Màu Sắc Và Đen Trắng - Phần 2: Đơn Sắc Và đen Trắng
Có thể bạn quan tâm
Đây là sự tiếp nối cho phần một của bài viết Màu sắc và Đen Trắng đã từng được rất nhiều người yêu thích cách đây gần nửa năm. Hãy cùng đọc và cho chúng tớ biết suy nghĩ của các bạn nhé!
BỘ BA TRẮNG, ĐEN, XÁM (WHITE, BLACK, GRAY)
Ba màu kể trên là ba màu trung tính, điều đó có nghĩa là chúng không có màu! Nghe có vẻ khá ngớ ngẩn đúng không? Tuy vậy, sự thật vẫn là sự thật, ba màu trên không có bất kỳ sắc đỏ, xanh lam, vàng cơ bản nào (RGB), mà không có các sắc màu cơ bản trên thì tất nhiên là không có màu.
Phần này 50mm Vietnam có hơi lăn tăn một chút khi đưa ra 2 khái niệm riêng biệt là sắc (Hue) và màu (Color). Theo tham khảo ở một số tài liệu, sắc (Hue) là các màu thuần, còn khi làm sắc (Hue) tối đi hoặc sáng lên thì tương ứng chúng ta thu được các màu (Color) khác nhau.
Quay trở lại với ba màu trung tính của chúng ta, một số người định nghĩa các màu trung tính là các màu không nóng mà cũng không lạnh. Nếu bạn nhớ lại những màu 50mm Vietnam đã nhắc đến ở phần trước thì hoặc là màu nóng (đỏ, da cam, vàng) hoặc là màu lạnh (xanh lam, lục, tím).
Mặc dù các màu trung tính này thường không thu hút sự chú ý của mọi người khi xuất hiện, chúng lại có tầm ảnh hưởng khá lớn đến các màu khác trong khung hình. Nếu bạn có một chủ thể đầy màu sắc thì việc đặt chủ thể đó trước một nền trắng hay đen sẽ tạo ra ảnh hưởng khác nhau đến chủ thể của bạn.
Các màu khi đặt tương phản với nền đen thường trông đậm và có màu mạnh hơn như hình chụp một chú bướm đêm ở dưới đây. Thậm chí nhiều người cảm nhận màu sắc chủ thể trông mềm hơn hẳn khi đặt trước một nền đen. Đây là một thủ thuật gây ấn tượng khi sử dụng màu sắc mà các bạn cần lưu ý.
Trường hợp ngược lại, khi màu để tương phản với màu trắng thường trông có vẻ kém rực rỡ và cứng hơn như hình ảnh của rừng cây trong hình dưới. Màu trắng khi xuất hiện trong khung hình có thể làm các màu nhạt còn trở nên nhạt nhòa hơn nữa (các màu pastel) và tạo cho khung hình một cảm nhận rất tinh tế chứ không mạnh mẽ, sống động như trường hợp màu đen nói trên.
Màu xám được nhắc đến cuối cùng thậm chí còn được miêu tả là một màu trung tính đến cùng cực, nó có khả năng phối chỉnh màu sắc khi kết hợp cùng. Chính vì điều này, màu xám có thể khiến màu sắc trong bức ảnh của bạn trở nên xám xịt. Hãy nhớ một điều rằng, một trong những kẻ phá hoại màu sắc nguy hiểm nhất khi chụp ảnh là một bầu trời xám xịt rộng lớn trong khung hình của bạn.
Hãy quan sát bức ảnh tôi chụp ở dưới đây, nếu thay vào bầu trời xám xịt kia là một bầu trời xanh đầy nắng chắc hẳn bức ảnh sẽ trở nên hút mắt người xem hơn rất nhiều phải không?
Trên cơ sở 3 màu cuối cùng này, 50mm Vietnam gửi đến các bạn một số thể loại ảnh đặc biệt dưới đây.
Ảnh màu đen – trắng
Chắc hẳn nhiều độc giả cảm thấy khá kỳ lạ khi nghe đến cụm từ “Ảnh màu đen – trắng”. Thường thì ảnh màu là ảnh màu còn đã là ảnh đen – trắng thì làm gì có màu đúng không?
Thực chất thì ảnh màu đen – trắng đúng như nghĩa của nó, đây là ảnh màu nhưng trong khung hình chứa rất ít màu và chủ yếu là các màu trung tính như xám, đen, trắng. Đây cũng là một thể loại theo cá nhân tôi thấy khá thú vị để các bạn thử nghiệm.
