MẤY VẤN ĐỀ VỀ VĂN BẢN HÁN NÔM LÀNG XÃ QUẢNG TRỊ

Bằng nhiều cách khác nhau, từ nhiều năm qua, chúng tôi đã tiếp cận được một số lượng rất lớn các loại hình văn bản Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Phần lớn số văn bản này thuộc sở hữu tập thể, được lưu giữ trong các gia đình, dòng họ và làng xã. Có thể nói, các văn bản Hán Nôm hiện đang còn lưu giữ tại các làng xã trên vùng đất Quảng Trị là tương đối phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, chất liệu và niên đại…

Quá trình xem xét, chúng tôi đưa ra một số vấn đề xoay quanh nguồn tư liệu này như sau:

1. Tiến trình hình thành làng xã và văn bản Hán Nôm của vùng đất Quảng Trị

Có thể nói rằng, tiến trình xuất hiện và phát triển của văn bản Hán Nôm phụ thuộc vào tiến trình xuất hiện và phát triển của làng xã và chi phối bởi tình hình giáo dục ở địa phương. Xét về thời điểm xuất hiện các làng xã người Việt ở Quảng Trị phải được gắn với hoàn cảnh lịch sử từ thời Tiền Lê (984 - 988). Vào thời điểm này, khi mà quốc gia Đại Việt ở phía bắc trở nên lớn mạnh, nền độc lập nước nhà ngày càng được củng cố thì ý đồ nới rộng lãnh thổ về phương nam nhằm mở mang bờ cõi bắt đầu nảy sinh. Cũng từ đây, những cuộc giao tranh giành giật đất đai giữa hai quốc gia Việt - Chăm thường xuyên xuất hiện. Đặc biệt là dưới thời nhà Lý, tháng 2/1069, khi Lý Thường Kiệt bắt được Chế Củ, để bảo toàn tính mạng, Chế Củ đã xin dâng 3 châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh cho Đại Việt. Từ đây, một phần đất cực bắc của người Chăm đã thuộc về quyền cai trị của người Việt trong đó có địa bàn phía bắc tỉnh Quảng Trị, từ bờ bắc sông Hiếu trở ra, trực thuộc châu Ma Linh (bao gồm huyện Vĩnh Linh và Gio Linh ngày nay). Sau đó nhà vua đổi châu Địa Lý thành châu Lâm Bình, châu Ma Linh thành châu Minh Linh. Chính thức xuống chiếu chiêu mộ nhân dân đến ở, định đặt lại việc tổ chức, cai trị. Tuy nhiên, giai đoạn này, về cơ bản làng xã người Việt ở vùng đất Quảng Trị hầu như chưa xuất hiện hoặc có chăng thì chỉ ở châu Minh Linh mà thôi. Phải sang thời nhà Trần, năm 1306, khi vua Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý để làm lễ vật dẫn cưới công chúa Huyền Trân thì phần đất phía nam tỉnh Quảng Trị mới thuộc về lãnh thổ của Đại Việt. Đi theo bước chân Huyền Trân trong các cuộc di dân vào vùng đất mới, một số quan lại cao cấp được vua Trần cử vào trấn nhậm cùng với binh lính và dân nghèo các vùng phía Bắc đã hợp lực với dân bản địa để tiếp tục khai khẩn đất đai, tạo lập làng xóm, kiên trì bám trụ để xây dựng và giữ gìn bờ cõi. Những xóm làng người Việt mọc lên bên cạnh những xóm làng người Chăm. Tuy không còn là chủ thể và mặc cho các cuộc chiến tranh Chăm - Việt liên tục xảy ra nhưng nhiều nhóm cư dân Chăm vẫn ở lại trên vùng đất cũ, chung sống hòa thuận với người Việt và dần dần bị người Việt đồng hóa. Những làng xã vùng Quảng Trị được hình thành trong thời gian này cũng chưa nhiều vì trong thế kỷ XIV, về cơ bản, vùng đất này đang nằm trong sự tranh chấp giằng co, quyết liệt. Đại Việt sử ký chép “Đinh Mùi [Hưng Long] năm thứ 15 [1307] (Nguyên Đại Đức năm thứ 11), mùa xuân, tháng Giêng, đổi hai châu Ô, Lí thành châu Thuận và châu Hóa. Sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên hai châu đó. Trước đây, chúa Chiêm Thành đem đất hai châu đó làm lễ vật dẫn cưới, nhưng người các thôn La Thủy, Tác Hồng, Đà Bồng không chịu theo. Vua sai Đoàn Nhữ hài đến tuyên dụ đức ý, chọn người trong bọn họ trao cho quan tước, lại cấp ruộng đất, miễn tô thuế 3 năm để vỗ về” 1. Như vậy, làng xã người Việt phía nam sông Hiếu trở vào ngày nay lúc bấy giờ mới có mặt. Tuy nhiên, hiện nay không tìm thấy văn bản nào ghi chép. Cũng có lẽ, thời điểm này nhiều nơi vẫn còn hoang vu, xóm làng thưa thớt, cuộc sống chưa ổn định, cư dân còn quá nhiều khó khăn, phải lo tìm kế mưu sinh trăm bề trong khi người Chăm lại thường xuyên ra cướp phá như lời thơ của Trương Hán Siêu khi vào chống giữ đã viết “Dĩ tịch hoang giao mai bệnh cốt/Hải thiên thảo mộc cộng sầu ngâm” (Xương ốm đành chôn ngoài cỏi vắng/Biển trời cây cỏ nhuốm buồn lây), nên người dân chưa thể quan tâm đến việc học hành và thi cử. Hơn nữa, triều đình nhà Trần lúc này cũng chưa thể mở rộng việc giáo dục ra khắp đất nước. Ngay như những địa phương gần kề kinh đô Thăng Long mà mãi đến năm 1397 vua Trần Thuận Tông mới xuống chiếu “hạ lệnh cho các lộ phủ Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Dương đều đặt một học quan, cho ruộng công theo thứ bậc khác nhau… để cung chi phí cho nhà học” 2 thì rõ ràng việc học hành của một miền biên viễn xa xôi như Quảng Trị sẽ hết sức hạn chế là lẽ đương nhiên.

