Mẹ Hà Nội Dùng Lê Hấp đường Phèn Trị Ho đờm Do Covid-19

Gia đình chị Lan Anh (gồm hai vợ chồng và con trai) mắc Covid-19 vào đầu tháng 2 - thời điểm dịch đang bùng phát mạnh tại Thủ đô. Như nhiều gia đình khác, cả nhà thực hiện cách ly và điều trị tại nhà do các triệu chứng tương đối nhẹ.

Trong suốt quá trình chăm sóc, điều trị bệnh tại nhà, chị Lan Anh thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đó là duy trì chế độ ăn uống nhiều hoa quả, rau xanh, uống đủ nước, bổ sung vitamin tổng hợp nhằm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cả gia đình. Chị cũng thường xuyên lau dọn nhà cửa và khử khuẩn để giữ vệ sinh chung.

Gia đình chị Trần Lan Anh luôn suy nghĩ tích cực, vui vẻ trong suốt quá trình điều trị bệnh. Ảnh: NVCC

Gia đình chị Trần Lan Anh luôn suy nghĩ tích cực, vui vẻ trong suốt quá trình điều trị bệnh. Ảnh: NVCC

Về phương pháp chữa trị, chị Lan Anh điều trị cho cả nhà theo triệu chứng. Đặc biệt, khi còn sống ở Hàn, bà mẹ trẻ nghe nhiều người dân xứ kim chi mách về việc dùng lê hấp với đường phèn và gừng trị ho, chữa long đờm rất tốt nên đã làm cho cả nhà uống.

Nguyên liệu chị sử dụng gồm một quả lê Hàn, 2 quả táo đỏ, một lát gừng nhỏ, 2 muỗng canh đường phèn. Lê được rửa sạch, giữ nguyên vỏ, dùng dao nhọn cắt một đầu của quả lê rồi khoét bỏ phần ruột. Chị thái nhỏ phần ruột, bỏ hạt rồi cho vào trong lòng của quả lê hỗn hợp: táo đỏ, gừng, lê cắt sợi. Sau đó, chị cho thêm 2 muỗng đường phèn lên mặt trên của quả lê rồi đậy phần nắp đã cắt lên. Chị đưa cả quả hấp cách thủy 30 phút rồi bỏ ra cho cả nhà dùng.

Xem chi tiết các bước thực hiện tại đây.

Nguyên liệu thực hiện món lê hấp gừng, đường phèn. Ảnh: NVCC

Nguyên liệu thực hiện món lê hấp gừng, đường phèn. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Quang Hải, nguyên Phó giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết trong quá trình nhiễm virus và hậu Covid-19, nhiều người gặp di chứng ở phổi, với biểu hiện về hô hấp như ho khan, ho đờm, hụt hơi, khó thở dai dẳng, có thể kéo dài trong vòng ba tháng sau khỏi bệnh. Ông cho rằng qua bữa ăn hàng ngày, dinh dưỡng góp phần quan trọng giúp cải thiện chức năng phổi.

Đông y ghi nhận một số thực phẩm thường gặp hiệu quả trong việc bồi bổ phổi, hỗ trợ điều trị bệnh liên quan tới hô hấp như: lê, gừng. Trong đó, quả lê còn gọi là tuyết lê, vị chua ngọt, tính mát, công dụng nhuận phế, thanh nhiệt, đồng thời giảm ho, tiêu đờm... Lê chứa nhiều dưỡng chất giúp cải thiện sức đề kháng, tăng cường chức năng hô hấp. Thường xuyên ăn lê hoặc nấu canh lê với mật ong giúp bảo vệ phổi.

Gừng được sử dụng như một dược liệu làm thuốc với nhiều tác dụng như: kháng viêm, chống dị ứng, kháng khuẩn, hạ đường huyết, ngăn ngừa ung thư.... và góp phần điều hòa hệ miễn dịch. Theo Y học cổ truyền, gừng là dược liệu quý có tác dụng làm ấm, chữa cảm lạnh, giảm đau, chống nôn, kích thích tiêu hóa, trị đau bụng do hàn. Ngoài ra, gừng dễ kết hợp vào bữa ăn để thêm hương vị và tăng cường sức khỏe. Chức năng kháng viêm sẽ làm sạch những chất ô nhiễm còn sót lại trong phổi - nguyên nhân dẫn tới các vấn đề sức khỏe.

