Me Rừng | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương

Quả me rừng thường được dùng để chế biến món ăn vặt. Bên cạnh đó cành, vỏ, lá, quả và rễ của loại cây này còn được sử dụng trong bài thuốc chữa táo bón, tiêu chảy, thấp chẩn (chàm), tiểu tiện không thông, cao huyết áp và sốt cao do cảm mạo.

cây me rừng có tác dụng gì

Hình ảnh quả me rừng – Vị thuốc được dùng để trị bệnh

  • Tên gọi khác: Chùm ruột núi, Ngưu cam tử, Du cam tử, Dư cam tử, Mận rừng.
  • Tên khoa học: Phyllanthus emblica
  • Họ: Thầu dầu (danh pháp khoa học: Euphorbiaceae)

Mô tả dược liệu me rừng

1. Đặc điểm cây me rừng

Me rừng là loài thực vật thân nhỡ, chiều cao khoảng 5 – 8m. Lá nhỏ xếp sít lại thành hai dây có hình dạng trông như lá kép lông chim.

quả me rừng

Hình ảnh lá cây me rừng có kích thước nhỏ, xếp sít lại thành hai dây có hình dạng trông như lá kép lông chim

Cây ra hoa vào tháng 4 – 5, hoa mọc thành cụm ở nách lá, kích thước hoa nhỏ và có màu vàng. Quả thịt, hình cầu, màu nâu vàng nhạt, có khía rất mờ. Kích thước quả tương đương quả táo ta.

2. Bộ phận dùng

Lá, vỏ cây, rễ và quả me rừng được sử dụng để làm thuốc.

3. Phân bố

Me rừng có nguồn gốc từ Malaysia và Ấn Độ. Cây mọc hoang ở khu vực rừng núi.

4. Thu hái – sơ chế

Thu hái dược liệu quanh năm, riêng quả hái vào mùa thu – đông. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô để dùng dần.

5. Bảo quản

Bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát.

6. Thành phần hóa học

Quả me rừng chứa nhiều thành phần hóa học đa dạng, bao gồm acid gallic 5%, lipid 6%, acid phyllemblic 6.3%, emblicol, vitamin C (70 – 72%), tannin, acid mucic,… Hạt me chứa tinh dầu, phosphatide, lá chứa tannin, vỏ chứa leucodelphinidin và tannin.

Vị thuốc me rừng

cây me rừng có tác dụng gì

Cây me rừng có tác dụng gì?

1. Tính vị

  • Lá có vị cay, tính bình.
  • Quả có vị hơi chát, chua ngọt, tính mát.
  • Rễ có vị đắng chát, tính bình.

2. Quy kinh

Chưa có nghiên cứu.

3. Cây me rừng có tác dụng gì?

– Theo Đông Y:

  • Công dụng: Quả có tác dụng tiêu viêm, sinh tân chỉ khát, hạ nhiệt, nhuận phế, hóa đờm. Lá có tác dụng lợi tiểu. Rễ và vỏ có tác dụng hạ áp, thu liễu. Hoa có tác dụng hạ nhiệt, làm mát và nhuận tràng.
  • Chủ trị: Cảm mạo phát sốt, cao huyết áp, tiểu tiện không thông, tiểu đường, đau răng, viêm ruột, đau thượng vị, bệnh bạch huyết, viêm da mẩn ngứa, chàm,…
  • Nhân dân Ấn Độ sử dụng quả me rừng để trị lỵ, tiêu chảy, xuất huyết, vàng da, khó tiêu và thiếu máu. Ngoài ra người ta còn ngâm rượu me để trị ho và kích thích tiêu hóa.
  • Ở Thái Lan, me rừng được sử dụng để trị chứng thiếu vitamin C, ho có đờm, tiêu chảy, tiểu tiện ít, sốt cao,…