50mm Vietnam xin giới thiệu đến các bạn một nhiếp ảnh gia bậc thày trong việc kiểm soát màu sắc trong các khung hình kiểu này, ông là Jay Maisel. Cảm giác màu sắc và kỹ năng xử lý màu trong ảnh của ông rất tốt. Khi ông bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh của mình khoảng 60 năm trước, ông đi một con đường riêng trong việc chụp ảnh đen trắng vốn rất phổ biến thời điểm đó, ông đưa màu sắc vào ảnh đen trắng hay nói đúng hơn ông cố gắng giảm sự xuất hiện tối đa của màu sắc trong từng khung hình. Ông cho rằng việc đưa màu sắc vào ảnh đen trắng giúp tối ưu cảm nhận không gian trong bức ảnh.
Rõ ràng là khi so sánh với ảnh đen trắng, chúng ta thấy rõ sự khác biệt. Ánh sáng tự nhiên hoặc ánh sáng nhân tạo thì dù ít hoặc nhiều vẫn mang một sắc thái màu riêng. Ở ví dụ dưới đây các bạn có thể nhìn thấy sự khác nhau rõ rệt khi tôi thử chuyển 2 trong số các bức ảnh ít màu trên thành ảnh đen trắng bằng phần mềm Photoshop.
Có rất nhiều nhiếp ảnh gia không công nhận thể loại ảnh kiểu này, họ cho rằng những trường hợp không gian có quá ít màu sắc như vậy nếu chụp màu sẽ không thể cho ra những khung hình thu hút được. Đây là một nhận định không sai, trong nhiều trường hợp ảnh chụp theo thể loại này trong rất buồn chán, xám xịt. Yêu cầu không thể thiếu trong thể loại ảnh màu đen – trắng là việc cảm nhận và sử dụng màu sắc một cách thật tinh tế để tạo cảm giác không gian cho bức ảnh.
Bạn có thể luyện tập thể loại ảnh kiểu này một cách dễ dàng vào các ngày nhiều mây, những ngày mà đa phần chúng ta cất máy khô ráo ở trong tủ chống ẩm. Biết đâu những ngày xám xịt, mưa gió lại giúp chúng ta có những tấm hình kiểu màu đen – trắng khác lạ, đầy thu hút.
Cũng tương tự như ảnh đen trắng, thể loại ảnh này cần một kiến thức khá vững về tương phản vùng sáng, vùng tối cùng với đó là cảm nhận sắc thái màu sắc như đã nhắc ở trên. Việc bố cục trong trường hợp này, dựa vào sắc thái màu sắc nhiều hơn là dựa vào màu sắc chủ thể. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn cần phải xử lý thật khéo một phần nhỏ màu sắc xuất hiện để tránh ảnh hưởng xấu đến khung hình và thậm chí trong nhiều trường hợp việc xử lý khéo léo lại giúp tạo sự thu hút thị giác nhất định cho bức ảnh.
Ảnh đơn sắc
Chắc hẳn các bạn đã đôi lần nghe thấy cụm từ “Monochrome” và thường nghĩ ngay đến ảnh Đen – Trắng. Trong khi sự thật thì chụp ảnh Đen – Trắng cũng chỉ là một loại ảnh đơn sắc với màu xám chủ đạo.
“Monochrome” hay màu đơn sắc theo đúng ý nghĩa là “chỉ có một màu”. Ảnh đen – trắng chỉ có một màu, bao gồm nhiều mức độ của màu xám. Bạn cũng hoàn toàn có thể chụp các ảnh kiểu monochrome với các màu khác nhau như màu xanh, màu vàng, màu đỏ… Các ảnh đơn sắc như này chỉ bao gồm một màu chủ đạo với sự xuất hiện rất ít của các màu khác và đặc biệt là không nên có sự xuất hiện của các màu đối nghịch.
Trong hội họa, chúng ta rất ít khi thấy các họa sĩ vẽ tranh theo kiểu monochrome, có lẽ là do không ai muốn mình lại bị giới hạn trong việc chọn màu như vậy. Ngược lại, khi sử dụng màu đơn sắc trong chụp ảnh lại giúp chúng ta có những tấm ảnh hết sức thu hút và mang đầy tính nghệ thuật trong xử lý màu sắc.
