được tất cả sự mong cầu (tương đương với “phước, đức” của mình, nhưng phải chánh đáng).

Oai lực của chú ĐẠI BI và chú LỤC TỰ có thể dời non, lấp biển, chuyển nắng hạn thành mưa, chuyển gió bão thành nắng ấm, có khả năng đưa người ra khỏi địa ngục, và đưa người lên cõi Trời, cõi Phật, thoát khỏi 3 ác đạo.

Ngoài “Bổn Tôn” (tức là vị chủ) của câu Thần Chú, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và chư Phật ra, không ai hiểu được công năng và nghĩa lý ảo bí của nó (kể luôn tất cả các đại Bồ Tát khác ở 10 phương cũng không hiểu thấu được)…

Có số người không hiểu rõ điều trên, nên đã phí công dịch giải ra nghĩa ý, vô tình làm mất đi phần công lực của Chú. Nhất là lại dùng tâm “phân biệt” (chú nầy đúng, chú kia sai, chú nầy mạnh, chú kia yếu, chú nầy dài chú kia ít. v.v…) mà trì Chú, thành ra trì Chú hoài mà vẫn không có kết quả gì mấy.

Từ trước đến nay, các hàng Phật Tử Trung Hoa, Việt Nam, v.v… khi đọc tụng Thần Chú đều có chút phần hơi trại, so với Phạn Âm (tức âm của chữ Sanskrit, Bắc Ấn Độ), nhưng việc ấy không quan ngại gì, miễn là dùng “tâm chí thành, tin tưởng” khi trì niệm, thì cũng vẫn được hiệu nghiệm như thường.

Trong Kinh “Ðại Bi”, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát có dạy :

“Người nào đối với Ðà-Ra-Ni nầy sanh lòng nghi không tin, phải biết kẻ ấy sẽ vĩnh viễn mất sự lợi ích…”

Cho nên, muốn được hiệu nghiệm trên đường tu mật tông thì điều bí quyết là chớ nên khởi lòng nghi ngờ, phân biệt đúng sai, hoặc hiểu nghĩa hay không hiểu nghĩa, khinh báng chi cả. Dù cho lòng “nghi” ấy nhỏ như hạt bụi đi chăng nữa, quyết cũng “chẳng nên có”. Cứ một lòng chặt dạ y theo đó mà hành trì thì được gọi là trì Chú “đúng như pháp” vậy, vì chư Phật, Bồ Tát vốn không bao giờ vọng ngữ (nói lời dối gạt).

May mắn cho chúng ta trong kiếp này còn gặp được chánh pháp, còn học được chánh pháp, được minh sư thiện hữu chỉ dạy cho phương cách trì Chú để giải nghiệp tội. Nếu vẫn còn cố chấp không chịu tu, thì thử hỏi kiếp sau cái chấp sẽ còn nặng như thế nào ? Mà đã cố chấp thì khó mà có được trí huệ để làm được những điều tốt lành. Kiếp nầy đã có tâm bủn xỉn, nghi kỵ rồi, kiếp sau hết phước, sẽ ra sao ?

Cho nên, rất mong quý bạn đồng tu phải cố gắng lên, tinh tấn trì Chú, niệm Phật, và phải “tận tâm, tận lực, tận cường”, tu hành để chắc thêm phần vãng sanh cho mình, thì mới mong thoát ly sanh tử luân hồi, thành tựu được đạo quả. Làm được như vậy mới không phụ lấy chính mình, và trả được ơn sinh thành, dưỡng dục của Cha Mẹ nhiều đời nhiều kiếp, đúng với câu :

“Nhất nhân hành đạo cửu huyền thăng. Trước độ mình, sau độ người, và độ khắp thế nhân”

Tiểu hiếu hay Đại hiếu

Tiểu hiếu hay Đại hiếu - Cohoc.vn

Chúng ta ai cũng muốn lo lắng cho cha mẹ mình luôn được đầy đủ phần vật chất. Nhưng, dù làm được trọn vẹn mấy đi nữa, cũng chỉ là trả “Tiểu Hiếu” mà thôi, vì đó chỉ là giúp cho Cha Mẹ tạm thời bớt khổ, chứ không cách chi giúp cho Cha Mẹ thoát khỏi sự khổ của sanh tử luân hồi. Chi bằng, nếu ta nỗ lực tinh tấn tu hành theo pháp môn Mật Tịnh nầy, lại biết khuyên Cha Mẹ, gia đình, bạn bè v.v… tu hành như mình, thì sẽ được vãng sanh về Cực Lạc trở thành bậc Bồ Tát sau khi mệnh chung. Chừng đó thì quay lại cõi này để độ hết Cha Mẹ nhiều đời nhiều kiếp v.v… trả “Đại Hiếu” !

