Mẹ Bầu Cần Nắm Các Mốc Khám Thai Quan Trọng để Có Thai Kỳ Khỏe ...
Có thể bạn quan tâm
“Mẹ bầu nhất định phải nhớ các mốc khám thai quan trọng” là lời nhắn nhủ của 3 chuyên gia sản khoa hàng đầu: BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc TT Sản Phụ khoa, BS.CKI Lê Thị Kim Ngân – Trưởng khoa Sản TT Sản Phụ khoa và BS.CKII Lê Thanh Hùng – Bác sĩ TT Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM trong chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến “Thai kỳ nguy cơ cao & dự phòng biến chứng” diễn ra vào tối ngày 17/11/2021.
Không khám tiền sản và tuân thủ các mốc khám thai quan trọng, nhiều mẹ bầu rơi vào nhóm thai kỳ nguy cơ cao
Mang thai và sinh con là nhiệm vụ thiêng liêng, là thiên chức đặc quyền của một người phụ nữ. Thế nhưng, do chưa nắm bắt thông tin hoặc cố tình lơ là, bỏ qua các bước thăm khám tiền sản cũng như các mốc khám thai quan trọng, sàng lọc thai nhi trong suốt thai kỳ mà nhiều mẹ bầu rơi vào nhóm thai kỳ nguy cơ cao, cả mẹ và bé có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng, buộc phải chấm dứt thai kỳ ở giai đoạn sớm.
Thai kỳ nguy cơ cao là thai kỳ có khả năng đưa đến kết cục xấu cho cả người mẹ và thai nhi nếu không được chăm sóc, quản lý thai kỳ tốt. Nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau xuất phát từ mẹ và thai nhi cùng tác động, tạo nên bối cảnh thai kỳ nguy cơ cao khác nhau như:
- Về phía mẹ: Mẹ có yếu tố gia đình đặc biệt, hoặc chiều cao, thể trạng, yếu tố cơ địa khiến mẹ mắc một số bệnh lý; mẹ sinh con quá sớm (trước 17 tuổi) hoặc quá trễ (sau 35 tuổi), mẹ mang thai lần đầu; mẹ mắc các bệnh lý trước mang thai không được kiểm soát tốt như tăng huyết áp, các bệnh lý về thận, bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, bệnh tim mạch…; mẹ bị rối loạn chuyển hóa như thừa cân, béo phì, hoặc tiền sử khó có thai, phải nhờ đến phương pháp hỗ trợ sinh sản…
- Về phía thai nhi: Thai nhi và bánh nhau cũng là yếu tố nguy cơ như đa thai, các bệnh lý bất thường của bánh nhau như nhiễm trùng ối, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược…
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM khuyến cáo chị em phụ nữ trước khi mang thai nên thăm khám tiền hôn nhân và khám tiền sản. Chị em sẽ được kiểm tra sức khỏe tổng quát, trong đó có sản phụ khoa. Dựa vào kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về thời điểm phù hợp để mang thai. Đồng thời, xác định được các nguy cơ xảy ra khi mang thai để có bước điều trị ổn định, chuẩn bị cho việc mang thai.
“Khi đã mang thai, ở mỗi tam cá nguyệt đều có những xét nghiệm sàng lọc, tầm soát giúp chỉ ra những nguy cơ có thể mắc phải. Do đó, mẹ bầu cần tuân thủ đầy đủ các mốc khám thai quan trọng ở tam cá nguyệt thứ nhất, thứ hai và thứ ba để có kế hoạch quản lý cho từng thời điểm, nhận biết sớm các nguy cơ có thể xảy ra, có bước can thiệp điều chỉnh kịp thời và hiệu quả”, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi cho biết thêm.
Xem thêm: NGUYÊN NHÂN CHUYỂN PHÔI THẤT BẠI
Chăm sóc và quản lý thai kỳ an toàn, khỏe mạnh
Thống kê cho thấy, có trên 4.000 bất thường của thai nhi và trẻ sơ sinh xuất phát từ nhiều nguyên nhân như yếu tố di truyền, tác động của môi trường, các bệnh lý của bố mẹ hoặc không rõ nguyên nhân. Do đó, để ngăn ngừa những bất thường này, BS.CKI Lê Thị Kim Ngân, Trưởng khoa Sản – Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ các mốc khám thai quan trọng ở từng tam cá nguyệt mà mẹ bầu cần thuộc “nằm lòng” và tuân thủ gồm:
- Tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu thai kỳ), mẹ bầu cần nhớ mốc khám thai lúc 11 – 13 tuần 6 ngày. Ở thời điểm này, ngoài xét nghiệm thường quy những bệnh lý có thể ảnh hưởng đến thai nhi còn có xét nghiệm tầm soát bất thường nhiễm sắc thể (viết tắt NST) ở thai nhi, tầm soát các nguy cơ tiền sản giật, phát hiện sớm tiền sản giật, sản giật để có biện pháp dự phòng sớm.
- Tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa thai kỳ), mẹ bầu cần nhớ mốc khám thai lúc 20 – 24 tuần để siêu âm hình thái thai nhi, phát hiện những bất thường hình thái ở em bé; tầm soát dấu hiệu dọa sinh non bằng cách đo chiều dài kênh cổ tử cung. Đối với trường hợp có tiền sử sinh non hoặc thai kỳ có yếu tố nguy cơ cao, việc đo chiều dài kênh cổ tử cung được chỉ định thực hiện từ lúc thai nhi 16 – 18 tuần.
- Tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối thai kỳ), để phát hiện và dự phòng sớm nguy cơ đái tháo đường thai kỳ, mẹ bầu cần làm nghiệm pháp dung nạp đường lúc 24 – 28 tuần. Ở thời điểm tuổi thai 30 – 32 tuần, mẹ bầu cần đi khám thai để được bác sĩ chỉ định siêu âm hình thái quý III, phát hiện những bất thường muộn xuất hiện ở quý III thai kỳ. Ở tuổi thai 35 – 36 tuần, mẹ bầu cần khám và siêu âm để đánh giá tăng trưởng của thai nhi, đồng thời xác định ngôi thai để tiên lượng cho việc sinh nở sắp tới.
Việc thăm khám tiền sản và tuân thủ nghiêm ngặt các mốc khám thai quan trọng đã được chứng minh có vai trò vô cùng hiệu quả trong dự phòng bối cảnh thai kỳ nguy cơ cao, tránh được các biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Do đó, các chuyên gia sản phụ khoa khuyến cáo phụ nữ cần thăm khám tiền sản để có sự chuẩn bị tốt nhất cho hành trình mang thai an toàn, khỏe mạnh sắp tới.
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM vừa mổ lấy thai thành công cho thai phụ ở Đồng Nai mang “thai quý”, bị chẩn đoán bất thường tim thai ở tuần thứ 26-27. Thai phụ được các bác sĩ Sản khoa ở Đồng Nai gửi đến TT Sản Phụ khoa và TT Tim mạch của BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
“Ngay sau khi tiếp nhận thai phụ, chúng tôi đã tiến hành hội chẩn nhanh liên chuyên khoa bao gồm Sản Phụ khoa, Sơ sinh, Tim mạch… để quyết định tiếp tục thai kỳ hay chấm dứt thai kỳ, và tính toán dự hậu của em bé sau này như thế nào, có cần can thiệp của các phẫu thuật viên tim hay không…
Chúng tôi quyết định giữ lại thai và tiến hành theo dõi thai kỳ sát sao đến 38 tuần 6 ngày thì chủ động mổ lấy thai sau khi đã lên kế hoạch với tim mạch. Lựa chọn phương án sanh mổ do thai phụ có vết mổ lấy thai trước đây, cộng thêm chị ấy không sinh qua ngả âm đạo được vì thai nhi quá lớn với kích thước qua siêu âm đo được là khoảng 3,7 – 3,8kg (khi em bé ra đời cân được 3,860kg). Đồng thời, trường hợp này cần chỉ định mổ vào ban ngày để có đông đủ bác sĩ tham gia, nếu cần sẽ hội chẩn ngay. Nếu chờ chuyển dạ, có thể khó tránh thời điểm chuyển dạ vào ban đêm sẽ bất lợi do không có đủ liên chuyên khoa để hội chẩn ngay lập tức. Trước khi mổ, gia đình thai phụ cũng đã được các bác sĩ cung cấp các thông tin, khoa Sơ sinh chuẩn bị Prostaglandin – loại thuốc đặc biệt làm giãn nở các ống mạch máu tim.