Lấy ví dụ, khi chúng ta chụp cảnh hoàng hôn hay chụp bình minh. Có thể các bạn chưa để ý, nhưng trong những khung hình chụp trong thời này, hầu hết không gian sẽ bị bao phủ bởi một màu vàng – da cam đặc trưng của ánh sáng mặt trời, đặc biệt khi chụp cảnh bằng ống tele. Nếu không tin các bạn có thể Google và thấy kết quả trả về là một loạt các hình ảnh gần như là “same same” về mặt màu sắc với nhau. 50mm Vietnam cũng lưu ý với các bạn khi đi chụp hoàng hôn hay bình minh, hãy tắt chế độ cân bằng trắng tự động để tránh việc máy ảnh sẽ tự động khử đi sắc thái màu vàng – da cam đặc trưng của không gian thời điểm này.
Khoảng thời gian bình minh là lúc bạn có thể thu được những bức ảnh sử dụng màu đơn sắc một cách rõ ràng nhất. Bụi và hơi ẩm tăng lên trong không khí làm ánh sáng bị phản chiếu, tán xạ trên những hạt nhỏ xíu tạo nên một không gian mang đậm tính “monochrome”.
Lúc chạng vạng khoảng 5-6 giờ mùa hè cũng là một thời điểm khá tốt cho ảnh đơn sắc. Ngay trước khi mặt trời mọc, bạn thường sẽ thấy một màu xanh tràn ngập khung cảnh. Một lần nữa, nếu bạn sử dụng ống tele với khả năng “nén chặt khung hình” bạn sẽ thấy màu xanh này rõ ràng hơn.
Trong cuộc sống, không ít lần chúng ta đi ngang qua những chủ thể, khung hình chỉ có một màu trông có vẻ rất nhàm chán. Đừng vội bỏ đi mà hãy cố tìm tòi, thử nghiệm bố cục để tạo nên những bức ảnh kiểu đơn sắc. Một bức ảnh chỉ có một màu có thể không nhàm chán mà ngược lại trông lại rất ấn tượng đấy.
Ảnh đen – trắng
Ngược dòng quá khứ, ảnh đen trắng đã từng là một thể loại ảnh tiêu chuẩn trong khi ảnh màu lại là một cái gì đấy rất đặc biệt của việc chụp ảnh. Ngày nay, ảnh màu lại trở thành tiêu chuẩn của ảnh chụp và ảnh đen trắng lại trở thành một thể loại ảnh đặc trưng riêng. Bản thân tôi thấy ảnh đen trắng là một thể loại rất đáng để chúng ta đào sâu vì nó giúp rất nhiều cho khả năng cảm nhận bố cục, một phần quan trọng nhất để tạo ra những bức ảnh đẹp.
Một điều các bạn cần nhớ rõ “Ảnh đen trắng không chỉ đơn giản là ảnh không màu sắc”. Nếu bạn có kiến thức đầy đủ về màu sắc, nhìn một bức ảnh đen trắng hoàn toàn có thể đem lại cho các bạn cảm giác của một bức ảnh màu thông qua độ tương phản giữa các phần.
Thêm nữa, ảnh đen trắng không phải là cách chúng ta quan sát cuộc sống. Thậm chí cả những người mù màu cũng không nhìn cuộc sống theo 2 màu đen – trắng. Chính vì vậy, hãy coi ảnh đen trắng như một thông dịch viên của cuộc sống. Bạn không ghi lại thực tế mà là những hình ảnh đại diện cho thực tế.
Tại một thời điểm nào đó, hãy thử chỉ chụp đen – trắng. Việc thực hành chụp sẽ giúp bạn có một tư duy sẵn có về ảnh đen trắng chứ không đơn thuần là việc chuyển ảnh màu sang đen trắng vốn rất dễ dàng qua các phần mềm chỉnh sửa bây giờ.
Ảnh đen – trắng hiện nay hưởng lợi rất nhiều từ việc xuất hiện ngày càng nhiều các phần mềm dùng cho việc hậu kỳ. Các bạn hoàn toàn có thể làm chủ được việc trộn 3 kênh màu cơ bản – đỏ, xanh lục, xanh lam (RGB) – theo bất cứ tỷ lệ nào, điều này dẫn đến việc bạn làm chủ được độ tương phản các vùng trong bức ảnh đen – trắng. Trước đây, để làm việc điều này chúng ta cần rất nhiều loại kính lọc (filter) khi chụp. Ví dụ, muốn làm tối bầu trời chúng ta sử dụng kính lọc đỏ (red filter), muốn tăng độ mờ đục của không gian dùng kính lọc màu xanh lam (blue filter) và làm sáng các loài thực vật, làm tối màu da thì dùng kính lọc màu xanh lục (green filter).