Thời kỳ Mạt Pháp

Thời kỳ Mạt Pháp - Cohoc.vn

Chúng ta đang trong thời kỳ Tháp Tự Kiên Cố bước qua thời kỳ Đấu Tranh Kiên Cố; Pháp diệt, Ma cường (thịnh). Tâm chúng sinh ngày càng thêm xấu ác. Phật đã huyền ký rằng :

Trong thời kỳ Mạt Pháp này, tà sư “phá pháp” nhiều như cát sông Hằng (Kinh Lăng Nghiêm), ngoài ra còn có 96 ngoại đạo, tà giáo tìm đủ mọi cách để tiêu diệt Phật Giáo nữa, không cho một ai tu thành đạo cả. Tương lai sẽ không còn in kinh, thuyết chánh Pháp nữa. Hiện nay chúng ta cũng đã nhận thấy biết rồi, Phật Pháp đang bị phá hoại (tiêu diệt) một cách tinh vi và khéo léo đến nổi ít có ai nhận diện ra được.

Nó khảo đủ mọi cách hết :

  • Nội khảo, ngoại khảo, thuận khảo, nghịch khảo…
  • Nó làm cho tâm tánh con người không còn NHÂN TÌNH nữa (càng ngày càng ác hiểm).

Chúng ta khó thể nào có được tâm lực, chánh tâm, chánh trí, và chánh kiến. Hiện nay, tâm của con người bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Nào là tham lam, cố chấp, tranh đua, sân hận, dâm dật, v.v… vì thế, cho nên dẫn đến cả thế giới đang lầm than trong đau khổ, tai nạn, binh đao khói lửa, chiến tranh sớm muộn sẽ bùng nổ trong nay mai.

Muốn biết trong tâm của chúng sanh như thế nào, thì cứ nhìn ra ngoài thế giới hiện nay ra sao sẽ biết liền. Bên trong tâm con người thì đầy phiền não, bên ngoài thì quá nhiều cám dỗ. Xã hội sao không động loạn cho được?

Ma quỷ dựa nhập đầy đường, không bỏ sót một ai, chúng vô từng nhà, từng quán chợ, đi vào tâm thức của từng người (trong khi thức, cũng như trong lúc ngủ, mà nó biết mặt, biết tên, biết nhà v.v…) quấy phá khắp nơi trên thế giới. Nhà nhà khói đen bao phủ. Người người khổ sầu, ai oán…nên chiêu cảm đến bão lụt, khói lửa cháy lớn, thất nghiệp, đói khổ lan tràn, nhà tan cửa nát, mất nhà mất việc làm, bệnh tật ngày càng nhiều khó chữa trị v.v…

Cũng vì do từ nơi TÂM xấu ác của con người mà phát sanh ra hết cả. Nếu như mọi người đều có cái tâm tốt, tâm an, tâm đầy lòng bác ái, thì gia đình sẽ được vui vẻ, thuận hòa, thế giới sẽ an bình, phồn thịnh. Dù cho Ma quỷ dữ cách mấy cũng chẳng làm gì được, đôi khi họ còn kính phục mà chịu quy mạng lễ !

Đức Trọng Quỷ Thần Kinh!

Mong sao chúng ta mau buông bỏ những thói hư tật xấu, cố chấp của mình đi, mà sám hối lo tu sửa (từ xấu ra tốt), buông bỏ những việc vừa ý hay không vừa ý, đúng với sai v.v… để chuyển hướng nạn tai sắp xảy ra, hầu được an lành sống đến ngày trăm tuổi.

Sư Tổ (Đại Ninh) THÍCH THIỀN TÂM đã thấy biết trước là sau nầy đa phần các Phật tử nói riêng và mọi người nói chung, đều bị tà ma dựa, nhập và bị khống chế, ít có ai tu mà được đầu thai lại làm người, thì đừng nói chi đến việc giải thoát về cõi Trời, cõi Phật.

Với lòng từ bi quảng đại, Ngài mới khai mở ra pháp tu MẬT TỊNH, soạn ra những Thần Chú từ trong MẬT TẠNG (của Đại Tạng Kinh), hầu cứu độ các Phật tử có thiện căn (và chân thật tu hành) thoát khỏi Ma nạn, để giữ vững được đường tu, mới bảo đảm được vãng sanh về nơi Cực Lạc Tịnh Độ.

Ai thật tâm tu hành bắt buộc phải kiêm thêm TRÌ CHÚ để hộ thân và tâm không bị khảo đảo mà lạc vào lưới của Ma, lấp đi con đường vãng sanh vậy

Niệm Phật & Trì Chú

Niệm Phật & Trì Chú - Cohoc.vn

Như đã nói ở trên,

  • NIỆM PHẬT được bất tư nghì CÔNG ĐỨC
  • TRÌ CHÚ được bất tư nghì THẦN LỰC (cái lực nầy sẽ giúp cho ta thoát nạn khổ)

Nếu chỉ chuyên NIỆM PHẬT mà không có TRÌ CHÚ đi kèm, thì cũng giống như người đang bị đủ thứ bệnh tật, kẻ ác bao vây tứ phương, ngày đêm chẳng được yên, mò mẫm, lê lết mà đi, không may gặp phải giặc cướp (Ma) ồ ạt xông đến bắt, chừng đó thì :

  • Không có TÂM LỰC (không biết dụng tâm)
  • Không có SỨC LỰC (để chống trả)
  • Không cóTRÍ LỰC (để phân biệt chánh tà)
  • Không có chút THẦN LỰC(nào để đề kháng) cả

Lúc đó sợ quá, không còn nhớ niệm Phật nữa, á khẩu đứng tim mà chết. Vậy thần thức có còn được yên để về Cực Lạc không ?

