Mẹ Bầu ăn Gì để Thai Nhi Tăng Cân Nhanh Và Không Vào Mẹ?

Có bầu cần ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh và an toàn mà bản thân không bị tăng cân quá nhiều là mối bận tâm của rất nhiều chị em bầu bí. Trong quá trình mang thai, mọi bà mẹ đều mong muốn con yêu có thể tăng trưởng và phát triển tối ưu. Vậy làm thế nào để bổ sung chất dinh dưỡng cho con mà không bị cơ thể mẹ hấp thu?

Mỗi giai đoạn thai kỳ, mẹ bầu cần bổ sung các dưỡng chất khác nhau cho cả mẹ lẫn thai nhi. Có rất nhiều mẹ bầu thường có quan niệm là phải ăn cho cả hai người và không quan tâm đến cân nặng của bản thân mà chỉ nghĩ ăn gì cho thai nhi tăng cân nhanh. Thế nhưng, các mẹ cần hiểu rằng ngoài một số yếu tố thì cân nặng thai nhi sẽ phụ thuộc vào chất lượng bữa ăn của người mẹ.

Khi bầu bí, mẹ bầu không nhất thiết phải ăn nhiều. Trung bình mỗi ngày, phụ nữ mang thai chỉ cần nạp thêm khoảng 300 calo so với trước khi mang bầu mà thôi. Bên cạnh đó, cần đảm bảo cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể khi mang thai. Điều này sẽ giúp mẹ và bé tăng cân đúng mức theo từng giai đoạn thai kỳ.

Giải đáp thắc mắc: Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh và không vào mẹ?

Việc tăng cân nhiều khi mang thai có thể ảnh hưởng đến thai kỳ, do đó, nhiều mẹ bầu thường thắc mắc bà bầu nên ăn gì để vào con không vào mẹ, các thực phẩm giúp thai nhi tăng cân là gì? Hãy tham khảo các gợi ý sau từ Hello Bacsi:

1. Mẹ bầu nên ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh?

Ăn gì để thai nhi tăng cân: chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu

Mẹ bầu ăn gì để vào con giúp con tăng cân luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Sau đây là những nhóm thực phẩm mà mẹ bầu nên có trong chế độ ăn:

  • Ưu tiên nhóm thực phẩm cung cấp chất đạm: Hãy bổ sung các loại thịt, cá, trứng, tôm, cua, đậu đỗ… vào chế độ ăn hàng ngày. Theo các chuyên gia chế độ ăn giàu đạm sẽ giúp xây dựng hệ cơ và các tế bào máu của thai nhi mà không làm cho mẹ bầu tăng cân quá mức. Lưu ý là các mẹ bầu chỉ cần nạp đủ lượng đạm theo nhu cầu nếu ăn thừa đạm sẽ làm cản trở khả năng hấp thu canxi của cơ thể. Hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ sản khoa về việc bạn nên ăn bao nhiêu là đủ.
  • Ăn vừa đủ lượng tinh bột: Thực phẩm cung cấp tinh bột bao gồm cơm, mì, bún, phở, ngô, khoai… Thực tế là có không ít mẹ bầu có quan điểm sai lầm rằng khi mang thai phải ăn nhiều cơm để chắc dạ và giúp con khỏe mạnh. Tuy nhiên, quan niệm sai lầm này chỉ khiến cho mẹ bầu nhanh tăng cân mà thôi. Mỗi ngày, mẹ bầu chỉ nên ăn từ 2 – 3 chén cơm và cố gắng ăn trước 8 giờ tối. Đối với bữa sáng bà bầu có thể thay cơm bằng bánh mì, trứng hay salad rau củ và thêm 1 ly sữa tươi tách béo.
  • Bổ sung thêm ngũ cốc: So với gạo trắng thì ngũ cốc là nguồn cung cấp năng lượng dồi dào và còn bổ sung thêm nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất quan trọng. Hàm lượng chất xơ cao trong các loại ngũ cốc sẽ giúp giảm tình trạng táo bón thai kỳ. Để có thể thêm ngũ cốc vào chế độ ăn, các mẹ bầu có thể thay thế một phần tinh bột bằng gạo lứt hoặc các loại ngũ cốc hoặc sử dụng chúng như bữa ăn phụ, ăn vặt thay cho các món ít lành mạnh hơn.
  • Thay sữa bầu bằng sữa tươi không đường tách béo: Tuy chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng nhiều chị em phụ nữ từng mang thai chia sẻ kinh nghiệm rằng uống sữa bầu sẽ khiến mẹ bầu tăng cân nhiều vì loại sữa này có hàm lượng đường cao. Các loại sữa ngọt nhiều còn có thể gây nên tình trạng khó tiêu, nghén hoặc tiêu chảy nếu như cơ thể không đủ lượng men lactase để tiêu hóa lượng đường có trong sữa. Thay vào đó, bà bầu nên thay sữa bầu bằng sữa tươi không đường tách béo đồng thời bổ sung thêm phô mai và sữa chua.