Đường phèn được điều chế và kết tinh từ đường mía, thành phần chính là saccarose. Đường phèn thường được dùng để nấu chè, chế biến món ăn cũng như sử dụng trong một số bài thuốc dân gian chữa ho, viêm họng, bổ dưỡng.

Chị Lan Anh tiết lộ món lê hấp đường phèn, gừng cùng táo đỏ giúp trị ho, long đờm hiệu quả với các thành viên trong gia đình. Hiện tại, mỗi khi ho, chị vẫn duy trì phương thuốc này cho cả nhà. Bên cạnh đó, bà mẹ trẻ còn bổ sung thêm gói tinh chất bổ phổi chiết xuất từ hoa chuông lê và sâm của Hàn.

Hoa quả và nước ép là những thực phẩm không thể thiếu. Ảnh: NVCC

Hoa quả và nước ép là những thực phẩm không thể thiếu. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, chị còn tích cực cho mọi người ăn tỏi với cách chế biến đa dạng như tỏi nướng, hấp mật ong trị ho và khi ngạt mũi thì xông mũi họng bằng tinh dầu tỏi. Theo chị tìm hiểu, tỏi chứa allicin- chất chống lại nhiễm khuẩn và giảm viêm cho phổi. Tỏi cũng có thuộc tính chống oxy hóa và giúp loại bỏ các gốc tự do ra khỏi toàn bộ cơ thể vì nhiều selen, dự phòng ung thư phổi. Gia vị này cũng tốt cho người bệnh hen và người bị bất cứ bệnh nhiễm trùng phổi nào. Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình cũng súc họng thường xuyên với Betadine.

Nhờ tích cực điều trị và bổ sung dinh dưỡng tăng cường đề kháng, gia đình chị âm tính khá nhanh. Là người đầu tiên mắc bệnh với các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi; đau người, mệt mỏi, ông xã của chị âm tính vào ngày thứ 7. Con trai 9 tuổi của chị sốt cao (38,5 độ) trong một ngày, lúc nóng, lúc lạnh, sau đó tỉnh táo, nô đùa bình thường, không có biểu hiện mệt mỏi khi được bố mẹ cho uống hạ sốt, tích cực hạ nhiệt bằng cách chườm. Bé âm tính sau 4 ngày.

Chị Lan Anh cũng âm tính sau 4 ngày. Suốt thời gian nhiễm bệnh, chị chỉ hơi mệt và đau người. Sau khi khỏi, chị có biểu hiện hụt hơi, mệt nhưng nhờ tập thở, yoga và đạp xe thường xuyên nên mau chóng hồi phục.

Bữa cơm đầy đủ

Bữa cơm của các thành viên trong gia đình luôn đầy đủ thịt, cá, rau củ... nhằm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Ảnh: NVCC

Chị Lan Anh cho rằng, trong quá trình điều trị bệnh, bên cạnh việc chăm sóc, cung cấp chất dinh dưỡng cũng như uống thuốc đầy đủ, tinh thần đóng vai trò quan trọng. Cả gia đình thường xuyên dành thời gian thư giãn như: xem phim; hoạt động thể chất như chơi bóng bàn, tập thở, nấu ăn...

"Tôi coi đây là khoảng thời gian tuyệt vời trong năm, cùng vun đắp tình cảm vì dành thời gian 24/24 giờ trọn vẹn cho nhau trong suốt 10 ngày tự cách ly", chị chia sẻ.

Từ ngày 16/12, chuyên trang Tư vấn F0 của VnExpress mở thêm mục Chia sẻ để bệnh nhân hay người nhà F0 có thể chia sẻ hành trình chữa trị tại nhà, chế độ dinh dưỡng, luyện tập, quy trình khử khuẩn, kỹ năng chăm sóc, thiết bị y tế... Độc giả chia sẻ bài viết hoặc đặt câu hỏi cho bác sĩ tại đây.

Minh Thư

Từ khóa » Cách Làm Món Lê Hấp đường Phèn