Từ bi phải có trí huệ đi kèm. Niệm Phật phải có Thần Chú đi kèm (hai cái nầy không thể thiếu một).

Những người không có chánh tâm, không chân thật tu hành cần cầu giải thoát, hoặc có cái TÂM NGHI NGỜ, PHÂN BIỆT, XẤU, ÁC v.v… thì khó thể trì Chú cho được, sẽ dễ bị “tẩu hỏa nhập ma” ( bởi vì Thần Chú đó là tâm ý của Phật nên thuần “CHÁNH”, nếu như đem cái tâm “TÀ” mà trì Chú thì không thể nào cảm ứng hoặc thành tựu được là như vậy ). Cho nên, trong thời kỳ pháp diệt tận này, rất ít có người “dám” trì Chú, hoặc biết về Ấn Chú của Phật gia một cách tỏ tường.

Thậm chí có nhiều người sợ không dám trì Chú, lại còn phỉ báng và ngăn cấm người trì Chú nữa. Nhưng họ không hiểu rằng :

Chính Đức PHẬT xưa kia cũng đã dùng Thần Chú để hàng phục Ma quân, và cứu đệ tử của Ngài ra khỏi Ma nạn!

Ta hãy thử hỏi :

Người TU ( trụ trì ở trong chùa ) đã dùng Thần Chú gì để sái tịnh Chùa, sái tịnh hằng ngày cho bản thân ( mỗi khi ăn, uống, tắm gội ), cúng vong linh, cầu siêu, phát tang, xả tang, triệu hồn, thí thực, phóng sanh, cho đến công phu mỗi sáng v.v… ? Hỡi ôi ! Có được mấy người chịu TIN, chịu trì Chú, và thi hành đúng theo như điều luật của nhà Phật?

Hiện nay, đa phần Phật tử chỉ thích tụng Kinh, niệm Phật cầu PHƯỚC qua ngày, hoặc thích ngồi Thiền hơn là Trì Chú ( tức là tu theo MẬT TÔNG chân chánh của PHẬT ) vậy.

Muốn biết thể giới Quy Y Tam Bảo của mình còn hay mất, hãy xem lại cái tâm của mình (có làm những điều xấu ác, có gần gũi, hoặc thân cận với kẻ ác không) thì sẽ biết ngay.

Như là :

  • Tham tiền, tham danh,
  • Việc xấu nào mà không làm.
  • Thị phi nào mà không nói.
  • Không nói “có”, có nói “không”.
  • Nói xấu Phật, nói xấu người tốt.
  • Thường hay sân giận, tâm tánh ích kỷ, bủn xỉn
  • Thường ganh tỵ, đố kỵ
  • Tranh chấp phải quấy, thấp cao.
  • Cố chấp, hận thù không xả.
  • Tranh đấu không biết mệt
  • Giành giựt cái tốt về mình.
  • Không biết ơn nghĩa, liêm sỉ.
  • Nhục mạ người chân tu.
  • Khinh sư diệt tổ.
  • Giết Thầy, hại bạn.
  • Dẫn dắt Phật tử tu sai lầm (không giống đường lối của Phật, của Tổ sư muốn dạy).

Đó chỉ là lược ra sơ sơ ở trên cũng đủ thấy Tam Quy, Ngũ Giới đã là khó giữ nổi, thì nói chi đến Bồ Tát giới, Tỳ Kheo giới !!!Thần Thánh nào tiếp tục gia hộ cho mình đây ?!

Thân hôi thì người đời lánh xa.

Tâm hôi thì thần thánh lánh xa.

Nếu như đã mất hết thể giới Quy Y rồi, thì tự động 25 vị Thần theo hộ cho mình cũng sẽ bỏ đi luôn. Chừng đó, Ma quỷ sẽ dễ dàng nhào vô làm hại, bắt hồn, bắt xác mà thôi…

Tịnh Độ Tông hay Mật Tông?

Tịnh Độ Tông hay Mật Tông? - Cohoc.vn

Có rất nhiều Phật tử chưa hiểu thấu, nên nghĩ rằng :

Tu Tịnh Độ (niệm Phật) rất dễ, người (chánh hoặc tà) nào cũng tu được. Còn tu theo Mật Tông thì rất khó (trì Chú hoài cũng không thấy có kết quả gì cả),và người mà trì Chú sẽ khó thành được đạo quả v.v… !

Hoặc là :

Muốn về Cực Lạc mau, thì phải “chuyên” niệm Phật, không nên trì Chú. Vì tu hai pháp môn (Mật Tịnh) một lượt sẽ bị chi phối, không được nhất tâm, không được vãng sanh!

Cho nên, hiện nay hầu hết Phật tử đã từng tu theo pháp môn MẬT TỊNH đều từ từ bỏ trì Chú (như Chú Hộ Thân, Lăng Nghiêm, Đại Bi, Bát Nhã, Vãng Sanh v.v…), cho đến bỏ đắp mền Tỳ Lô luôn nữa.

Phải biết rõ thêm rằng, ba môn vô lậu học: Giới, Định, Huệ tượng trưng cho Giác, Chánh, Tịnh, và lại cũng tượng trưng cho Tam Bảo : Phật, Pháp, Tăng.