2. Các chất dinh dưỡng thiết yếu cho mẹ và bé

các chất dinh dưỡng cho mẹ và bé

Đọc đến đây, hẳn là các mẹ bầu đã nắm khá rõ về các thực phẩm giúp thai nhi tăng cân. Dưới đây là những dưỡng chất thiết yếu mà mẹ bầu cần chú trọng bổ sung cho thai kỳ:

  • Các vitamin nhóm A, B, C, D, E, K: Có thể bổ sung thông qua các loại thực phẩm tự nhiên hàng ngày.
  • Protein: Có trong các loại thực phẩm như cá, gà, thịt, trứng và đậu giúp cho quá trình tạo cơ, xương và tạo máu.
  • Các khoáng chất vi lượng: 
    • Canxi: Có nhiều trong sữa, trứng, váng sữa, sữa chua…
    • Sắt: Rất quan trọng trong sự tạo máu, vận chuyển oxy, có nhiều trong gan (lợn, bò, gà), lòng đỏ trứng gà, thịt bò (hoặc trong các loại thịt đỏ), các loại rau củ quả tự nhiên như đậu đỗ…
    • Kẽm: Các loại thực phẩm như cá, hải sản, thịt gia cầm và sữa rất giàu kẽm. Kẽm là nguyên tố cần thiết để đảm bảo cân nặng và kích thước vòng đầu của em bé. Kẽm còn đóng vai trò nhất định cho sự phát triển của trẻ trước và sau sinh.
    • Iốt: Mẹ bầu cần khoáng chất này đầy đủ để hoàn thiện sự phát triển não bộ của trẻ.
  • Các axit thiết yếu: 
    • Axit folic: Đóng vai trò cơ bản trong quá trình tổng hợp ADN và các axit amin, sự phát triển của hệ thần kinh ở thai nhi, tạo hồng cầu bình thường. Axit folic có nhiều trong gan động vật, rau có màu xanh thẫm, súp-lơ, các loại đậu…
    • Axit béo omega-3: dưỡng chất này có trong trứng, dầu ăn, dầu ô liu và mỡ cá béo… Omega-3 đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển thần kinh của em bé, đặc biệt là sự phát triển của não và mắt, đồng thời giúp giảm nguy cơ tiền sản giật, sinh non và kiểm soát cân nặng của mẹ bầu…

[embed-health-tool-due-date]

4 điều mẹ bầu cần lưu ý về cân nặng khi mang thai

ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh

Ngoài việc đi tìm lời đáp cho thắc mắc ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh hay ăn gì vào con không vào mẹ, các mẹ bầu cũng nên lưu ý về việc tăng cân khi mang thai:

  1. Từ tháng thứ 4 của thai kỳ, mẹ bầu nên tăng trong khoảng 1,5 – 2kg mỗi tháng. Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên kiểm tra cân nặng đều đặn và trao đổi với bác sĩ trong mỗi lần khám thai để được tư vấn nếu cân nặng tăng ít hơn 1kg hay quá 3kg mỗi tháng.
  2. Mẹ bầu nên lưu ý rằng “ăn cho 2 người” không đồng nghĩa là cần “ăn gấp đôi”, điều quan trọng là người mẹ phải có chế độ ăn hợp lý để đảm bảo đủ năng lượng (lưu ý không được ăn quá ngọt hay quá béo).
  3. Thời gian mang thai không phải là khoảng thời gian thích hợp cho việc giảm cân, giữ dáng.
  4. Việc mẹ bầu tăng cân quá nhiều hay quá ít đều có ảnh hưởng không tốt lên sức khỏe của mẹ và bé.
    • Tăng cân quá nhiều dễ dẫn đến các nguy cơ về sức khỏe như tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, tăng tỷ lệ sinh non, tăng tỷ lệ sinh mổ, trẻ sơ sinh dễ bị hạ đường huyết sau sinh…
    • Tăng cân quá ít dễ dẫn đến tình trạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung (IUGR), thai suy dinh dưỡng, tăng tỷ lệ sinh non…

Hello Bacsi hi vọng rằng những thông tin được chia sẻ trong bài đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh hay ăn gì vào con không vào mẹ. Từ đó, bạn đã có đủ tự tin để xây dựng thực đơn dinh dưỡng giúp đảm bảo sức khỏe, đáp ứng tốt sự phát triển của thai nhi.

Từ khóa » Cần ăn Gì để Thai Nhi Tăng Cân