Sang đến thời nhà Hồ (1400 - 1407), mặc dù có những chính sách quan tâm rất nhiều đến vùng Quảng Trị/Thuận Hóa như cử người thân tín vào trấn thủ, đẩy mạnh việc khai phá đất đai, mở mang đường sá, di dân nhưng chưa bao lâu thì bị giặc Minh xâm lược. Và như vậy, vùng đất Quảng Trị nói riêng và Thuận Hóa nói chung trong giai đoạn từ năm 1307 - 1428 nền giáo dục hầu như còn bỏ ngõ. Cộng thêm yêu cầu bức thiết của người dân nơi đây là phải tập trung lao động khai phá đất đai để đảm bảo đời sống vật chất. Triều đình cũng lấy việc giữ yên xã hội lên hàng đầu và đặc biệt là đề phòng người Chăm ra cướp phá. Trong khi đó, đất đai lúc này đang rộng rãi mà con người thì còn thưa thớt nên không có gì phiền phức phải cần đến giấy tờ. Vì thế, văn bản Hán Nôm trong giai đoạn này không thấy xuất hiện. Vã lại, nếu có thì qua thời gian, với bao biến động của thiên tai và nhân họa thì số giấy tờ sách vở đó cũng đã mai một phiêu tán.

Đến khi Lê Lợi khởi nghĩa lập nên nhà Hậu Lê đã rất coi trọng vùng Thuận Hóa, nhất là đối với việc chiêu mộ dân đinh để định đặt phường hiệu, thiết lập làng xóm. Một văn bản có tên là Thủy thiên bản 1 chép từ đời Thái Tổ (1428 - 1434): “Nhân triều đình ban lệnh: Xứ Ô Châu, người Chiêm Thành đã bỏ đi hết, phàm nhân dân các địa phương của ta ai không có nhà cửa, ruộng vườn, của cải, mộ được nhiều người tụ tập khai phá cày bừa, đợi lập thành làng xóm mới đánh thuế. Ta [Bùi Trành] đứng lên hưởng ứng bàn bạc, mộ được hơn 20 người…”.