Ngay sau khi chào đời ở phòng mổ sanh, bé khóc lớn, khỏe mạnh, được các chuyên gia Sơ sinh đón ngay để đo sinh hiệu. Trong những giờ đầu tiên, sức khỏe của bé được ghi nhận rất tốt, các bác sĩ đánh giá và cho thuốc để làm giãn nở các ống động mạch, đồng thời tổ chức hội chẩn trở lại với các bác sĩ phẫu thuật viên tim mạch và chuyên khoa Tim mạch. Vì em bé nằm trong bụng mẹ thì tim mạch của bào thai, khi ra đời thì tuần hoàn bào thai đã cắt đứt, bé là một cơ thể cũng giống như mình vậy do đó cần tái siêu âm một lần nữa để đánh giá sau khi chào đời hệ thống tuần hoàn thay đổi thế nào.
Sau khi hội chẩn với chuyên khoa tim mạch, bé được làm siêu âm. Sau đó, Trung tâm Sản phụ khoa, Trung tâm Sơ sinh, Trung tâm Tim mạch và phẫu thuật viện tim đến từ bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM đã cùng nhau hội chẩn liên chuyên khoa trước khi quyết định những can thiệp cho cháu bé. Sau cuộc hội chẩn này, cháu bé đã được chuyển viện đến BV Nhi đồng 2 để chuẩn bị thực hiện thông tim can thiệp.
Theo tôi được biết, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM đánh giá sau khi sanh tình trạng của bé dường như khả quan hơn trong lúc bé còn đang bào thai. Đây cũng là tin vui cho toàn bộ ekip Trung tâm Sản Phụ khoa, Trung tâm Sơ sinh và Trung tâm Tim mạch. Tất cả mọi người đều cầu nguyện cho cháu có thể tai qua nạn khỏi, trở thành đứa bé khỏe mạnh.
Hiện nay có rất nhiều trường hợp sau khi làm siêu âm xong, có một số em bé phát hiện có bệnh tim bẩm sinh phức tạp từ trong bào thai đã tìm đến bệnh viện của chúng tôi để có hội chẩn và có hướng thực hiện can thiệp cho bé sau khi sinh”.
Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giỏi chuyên môn giàu kinh nghiệm, hệ thống máy móc tân tiến, triển khai đa dạng các gói thăm khám và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho chị em phụ nữ ở từng giai đoạn, độ tuổi và nhóm đối tượng khác nhau như sức khỏe tiền hôn nhân, tiền sản, chăm sóc trước sinh, trong sinh và sau sinh, chăm sóc sức khỏe tiền mãn kinh và mãn kinh… đảm bảo tiêu chí mang lại hiệu quả tối đa trong thăm khám, giúp chị em sống vui khỏe và trọn vẹn thiên chức.
Đừng để tai biến sản khoa đe dọa nguy cơ chấm dứt thai kỳ, cướp đi cơ hội đón con yêu chào đời. Ngay sau đây, mời bạn theo dõi phần tư vấn của các chuyên gia đến từ Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
- Em bị tiểu đường thai kỳ thì có thể sinh thường được không? Có gặp nhiều nguy cơ không? Sau khi sinh em có bị tiểu đường type 2 không? Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có làm xét nghiệm tiểu đường cho mẹ sau sinh không?
BS.CKII Lê Thanh Hùng, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM:
Đái tháo đường thai kỳ có nhiều mức độ, nếu bạn phát hiện đái tháo đường thai kỳ rồi và bạn có chế độ ăn uống tiết chế tốt, kiểm soát lượng đường tốt thì biến chứng cho mẹ và bé là thấp, biến chứng ở bé đáng lo nhất là thai to. Bạn hỏi có thể sinh thường không, nếu bạn kiểm soát lượng đường huyết tốt, thai không quá to, bé dưới 4kg thì có thể nghĩ đến việc sinh thường. Ngược lại, nếu đái tháo đường không được kiểm soát tốt, bé lớn trên 4kg sẽ khó sinh thường vì bé có thể bị kẹt tay, tổn thương đám rối dây thần kinh cánh tay.
Việc bạn thắc mắc sau sinh có bị đái tháo đường type 2 hay không, nếu bạn kiểm soát tốt trong thai kỳ thì nguy cơ thành đái tháo đường type 2 rất thấp, còn nếu không thì nguy cơ sẽ rất cao, hoặc lần mang thai tiếp theo sẽ bị đái tháo đường thai kỳ lặp lại.
Hiện tại BVĐK Tâm Anh có đầy đủ phương tiện để tầm soát đái tháo đường thai kỳ từ tuần 24 – 28, khi đi bạn nên nhịn đói. Test đường huyết cho mẹ sau sinh sẽ làm vào 6 tuần sau hậu sản.
- Em 32 tuổi, mang thai lần đầu và hiện tại thai được 17 tuần. Em đã thực hiện các siêu âm quan trọng, bác sĩ nói hiện tại bình thường. Tuy nhiên, em chưa làm các xét nghiệm Double Test và Triple Test thì giờ em nên làm xét nghiệm nào? Tiền sử gia đình em không có ai bị các hội chứng hay bệnh nguy hiểm nào cả.
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Tuổi thai 17 tuần mà bạn chưa làm các xét nghiệm như Double Test, Triple Test, NIPT… thì hiện tại bạn có thể làm Triple Test dành cho thai phụ từ 16 – 21 tuần để tầm soát lệch bội. Nếu bạn muốn làm xét nghiệm sàng lọc tiền sản không xâm lấn, hay còn gọi NIPT thì đây là xét nghiệm có thể làm ở bất kỳ tuổi thai nào từ 10 tuần trở lên, tuổi thai càng lớn thì độ chính xác càng cao. Dĩ nhiên các bác sĩ sản khoa không chỉ định ở những thai kỳ quá lớn, vì vậy, nếu gia đình không có ai bị bệnh gì, không có tiền sử sinh em bé trước có bất thường về di truyền, về NST, cũng như chưa có những yếu gợi ý việc có thể sinh em bé bất thường thì có thể làm Triple Test, hoặc nếu muốn làm xét nghiệm cao cấp hơn thì làm NIPT, tuy nhiên giá cả của các phương pháp này cũng khác nhau.
- Tôi 42 tuổi, năm 2017 tôi có thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm, nhưng đến tuần thứ 27 bị tiền sản giật nặng phải mổ lấy thai, sau đó bé mất. Tôi muốn hỏi liệu tôi có thai lần nữa thì có bị tiền sản giật nữa không? Có biện pháp nào để ngăn ngừa được không?
BS.CKI Lê Thị Kim Ngân: Tôi rất chia sẻ với nỗi đau của bạn. Tiền sản giật nặng có nguy cơ dẫn đến sản giật và tử vong cho em bé, rất không may khi bạn rơi vào trường hợp này. Để dự phòng cho việc bạn muốn mang thai lần thứ hai, theo tôi, đầu tiên bạn nên đi kiểm tra, đánh giá sức khỏe tổng quát cũng như kiểm tra lại tình trạng huyết áp. Mặc dù tiền sản giật thì tình trạng huyết áp tăng ở trong khoảng sau tuần 20 của thai kỳ và kết thúc sau 6 – 8 tuần hậu sản; nhưng tôi không biết ở tuần hậu sản bạn có thăm khám và theo dõi ở các chuyên gia tim mạch về tình trạng huyết áp của bạn hay không, do đó trước khi mang thai lần 2, bạn nên đi khám lại tim mạch để đánh giá tình trạng huyết áp ổn định hay chưa. Thứ 2 là thay đổi lối sống cho phù hợp, nếu có tiền sử tăng huyết áp trong thai kỳ thì sau này vẫn có nguy cơ trở thành tình trạng tăng huyết áp mạn khi không mang thai. Trường hợp huyết áp hay đi kèm thừa cân, nếu mình chưa kiểm soát cân nặng thì nên cải thiện lại chế độ dinh dưỡng và lối sống để kiểm soát cân nặng.