  • Phật nghĩa là “Giác Ngộ”.
  • Pháp tức là “Chánh Pháp”.
  • Tăng mang ý nghĩa “Thanh Tịnh”.

Tu học Phật Pháp không ngoài ba môn Giác, Chánh, Tịnh nầy. Đây cũng ví như ba cửa Tam Quan trước cổng chùa, vào được một cửa là vào được nhà của Như Lai.

Như Thiền Tông thì chủ trương thấy tánh thành Phật. Đây là theo môn “Giác” mà tu hành.

Giáo Tông thì chủ trương nghiên cứu Kinh Giáo. Đây là theo môn “Chánh” mà tu hành.

Mật Tông và Tịnh Độ đều giống nhau, vì đòi hỏi phải có tâm “Thanh Tịnh”.

Đây là theo môn “Tịnh”mà tu hành. Ngoài ra, Tịnh Độ và Mật Tông đều là pháp môn “Nhị Lực”. Nghĩa là ngoài sức mình tu ra (tự lực), còn được nhờ vào “Từ lực” (tha lực) bổn tôn của Thần Chú và “Tâm lực” của chư Phật gia trì.

Vì thế :

Hai môn “Mật” và “Tịnh” song tu thì rất là “hạp” căn.

Còn ngược lại :

Hai môn “Thiền” và “Tịnh” song tu, thì không hạp (căn) được, trừ khi là người Thượng Thượng căn, vì một bên theo Không môn (Thiền), còn một bên theo Hữu môn (Tịnh).

Tu Tịnh Độ & Mật Tông khó hay dễ?

Tu Tịnh Độ & Mật Tông khó hay dễ? - Cohoc.vn

Mật Tông và Tịnh Độ đều khó như nhau và cũng đều dễ như nhau.

Tại sao dễ ?

Dễ vì câu “A Di Đà Phật” hay Chú “Um Brum Hùm”, thì ai cũng trì được.

Nhưng tại sao khó ?

Khó bởi vì cả hai đòi hỏi người Trì (Chú), hoặc Niệm (Phật) đều phải có được cái tâm trong sáng, thì mới có thể phát sinh ra được “tâm lực”, rồi từ tâm lực đó dần dần mới có được “thần lực.”

Chính cái “tự lực” này mới phụ với “tha lực” của Đức Phật A Di Đà mà đưa mình về Cực Lạc được.

Nhờ có Tâm lực trong sáng mới bắt được làn sóng của chư Phật, Bồ Tát, mới cảm ứng đạo giao, mới giải nạn Thiên tai, và được tiếp dẫn vãng sanh.

Còn như, nếu dùng cái tâm phân biệt, tâm phan duyên, tâm cố chấp, tâm xấu ác mà niệm Phật thì sẽ bắt nhằm phải làn sóng của Ma, khiến cho Ma Quỷ kéo đến đầy nhà, bệnh tật kinh niên, khảo đảo không ngừng, gia đình bất an, sở cầu không được như ý v.v… Dù niệm Phật bể cổ cũng không được vãng sanh, trái lại còn làm “oan gia” trong cửa đạo (vì vô tình đã tiếp tay với kẻ ác tiêu diệt Phật Pháp mà ngay chính mình không hề hay biết, cứ tưởng rằng mình đang làm Phật sự!)

Mật Tịnh là cùng nguồn gốc

Cả hai, một MẬT, một TỊNH đồng chung nguồn gốc mà sanh ra. Nay phối hợp cả hai phần (MẬT và TỊNH nầy) lại thì sự thành công càng tăng thêm gấp bội.

Trong bộ Luận Đại Trí Độ, Ngài Cưu Ma La Thập có giảng rõ :

  • Trì Chú có nghĩa là gìn giữ và bảo vệ.
  • Gìn giữ là gom góp các pháp lành không cho tan mất.
  • Bảo vệ là ngăn ngừa tâm bất thiện không cho phát sanh.
  • Trì Chú là giúp tăng trưởng Huệ lực, Thần lực. Duy trì tâm lực, bảo tồn chân khí (như người bị mất hết chân khí sẽ bị bệnh hoài, thân tâm thường mệt mỏi, ngày càng kiệt sức, trí huệ mê mờ, không còn tự chủ, dễ bị Ma quỷ dựa nhập).
  • Người trì Chú có được chánh tâm, chánh ý. Thống nhiếp và duy trì vô lượng Phật Pháp, khiến không bao giờ hoại diệt.

Khi trì Chú, tay nên kết Ấn, miệng trì Chú (trì cho ra tiếng), mắt nhìn tượng Phật, tâm quán (nhớ tưởng) chữ Rảm (chủng tử biểu tượng cho bản thể của chư Phật).

Pháp môn Trì Chú giúp cho người tu “phát sanh trí huệ” để kiểm soát được hành động, lời nói, ý nghĩ và phân biệt được rõ ràng đâu tà, đâu chánh. Như vậy thì hành động, lời nói và ý nghĩ sẽ trở nên trong sáng, vọng niệm tự nhiên không khởi. Không khởi niệm phân biệt, giữ tâm trong sáng thì mới phát sinh ra được “đạo lực” (cái lực nầy mới có khả năng độ mình, độ người giúp giải được nạn Thiên tai và được giải thoát).