Tháng 6 năm 1466, vua Thánh Tông thực hiện một loạt cải cách hành chính, đổi lộ làm phủ, đổi trấn làm châu, chia đất nước làm 12 thừa tuyên sau đó 3 năm (1469) thì định đặt bản đồ các phủ, châu, huyện, xã… trên toàn quốc. Xứ Thuận Hóa bấy giờ gồm 2 phủ, 7 huyện, 4 châu, trong đó phủ Triệu Phong có 5 huyện (Hải Lăng, Vũ Xương, Đan Điền, Kim Trà, Tư Vinh) và 2 châu (Sa Bôi, Thuận Bình). Tuy nhiên, giai đoạn này vùng đất Quảng Trị vẫn thường xuyên bị người Chiêm quấy phá. Lịch đại sự tích làng Hà Thượng (thị trấn Gio Linh) chép rằng: “Ngày mồng 3 tháng 2 năm Canh Dần niên hiệu Hồng Đức năm thứ nhất (1470), Lê Toản người đạo Sơn Tây đến xã Châu Thành, huyện Minh Linh và sống cùng với người Chiêm Thành trong một thôn … tháng 6 năm đó, người Chiêm Thành quấy phá, triều đình phái Lê Công đi đánh dẹp, đóng quân ở Nghệ An sau đó đến châu Minh Linh, phủ Tân Bình…” 2

Trước tình hình đó, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Vương triều Vijaya dần dần kiệt sức và cuối cùng đã bị sụp đổ. Nhà Lê mở rộng biên giới Đại Việt vào tận Phú Yên - chấm dứt sự tồn tại của vương quốc Chămpa. Sau đó thực hiện việc hoạch định lại đất đai, đặt định quan chế và tiến hành chiêu mộ dân đinh đến định cư làm ăn sinh sống. Nhiều tướng lĩnh, quân sự tự nguyện xin vào khai thác định cư. Lúc này, Quảng Trị/Thuận Hóa mới an cư lạc nghiệp, nhân dân yên ổn làm ăn, phong tục dần trở nên thuần hậu, nền văn hóa giáo dục được quan tâm hơn và bắt đầu có người đỗ đạt. Từ một chốn Ô châu ác địa nay trở thành nơi “non sông kỳ tú, ruộng đất mở mang, nhân dân đông đúc, thực là nơi đô hội lớn của một phương. Cảnh tượng vui tươi, phong vật quý giá còn đâu hơn nữa ! ” 1. “Nhịp kèn thay lính thú, chòi thành vệ trấn lấp loáng dưới trăng thanh; hồi trống gọi nho sinh, trường học phủ đường che khuất trong mây trắng. Văn phong đã sẵn, vũ vệ càng oai”.

Tuy nhiên, văn bản Hán Nôm để lại trong giai đoạn này rất hiếm hoi. Cho đến thời điểm này, ngoại trừ tập Thủy Thiên bản sao năm 1429 (lưu giữ tại nhà thờ họ Bùi, làng Câu Nhi, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng), tờ Sắc ban năm 1578 dưới thời vua Lê Thế Tông (lưu giữ ở nhà thờ họ Trần, làng Thụy Khê, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh), một vài tờ Thị ban dưới thời Lê ở làng Hội Kỳ, xã Hải Chánh và Họ Trần Thanh, làng Diên Sanh, xã Hải Thọ (huyện Hải Lăng) thì hầu như chưa tìm thấy các văn bản khác trong giai đoạn này.

Đến giai đoạn chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn đến nhà Nguyễn. Kể từ khi Nguyễn Hoàng vào đảm trách nhiệm vụ trấn thủ vùng Thuận Hóa, vị chúa Tiên này đã được nhiều người ủng hộ hưởng ứng. Đội quân Trung Nghĩa (còn gọi là Đạo quân tử đệ) của chúa đã kéo theo gia nhân thân thuộc hòa chung trong đoàn tùy tùng đi vào vùng đất mới để lập nghiệp và hình thành một loạt các làng xã trên vùng đất Quảng Trị nói riêng và cực nam Tổ quốc nói chung. Đây là giai đoạn phát triển của xứ Đàng Trong nhưng văn bản Hán Nôm ở các làng xã Quảng Trị chép dưới thời chúa Nguyễn và Tây Sơn cũng rất ít, không rõ vì lý do gì. Phải đến khi Gia Long lên ngôi (1802) trở về sau thì số lượng văn bản Hán Nôm lưu giữ tại các làng xã mới xuất hiện nhiều về số lượng cũng như loại hình. Đó là những tập Địa bạ dày với kích cở lớn, những bản Sắc phong thần linh và nhân vật, chiếu chỉ, tấu trình, Hương ước, Gia phả, văn khế, đơn trưng, bằng cấp, văn tế,…