Sau khi bạn mang thai trở lại, 3 tháng đầu sẽ có một mốc tầm soát tiền sản giật. Nếu bạn có tiền sử sản khoa là tiền sản giật trước đó thì đó cũng chính là yếu tố dự báo nguy cơ làm tăng tiền sản giật thai kỳ này. Vì vậy, nếu bạn mang thai lần kế tiếp thì nên tuân thủ tầm soát tiền sản giật ngay 3 tháng đầu. Nếu có nguy cơ cao, bác sẽ cho thuốc dự phòng từ 3 tháng đầu cho đến khi thai 36 tuần.
Bên cạnh đó, vấn đề tuổi tác có ảnh hưởng lớn đến việc mang thai, gia tăng các yếu tố nguy cơ. Bạn có nói thai kỳ trước của bạn làm thụ tinh ống nghiệm, vì vậy bạn nên theo dõi thai kỳ cùng bác sĩ sớm để có thai kỳ trọn vẹn.
- Em mang thai lần đầu năm 2020 bị tiểu đường thai kỳ, thai 30 tuần bị tiền sản giật, nhau bong non, suy thận cấp thể vô niệu, hội chứng HELLP, mổ cấp cứu. Sau khi mổ em đã tái khám thận, nội tiết, huyết học, phụ khoa đã ổn. Vậy trước khi mang thai tiếp thì em nên đi khám những gì?
BS.CKII Lê Thanh Hùng: Bạn đã sinh một lần lúc 30 tuần, khả năng em bé vẫn có thể sống được. Bạn đặt ra câu hỏi muốn sinh thêm bé nữa, trước đó thai kỳ của bạn là thai kỳ nguy cơ, bạn vừa bị tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật sinh ra biến chứng có dấu hiệu nặng. Do đó, thai kỳ lần này bạn cần đi khám trước khi mang thai, việc thăm khám cần phải kết hợp về bác sĩ sản phụ khoa và bác sĩ nội để từ đó có thể quản lý thai kỳ cho bạn chính xác.
Về mặt sản phụ khoa, chúng tôi sẽ đánh giá cho bạn về nguy cơ tiểu đường thai kỳ còn hay không, có cao huyết áp mãn hay không. Nếu chúng tôi tìm được nguyên nhân, nếu bạn có thể bị tiểu đường type 2 sau này hoặc cao huyết áp mãn tính thì việc theo dõi tiếp theo có thể được phối hợp với các chuyên khoa tim mạch, nội tiết để giúp bạn có thai kỳ an toàn, khỏe mạnh.
- Em chuyển phôi 2 lần không có beta, giờ may mắn có thai tự nhiên, thai phát triển bình thường. Tuy nhiên, ở tuần 38 thì phát hiện em bé bị nang ống mật chủ. Hiện em rất lo lắng cho sức khỏe của bé, mong được bác sĩ tư vấn về bệnh này và cách chữa trị hiệu quả nhất.
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Chúc mừng vì bạn đã có thai tự nhiên. Hiện thai kỳ 38 tuần phát hiện bé bị nang ống mật chủ, đây là một bệnh lý của hệ đường mật. Như vậy trong việc giải quyết nang ống mật chủ trong thai kỳ, chúng ta sẽ không can thiệp bào thai để giải quyết. Thứ 2, nếu tình trạng này không gây tắc mật sơ sinh thì có thể giải quyết từ từ khi trẻ đạt được cân nặng hoặc tuổi thai nhất định. Sau khi em bé chào đời, các bác sĩ sẽ siêu âm kiểm tra xem nang kích thước có tăng không, cũng như các xét nghiệm xem có nguy cơ dẫn đến tắc mật hay không. Thông thường, nang ống mật chủ với người lớn thì không phải là bệnh cảnh rầm rộ, và không có biến chứng nào.
Hy vọng bạn sẽ thật bình tĩnh yên tâm chào đón bé ra đời, chắc chắn các bác sĩ sơ sinh khi đón bé tại phòng sinh hoặc phòng mổ giống như tại BVĐK Tâm Anh đang làm, là mỗi bé sinh ra thì luôn có các bác sĩ sơ sinh đứng tại phòng sinh hoặc phòng mổ để đón cháu chào đời, đánh giá thể trạng toàn diện cho bé. Với trường hợp bé nhà bạn có ghi nhận nang ống mật chủ, bác sĩ sơ sinh sẽ xem xét về tình trạng ứ mật có ảnh hưởng bé không, gan to không, cũng như siêu âm lại để đánh giá tình trạng của nang và có thể giải quyết được ngay khi cháu sinh ra. Chính vì thế bạn đừng lo lắng, đa phần bệnh nang ống mạch chủ là bệnh lành tính và có thể chung sống cho tới khi cần phẫu thuật sẽ can thiệp.
- Em từng sinh non lúc bé 27 tuần. Em đã kế hoạch nay lại có thai, và hiện giờ em được 25 tuần. Tuần 12 em đi khám bác sĩ bảo chiều dài cổ tử cung của em là 33mm, có tư vấn không cần phải khâu cổ tử cung. Tuy nhiên, đến tuần 23 em bị đau bụng dưới ức, ra sữa non và ra huyết. Em đi khám siêu âm, xét nghiệm thì em bé không có vấn đề gì, chỉ có chỉ số bạch cầu lên 14,9 và bác sĩ kết luận em bị viêm cổ tử cung, kê cho em thuốc điều trị ngoại trú. Vậy em có nguy cơ bị sinh non nữa không, em cần phải làm gì để tránh nguy cơ sinh non như lần đầu?
BS.CKI Lê Thị Kim Ngân: Bạn có tiền căn sinh non lúc tuổi thai 27 tuần, hiện tại bạn đang mang thai 25 tuần. Ở tuổi thai này với trường hợp có tiền căn sinh non trước đó thì đây là một thai kỳ có nguy cơ cao dọa sanh non.
Thông thường, với tuần thai này kèm tiền căn sinh non trước đó thì khi đi khám, bạn sẽ được đo chiều dài kênh cổ tử cung để tầm soát dọa sinh non ở tuổi thai 16-18 tuần. Tuy nhiên, tôi chưa nắm được thông tin ở tuổi thai đó bạn có được đo hay không. Bạn có thông báo bạn được đo chiều dài kênh cổ tử cung ở 25 tuần là 33 mm, đó nằm trong giới hạn bình thường. Tuy nhiên, bạn cần theo dõi siêu âm để xem sự biến đổi cổ tử cung ở những lần tiếp theo nữa. Bạn có đi khám vì ra huyết âm đạo và chẩn đoán viêm cổ tử cung, đó có thể là yếu tố nguy cơ thêm làm tăng sinh non của bạn. Vì vậy, bạn nên theo dõi thêm sự thay đổi kênh chiều dài cổ tử cung, đánh giá tiên lượng thêm nguy cơ dọa sinh non lần này như thế nào.
- Em thai IVF 32 tuần 2 ngày, bị tiểu đường thai kỳ từ tuần 22, dung nạp đường huyết thì bị cao sau 2 giờ là 9,4. Em có cắt giảm tinh bột và hạn chế đồ ngọt, test tại nhà sau ăn của em ổn, thỉnh thoảng có bị vượt ngưỡng không không quá cao. Nhưng em đi siêu âm em bé của em nhỏ hơn tuổi, hiện thai 32 tuần 2 ngày mà em bé được 1,800g. Em muốn mổ chủ động thì nên mổ vào tuần bao nhiêu?
