'Mê Muội Buôn đất Làm Giàu' - VnExpress

Thời nay, tôi thấy nhà nhà, người người buôn đất, ít ai chú ý sản xuất, kinh doanh ngành nghề khác. Lạ một điều, dịch bệnh nên làm ăn, buôn bán khó khăn, công nhân và người lao động đổ về quê nhà tìm việc, nhiều doanh nghiệp có xu hướng mở rộng đầu tư về các tỉnh thay vì tập trung ở TP HCM như trước... vậy mà giá nhà giá đất vẫn tăng theo cấp số nhân. Người có tiền không còn mặn mà sản xuất kinh doanh mà chỉ tập trung mua đất đầu cơ, vô tình đẩy nền kinh tế và tương lai của thế hệ trẻ sau này gặp muôn vàn khó khăn.

Ở nước phát triển, các tỷ phú đều giàu lên nhờ trí tuệ, kinh doanh, sản xuất, tạo giá trị mới cho xã hội từ lao động, góp phần tạo nhiều việc làm. Trong khi đó, ở ta, nhiều người giàu có, trở thành đại gia đều từ bất động sản mà ra. Người ta chỉ mua bất động sản rồi để đó, chờ thời bán cho người khác với giá cao hơn để ăn chênh lệch. Điều đó tất nhiên không giúp ích được gì cho xã hội, mà chỉ làm lợi cho một vài cá nhân.

Thực tế, giá nhà đất ở các nước phát triển rất hợp lý, người lao động và công nhân vẫn mua được nhà trả góp mà vẫn còn tiền chi tiêu, du lịch, an sinh xã hội tốt nên họ cũng không lo về già, không nghĩ đến mua nhà cửa, mà chỉ hưởng thụ cho bản thân. Còn ở ta, lương công nhân đủ sống và nuôi con đã là may mắn, chứ chưa dám mơ đến chuyện mua nhà chung cư hay đất nền. Chúng ta đã đi sau các nước phát triển nên lẽ ra có cơ hội để học tập và rút kinh nghiệm để tránh vết xe đổ mới phải.

>> Tuổi 31 lời tiền tỷ từ đầu tư bất động sản

Có thể nói, tình trạng sốt đất các nơi hiện nay đang làm hại nền kinh tế, khi tiền không đổ vào sản xuất kinh doanh mà chỉ dùng để buôn đất qua lại. Cứ đà này, thế hệ trẻ sẽ không còn cơ hội sở hữu nhà vì giá quá cao.

Vậy phải làm gì để hạn chế nguy cơ đó? Theo tôi, chỉ cần có quy định hạn chế cho vay mua bất động sản và không công chứng bán dưới 5 năm kể từ ngày mua. Làm vậy, giới đầu cơ chắc chắn sẽ e sợ vì phải chôn vốn quá lâu, trong khi lại không bán được và chịu lãi suất từ phía ngân hàng. Khi đó, dòng tiền đổ vào nhà đất sẽ được kiểm soát lại.

Chúng ta cũng nên dần thay đổi tư duy cho rằng cứ đi buôn đất là dễ kiếm lời. Chính tư tưởng "người đẻ chứ đất không đẻ" đã khiến nhiều người thiếu kiến thức lao vào bất động sản. Nhưng thực tế, nhiều vùng đất không giá trị cao, ít dân sinh sống, không kinh doanh sản xuất gì được... đang bị giới đầu cơ và cò đất thổi giá. Nếu bạn mua đúng lúc đang đỉnh thì khả năng vẫn lỗ như thường, nhất là với tiền vay mượn thì nguy cơ phá sản, vỡ nợ là hoàn toàn hiện hữu.

Song Bien

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

  • Tôi bỏ tư tưởng tiết kiệm trước, mua nhà sau
  • Công bằng thuế đất
  • 'Tuổi 34 có đủ nhà, đất vì không an phận gửi tiết kiệm'
  • Đầu tư 'mù' giữa cơn sốt đất
  • 'Phạt 100 triệu đồng sao dẹp được nạn diễn trò bán đất'
  • Về quê không mua nổi đất

Từ khóa » Giàu Nhờ đất