2. Phân loại văn bản Hán Nôm làng xã Quảng Trị

Văn bản Hán Nôm hiện lưu giữ tại các làng xã trên vùng đất Quảng Trị chủ yếu là tư liệu được viết trên chất liệu giấy, một số ít được thể hiện trên chất liệu vải lụa, có loại văn bản thì được khắc trên bia đá, đúc trên chuông đồng, chạm khắc trên gỗ, đắp vôi vữa khảm sành sứ trên các hạng mục của công trình tín ngưỡng. Trên cơ sở những gì đã tiếp cận được trong nhiều năm qua, có thể chia số lượng văn bản Hán Nôm làng xã Quảng Trị nói chung ra làm 2 loại chính như sau:

a. Loại văn bản viết trên chất liệu giấy

Đây là loại văn bản hết sức phổ biến và rất phức tạp, phân bố rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Đắc biệt là các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, có làng còn đến cả nghìn trang. Tuy nhiên, cũng có vùng gần như còn lại rất ít ỏi, như ở huyện Vĩnh Linh và một số xã phía tây huyện Gio Linh. Loại văn bản này thường được chép tay bằng bút long mực tàu trên chất liệu giấy, một số rất ít được viết trên vải lụa như Địa đồ, Phả hệ …, chưa tìm thấy văn bản thêu trên thao lụa. Loại văn bản viết này có hình thức phong phú, kích cỡ và chất liệu giấy cũng khác nhau, thông thường dùng giấy gió sản xuất tại địa phương hoặc mua từ các làng làm nghề giấy ở kinh đô Huế. Một số văn bản đặc biệt của nhà nước như bằng sắc thì dùng giấy nhập từ các làng nghề nổi tiếng từ bên ngoài vào. Về chữ viết của loại hình văn bản này thì tương đối đa dạng nhưng nhìn chung thì có thể phân biệt rằng có hai kiểu chữ chủ yếu, đó là kiểu chữ thời Gia Long trở về trước và kiểu chữ thời Gia Long trở về sau. Các văn bản từ năm 1820 trở về trước thường vuông vắn, gãy góc, nghiêng xuống về bên phải. Đến thời Minh Mạng trở về sau nhà vua đã chủ trương đổi kiểu chữ. Mặt khác, yếu tố dân gian trong văn hóa làng cũng đã ít nhiều chi phối cú pháp của văn bản viết. Biểu hiện cụ thể đó là ngôn ngữ nói gần như giống với ngôn ngữ viết, nói thế nào thì viết thế đó.

Loại văn bản viết trên chất liệu giấy này có thể chia ra thành hai loại hình chủ yếu đó là:

- Văn bản hành chính - pháp quy

Đây là những văn bản do triều đình nhà nước hành như các bản sắc phong thần, phong chức tước, chỉ dụ, chiếu chỉ, bằng cấp, tờ truyền, tờ thị, quyết định thăng bổ ngạch trạch, phẩm hàm, luân chuyển công tác… Bên cạnh đó còn có các văn bản do làng xã kê khai lên như sổ đinh, sổ điền, khế ước, tấu trình, thân đơn… liên quan đến những vấn đề về ruộng đất, dân số. Trong số đó phải kể đến một loại văn bản có tầm quan trọng hàng đầu của kinh tế nông thôn dưới thời phong kiến đó chính là Địa bạ.