BS.CKII Lê Thanh Hùng: Hiện bạn đang mang thai IVF 32 tuần 2 ngày, bị đái tháo đường thai kỳ và bạn có theo dõi đường huyết tại nhà, điều này rất là tốt. Và với tình trạng bạn mô tả như vậy vẫn chấp nhận được. Vấn đề bạn lo ngại là bạn siêu âm 32 tuần 2 ngày em bé của bạn được 1,800g thì đây là cân nặng đạt chuẩn, không nhỏ. Tuy nhiên, bạn nên chú ý chế độ ăn uống của mình vì thông thường ở những mẹ bị tiểu đường thai kỳ thường ăn uống rất kiêng khem, không đạt được mức năng lượng cần thiết có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của bé. Vì vậy, trong tương lai, bạn cần theo dõi thêm để đánh giá mức tăng trưởng của bé.
Về việc bạn mong muốn mổ lấy thai, với tiểu đường thai kỳ và IVF thì bạn chưa có chỉ định mổ lấy thai. Vì vậy, bạn chỉ cần theo dõi thai kỳ thật tốt, theo dõi đường huyết tốt, còn việc quyết định sinh thường hay mổ thì nên để các bác sĩ chuyên khoa tư vấn. Bạn nên yên tâm vì nếu bạn lo lắng tiểu đường thai kỳ hay thai IVF mà mổ lấy thai thì điều đó không có lợi cho bé.
- Em mang thai 28 tuần đang nằm điều trị tiền sản giật ở bệnh viện, huyết áp đã ổn nhưng siêu âm bé nhẹ ký so với tuần thai. Lúc 27 tuần bé được 850g, đến 28 tuần thì được 985g. Bác sĩ chỉ định chấm dứt thai kỳ sớm do sợ bé không phát triển trong bụng nữa, lại có nguy cơ bị mất tim thai bất cứ lúc nào. Xin bác sĩ tư vấn, nếu em chuyển sang theo dõi thai và sinh ở Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thì có biện pháp nào để giữ con thêm được không?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Thai của bạn đang ở thời kỳ 3 tháng giữa thai kỳ, tuổi thai 28 tuần, có tình trạng tiền sản giật, tuy nhiên chúng tôi không biết bạn đang ở mức độ nào. Trong tiền sản giật có tình trạng tăng huyết áp và tình trạng tiền sản giật nặng và tiền sản giật không dấu hiệu nặng, hoặc tiền sản giật không dấu hiệu nặng chuyển sang nặng.
Nếu tiền sản giật không dấu hiệu nặng và chúng ta theo dõi thấy ổn thì có thể kéo dài tiếp thai kỳ cho tới 37 tuần và chấm dứt thai kỳ trong điều kiện thai được theo dõi nghiêm ngặt, không có dấu hiệu báo động về phát triển thai như thai suy, chậm tăng trưởng.
Nếu các bác sĩ có siêu âm và ghi nhận tình trạng thai nhẹ cân, 29 tuần 980g, thai kỳ nguy cơ cao, mẹ bị tiền sản giật nặng…, chắc chắn chức năng bánh nhau bị ảnh hưởng. Bánh nhau bị rối loạn chức năng, việc trao đổi tuần hoàn nhau thai trở nên kém, có thể kéo theo giới hạn tăng trưởng trong lòng tử cung hay còn gọi là thai suy dinh dưỡng.
Nếu thai chỉ đơn thuần là giới hạn tăng trưởng và không đi kèm với tiền sản giật hoặc tiền sản giật không có dấu hiệu nặng, thai vẫn tiếp tục phát triển, nằm trong khả năng kiểm soát của bác sĩ thì chúng ta có thể theo dõi tiếp. Còn nếu là trường hợp tiền sản giật nặng, chắc chắn có khả năng phải chấm dứt thai kỳ sớm. Mục tiêu điều trị ở đây khi mẹ có khả năng tiền sản giật nặng và điều trị nội khoa khó khăn, không đáp ứng thì việc chấm dứt thai kỳ là cứu người mẹ. Nếu như cân đo đong đếm giữa tính mạng người mẹ và việc phát triển của thai, y khoa chắc chắn sẽ ưu tiên người mẹ hơn. Mặc dù, chúng ta biết thai cũng là một thành phần quan trọng và phải cứu bé.
Vì bạn không cung cấp đủ thông tin, nhưng bác sĩ đã có quyết ngừng thai kỳ (sinh sớm) thì chắc có khả năng tiền sản giật và diễn tiến đang nặng dần khiến thai lâm vào tình trạng thai chậm tăng trưởng. Do đó, để cứu 2 mẹ con, nên cho sinh sớm. Sau khi sinh, tình trạng tiền sản giật ở mẹ sẽ chấm dứt. Còn bé khi sinh non sẽ đối mặt với tình trạng khá nặng: cơ quan chưa trưởng thành, đặc biệt là phổi đối diện với tình trạng siêu hô hấp và bé có thể phải nằm trong phòng hồi sức tích cực lâu.
Câu hỏi của bạn là có thể kéo dài thai kỳ được không, câu trả lời phụ thuộc hoàn toàn vào tình trạng tiền sản giật hiện tại. Như hiện tại thì là tiền sản giật nặng nên bác sĩ cho ngừng thai kỳ sớm, cho dù ở cơ sở sản khoa nào cũng sẽ có quyết định như vậy. Tuy nhiên, bạn cần nên chọn cho mình cơ sở sản khoa có khoa hồi sức sơ sinh tích cực tốt, đó là một nơi đáng để lựa chọn. Vì bé non tháng nên cần chăm sóc đặc biệt, có những giờ vàng, những giờ phút chào đời đầu tiên phải được đánh giá và chăm sóc điều trị tích cực nhất thì mới vượt qua được những thời khắc nguy hiểm liên quan đến phổi, nhiễm trùng, xuất huyết não,…
Mong bạn có thể bình tĩnh để hiểu được vì sao các bác sĩ lại có quyết định như vậy mặc dù rất đau lòng khi em bé còn quá non. Khi bạn chọn những địa chỉ có khoa sơ sinh mạnh thì hãy yên tâm đặt niềm tin vào đó.
- Hiện tại em mang thai IVF 28 tuần. Em đi siêu âm kết quả là có nang nội sản tại bánh rau, như vậy có ảnh hưởng gì đến bánh rau và dinh dưỡng cho em bé không?
BS.CKI Lê Thị Kim Ngân: Bạn đã làm thụ tinh ống nghiệm thành công, hiện thai kỳ đang 28 tuần và siêu âm có ghi nhận có nang nội sản ở bánh nhau. Hiện tại nang nội sản đó nếu bác sĩ siêu âm kích thước vị trí và không có kèm theo yếu tố khác như bạn có bị tiền sản giật, hay yếu tố nguy cơ cao thì chỉ cần theo dõi sự tăng trưởng cân nặng em bé, không theo dõi gì thêm.
Bánh nhau là nơi truyền tải dinh dưỡng từ mẹ sang bé, nếu có bệnh lý bánh nhau thì có khả năng ảnh hưởng đến dinh dưỡng của bé, biểu hiện như thai chậm tăng trưởng của bé. Vì vậy bạn cần theo dõi qua các lần siêu âm để đánh giá thêm.
- Em 29 tuổi, đang mang thai 18 tuần và bị cao huyết áp có điều trị uống thuốc. Em cũng có nguy cơ tiền sản giật và cũng đang uống thuốc, kèm theo là tiểu đường thai kỳ. Vậy em có sinh thường được không? Có cách nào giúp em kiểm soát huyết áp và nguy cơ tiền sản giật không?
BS.CKII Lê Thanh Hùng: Bạn đang dùng thuốc điều trị cao huyết áp, có lẽ bạn đã bị tăng huyết áp mãn tính. Hiện tại bạn đang 18 tuần thì vẫn chưa trả lời được câu hỏi là có nguy cơ bị tiền sản giật hay không, phải đợi sau 20 tuần bạn đi thăm khám bác sĩ chỉ định thử nước tiểu. Nếu có đạm niệu, nghĩa là bạn vừa bị cao huyết áp kèm theo bệnh lý tiền sản giật.