Cách niệm Phật, trì Chú lớn tiếng nầy gọi là “Bố Ma” (làm cho ma khiếp sợ mà bỏ chạy), nhiếp được thân, khẩu, ý trong sáng và có được những lợi ích đặc biệt sau đây:

  1. Diệt được sự buồn ngủ, hôn trầm
  2. Tâm không tán loạn
  3. Chuyện đời chẳng lọt vào tai
  4. Có cặp mắt sáng
  5. Tiếng nói rổn rảng, mạnh mẽ, cứng chắc, đầy thần lực
  6. Có tướng đi mạnh mẽ, oai phong
  7. Lời nói thẳng thắn, mạnh dạn
  8. Tâm thần cương trực, không nhút nhát, không sợ sệt, xông pha vô trận hàng phục ma quân
  9. Dõng mãnh, tinh tấn
  10. Tâm lực, thần lực phát sanh ra cực mạnh
  11. Bệnh nghiệp được tiêu trừ
  12. Tứ Đại điều hoà
  13. Tâm thể an nhiên
  14. Khi trì Chú phát ra vòng hào quang bao phủ quanh thân người trì Chú
  15. Bùa ngải, độc trùng, gió độc không xâm phạm đến thân mình được
  16. Thiên Ma phải nể sợ
  17. Vong linh vất vưởng chung quanh nghe được âm thanh của Thần Chú đều được siêu thoát
  18. Côn trùng, chuột, kiến, gián, nhện, bọ, tự động đi mất, hoặc được thoát kiếp hết
  19. Những vong linh hữu duyên, và cửu huyền cũng được siêu thoát
  20. Thiên Long Hộ Pháp luôn ở bên cạnh hộ trì, an ủi, nhắc nhở, chỉ dạy v.v…
  21. Tất cả sở cầu đều được như ý
  22. Danh tiếng từ từ vang khắp mười phương
  23. Tam Muội hiện ra trước mắt
  24. Mười phương chư Phật, chư đại Bồ Tát đều vui mừng thọ ký
  25. Lâm chung chánh niệm, biết trước ngày giờ, vãng sanh Cực Lạc quốc.

Tu tập theo pháp môn Mật Tịnh tức là “luyện” cho thân tâm được thuần thục, nó đòi hỏi người tu một sự tha thiết, quyết tâm xả bỏ những tâm xấu, luôn mong cầu được giải thoát, chứ không phải là “có căn” (Mật) mới tu được. Nếu căn cơ cao, tâm đã tịnh, thì cần chi phải tu (niệm Phật, hay Trì Chú) ?

Ở phần trước đã có nói:

Muốn đạt được kết quả tốt đẹp trên đường tu mật tông thì điều tiên quyết là chớ nên khởi lòng nghi ngờ, khinh báng chi cả. Dù cho lòng “nghi”, “chấp” ấy nhỏ như hạt bụi đi chăng nữa, quyết cũng chẳng nên có. Cứ một lòng chặc dạ y theo đó mà hành trì thì được gọi là “đúng như pháp” vậy! Vì chư Phật, Bồ Tát quyết không bao giờ vọng ngữ (nói lời dối gạt)!

Cho nên, muốn bảo đảm được vãng sanh trong kiếp nầy, song song với niệm Phật ta cần phải kiêm thêm phần Trì Chú, mới giải được sự khảo đảo (khi oan gia) kéo đến, và chắc thêm phần vãng sanh cho chính mình.

Hàm ý 2 chữ Mật Tịnh

Hàm ý 2 chữ Mật Tịnh - Mật Tịnh Song Tu

Người tu phải TRÌ CHÚ (Mật) trước, rồi mới NIỆM PHẬT (Tịnh) sau. Tại sao ? Vì khi trì Chú sẽ tạo ra cái LỰC (để giúp cho thân nhẹ nhàng, Khẩu thanh tịnh, Ý trong sáng), như vậy khi NIỆM PHẬT mới được trọn vẹn công đức. Nếu luôn hành trì như vậy, giữ tâm trong sáng như vậy suốt đời thì chắc chắn sẽ được vãng sanh, vĩnh viễn thoát ly sanh tử luân hồi.

(Nên xem Kinh “Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương” để biết rõ thêm về công năng của Thần Chú, sự lợi ích của Mền Tỳ Lô, mặc áo Chú, đeo Chú, vẽ Chú, và mật hạnh của người thọ Bồ Tát giới (để cứu độ chúng sanh) và công đức về việc “trích máu tả Kinh” v.v…)

Tóm lại :

Muốn HÓA GIẢI ĐƯỢC THIÊN TAI và THOÁT ĐƯỢC MA NẠN, bình yên tu hành cho đến ngày VÃNG SANH, bắt buộc phải hành trì Pháp môn Mật Tinh song tu.

NIỆM PHẬT nhưng trong Tâm không rời tiếng Chú, lúc nào cũng vang rền bên tai (trong nhà nên mở máy trì Chú suốt ngày, đêm)

Câu thần Chú “thay cho tiếng lệnh của chư Phật và Bồ Tát”, nên có công năng giải nghiệp nạn không thể nghĩ bàn, giúp HỘ THÂN KHÔNG BỊ NẠN TAI (nước, lửa, bão lụt, kẻ ác làm hại, bùa ếm, ma quỷ, không làm hại được đến thân của người đang trì Chú nầy).