- Văn bản sinh hoạt cộng đồng

Văn bản sinh hoạt cộng đồng bao gồm văn bản về tập tục tín ngưỡng và văn bản về tổ chức đời sống xã hội. Loại văn bản về tập tục tín ngưỡng có nội dung rất phong phú, có thể kể đến như hồ sơ về việc thiết lập, trùng tu các công trình tín ngưỡng thờ tự đình, chùa, miếu, vũ…; những bài văn tế kèm theo nghi thức thực hiện trong đại tự kỳ an, trai đàn bạt độ cầu siêu; những bản hương phả, thần tích ghi chép sự tích, tri ân tiền nhân của làng… Về văn bản tổ chức đời sống xã hội như hiệp định từ về việc sắp xếp thứ tự họ tộc trước sau của một làng; hương ước, khoán ước đề ra những quy định cấm kỵ, thưởng phạt trong lao động và sinh hoạt của cộng đồng…

b. Loại văn bản thể hiện bằng các hình thức khác

Loại văn bản này ở các làng xã trên vùng Quảng Trị thường được khắc trên các cột mốc phân định ranh giới làng xã, trên bia đá của các ngôi lăng mộ cổ, chuông đồng ở đình chùa, gỗ ván trên các ô học trang trí, đắp vôi vữa khảm sành sứ trên các hạng mục của công trình tín ngưỡng thờ tự…

Có bốn hình thức chính của văn khắc Hán Nôm gồm: bia, chuông, biển (treo ngang gọi là hoành, tức hoành phi), liễn (treo dọc thành từng cặp gọi là câu đối). Trong đó thì ở các làng xã vùng Quảng Trị văn bia, văn chuông không nhiều lắm, chỉ thấy thông dụng loại văn bản thể hiện trên Biển và Liễn nhiều hơn.

Bia thường bằng đá Thanh, cẩm thạch hoặc sa thạch, gồm các bộ phận đầu bia (còn được gọi là mủ, trán), thân bia, tai bia, đế bia và thường trang trí một mặt, rất ít thấy trang trí hai mặt. Đầu bia hơi dày, được tạo nhiều kiểu khác nhau, chủ yếu là vành cong hoặc lượn sóng, giữa đỉnh cao nhất, uốn thấp xuống hai bên. Trán viền từ một đến ba đường gờ nổi, trong chạm lưỡng long triều nguyệt, lưỡng long tranh châu, mặt hổ phù, hình thái cực cùng mây lửa, hoa lá cách điệu. Thân bia bốn góc có tai nhô ra để đở mủ (trên) và tựa đế (dưới); bốn diềm nổi rộng hẹp khác nhau, một đường gờ viền hai mép, giữa chạm long ẩn vân hoặc hoa lá cách điệu (cúc, sen, dây…). Lòng bia sâu vào, được bào nhẵn, láng bóng, là bộ phận mang nội dung văn khắc. Chân bia nhỏ nằm liền cuối thân để lắp vào đế. Đế bia là một khối đá nặng đủ để giữ vững bia, có cái tạc theo hình bàn chân quỳ, hoặc theo hình con rùa, đường nét chạm trổ đơn giản nhưng đủ tinh tế. Ở Quảng Trị, số lượng bia rất ít và chủ yếu là bia lăng mộ, còn lại một số ở chùa, không thấy bia ở đình làng.

Chuông đồng là đồ tự khí ở trong các công trình thờ cúng như đình, chùa, miếu vũ, từ đường trong đó chuông chùa là nhiều nhất. Tuy nhiên văn khắc ở trên chuông đồng lại không nhiều. Biển thì thông dụng hơn vì dễ làm, dễ khắc. Nhiều nhất là biển gỗ, về cơ bản nó giống như tấm panô ngày nay, được treo hoặc gắn bên trong các công trình kiến trúc. Về mặt trang trí, biển được viền quanh cái khung sơn son thết vàng, chạm hoa văn dây lá, rồng mây hoặc kỷ hà. Mặt bào nhẵn, khắc chữ chìm (cũng có khi đục chữ nổi) và chữ thường được sơn thết vàng nổi rõ trên nền đen hoặc đỏ. Biển treo ngang phía trên gọi là bức hoành (tức hoàng phi), thường đề từ hai đến bốn chữ hoặc tên công trình kiến trúc như Lập Thạch đình, Diên Thọ tự… hoặc nêu ý nghĩa của nó như Hiếu tư tiên phụng, Giang sơn y cựu… Còn liễn thì treo dọc theo các cột, cứ hai bức hai bên tả hữu hợp thành một đôi, phía trên bên tả bức tả khắc lạc khoản, phía dưới bên hữu bức hữu khắc tên tác giả. Mỗi bức là một tấm gỗ hình chữ nhật dài, dày mỏng tốt xấu tùy từng nơi, bao quanh hoặc bốn góc chạm viền dây lá, hoa văn kỷ hà hoặc để trơn, ở giữa khắc câu văn đọc từ trên xuống, sơn thết hoặc cẩn xà cừ rất đẹp. Hai câu ở hai bức đối nhau, ghép lại thành một văn bản hoàn chỉnh.