Đái tháo đường thai kỳ mới 18 tuần chưa đủ điều kiện để sàng lọc, phải chờ đến 24 tuần để sàng lọc đái tháo đường thai kỳ. Nếu như trường hợp của bạn vừa bị tăng huyết áp mãn tính, đái tháo đường, tiền sản giật có sinh thường được hay không thì phụ thuộc vào chỉ định của sản khoa. Những thai phụ tăng huyết áp, đái tháo đường vẫn có thể sinh thường được, không có chống chỉ định. Chỉ khi có những yếu tố rủi ro, ảnh hưởng đến mẹ và con hoặc chống chỉ định sinh ngả âm đạo thì mới tiến hành sinh mổ.
Mong bạn tiếp tục thai kỳ và đi khám ở những bệnh viện chuyên khoa có những bác sĩ giàu kinh nghiệm để quản lý thai kỳ thật tốt.
- Em hiện đang mang thai song thai 32 tuần, phát hiện tiểu đường thai kỳ từ tuần 24, hiện đang dư ối một bé, góc sâu nhất là 83mm. Trường hợp của em có nguy hiểm hay không? Liệu có nguy cơ tiền sản giật không bác sĩ?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Tôi hiểu bạn đang rất lo lắng, tuy nhiên một số thông tin chưa được làm rõ, ví dụ song thai của bạn là 1 nhau 2 ối hay 2 nhau 2 ối. Ở những thai kỳ song thai 2 nhau 2 ối thì đỡ lo hơn, còn nếu 1 nhau 2 túi ối thì có nhiều thứ để lo. Nếu như tình trạng 1 thai có nhiều nước ối hơn thai kia thì không biết thai còn lại như thế nào, bàng quang có hay không. Còn song thai 1 nhau 2 ối xem chừng nó có những biến chứng truyền máu song thai. Đó là hiện tượng 1 thai bị dư ối, 1 thai kia trở nên cạn ối.
Đối với song thai thì nguy cơ tiền sản giật là có, đa thai là một yếu tố nguy cơ của tiền sản giật. Còn đối với việc dư ối (nếu là thai 2 nhau, 2 túi ối) thì cũng không phải là bất thường lớn, mà những bất thường hay xảy ra là đa ối (thường là đa ối cấp) gây ra khó thở kèm theo một bất thường của thai. Nó sẽ xảy ra sớm hơn, ở tuần lễ 20-24, chúng ta có thể thấy những bất thường đó.
Mong bạn nên cung cấp thêm những thông tin khám thai ngay từ đầu, thai này là song thai 1 nhau hay 2 nhau, quá trình mang thai các bác sĩ có ghi nhận thêm gì không để chúng ta đánh giá vấn đề. Hoặc bạn có thể đăng ký khám tại BVĐK Tâm Anh để chúng tôi đánh giá kỹ lại và xem lại toàn bộ hồ sơ để giúp bạn yên tâm hơn vì tuần 32 còn rất là non.
- Em bị tiểu đường thai kỳ, sau sinh bao lâu em cần dung nạp lại đường huyết hay chỉ cần xét nghiệm máu thông thường?
BS.CKI Lê Thị Kim Ngân: Bạn chưa cung cấp thông tin bạn bị đái tháo đường thai kỳ, trong quá trình mang thai bạn có kiểm soát tốt đường huyết hay không. Đối với những trường hợp đái tháo đường thai kỳ sau sinh, thì trong thời gian hậu sản 48 giờ sẽ được các bác sĩ cho xét nghiệm lại, thử lại đường huyết. Nếu trường hợp chỉ là rối loạn dung nạp đường, cần thử đường huyết lúc đói hoặc sau ăn 2 giờ. Còn những trường hợp đái tháo đường thai kỳ có hơn 2 chỉ số gia tăng hơn mức bình thường, cần xét nghiệm cả 2 chỉ số đường huyết đói và đường huyết sau ăn trong thời gian hậu sản.
Sau khi xuất viện về nhà, bạn vẫn phải theo dõi đường huyết, nếu nó vẫn còn cao thì nên đi khám chuyên khoa nội tiết để được các bác sĩ khám, theo dõi và đánh giá xem tình trạng đái tháo đường thai kỳ có chuyển sang đái tháo đường thật sự hay không.
- Tuần 17, em phát hiện thai bị loạn sản thận dạng nang bên phải. Tuần 24 phát hiện tiểu đường thai kỳ, chỉ số lúc đói là 3,7; sau 1 giờ dung nạp đường là 8,6; sau 2 giờ là 10,74. Em có đọc trên mạng là mẹ bị tiểu đường trước khi mang thai thì con dễ bị dị tật. Vậy có phải do em bị tiểu đường thai kỳ nên em bé mới bị loạn sản thận dạng nang 1 bên không? Tình trạng của mẹ con em có điều trị được không?
BS.CKII Lê Thanh Hùng: Đối với nguy cơ đái tháo đường thai kỳ, nếu không kiểm soát tốt mới dẫn đến hậu quả là những bất thường em bé có thể gặp phải, thường gặp nhất là về tim chứ không phải bất thường về thận. Còn bất thường của bé nhà bạn là về thận loạn sản, 2 việc này không liên quan đến nhau, có thể là do bẩm sinh.
Tuy nhiên, đối với lượng đường hiện tại của bạn, tôi khuyên bạn đi khám bác sĩ chuyên khoa về nội tiết hoặc bác sĩ sản để hướng dẫn ăn uống, tiết chế và kiểm soát đường huyết như thế nào, nhằm tránh những biến chứng cho mẹ và con.
- Năm nay em 32 tuổi, mang thai lần 3 và hiện thai đang 17 tuần. Em đi siêu âm thì bác sĩ bảo nhau thai bám vào vết mổ cũ. Xin hỏi bác sĩ là em có cần lưu ý điều gì khi bị nhau thai bám vào vết mổ? Nguy cơ cụ thể đối với người mẹ là gì?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Tôi đoán với tình trạng này thì chắc chắn 2 lần mang thai trước, ít nhất bạn có một lần mổ lấy thai. Trong sản khoa, nếu thấy thai phụ có tiền sử sinh mổ thì việc đầu tiên trong 3 tháng đầu thai kỳ là chúng tôi sẽ xác định xem thai nằm đúng vị trí trong lòng tử cung hay nằm ở sẹo mổ lấy thai. Đôi khi trong giai đoạn đầu, thai nằm khá cao so với vết mổ, nhưng sau một thời gian bánh nhau phát triển thì vẫn có thể bám vào vết mổ.
Ở thai 17 tuần còn rất nhỏ nhưng đã phát hiện nhau thai bám vào vết mổ cũ, nghĩa là có thể ngay từ đầu đã là một thai bám sẹo mổ lấy thai. Đây được xem là một dạng của thai ngoài tử cung và sẽ phát triển theo nhiều cách khác nhau, có thể sảy và gây băng huyết nặng. Có một số trường hợp thai phụ đến bệnh viện không kịp và có thể tử vong vì băng huyết, hoặc phát triển tiếp vào ổ bụng gây thủng lớp cơ tử cung và xuất huyết ổ bụng. Đôi khi chúng ta không thấy chảy máu ra bên ngoài, nhưng người đó đột nhiên trụy mạch, người xanh, tím tái và khi vào đến bệnh viện các bác sĩ phẫu thuật thì thấy ổ bụng toàn máu và có vỡ tử cung, do gai nhau ăn vào sẹo mổ.
Nhau bám vào sẹo mổ có những diễn tiến hết sức nguy hiểm, 17 tuần các bác sĩ đã thấy nhau bám lấy vết sẹo mổ lấy thai chắc chắn là sẽ hình thành nên nhau cài răng lược. Đây là nhau đan xen vào cơ tử cung như cái lược, có những răng ghim thẳng vào cơ tử cung. Nếu gặp tình trạng này thì có thể sẽ chấm dứt thai kỳ sớm, bởi vì nếu có ra huyết, chảy máu rất nhiều và đi kèm với nhau tiền đạo cài răng lược, lúc này các bác sĩ sẽ giải quyết và vì máu chảy nhiều nên thai cũng khó mà giữ được. Để cứu mẹ trước thì chúng ta bất chấp tuổi thai là bao nhiêu.