50mm Vietnam có một gợi ý nhỏ cho các bạn: Hãy sử dụng chế độ RAW + JPEG trong máy ảnh của bạn. Chuyển sang mode chụp đen trắng, bạn sẽ có ảnh JPEG là ảnh đen trắng, ảnh hiện thị trên LCD cũng là đen trắng nhưng ảnh RAW lại vẫn đầy đủ màu sắc. Việc quan sát được cả ảnh màu và đen trắng trong một trường hợp sẽ giúp ích rất nhiều cho tư duy màu sắc và đen trắng của chúng ta.
Hai lưu ý bỏ túi khi chụp đen – trắng
Tương tự như ảnh màu, ảnh đen trắng cũng cần có nhiều yếu tố cơ bản cần lưu ý để có một bức ảnh đẹp. 50mm Vietnam sẽ mách bạn 2 mục nhỏ dưới đây để bạn có một tấm ảnh đen trắng rõ ràng về nội dung và bố cục. Việc tập trung vào 2 vấn đề này hơn là chỉ nhìn vào màu sắc trong khung cảnh sẽ giúp bạn rất nhiều trong thể loại đen trắng này.
Tông màu hay tương phản sáng – tối: Tại bất cứ đâu bạn nhìn thấy có sự tương phản trong màu sắc hay trong sáng tối ở các phần của khung hình, bạn sẽ thấy các phần này có sự tách biệt và rõ nét khi quan sát trong ảnh đen trắng. Đây là một vấn đề mang nặng tính thử thách với các tay máy khi thử sức với ảnh đen trắng vì trong một số trường hợp khi chuyển sang đen trắng các mảng màu của khung hình lại bị mất đi sự tách biệt vốn có. Đơn cử như trường hợp của màu đỏ và màu xanh lục. Ảnh màu sẽ cho chúng ta thấy sự tương phản rõ nét nhưng khi chuyển thành đen trắng, do có độ sáng như nhau nên chúng sẽ trộn lẫn vào nhau không thể phân biệt được.
Tương phản đường nét bề mặt: Sử dụng các đường nét bề mặt (texture) là một trong những cách tuyệt vời để khắc họa các vùng trong ảnh đen – trắng. Các bề mặt khác nhau tương ứng cho ra những cái nhìn về đường nét hoàn toàn khác biệt. Trên thực tế, khi chúng ta quan sát bằng mắt thường, thông qua cảm nhận màu sắc chúng ta nhận thấy có rất nhiều bề mặt khác nhau, tuy vậy nếu chuyển sang ảnh đen trắng các bề mặt này về mặt hình ảnh lại hoàn toàn giống nhau. Nếu không chú ý, những bức ảnh của đen trắng của các bạn sẽ bao gồm các phần bề mặt giống hệt nhau, trông không rõ ràng và rất khó để nhận biết từng phần.
Một khi bạn bắt đầu nhìn vào khung hình và tập trung vào tông màu, tương phản hay các bề mặt trong khung hình, bạn đã bắt đầu nhìn theo kiểu “black-and-white” rồi đấy!
Téng Bếu“A dream you dream alone is only a dream. A dream you dream together is reality.”
Từ khóa » đen Trắng Là Màu Gì
-
“Đen” Và “trắng” Có được Coi Là Màu Sắc? - Báo Dân Trí
-
Màu Đen Có Phải Là Màu Không? Màu Trắng ... - Diễn Đàn Chia Sẻ
-
Trắng Và Đen Nó được Gọi Là Màu Hay Gọi Là Sắc?
-
Tại Sao Trắng đen Là Sắc Màu 'huyền Thoại' Của Thời Trang? - Zing
-
Hai Màu Trắng - đen Có ý Nghĩa, Mối Liên Hệ Gì Với Người Mệnh Thủy?
-
Trắng Và đen Sắc Màu Kinh điển Của Thời Trang
-
Trắng & đen (The White And Black) Trắng Và đen Không Phải Là Màu ...
-
Ý Nghĩa Của Màu Sắc Trắng, đen Và Mối Liên Hệ Với Người Mệnh Thủy
-
TRẮNG VÀ ĐEN, TẠI SAO KHÔNG ?!! –
-
Hai Màu Trắng - đen Có ý Nghĩa, Mối Liên Hệ Gì ... - .vn
-
Hướng Dẫn Cách Phối Màu đen Trắng - Thợ Sơn
-
Lý Thuyết Cơ Bản Về Màu Sắc
-
Màu Đen Có Phải Là Màu Không?
-
Màu đen Kết Hợp Với Màu Gì Thì đẹp Nhất? - J-P Fashion
-
(GÓC KIẾN THỨC) LÝ THUYẾT CƠ BẢN VỀ MÀU SẮC
-
Tìm Hiểu Về Màu & Cách Phối Màu - VietCert