Hễ “hóa giải” được cho mình bình an, thì sẽ giúp cho những người chung quanh cũng được bình an, thoát nạn. Tất cả Thiên Tai, chiến tranh, khói lửa đều do TÂM của chúng sanh chiêu cảm ra hết cả.

Vì chúng sanh thường hay có :

  • TÂM SÂN dữ tợn, nên chiêu cảm ra LỬA DỮ
  • TÂM MONG CẦU, THAM LAM, nên chiêu cảm ra MƯA, BÃO LỤT, SÓNG THẦN
  • TÂM SÁT, ẾM HẠI NGƯỜI, nên chiêu cảm ra CHIẾN TRANH, KHÓI LỬA
  • TÂM SI MÊ, nên chiêu cảm ra GIÓ SOÁY, GIÓ BÃO, và trùng trùng điệp điệp những cái khổ đến, sẽ không giản dị, không dễ dàng đối phó.

Bởi vì tất cả Thiên Tai gây ra đều do nơi TÂM ÁC của chúng sanh. Bởi Tâm chúng sanh càng ác, càng dữ, càng có nhiều sáng kiến, nhiều thủ đoạn, càng phát minh, thì hậu quả sẽ càng “đập lại” chúng sanh không thương dị.

“10 phương chư Phật và hằng hà sa số Bồ Tát đang hiện thân bao phủ cõi Ta bà (của chúng ta), nhưng không làm sao ngăn chận được làn sóng thần đen kịt đang ồ ạt kéo đến một cách dữ tợn…”

Muốn HÓA GIẢI được Thiên tai, thì cũng phải từ nơi TÂM “thiện” của chúng sanh mà TU SỬA, SÁM HỐI, TRÌ CHÚ, và ngưng làm ác.

Rồi :

  • Dùng “LỰC THIỆN” trong tâm mình “quán” vang xa ra để hóa giải những điều hung ác.
  • Dùng “LỰC THANH TỊNH” từ nơi tâm để hóa giải những sự biến động.
  • Ngồi tại nhà TRÌ CHÚ vẫn giải được nạn tai cho chúng sanh.

Nên hiểu rằng, Phật chỉ độ người hữu duyên. Chư Phật, Bồ Tát chỉ giúp cho những người có căn lành TU SỬA và HOÁN CHUYỂN TÂM TÁNH, thường xuyên kiểm tâm, hành trì điều thiện; như vậy các Ngài mới có thể giải nạn tai được.

Cho nên Phật, Bồ Tát không thể nào CỨU ĐƯỢC NHỮNG CHÚNG SANH CÓ TÂM ÁC.

Cũng như Ma Vương, không thể nào đứng giữa hư không để “tiêu diệt” được hết những chúng sanh có tâm chí thành, tu hành chân chánh !

  • Ma Vương không hại được người có tâm lành, tu hành chân chánh.
  • Phật, Bồ Tát không cứu được người có cái Ác Tâm.
  • Phật và Ma Vương cũng đều nương theo tâm thiện, tâm ác của chúng sanh mà thôi.

BỒ TÁT cùng với chư PHẬT khắp 10 phương đều nghe, đều thấy hết những tiếng kêu cứu, những lời than khổ của chúng sanh, nhưng không cách nào cứu được họ, vì phải do TÂM CỦA CHÚNG SANH đó THA THIẾT, THẬT LÒNG MUỐN CỨU.

Những người thật lòng kêu cứu, đều đã được Bồ Tát ra tay cứu độ cho họ được tai qua nạn khổ rồi (số chúng sanh được cứu thì rất là ít oi). Còn số người đang và sẽ bị nạn tai, khói lửa trong tương lai nhiều không kể xiết. Xác người chết như bèo trôi sông vậy.

Chư Phật, Bồ Tát chỉ đành biết lấy mắt nhìn mà rơi lệ. Vì quý Ngài không thể cứu độ chúng sanh có những TÂM quá ác độc được.

Chiếu đúng theo luật thì gieo NHÂN nào, hái QUẢ đó.

Cho nên, mỗi khi Thiên Tai đến với mình, thì đừng nên trách Trời, Phật chi cả cho mang thêm tội, mà hãy dùng 2 tay đập vào đầu mặt mà chửi mắng mình “sao mầy ác quá vậy, để bây giờ phải trả quả ác, không ai cứu được cả !”

Tất cả đều do Tâm sinh

Tất cả đều do Tâm sinh - Cohoc.vn

Lành, dữ, thiện, ác, siêu, đọa, họa, phước đều do nơi TÂM cả. Hễ giữ được cái Tâm vui vẻ, thì trong nhà ảnh hưởng sự mát mẻ, nhẹ nhàng, công ăn việc làm yên ổn. Còn như trong Tâm mang nhiều phiền não, chấp nhất, bực bội thì trong nhà bị khí đen bao phủ, nặng nề, bệnh hoạn, công ăn việc làm bị trắc trở, vợ chồng gây gổ v.v… TÂM của một người đã ảnh hưởng như vậy rồi, thì nói chi đến nhiều cái Tâm ÁC cộng lại, sẽ ảnh hưởng như thế nào?