Thứ hai, nhau cài răng lược sớm thì khả năng xuyên thấu qua thành tử cung, đi vào luôn bọng đái. Nếu để thai đủ ngày mới mổ, lúc này nhau cài răng lược ăn vào bọng đái thì có thể gây tổn thương bàng quang nghiêm trọng khiến thai phụ đi tiểu ra máu, và mổ sẽ khiến thai phụ mất máu rất nhiều. Cho nên, với thai có nhau bám lấy sẹo mổ lấy thai, các bác sĩ luôn cân nhắc thời điểm nào chấm dứt thai kỳ là tốt nhất.
Trước đây theo khuyến cáo của những hiệp hội lớn trên Thế giới, thời điểm mổ lấy thai nên ở tuần 34 – 35, nhưng thai nhi quá non tháng có thể đối diện với tình trạng sinh non, nhiễm trùng, xuất huyết não,… Cách đây 5 – 7 năm, khi mổ lấy thai nhau cài răng lược, các bác sĩ chưa có nhiều kinh nghiệm nên thai phụ sẽ mất nhiều máu, có khi phải truyền tới 3 – 5 lít máu, có thể có băng huyết, thậm chí là có thể cắt bỏ tử cung…
Hiện tại, việc xuất hiện nhiều ca thai bám ngoài tử cung và nhau tiền đạo, nên các bác sĩ có kinh nghiệm hơn, kỹ thuật mổ đã tiến bộ hơn, nên người ta mở rộng chỉ định này ra ở 34 – 36 tuần hoặc 37 tuần, dù mổ lấy thanh ở 37 tuần vẫn là non tháng. Các bác sĩ và người bệnh hiểu biết nhiều hơn về nhau cài răng lược, có thể chẩn đoán chính xác việc kết thúc thai kỳ, chuẩn bị máu đầy đủ và yêu cầu bệnh nhân mổ tại những bệnh viện đa khoa, có đầy đủ phương tiện tốt nhất: chuyên khoa ngoại niệu, ngân hàng máu, hồi sức tích cực và các bác sĩ sản khoa, sơ sinh…
Tóm lại, một khi trên siêu âm đã có cảnh báo là bánh nhau bám vào sẹo mổ lấy thai thì chúng ta hình dung ra một kịch bản là nhau cài răng lược, và thai kỳ này có nguy cơ rất cao cho mẹ và bé, thai kỳ luôn được đặt trong tình trạng báo động và chúng ta cầu nguyện cho cái thai này đi đến được 34 tuần. Bởi vì 20 – 26 tuần mà ra huyết ồ ạt thì đứa bé này không có nhiều cơ hội để được cứu sống, người mẹ có thể rơi vào tình trạng cắt tử cung, mất máu, choáng,….
Trước đây, có những tình huống không biết nhau cài răng lược nên đến bệnh viện trễ và bệnh nhân rất nặng không qua được. Đây là một lời cảnh báo cho tất cả các chị em phụ nữ, khi việc chủ động mổ lấy thai sớm thì hãy để phía y khoa, các bác sĩ sản khoa chỉ định hơn là chúng ta tự lựa chọn. Bởi vì, chỉ cần một lần mổ lấy thai là nguy cơ nhau cài răng lược tiền đạo. Ngay khi biết nhau bám lấy sẹo mổ lấy thai, chúng ta chuẩn bị tinh thần để biết là sẽ truyền máu rất nhiều, có thể không giữ được tử cung và con mình có thể rất non tháng. Các bác sĩ sản khoa cũng thường cảnh báo cho tất cả phụ nữ có thai, từng mổ lấy thai và bị nhau cài răng lược là đừng đi đâu xa ra khỏi thành phố, hãy ở gần các cơ sở y tế, khi nào có ra huyết xin vui lòng đến bệnh viện ngay lập tức. Một cơ sở y tế đủ năng lực, thường phải có sự phối hợp giữa sản khoa, sơ sinh và các bác sĩ ngoại tổng quát, ngoại niệu vì có thể liên quan đến bọng đái, ruột và ngân hàng máu, nơi có đầy đủ các phương tiện xét nghiệm, gây mê hồi sức tốt… mới có đủ điều kiện có thể diễn ra một cuộc mổ nhau cài răng lược.
Tôi nói điều này lên để mong các bạn quan tâm hơn đến thai kỳ, phải vượt qua được nỗi sợ hãi nếu có ý định giữ thai, và bằng mọi giá phải làm sao đến được những cơ sở y tế có đủ năng lực như trên để mẹ tròn con vuông.
- Em năm nay 36 tuổi, mang thai lần 2. Em tiêm mũi 1 Covid-19 lúc 32 tuần, mũi 2 lúc 36 tuần. Em siêu âm lúc 36 tuần 2 ngày bé nặng 3,010g. Qua siêu âm bác sĩ bảo bị canxi hóa bánh nhau độ 1, nhiều nước ối, thử nước tiểu có lẫn tạp chất, chân tay bị phù. Em có nên kết thúc thai kỳ vào tuần 37 không, hay cứ để theo dõi đến tuần 39?
BS.CKII Lê Thanh Hùng: Thai của bạn được 36 tuần, cân nặng 3,010g nghĩa là đang phát triển rất tốt. Khi siêu âm, bác sĩ ghi nhận bị canxi hóa bánh nhau. Thật ra, độ trưởng thành bánh nhau ở giai đoạn 36 tuần là không có gì bất thường. Do đó, bạn nên để bác sĩ sản phụ khoa tư vấn cho mình chứ không tự động kết thúc thai kỳ.
- Em mang thai 38 tuần, có bị hen suyễn hơn 1 năm rồi. Bác sĩ cho em hỏi em mang thai lần thứ 4 như vậy thì có thể sinh thường được không?
BS.CKI Lê Thị Kim Ngân: Tôi không biết 3 lần mang thai trước bạn sinh thường hay sinh mổ. Hen suyễn nếu được kiểm soát tốt vẫn có thể theo dõi sinh thường dù vẫn cần sự trợ giúp của bác sĩ. Bác sĩ sẽ đánh giá chức năng hô hấp của bạn khi bạn chuyển dạ nhằm hỗ trợ kịp thời, cũng như trong lúc bạn rặn sinh cũng cần sự giúp đỡ của bác sĩ để giảm bớt khả năng lên cơn suyễn.
- Em mang song thai 2 bánh nhau 2 túi ối. Tuần 24 em đi siêu âm bác sĩ nói em bị đa ối. Vậy em nên có chế độ ăn uống như thế nào cho hợp lý? Em cần lưu ý như thế nào về mũi trưởng thành phổi, và mũi này thường thực hiện ở tuần thứ bao nhiêu là hợp lý?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Bạn mang song thai 2 nhau 2 ối cũng tạm yên tâm vì những biến chứng giống như song thai 1 nhau 2 ối là không có. Tuy nhiên, song thai luôn tiềm ẩn những rủi ro hơn so với đơn thai, nhất là nguy cơ tiền sản giật và sinh non. Bạn bầu 24 tuần, nếu chỉ là dư ối đơn thuần và trên siêu âm hình thái học của thai (quý I và quý II) không ghi nhận bất thường thì tạm thời không cần quá lo lắng mà nên theo dõi thêm.
Về việc chích mũi trưởng thành phổi cho thai, thuốc hỗ trợ phổi chủ yếu dành cho các trường hợp dọa sinh non có dấu hiệu sinh trước 34 tuần, một số quốc gia tăng lên 36 tuần. Bây giờ bạn không có nguy cơ dọa sinh non, việc hỗ trợ phổi cho thai cần cân nhắc. Các tổ chức về sản khoa trên Thế giới cảnh báo loại thuốc này có thể dẫn tới một số biến chứng cho thai, không phải thời điểm này mà là xa hơn nữa khi thai lớn lên, chào đời và em bé trưởng thành. Đã có những báo cáo ghi nhận về bất thường trên vùng vận động ngôn ngữ, vùng hồi hải mã trên não của thai. Cho nên, người ta khuyến cáo không lạm dụng thuốc này đối với thai phụ.