3. Giá trị của văn bản Hán Nôm làng xã Quảng Trị

Văn bản Hán Nôm nói chung và văn bản Hán Nôm làng xã nói riêng có giá trị thực tiễn và tầm quan trọng rất lớn trong công tác nghiên cứu khoa học lịch sử và văn hóa.

Trước hết, nội dung của những văn bản Hán Nôm phản ánh hiện của làng xã qua các thời kỳ lịch sử trên tất cả các phương diện hành chính, kinh tế và văn hóa. Đó là cuộc sống thường ngày được hiện thực hóa bằng cách ghi chép thành văn bản. Những văn bản giấy tờ hành chính như hồ sơ đất ruộng (địa bạ, điền bạ, văn khế, đơn từ) dân số (đinh bạ), thông tư chỉ thị của cấp trên gửi về (án tụng, tờ thị, tờ truyền, chiếu sắc…). Một số văn bản phục vụ sinh hoạt hàng ngày hay phong tục tập quán như biên bản trùng tu đình miếu, khoán ước, gia phả, di chúc, sắc phong… Thông qua đó, chúng ta có thể hình dung được bức tranh cơ cấu tổ chức và điều hành của bộ máy quản lý nhà nước quân chủ từ trung ương đến địa phương cũng như phân cấp quản lý hành chính địa phương dưới thời phong kiến. Thông qua văn bản Hán Nôm tại các làng xã thì có thể biết rõ các chức danh sắc mục xã thôn, chính quyền các cấp lịch triều và dấu ấn thay đổi qua từng thời kỳ lịch sử. Từ văn bản Hán Nôm cũng có thể nhận diện được lịch sử hình thành, sự có mặt của các dòng họ, quy mô làng xã, diện tích lãnh thổ, ruộng vườn đất đai cho đến cách thức tổ chức điều hành sinh hoạt, hệ thống các công trình kiến trúc và tín ngưỡng thờ cúng…

Giá trị thứ hai của văn bản Hán Nôm làng xã đem lại đó là cung cấp cho chúng ta nhiều kiến thức về lịch sử - văn hóa. Trước sự đổi thay của thời cuộc và xã hội, nhiều dòng họ, làng xã đã bị cuốn theo dòng xoáy của sự phát triển. Mãi về sau, khi có điều kiện nhìn lại lịch sử, tìm về nguồn gốc họ mạc, sưu tra thế thứ… thì gặp phải rất nhiều khó khăn. Lúc này, những văn bản Hán Nôm (hương phả, tộc phả) sẽ góp phần xác minh thực tế để đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Giá trị thứ ba của văn bản Hán Nôm làng xã là phản ánh được trình độ phát triển của nghề làm giấy cũng như nét độc đáo của các làng nghề thủ công truyền thống trong quá khứ. Nghệ thuật trang trí thể hiện bằng chữ Hán trên các hạng mục công trình kiến trúc (hoành phi, câu đối, biển ngạch) còn phản ánh nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan, phong cách nghệ thuật, quan điểm thẩm mỹ và sự nhận thức về cái đẹp trong từng thời điểm lịch sử…

Trịnh Cao Nguyên

1 Ngô Sĩ Liên (khởi thảo). Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, tập II. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998. Trang 91.

2 Ngô Sĩ Liên. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, Cao Huy Giu, tập II. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1987. Trang 201.

1 Trích dịch Thủy thiên bản, hiện đang được lưu giữ tại nhà thờ họ Bùi, làng Câu Nhi, huyện Hải Lăng.

2 Trích Lịch đại sự tích làng Hà Thượng (nguyên văn chữ Hán và bản dịch), hiện lưu giữ tại nhà ông Lê Tích, làng Hà Thượng, thị trấn Gio Linh.

1 Dương Văn An. Ô Châu Cận Lục. Nhà xuất bản Chính Trị Quốc gia, 3-2009.

Từ khóa » Câu 10 Quân ở Làng Xã Gọi Là Gì