Hễ TÂM chúng sanh an bình, vui vẻ thì cả thế giới cũng sẽ an lành, bình yên, mưa hòa, gió thuận. Điều này được chứng minh qua một câu chuyện tại Hoa Thịnh Đốn có “4 ngàn cái TÂM an bình” :

Cách đây 20 năm về trước, Tạp chí Khoa học của Mỹ đã tuyên bố một nghiên cứu thí nghiệm xã hội học lần đầu tiên được thực hiện tại Đại Học Maryland, thuộc vùng Washington DC. Mùa hè vào năm 1993, có 4 ngàn người từ khắp thế giới (81 quốc gia) ghi danh tham dự khóa TU “THIỀN MẬT” (Thiền định của sự TRÌ CHÚ) suốt 2 tháng. Họ dạy cho 4 ngàn người nầy phương cách TRÌ CHÚ để giúp cho ĐỊNH cái TÂM của họ, hầu có thể làm giảm “ẢNH HƯỞNG” và “NGUỘI” bớt đi những việc ác, hành hung, giết người, hãm hiếp, cướp giựt, bạo lực và kẻ tội phạm v.v… đã xảy ra cực mạnh tại Washington, DC trong thời điểm đó.

Kết quả trong 2 tháng là: Họ đã phát hiện ra và cho thấy rằng: tỷ lệ tội phạm, bạo lực trong đó bao gồm luôn việc giết người và hãm hiếp – đã được giảm xuống 23% trong thời gian thử nghiệm cái ĐỊNH TÂM của 4000 người.

Nhà Vật lý học Tiến Sĩ Hagelin đã từng nghiên cứu trước đây cho biết rằng :

“Những kỹ thuật Thiền Định và Trì Chú giúp tạo ra một trạng thái “thư giãn” sâu sắc. TÂM LỰC của 4000 người tham gia tạo ra một làn sóng AN BÌNH, NHẸ NHÀNG và DỊU MÁT đã ảnh hưởng đến môi trường TRẬT TỰ chung quanh và ảnh hưởng luôn đến những người khác (mà không hề biết và không tham dự trong cuộc thử nghiệm này).Tâm Lực của 4000 người này hợp lại đã tạo ra động tác “HIỀN HÒA” chiêu cảm và ảnh hưởng đến “khí hậu” cho đến số “phạm nhân” trong xã hội cũng được “yên lành”. Kết quả cho thấy sự cảm ứng của lãnh vực về “Tâm Thức” (Học) mạnh không thể nghĩ bàn.”

Những sự chết chóc, khổ nạn, bạo lực gây ra bởi sự “căng thẳng” cực mạnh từ trong “Cộng TÂM” của chúng sanh mà ra. Người đã chết rồi, cũng còn mang nghiệp cũ, đầu thai lại tạo thêm nghiệp mới, và cộng thêm nghiệp chung của môi trường trong xã hội. 3 cái nghiệp cộng lại quá nặng, nên rất khó tìm cầu giải thoát cho được.

Các nhà khoa học gia như Edison và Marconi cũng đã chứng minh cho ta thấy những làn sóng (của điện, radio) có khả năng chuyên chở ánh sáng và âm thanh, thì Tâm lực của chúng sanh cũng vậy. Mỗi khi phát lên tiếng trì Chú (với tâm trong sáng), lập tức hào quang của tâm Chú này phát sáng ra chuyên chở cái Tâm lực của người đang trì Chú, và người trì Chú đó cũng đang chuyên chở hết Tâm ý của BỒ TÁT, và luôn cả Tâm lực của PHẬT, lập tức vang ra xa, HÓA GIẢI hết tất cả biến động chung quanh, tai qua, nạn khỏi, mọi việc bình an.

Thay lời kết: Phật tử tu Mật tông nên biết

Phật tử tu Mật tông nên biết - Mật tông tây tạng

Đức QUÁN THẾ ÂM Bồ Tát cùng với chư Phật vì thương chúng sanh, nên đã ban cho chúng ta một kho tàng vô tận, mà chúng sanh không biết xử dụng đúng chỗ, đúng như pháp, nên không được lợi ích và cảm ứng chi cả.

Người đời không hiểu rõ công năng biến hóa thù thắng và thần lực cao siêu vô cùng tận của Chú, nên đã khởi tâm tà, lạm dụng “Ấn, Chú” của Phật, của Bồ Tát (để khống chế người, hãm hại người lành, làm trái ngược với “Tâm từ bi” và khắc với “Tâm ý” của Phật, của Bồ Tát), thì nó sẽ phá tác rất nhiều, hậu quả (đọa đày) cũng sẽ vô cùng tận !

Phải cẩn thận điều này

Người đời có quá nhiều thứác tâm, tham, sân lẫy lừng và thường mong cầu (toàn những sự việc mà không thể nào ban cho được), lại lười biếng không chịu tự bản thân tìm cầu học hỏi chi cả, không chịu tu tập, không chịu hành trì đúng theo chánh pháp (của Phật dạy), không chịu bố thí, không chịu làm những điều thiện, chỉ muốn tất cả tiền tài, danh lợi và mọi sự ham ưa phải rơi vào hết trong tay của họ mà thôi. Họ đã không sợ chết, không sợ tội, không sợ đọa đày, không sợ hậu quả nên thẳng tay giết hại người nhiều không kể xiết chỉ vì một chút hư danh!