Bạn hỏi về thời điểm nên chích, điều này tùy thuộc vào thời điểm dọa sinh non, 34 tuần, 36 tuần thậm chí 24 tuần. Không có chỉ định bắt buộc là cặp song thai này tới 28 tuần, 30 tuần phải chích hỗ trợ phổi.
- Em 29 tuổi, mang thai và thai bị chậm tăng trưởng từ tuần 28, đến tuần 36 em sinh mổ vì cạn ối, em bé chỉ nặng 1.8kg. Nhau, dây rốn, tử cung đều bình thường; em cũng không bị tiểu đường thai kỳ, không tiền sản giật, sức khoẻ trước khi mang thai tốt. Đến giờ em vẫn rất hoang mang và muốn biết nguyên nhân thai chậm tăng trưởng. Thai chậm tăng trưởng có dự phòng trước được ko ạ? Em cần lưu ý gì cho lần mang thai sau ạ?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Thai chậm tăng trưởng (thai giới hạn tăng trưởng) có thể xuất hiện chẩn đoán từ rất sớm từ tuần 24, và thai chậm tăng trưởng khởi phát muộn bắt đầu từ tuần 32 trở đi. Bạn bầu 28 tuần đã phát hiện thai chậm tăng trưởng là khá sớm. Đối với những trường hợp thai chậm tăng trưởng phát hiện sớm sẽ liên quan tới một số bệnh lý của mẹ, thường gặp nhất là tiền sản giật, bất thường NST của thai và một nhóm nữa liên quan tới các bệnh lý nhiễm trùng ở trong bào thai. Nếu có các bất thường gợi ý từ siêu âm cho thấy đây là thai chậm tăng trưởng hay chậm tăng trưởng khởi phát sớm, có thể chúng ta phải làm một số cận lâm sàng để khảo sát về nước ối xem có bất thường NST không, có nhiễm trùng ối không.
Đối với thai chậm tăng trưởng khởi phát muộn, bác sĩ cũng cần cảnh giác vì có thể dẫn tới đột tử hoặc suy thai. Bạn còn trẻ nên chắc không có cao huyết áp, nên có thể liên quan tới bất thường của thai. Không biết bạn có chọc ối để khảo sát hay không nhưng nếu sinh em bé hoàn toàn bình thường, có thể đây không phải thai chậm tăng trưởng mà là thai nhỏ, không có bất thường gì hết.
- Em lần đầu thai 8 tuần không có tim thai, lần 2 được 21 tuần phải chấm dứt thai kỳ vì thai chỉ có 1 thận và thận còn lại không tốt, bánh nhau dày, thai chậm tăng trưởng. Em muốn chuẩn bị cho lần thai tiếp theo tốt hơn thì em cần làm xét nghiệm gì?
BS.CKII Lê Thanh Hùng: Bạn không nói rõ trước khi chấm dứt thai kỳ bạn có qua bước chẩn đoán tiền sản hay không, có chọc ối để xem có bất thường không. Nếu bạn không làm gì hết thì khi chuẩn bị mang thai cần phải tiến hành các bước này để các bác sĩ chuyên khoa sàng lọc, tư vấn cho bạn để bạn yên tâm.
- Em năm nay 32 tuổi, trước đây em mang thai đến tuần 35, bé có ngôi thai bất thường phải mổ bắt bé. Giờ bé nhà em 3 tuổi rồi, em có dự định sinh thêm nhưng tìm hiểu thấy trường hợp em thì lần mang thai tiếp theo có nguy cơ bị vỡ tử cung. Xin bác sĩ tư vấn thêm vỡ tử cung gặp ở những trường hợp nào? Nguy hiểm ra sao và có cách nào dự phòng trước không?
BS.CKI Lê Thị Kim Ngân: Bạn từng phải mổ lấy thai, có thể phải có yếu tố bệnh lý kèm theo thì bác sĩ mới chỉ định mổ lấy thai do ngôi thai bất thường ở tuần thai 35. Đối với trường hợp có vết mổ cũ, ở lần mang thai sắp tới, bạn có thể gặp nguy cơ nứt vết mổ trong thai kỳ, vỡ tử cung khi chuyển dạ, dẫn tới băng huyết gây tử vong con, tử vong mẹ. Vì thế, đây là một thai kỳ nguy cơ cao cần được theo dõi sát bởi bác sĩ có kinh nghiệm.
- Năm 2018, em đã rất tuyệt vọng và đau đớn khi phải ký vào giấy cam kết đình chỉ thai 25 tuần do phù thai, xương mũi ngắn, bàn chân vẹo. Em mới phát hiện lỡ dính bầu vào 2 tuần trước, đã đi khám có tim thai nhưng em đang sống những chuỗi ngày dài lo lắng chờ mỗi lần đi khám. Bác sĩ cho em hỏi nếu đã có tiền sử thai dị tật thì thai lần này có nguy cơ cao không? Em cần chú ý những gì ở thai kỳ lần này?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Bạn chưa cung cấp nhiều thông tin, như lần trước sau khi sinh bé ra thì các bác sĩ có ghi nhận gì bất thường không, trước khi sinh thì có biết em bé ở trong bệnh cảnh nào, có hội chứng gì, có bất thường NST không… Nếu có thông tin cụ thể sẽ dễ nhận thấy trong thai kỳ này bạn nên làm gì.
Tuy nhiên, bạn đã có thai, việc khám thai sớm là điều bắt buộc. Việc tầm soát những bất thường về di truyền và siêu âm hình thái học cần làm nghiêm ngặt hơn, ví dụ như NIPT (tầm soát lệch bội cho cả 23 cặp NST), tìm hiểu tiền sử gia đình xem có bị dị tật, hội chứng gì không. Mong rằng bạn sẽ tìm được hồ sơ cũ để có ích cho lần mang thai này.
- Bác sĩ ơi, em mang thai 28 tuần thì phát hiện nhau cài răng lược tại vết mổ cũ xâm lấn vào bàng quang. Bây giờ em rất lo lắng không biết nên làm gì để tốt cho thai nhi và có thể thuận lợi sinh nở. Mong bác sĩ cho em ý kiến.
BS.CKII Lê Thanh Hùng: Đây là một thai kỳ rất nguy cơ, bạn cần lựa chọn một trung tâm Sản Phụ khoa có đầy đủ trang thiết bị hiện đại để can thiệp bất cứ lúc nào nếu bạn bị chảy máu ồ ạt. Ngoài ra, bạn phải khám thai đầy đủ để đánh giá mức độ xâm lấn vào bàng quang, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là bạn có thể gặp phải những rủi ro trong lúc mổ như tổn thương bàng quang, cắt tử cung.
Về thời điểm bạn lựa chọn chấm dứt thai kỳ, với trường hợp rau cài răng lược xâm lấn bàng quang phải lệ thuộc vào tình trạng chảy máu, ra máu. Nếu chảy máu ồ ạt thì phải chấm dứt thai kỳ bất chấp tuổi thai, có thể từ 29 tuần.
- Em mang thai 13 tuần phải chấm dứt thai kỳ do em bé bị nang bạch huyết vùng cổ, phù thai, tràn dịch bụng, phổi. Em rất hoang mang vì sao em khỏe mạnh bình thường mà con em lại bị bệnh tật như vậy? Có cách nào kiểm tra, tầm soát chuẩn bị cho những lần mang thai sau không?
BS.CKI Lê Thị Kim Ngân: Trường hợp của bạn là có hình thái bất thường của em bé. Bất thường này có thể do nhiều nguyên nhân về NST, đột biến gen hoặc có thể bất thường có nhiễm trùng bào thai. Tôi không biết khi siêu âm có bất thường về hình thái bạn có được tư vấn về tiền sản, làm các xét nghiệm đánh giá bất thường về gen của bé hay không. Mang thai lần đầu bạn gặp tình trạng như vậy thì đây cũng là yếu tố nguy cơ để lần mang thai tới phải cung cấp đầy đủ cho bác sĩ đánh giá.
Ở lần thai kỳ tới bác sĩ cũng sẽ ghi nhận những thông tin tiền sử thai bất thường trước đây, ghi nhận vào phiếu sàng lọc đánh giá nguy cơ cao, sàng lọc bất thường NST vào quý I của thai kỳ.
