Mẫu Phiếu đăng Ký Dự Tuyển Viên Chức - Luật Hoàng Phi

Mục lục bài viết

Toggle
  • Điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức
  • Các trường hợp ưu tiên trong tuyển dụng viên chức
  • Quy định về xét tuyển viên chức
  • Mẫu phiếu đăng ký dự tuyển viên chức
  • Cách điền phiếu đăng ký dự tuyển viên chức

Khi đăng ký dự tuyển viên chức, cá nhân đăng ký nộp phiếu đăng ký dự tuyển theo Mẫu tại địa điểm tiếp nhận phiếu đăng ký dự tuyển, gửi theo đường bưu chính hoặc qua trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng. Thời hạn nhận phiếu đăng ký dự tuyển là 30 ngày kể từ ngày thông báo tuyển dụng.

Vậy mẫu phiếu đăng ký dự tuyển viên chức được sử dụng theo mẫu chuẩn nào? Khách hàng quan tâm vui lòng theo dõi nội dung bài viết để có thêm thông tin hữu ích.

Điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức

Điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức được quy định tại Điều 22 Luật Viên chức như sau:

1. Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển viên chức:

– Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;

– Từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự tuyển có thể thấp hơn theo quy định của pháp luật; đồng thời, phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật;

– Có đơn đăng ký dự tuyển;

– Có lý lịch rõ ràng;

– Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm;

– Đủ sức khoẻ để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ;

– Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định nhưng không được trái với quy định của pháp luật.

2. Những người sau đây không được đăng ký dự tuyển viên chức:

– Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

– Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.

Lưu ý:

– Điều kiện đăng ký dự tuyển thực hiện theo quy định tại Điều 22 Luật Viên chức. Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Viên chức được bổ sung các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm quy định tại điểm g khoản 1 Điều 22 Luật Viên chức nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo.

– Trường hợp, người đăng ký dự tuyển vào vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao có thể thấp hơn 18 tuổi nhưng phải từ đủ 15 tuổi trở lên và được sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.

Các trường hợp ưu tiên trong tuyển dụng viên chức

Đối tượng và điểm ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển:

– Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B: Được cộng 7,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2;

– Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: Được cộng 5 điểm vào kết quả điểm vòng 2;

– Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong: Được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.

Trường hợp người dự thi tuyển hoặc dự xét tuyển thuộc nhiều diện ưu tiên quy định nêu trên thì chỉ được cộng điểm ưu tiên cao nhất vào kết quả điểm vòng 2.

Quy định về xét tuyển viên chức

– Theo quy định mới tại nghị định 115/2020/NĐ-CP xét tuyển viên chức được thực hiện theo hai vòng như sau:

Vòng 1: Kiểm tra điều kiện dự tuyển tại Mẫu phiếu đăng ký dự tuyển viên chức theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, nếu đáp ứng đủ thì người dự tuyển được tham dự vòng 2.

Vòng 2: thi môn nghiệp vụ chuyên ngành.

a) Hình thức thi: Căn cứ vào tính chất, đặc điểm và yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng quyết định một trong ba hình thức thi: Phỏng vấn; thực hành; thi viết.

b) Nội dung thi: Kiểm tra kiến thức, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

Nội dung thi môn nghiệp vụ chuyên ngành phải căn cứ vào nhiệm vụ, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp viên chức và phải phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển. Trong cùng một kỳ thi tuyển, nếu có các vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau thì cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải tổ chức xây dựng các đề thi môn nghiệp vụ chuyên ngành khác nhau tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

c) Thời gian thi: Thi phỏng vấn 30 phút (trước khi thi phỏng vấn, thí sinh dự thi có không quá 15 phút chuẩn bị); thi viết 180 phút (không kể thời gian chép đề); thời gian thi thực hành do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng quyết định căn cứ vào tính chất, đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của vị trí việc làm cần tuyển.

d) Thang điểm (thi phỏng vấn, thực hành, thi viết): 100 điểm.

đ) Trường hợp cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức có yêu cầu cao hơn về nội dung, hình thức, thời gian thi tại vòng 2 thì thống nhất ý kiến với Bộ Nội vụ trước khi thực hiện.

Việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển viên chức được thực hiện như sau:

a) Có kết quả điểm thi tại vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên.

b) Có số điểm vòng 2 cộng với điểm ưu tiên quy định tại Điều 6 Nghị định 115/2020/NĐ-CP (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.

Trường hợp có từ 02 người trở lên có tổng số điểm tính theo quy định tại điểm b nêu trên bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng của vị trí việc làm cần tuyển thì người có kết quả điểm thi vòng 2 cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định người trúng tuyển.

Người không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển viên chức không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau.

Mẫu phiếu đăng ký dự tuyển viên chức

Mẫu phiếu đăng ký dự tuyển áp dụng đối với viên chức được ban hành kèm theo phụ lục (mẫu số 01) của Nghị định 115/2020/NĐ-CP Chính Phủ ban hành Ngày 25 tháng 9 năm 2020 về tuyển dụng sử dụng quản lý viên chức. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29 tháng 9 năm 2020.

Khách hàng quan tâm, chưa có biểu mẫu chuẩn có thể theo dõi biểu mẫu phiếu đăng ký dự tuyển viên chức, để sử dụng biểu mẫu Khách hàng ấn vào cụm từ tải về:

TẢI DOWLOAD MẪU PHIẾU ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN VIÊN CHỨC

Download Tại Đây

Cách điền phiếu đăng ký dự tuyển viên chức

(1) Ghi đúng vị trí việc làm đăng ký dự tuyển theo Danh mục vị trí việc làm, số lượng người làm việc cần tuyển dụng bổ sung vào các đơn vị thuộc Bệnh viện K năm 2019 (được đăng tải trên trang thông tin điện tử Bệnh viện K).

(2) Tên khoa/phòng/trung tâm/bộ phận/… Ví dụ – Bệnh viện K.

(3) Người viết phiếu tích dấu X vào ô tương ứng ô Nam/ Nữ.

(4) Theo kết luận của Giấy chứng nhận sức khỏe còn giá trị sử dụng theo qui định.

(5) Viên chức hoặc lao động hợp đồng (làm công việc chuyên môn gì?) hoặc chưa có việc làm.

(6) Hệ 12/12 hoặc hệ 10/10.

(7) Khai theo văn bằng chuyên môn phù hợp với vị trí dự tuyển.

(8) Loại hình đào tạo của văn bằng chuyên môn tại mục (7): Chính quy/Tại chức/Liên thông/Từ xa,..

(9), (10), (12), (16): Khai đầy đủ thông tin theo yêu cầu văn bằng, chứng chỉ đã được cấp.

(11) Với văn bằng ghi: Trung cấp/Cao đẳng/Đại học. Nếu là Sau đại học ghi rõ: Thạc sĩ, Tiến sỹ,..);Với chứng chỉ ghi: A1/A2/B1/B2/TOEIC/TOEFT/IELTS, (đối với các chứng chỉ TOEIC/TOEFT/IELTS, ….: ghi rõ tổng điểm đạt được).

(13): Ghi rõ chuyên ngành đào tạo (theo bảng điểm).

(14): Ghi rõ ngành đào tạo (theo bằng tốt nghiệp).

(15) Ghi rõ: Chính quy/Tại chức/Liên thông/Từ xa,…Nếu là Chứng chỉ ghi: Bồi dưỡng;

(17), (18): Thí sinh để trống mục này.

(19) Ghi rõ đối tượng thuộc diện ưu tiên (nếu có):

1. Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B: được cộng 7,5 điểm vào kết quả điểm thi tại vòng 2.

2. Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con của người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa (từ ngày 19 tháng 8 năm 1945 trở về trước), con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: được cộng 5 điểm vào kết quả điểm thi tại vòng 2.

3. Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ phục vụ có thời hạn trong lực lượng công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ: được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm thi tại vòng 2.

Trên đây là một số thông tin chúng tôi muốn chia sẻ về mẫu phiếu đăng ký dự tuyển viên chức. Khi theo dõi nội dung bài viết, có vướng mắc khác vui lòng phản hồi trực tiếp để chúng tôi hỗ trợ.

Từ khóa » Cách Ghi Phiếu đăng Ký Dự Tuyển Viên Chức 2020