Điều nhiều người không biết

Tất cả thần Chú của Phật của Bồ Tát rất là diệu dụng, xem như là một câu thần chú “như ý”, có công năng cứu người ra khỏi tất cả sự khổ nạn, đưa người thoát khỏi cảnh đọa đày, giải thoát ra khỏi 3 cõi, 6 đường, chứ không thể làm trái ngược lại theo những tâm ác của người đời được, sẽ bị quật ngược trở lại phá tác ngay; thì kết quả sẽ không tốt. Hễ khởi những tâm ý xấu, ác muốn hại người như thế nào, thì sẽ chuốc lấy hậu quả y như vậy.

“Ngậm máu phun người dơ miệng mình,” cũng giống như ngước mặt lên trời mà phun nước bọt vậy.

Vì thế, người trì chú Hộ thân, chú Đại Bi, chú Lục Tự Đại Minh và những chú khác ( của chư Phật, chư Bồ Tát ) bắt buộc phải có lòng thành kính, tâm ý phải thanh tịnh và trong sạch để trì Chú, chỉ được mong cầu những điều tốt đẹp cho người, ích lợi cho người, cứu độ cho người thoát khỏi cảnh khổ, chướng nghiệp khảo đảo, nạn tai đang xảy ra khắp nơi, nếu có tâm ý tốt tạo phương tiện và dẫn dắt người tu tập theo chánh pháp v.v… thì mới xử dụng Ấn Chú được cho bất kỳ một trường hợp nào ( không có mang lỗi ).

  • Tà nhân thuyết chính pháp, chính pháp biến di tà,
  • Chính nhân thuyết tà pháp, tà pháp xu bội chính.

Khi trì Chú, phải giữ lòng trong sạch, hạnh Bồ Tát, lòng Từ Bi phát khởi thì mới có thể phát huy được TÂM LỰC, THẦN LỰC sẽ bay xa ngàn dặm, tâm ý trong sáng của người đang trì chú đến tận 10 phương chư Phật, sẽ được hằng hà sa số chư Phật, chư đại Bồ Tát phóng quang chiếu sáng bao bọc cho người đó, thì đâu sợ gì không được cảm ứng đạo giao, đạo lực ngày càng thêm thăng tiến, sở cầu luôn được như ý. Mọi việc từ trong gia đình ( thân tộc ) cho đến việc ngoài đời cũng đều được tốt đẹp hết cả. Lòng “thương” của chư Phật, của đức QUÁN THẾ ÂM Bồ tát (nói riêng) và chư đại Bồ Tát ở khắp 10 phương (nói chung) đối với chúng sanh vô bờ bến.

Quý Ngài luôn cảm nhận được tất cả tâm ý của chúng sanh, nhưng TÂM của chúng sanh không được trong sạch, Ý ( tưởng ) rất là không lành và luôn bị che lấp bởi những điều sái quấy, sân hận lẫy lừng, tham danh, đoạt lợi, hại người lành một cách dữ tợn, do đó mà không thể nào giao cảm được với chư Phật, chư Bồ Tát.

Quý Ngài chỉ biết yên lặng đứng nhìn mà rơi lệ, Bồ Tát kề cận với một chúng sanh đang đau khổ, đang trong hoạn nạn, mà không thể nào giao cảm được cả, cũng không thể nào cứu độ được cho những chúng sanh đó.

Bồ Tát rất đau lòng vì muốn giảng giải, muốn chỉ rõ cho chúng sanh hiểu cũng rất khó, vì lời dạy của Bồ Tát không thể nào lọt hết vào tai của chúng sanh, nên phải mượn tay người để cứu người là như vậy.

Cho nên người mà chuyên tâm, nhất tâm trì Chú, xem như có Bồ Tát đang đứng trước mặt, mà chân thành sám hối và tu sửa thân tâm được trong sạch, thì sẽ đạt được cái “Tâm lực, Trí lực, Thần lực” cực mạnh, sẽ được cảm ứng đạo giao với PHẬT, với BỒ TÁT. Điều này không có gì là khó tin, khó hiểu cả.

Mây tan vầng nguyệt rạng, nước cạn trái châu bày, Tâm trong sáng thì Phật hiện. Thiên tai cũng không nổi lên được.

Một khi tâm (căng thẳng) của chúng sanh lắng xuống, tâm được AN rồi, sẽ phát khởi được cái Tâm “từ bi hỷ xả” (không còn ác, tham lam, sân hận, đố kỵ, ganh tỵ và chấp nhứt nữa). Mọi người sẽ trở thành một cái máy phát trật tự và hòa bình trong xã hội, an vui mãi mãi…

Nếu chúng sanh tập phát khởi “thiện tâm” nhiều hơn, nhất dạ hành trì pháp môn ( Mật Tông ) thì sẽ giải được Thiên Tai, và bảo đảm cho bước đường “giải thoát”cùng“vãng sanh”ngay trong đời này.

Ohm Mani Pad Mi Hum Trân trọng, Hoà Thượng: Thích Thiền Tâm

Từ khóa » Cách Bắt ấn Khi Trì Chú đại Bi