Có rất nhiều nguyên nhân về hình thái của em có thể do bất thường về gen là di truyền, cũng có thể do đột biến về gen hoặc do nhiễm trùng bào thai, hoặc bị bệnh Thalassemia đó là một đột biến gen có yếu tố di truyền. Ví dụ mẹ và cha cùng bị thì một trong những đứa con có thể có nguy cơ thừa hưởng gen này và bị Thalassemia. Trường hợp của bạn cung cấp là bạn bình thường, tuy nhiên tôi không biết kết quả xét nghiệm máu có được tầm soát bệnh Thalassemia hay không, chồng bạn được tầm soát bệnh lý kèm theo hay không… Do đó, ở tuổi thai này để tìm chính xác tại sao bạn bình thường mà con bất thường thì còn chịu ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân khác nữa.
- Em siêu âm các mốc quan trọng nhưng không phát hiện ra, đến tuần 31 bác sĩ bảo bé bị tim bẩm sinh và rối loạn nội tạng, giờ thì không can thiệp được nữa, chỉ chờ ngày sinh rồi tính tiếp. Bác sĩ bảo em chuẩn bị tâm lý vì con bị khá nặng làm em lo quá. Xin hỏi bác sĩ có trường hợp nào như em mà cán đích thành công không? Và vì sao em khám thai đầy đủ mà đến 31 tuần mới phát hiện? Em cần chuẩn bị gì cho cuộc vượt cạn sắp tới?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Chúng tôi chia sẻ với bạn sự hoang mang này. 31 tuần là thai đã lớn, khả năng sống ở ngoài của bé là có, nhưng điều đáng lo ở đây là việc xuất hiện một số bất thường trên thai, cụ thể là tim bẩm sinh và bạn nói rối loạn nội tạng (chưa biết là ở cơ quan nào).
Trước đây chúng ta làm quen với siêu âm hình thái học của thai ở 3 tháng giữa thai kỳ, từ 20 – 25 tuần. Ngày nay với tiến bộ khoa học, người ta đưa ra những cột mốc quan trọng hơn để thực hiện thêm siêu âm hình thái học. Ví dụ, siêu âm ở 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày cũng phát hiện các bất thường thai, như dị tật vòm sọ, dị tật cột sống, dị tật tim hay những bất thường liên quan đến thành bụng, hở thành bụng hay thoát bị rốn… Tới 3 tháng giữa, ở 20 – 25 tuần, chúng ta có thêm một số dữ liệu nữa về hình thái học thai nhi. Tuy nhiên, vẫn có một số cơ quan xuất hiện dị tật trễ hơn, như não bộ hoặc tim mạch…
Như trong trường hợp của bạn đang ở thời điểm 3 tháng cuối thai kỳ, bác sĩ sẽ khuyến khích làm thêm siêu âm 4 chiều để siêu âm hình thái học của thai ở 30 – 32 tuần, có thể ghi nhận thêm những bất thường về tim, về hộp sọ, cũng như não bộ của thai.
Các chuyên gia tim bẩm sinh cũng sẽ siêu âm tim của em bé qua thành bụng của người mẹ. Tại BVĐK Tâm Anh, nếu gặp những tình huống có bệnh tim phức tạp, chúng tôi thường có sự phối hợp giữa Sản khoa, Sơ sinh và Tim mạch. Chúng tôi sẽ hội chẩn chuyên khoa và hội chẩn liên khoa ngoại nhi- cụ thể là phẫu nhi về tim, để có thể đưa ra những giải pháp tối ưu cho em bé này.
Tôi mong bạn hãy tìm tới những cơ sở y tế đủ điều kiện để phối hợp được nhiều chuyên khoa như vậy để đưa ra giải pháp cho bé, nếu bé có nhiều tật ở tim. Việc tiên đoán, dự hậu cho em bé có tật xuất hiện muộn như vậy phụ thuốc rất nhiều vào cấu trúc bất thường cụ thể như thế nào, nội tạng đi kèm với cấu trúc bất thường là cái gì… Để biết được dự hậu thì cần thăm khám kỹ, hội chẩn liên chuyên khoa đánh giá lại và đưa ra phương án nên làm như thế nào là tốt nhất.
- Lần mang thai đầu em được chỉ định mổ ở tuần 39 do thai ngôi mông. Sau 5 năm em mang thai lần 2, đến nay 21 tuần thì thai vẫn khỏe bình thường. Vậy khoảng cách 5 năm có được xem là khoảng cách an toàn chưa? Có nguy cơ bị bục nứt vết mổ cũ khi thai lớn không?
BS.CKII Lê Thanh Hùng: Đây là thai kỳ thứ 2 và bạn đang có vết mổ cũ của thai kỳ trước cách đây 5 năm. Về thời gian an toàn cho lần mang thai tiếp theo, khuyến cáo là 2 năm. Tuy nhiên, để đánh giá khả năng vết mổ có bị nứt bục hay không thì cần đánh giá lại lần trước sau mổ, vết mổ có vấn đề gì không vì dụ như nhiễm trùng vết mổ. Từ đó, để đánh giá chất lượng cơ tử cung của lần mang thai này do đó bạn có thể cung cấp thêm thông tin cho bác sĩ sản khoa khi bạn khám thai.
Đối với người có vết mổ cũ lấy thai, khi thăm khám sẽ khác với thai kỳ bình thường là cần chú trọng đến đau vết mổ. Do đó, mỗi lần đi khám thai bạn cần trình bày với bác sĩ về tình trạng vết mổ, hay đi siêu âm có thể nhờ bác sĩ siêu âm kiểm tra để dự hậu khả năng vết mổ của bạn có ổn định hay không. Sự thăm khám thai đều đặn sẽ giúp bạn có thai kỳ khỏe mạnh, tránh nguy cơ bạn đang lo lắng như nứt hay bục vết mổ.
Cảm ơn 3 chuyên gia đã tận tình giải đáp từng thắc mắc và cung cấp những thông tin khoa học chính thống, bổ ích cho độc giả!
Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, độc giả có thể tiếp tục gửi câu hỏi để được các chuyên gia Trung tâm Sản Phụ khoa, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh giải đáp.
Xem thêm: CẤY GHÉP THÀNH CÔNG DÂY CHẰNG NHÂN TẠO ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM
Từ khóa » Khám Thai 32 Tuần ở đâu
-
Khám Thai 32 Tuần – Mốc Quan Trọng Của Thai Kỳ, Mẹ Chớ Bỏ Qua
-
Mẹ Bầu Cần Biết: Thai 32 Tuần Cần Xét Nghiệm Những Gì? | Medlatec
-
Khi Thai Nhi 32 Tuần, Mẹ Cần Chú ý Gì? | Vinmec
-
Lịch Khám Thai Chi Tiết Cho Bà Bầu Mang Thai 3 Tháng Cuối | Vinmec
-
Lý Do Siêu âm Thai 32 Tuần Là Mốc Quan Trọng Cuối Cùng Của Thai Kỳ
-
Siêu âm Thai Tuần 32-33: Mốc Quan Trọng Cuối Cùng
-
Thai Nhi 32 Tuần - Mốc Khám Thai Quan Trọng Thứ 6 Mẹ Cần Nhớ
-
32 Tuần Nên Siêu âm 2d Hay 4d – Hỏi đáp Cùng Chuyên Gia
-
7 Lưu ý Khi Mang Thai 3 Tháng Cuối Mẹ Bầu Cần Phải Biết
-
Siêu âm Tuần 32 - Những Lưu ý Quan Trọng Mẹ Bầu Không Thể Bỏ Qua
-
Mốc Siêu âm 4D Tuần 32 - Sản Phụ Khoa Hà Nội
-
10 Mốc Khám Thai Quan Trọng Bà Bầu Cần Nhớ - CarePlus
-
3 Mốc Khám Thai định Kỳ để Phát Hiện Dị Tật Thai Nhi Không Nên Bỏ Qua
-
Các Mốc Khám Thai Quan Trọng Nhất & Xét Nghiệm Cần Có