Me Nước Và Công Dụng điều Trị Tiểu đường, Nhức Mỏi Của Cây Me Keo

Trước đây, ở quê tôi, cứ đi qua một vài căn nhà là sẽ gặp một cây me nước dưới bến sông hoặc sau hè. Có nhà trồng cả một dãy me nước làm hàng rào và những nhà có nuôi trâu cũng trồng me nước để rào đàn trâu, đỡ phải làm chuồng. Thật vậy, loài trâu rất sợ cây me nước bởi một lý do rất đơn giản: cây me nước có rất nhiều gai nhọn và nếu bị đâm vào thì đau nhức cho đến tận hôm sau!

Thế nhưng, trái me nước chín ngọt ngọt, chát chát và đặc biệt rất thơm thì cả trẻ con và người lớn đều thích ăn. Thật không dễ quên được hình ảnh những trái me nước được xỏ thành chùm, lắt lẻo, đỏ au!

Có thể nói, cây me keo đã từng rất gắn bó với đời sống người miền Tây. Không chỉ thế, các bộ phận của cây me nước còn được dùng để điều trị một số bệnh rất hữu hiệu, bạn đã nghe đến chưa?

Đặc điểm cây me nước

Me nước (Pithecellobium dulce, thuộc họ Fabaceae) hay còn gọi là me keo, găng tây, keo tây… (1) là cây thân gỗ lâu năm, có thể cao đến 10 m hoặc hơn nữa. Toàn thân cây có nhiều gai và nhiều nhánh nhỏ um tùm, mỗi cuốn lá thường có hai lá chét hình trứng, lá tương đối nhỏ và gần giống lá phèn đen (lúc còn non), hoa màu trắng xanh, thơm và mọc thành chùm ở đầu cành.

Quả me nước dài khoảng 5cm đến 8 cm (rộng khoảng 1 cm) và xoắn cong thành 1, 2 hoặc 3 vòng tùy theo độ dài của quả, có các rãnh chứa lớp “cơm” quả màu trắng, nhiều xơ và hạt bên trong. Lớp cơm quả càng già thì càng phình to và khi chín thì chuyển sang màu đỏ hồng, nở phình làm bung vỏ quả và lộ một phần hoặc toàn bộ cơm quả cùng hạt ra ngoài. Cây me nước rất dễ trồng bằng hạt và có sức sống rất cao (được xem là loài xâm lấn ở Hawaii) (2).

Thân cây me nước điều trị nhức mỏi

Theo kinh nghiệm dân gian, thân cây me nước có thể điều trị nhức mỏi cơ thể hiệu quả bằng cách ngâm rượu. Trước tiên, chọn những cây me nước đã có tuổi, thân to từ cổ tay trở lên hoặc có cành to (cây càng già càng tốt) rồi chặt lấy một phần thân cây, sau đó rửa sạch rồi đẽo (chặt) thành từng lát mỏng. Kế đến, cho những lát me keo đã chặt mỏng vào hũ và đổ rượu trắng vào sao cho rượu ngập tất cả các lát me keo rồi đậy kín, để khoảng một tháng thì bắt đầu sử dụng (ngày uống 1 lần, khoảng 1 ly nhỏ uống rượu và uống sau bữa ăn).

Hình ảnh cây me nước
Hình lá lá me nước và quả me nước chín đỏ

Lá me nước điều trị tiểu đường

Theo Võ Văn Chi trong Từ điển cây thuốc Việt Nam, lá me nước được dùng để điều trị bệnh tiểu đường dưới dạng thuốc sắc (Liều dùng: 10g – 20 g mỗi ngày) (3) .Trước đây, cây me nước rất phổ biến nên lá me nước thường được dùng tươi.

Công dụng của rễ và vỏ cây me nước

Được biết, nước sắc từ rễ cây me nước (thái nhỏ, phơi khô) có công dụng điều trị bệnh sốt rét. Ngoài ra, nước sắc từ vỏ cây me nước (thái nhỏ, phơi khô) cũng được dùng để thanh nhiệt, lương huyết (8) và điều trị sốt (3). Liều lượng: 10g – 20 g mỗi ngày.

Một số nghiên cứu về cây me nước

  • Về hạt me nước: kết quả xét nghiệm và nghiên cứu cho thấy chiết xuất trong nước và chiết xuất methanolic của hạt me nước đều có khả năng chống o xy hóa, làm sạch các gốc tự do (4). Ngoài ra, bột làm từ hạt và chiết xuất ethanolic từ hạt me nước cũng có khả năng diệt nấm: chống lại mốc xám (Botrytis cinerea) và mốc xanh (Penicillium Digitatum) gây thối quả (5).
  • Về trái me nước: kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất từ trái me nước có khả năng chống oxy hóa và bảo vệ gan khỏi tác hại của cacbon tetraclorua (công thức hóa học: CCI4, gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương và làm suy thoái gan, thận ở hàm lượng cao do hít phải, ăn hoặc hấp thụ qua da) (6). Một nghiên cứu khác (trên chuột thí nghiệm) cũng cho thấy chiết xuất từ trái me nước có khả năng chống loét dạ dày tương đương với thuốc điều trị các rối loạn về dạ dày là Omeprazole (7).

Lưu ý

Theo các tác giả công trình Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, vỏ cây me nước mặc dù được dùng điều trị bệnh nhưng lại có độc nên còn được dùng để thuốc cá. Theo các tác giả, cao khô chiết bằng cồn 50 độ từ vỏ thân cây me nước khá độc (liều lượng gây độc trên trên chuột bạch là 250 mg/ kg). Do đó, cần tham khảo thêm ý kiến của thầy thuốc khi dùng vỏ cây me nước để điều trị bệnh.

Nguồn tham khảo

  1. Me nước, https://vi.wikipedia.org/wiki/Me_n%C6%B0%E1%BB%9Bc, ngày truy cập: 16/05/2019.
  2. Pithecellobium dulce, https://en.wikipedia.org/wiki/Pithecellobium_dulce, ngày truy cập:P 16/05/2019.
  3. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội, 1997, bản in trang 738.
  4. Antioxidant activity free radical – scavening potential of Pithecellobium dulce Benth seed extraxcts, https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2231253612220089, ngày truy cập: 16/05/2019.
  5. Seasonal evaluation of the posttharvest fungicidal activity of powders and extracts of huamuchil (Pithecellobium dulce): action against Botrytris cinerea, penicillium digitantum and Rhizopus stolonifer of strawberry fruit, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0925521402002442, ngày truy cập: 16/05/2019.
  6. Phytomedicinal role of Pithecellobium dulce against CCI 4 – mediated hepatic oxidative impairments and necrotic cell death, https://www.hindawi.com/journals/ecam/2011/832805/abs/, ngày truy cập: 16/05/2019.
  7. Antiulcerogenic activity of hydroalcoholic fruit extract of Pithecellobium dulce in different experimental ulcer models in rats, https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0378874112003042, ngày truy cập: 16/05/2019.
  8. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, bản in trang 263.

Từ khóa » Trái Keo ù