Mặt Xị, Bóp Xì Vì Lì Xì! - Tuổi Trẻ Online

Để lì xì đúng người đúng chỗ, ít ra phải có khoảng chục loại bao lì xì khác nhau cho dễ phân biệt. Như với con cháu trong nhà thì phải phân ra nhiều loại khác nhau: loại bố mẹ có chức có quyền khác với loại bố mẹ phó thường dân; rồi loại có “nhà mặt phố, bố vợ/ bố chồng nó làm to”, có nhiều “quan hệ phức tạp” với các quan lớn… đương nhiên phải khác xa với loại tương lai xa xăm mù mịt rồi...

9ZA9HtA7.jpgPhóng to

Đối nội tình hình đã rối ren thế huống chi là đối ngoại. Với sếp, có ti tỉ kiểu sếp khác nhau: sếp sắp lên, sếp sắp xuống, sếp loại “đổ bê-tông” vào ghế hay sếp thuộc diện nhấp nhổm, thế rồi lại còn dạng sếp mà dư luận cơ quan xếp vào loại cây đa cây đề “bỏ thì thương, vương thì tội”... Đấy là chưa kể sếp không to nhưng lại có ô to, rễ chùm đại… Đặc biệt lưu ý với các sếp nhân sự, tổ chức… là loại sếp luôn luôn phải “kính viếng” ngay từ đầu.

Với hạng làng nhàng ruồi muỗi cóc nhái như mình - đồng nghiệp, hàng xóm, bạn bè - đừng chủ quan mà toi vì thiếu hiểu biết. Hạng này cũng phải điều nghiên tình hình thật kỹ trước khi ra tay tra phong bao. Với hạng này đừng để ê mặt, cũng đừng để bị lõm nặng, mong ước chung là …hòa vốn.

Cẩn thận thế mà có khi lắm người vẫn bị bé cái nhầm, gặp tai nạn phong bao. Phong bao cho con sếp (dạng nhấp nhổm lên, rễ chùm to vật vã) rõ ràng đã cơ cấu vào nhóm phong bao rồng đầu to uốn lượn, nằm ở túi áo bên trái ngay tim, thế mà chả hiểu sao lại trao nhằm ngay nhóm “vùng sâu vùng xa” - con thằng bạn nối khố, tương lai mù mịt, làm văn thư quèn ở ủy ban một xã khỉ ho cò gáy - có phải là toi cơm không! Đấy, thành ra cứ phải là thuộc làu làu như cháo “bao nào ruột nấy”, thủ pháp phải nhuần nhuyễn để không lẫn lộn, định vị GPS toàn túi phải chính xác tuyệt đối: này túi áo bên trái: sếp loại 1, túi áo bên phải: sếp loại 2, túi quần bên tả: sếp loại 3, túi quần bên hữu: sếp loại 4, bóp ngăn to: họ hàng nhăng nhít, ngăn nhỏ số 1: họ hàng “có máu mặt”, ngăn nhỏ số 2: họ hàng “mặt cắt không ra hột máu”, ngăn nhỏ số 3: các loại liên hiệp hợp tác xã long đong như mình…

Tạm xong cái phần tra bao, tiếp đến phải tính giờ xuất hành, không thì xôi hỏng bỏng không. Để có một cuộc gặp gỡ mỹ mãn, có khi phải điều nghiên trước hàng tháng, rút tỉa kinh nghiệm xương máu nhiều năm. Có người phải soạn hẳn cả bí kíp để tránh hao binh tổn tướng, lõm túi nặng mà chả được nước non gì. Trao sao cho đẹp lòng sếp, đi sao để tránh “giờ cao điểm”- đấy là giờ quái quỉ gì mà toàn thể những đứa lít nha lít nhít ở cái nhà “công dân hạng ba” đấy đồng loạt tập hợp, mồm chúc tết veo véo mà mắt thì cứ liếc xoen xoét vào túi áo mình…

Nhiều ông bố bà mẹ rõ ràng là đã nhồi nhét tư tưởng “thà chai mặt chứ không bỏ sót” vào đầu lũ trẻ. Thế nên bọn nhóc tì quyết tâm “tận thu” đến cùng các khoản lì xì. Có ông bố còn tự hào khoe thằng nhóc đầu lòng bé bằng hạt đậu, mới 6 tuổi đầu đã “khôn” đáo để. Ngày thường thì nó nướng tới 9 -10 giờ sáng, ngủ trưa thì tới 4-5 giờ chiều, thế mà ngày tết cu cậu tỉnh như sáo, ăn diện tươm tất, cầm một xấp phong bao đỏ choét để “thị uy” ngồi trực phòng khách với bố từ 8 giờ sáng. Cậu kiên quyết không ngủ trưa, mặt thì cứ ngóng ra cổng thỉnh thoảng lại thở dài hỏi bố : “Sao giờ chưa thấy bác X, chú Y đến bố nhỉ?”… Giời ơi, gặp những thằng nhóc lợi hại như thế, mình mò đến có phải là nộp mạng ngay cho nó không nhỉ?!

Tuy nhiên chuyện lõm túi vẫn chưa tai hại bằng mất mặt trên mặt trận lì xì. Mất mặt có hai dạng: mặt mình bị mất hoặc là mình làm người khác mất mặt. Dạng thứ 1 xem như có thể nội bộ về rút kinh nghiệm, nhưng dạng 2 không khéo ảnh hưởng cả tương lai sự nghiệp nếu người bị mình làm mất mặt là …sếp!

Đó là khi đến nhà sếp lớn thì gặp ngay sếp nhỡ cũng đang ở đó, tức khắc phải huy động hết tài suy đoán để biết mình nên lì xì ở cấp độ… chiếu dưới, tránh làm sếp nhỡ bẽ mặt. Thật là vấn đề nan giải! Phong bao kín kẽ thì không sao, gặp ngay những phong bao biết… phát ngôn, thông qua đường mồm của cậu quý tử nhà sếp, cứ gọi là công khai hóa giá trị hiện kim từng phong bao, lỡ mình suy đoán sai, vỗ mặt sếp nhỡ thì thật là nguy nan! Với các sếp, lì xì cho quan trên đã khó, nhưng lì xì cấp dưới cũng chẳng dễ dàng gì, làm sao cho những thằng độc mồm độc miệng không đâm thọc sau lưng mình là cả một vấn đề. Lì xì ít thì nó bảo mình giàu mà keo, lì xì nhiều thì nó lại bảo mình đang có âm mưu gì…

Thế nên tất yếu phải xây dựng thêm cả kịch bản ứng phó với thảm họa lì xì, chữa cháy ra sao, rút chạy thế nào…

Nhiều người bảo nhau lì xì là một kiểu “đồng tiền đi trước đồng tiền khôn”, một kiểu “đầu tư” cho các mối quan hệ… Nhưng thực tế thì khôn chưa thấy đâu, chỉ thấy đầu năm đầu tháng đầu óc đã choáng váng vì lì xì!

acR7XPq9.jpg

Tuổi Trẻ Cười số 492 ra ngày 15/1/2014 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Từ khóa » Bóp Lì Xì