Mẫu Câu Tiếng Anh Khi Bắt Chuyện Với Người Lạ - VnExpress

Khi đến các bữa tiệc, đám cưới hay hội thảo, bạn sẽ gặp nhiều người lạ. Bài viết trên EF English Live cung cấp lời khuyên để “break the ice” (phá vỡ bầu không khí ngượng ngùng) một cách dễ dàng.

Gặp người lạ

Khi đang đứng xếp hàng để đợi lấy món, hay phát hiện ai đó cũng đang lẻ loi giữa đám đông như mình, có thể bạn sẽ muốn mở lời với họ.

Việc đầu tiên bạn nên làm là giao tiếp bằng mắt, chìa tay ra để bắt, sau đó chào hỏi bằng cách giới thiệu tên: “Hi, I’m Kim”.

Khi bắt tay, bạn giữ chặt và lắc 2-3 lần, sau đó buông ra. Nhiều người thường gây bối rối cho người khác khi nắm tay quá mạnh, quá lâu hoặc quá hờ hững.

Phá vỡ bầu không khí

Sau khi trao đổi tên, bạn sẽ đứng đó mỉm cười và im lặng một cách không thoải mái, hay chờ đợi người kia nói điều gì đó? Cách tốt nhất là chủ động bàn về những gì hai người cùng đang cảm nhận. Chẳng hạn:

“Nice room” (Căn phòng đẹp nhỉ).

“There’s a lot of people here” (Ở đây nhiều người nhỉ).

“Lovely party” (Bữa tiệc thật dễ thương).

Đó là cách mở đầu để câu chuyện có thể tiến xa. Câu trả lời có thể là “Yes”, “No” hoặc đầy đủ hơn: “The little sausage thingies are brilliant. Try one”. (Món xúc xích kia ngon lắm. Thử một chút đi).

Ảnh: iStock

Ảnh: iStock

Tiếp đến, bạn hãy đào sâu chủ đề, tìm mối quan tâm chung:

“Where are you from?” (Anh đến từ đâu vậy?).

“How do you know Jill (the hostess)?” (Anh quen Jill - chủ bữa tiệc - thế nào vậy?).

Những câu hỏi dạng này giúp bạn liên hệ sang một số chuyện khác và nói chi tiết hơn. Chẳng hạn cuộc trò chuyện sẽ tiếp diễn như sau:

“Where are you from?” (Anh đến từ đâu vậy?)

“Northampton”.

“Oh, that’s were my daughter goes to college”. (Ồ, con gái tôi học đại học ở đó).

Đừng lo lắng nếu cuộc hội thoại đầu tiên diễn ra không suôn sẻ. Một khi đã bắt đầu tương tác với người khác, bạn sẽ dần tự tin hơn, có cơ hội trò chuyện với nhiều người hơn.

Đôi khi, bạn và đối phương không thể tìm được chủ đề chung, lúc đó hãy lưu ý một số chủ đề an toàn để trò chuyện.

Chủ đề an toàn

Đầu tiên, thời tiết là chủ đề dễ nói nhất. Người Anh luôn quan tâm đến thời tiết, dù trời thường chỉ ẩm ướt nhẹ, ít khi quá lạnh hay quá nóng.

“Chilly today” (Hôm nay lạnh nhỉ).

Cách trả lời có thể như sau:

“Yes, I didn’t know whether wear a jumper” (Ừ, tôi còn không biết có nên mặc áo chui đầu hay không).

“Not as bad as last week though” (Dù sao cũng không tệ như tuần trước).

Như bạn có thể thấy, một khi cuộc hội thoại đã bắt đầu, người ta có thể không cần đặt câu hỏi trực tiếp mà vẫn nhận được nhiều thông tin.

Nếu đối phương có con, bạn có thể đề cập đến những chuyện chung quanh chúng. Mọi người thường thích nói về con cái, và bạn hãy thử bắt đầu chủ đề một cách tự nhiên khi đang nhấm nháp cà phê:

“My eldest loves coffee” (Đứa lớn nhà tôi thích cà phê lắm).

“How old?” (Nó bao nhiêu tuổi rồi?)

“She’s twelve, I only let her have a cup at weekends” (Con bé 12 tuổi, tôi chỉ cho nó uống một cốc vào cuối tuần thôi).

Ngoài ra, công việc cũng là một chủ đề an toàn. “What do you do?” là câu hỏi phổ biến giữa những người mới gặp nhau lần đầu.

Giữ cho cuộc hội thoại trôi chảy

Đặt các câu hỏi hoặc mệnh đề mở giúp người kia có cơ hội giãi bày nhiều hơn.

“Are you enjoying the party?” (Anh thích bữa tiệc chứ?)

“What do you think of…” (Anh nghĩ gì về…)

“What’s your favourite food?” (Món ăn yêu thích của anh là gì?)

Ngược lại, khi được hỏi, bạn không nên nói “yes”, “no” hoặc chỉ một từ ngắn gọn mà hãy mở rộng ý tưởng để câu chuyện tiếp tục.

Một yếu tố quan trọng khác là người nói luôn thích được lắng nghe, do đó bạn hãy thể hiện mình đang tập trung theo dõi những gì họ chia sẻ.

Giao tiếp bằng mắt là chìa khóa trong một cuộc hội thoại, bạn không nên đảo mắt khắp phòng mà nên thường xuyên nhìn thẳng vào mắt đối phương. Tuy nhiên, bạn cần tránh nhìn chằm chằm, khiến họ không thoải mái. Thứ hai, ngôn ngữ cơ thể cũng cần được chú ý. Chẳng hạn, nếu bạn hay nhìn đồng hồ, đối phương sẽ nghĩ bạn đang sốt ruột và muốn kết thúc cuộc trò chuyện. Thay vào đó, bạn có thể gật đầu hoặc lặp lại một từ quan trọng nào đó trong câu người kia nói để xác nhận là mình đang nghiêm túc lắng nghe.

Kết thúc hội thoại

Khi muốn ngừng cuộc trò chuyện với một người, bạn có thể rời đi một cách tự nhiên và lịch sự bằng cách nói:

“I’m just going to get a top up” (Tôi đi lấy thêm đồ uống đây - vừa nói vừa chỉ vào cốc đang cầm trên tay).

“It’s been lovely meeting you. Take care” (Gặp anh vui thật đấy. Tạm biệt, bảo trọng nhé).

“I’ll catch you later” (Gặp anh sau nhé).

Những gợi ý trên giúp cải thiện sự tự tin trong giao tiếp tiếng Anh. Điều quan trọng nhất là bạn hãy thường xuyên tìm cơ hội để thực hành.

Thùy Linh

Từ khóa » Hỏi Làm Quen Bằng Tiếng Anh