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Tăng khả năng hấp thu calci của cơ thể: Với hàm lượng vitamin và khoáng chất dồi dào, me rừng có tác dụng tăng khả năng hấp thu calci của cơ thể.
  • Tăng cường chức năng tiêu hóa: Chất xơ trong quả me rừng có tác dụng điều hòa nhu động ruột, giúp hạn chế tình trạng tiêu chảy, táo bón và kiết lỵ. Ngoài ra me rừng còn làm giảm ợ nóng, chướng bụng, đầy hơi,…
  • Lợi ích đối với tim mạch: Thành phần crom trong me rừng có tác dụng hạn chế tích tụ cholesterol trong thành mạch, từ đó làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, huyết áp cao và đột quỵ.
  • Hỗ trợ điều trị tiểu đường: Ngoài ra, crom trong dược liệu còn tham gia vào quá trình chuyển hóa lipid và glucid. Ngoài ra crom còn tăng liên kết giữa các cơ quan thụ cảm với insulin từ đó điều tiết nồng độ insulin trong máu và giữ đường huyết ở mức ổn định.

4. Cách dùng – liều lượng

Me rừng được dùng ở dạng giã đắp, ngâm rửa, sắc hoặc ngâm rượu.

Liều dùng tham khảo:

  • Rễ: 15 – 30g/ ngày
  • Lá: 10 – 20g/ ngày
  • Quả: 10 – 30g/ ngày

Bài thuốc trị bệnh từ cây me rừng

cây me rừng có tác dụng gì

Me rừng được sử dụng để chữa bệnh thấp chẩn, mẩn ngứa, viêm da, táo bón, tiêu chảy, đau họng,…

1. Bài thuốc chữa chứng tăng huyết áp

  • Chuẩn bị: Rễ cây me rừng 15 – 30g.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước uống, chia thành nhiều lần uống và dùng hết trong ngày.

2. Bài thuốc trị cảm mạo gây sốt cao

  • Chuẩn bị: Quả me rừng 10 – 30g.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước uống, chia thành nhiều lần và dùng hết trong ngày.

3. Bài thuốc lợi tiểu

  • Bài thuốc 1: Dùng vỏ thân 10 – 20g, sắc uống trong ngày.
  • Bài thuốc 2: Chuẩn bị lá me rừng 10 – 20g, mã đề và râu ngô mỗi thứ 1 ít. Đem các vị sắc lấy nước uống, chia thành nhiều lần uống hết trong ngày.

4. Bài thuốc trị tiểu đường

  • Chuẩn bị: Quả me rừng 15 – 20g.
  • Thực hiện: Ướp với muối ăn rồi dùng uống hằng ngày.

5. Bài thuốc trị nước ăn chân

  • Chuẩn bị: Quả me rừng.
  • Thực hiện: Giã lấy nước rồi thoa lên chỗ da bị nước ăn.

6. Bài thuốc chữa rắn cắn (áp dụng trong trường hợp chưa thể đến bệnh viện)

  • Chuẩn bị: Vỏ cây me rừng.
  • Thực hiện: Giã nát rồi thêm một ít nước vào, chắt lấy nước uống còn dùng bã đắp vào vết cắn. Sau đó cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất.

7. Rượu me rừng kích thích tiêu hóa và tăng cường khả năng sinh lý

  • Chuẩn bị: Rượu trắng 2 lít và quả me rừng 1 kg.
  • Thực hiện: Rửa sạch me, để ráo rồi xếp vào bình đổ rượu vào ngâm trong vòng 1 tháng. Mỗi lần uống 1 chén nhỏ, dùng 3 lần/ ngày trong bữa ăn.

8. Bài thuốc chữa tiêu chảy, đau bụng và đau họng

  • Chuẩn bị: Rễ cây khô 15 – 20g.
  • Thực hiện: Đem sắc với 700ml nước, chia thành nhiều lần uống trong ngày.

9. Bài thuốc trị thấp chẩn, mẩn ngứa, viêm da mãn tính

  • Chuẩn bị: Vỏ me rừng 15 – 30g, quả me rừng 10 – 30g, lá me rừng 10 – 20g.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang. Đồng thời nên dùng lá me rừng nấu lấy nước tắm rửa hằng ngày.

Me rừng không chỉ có tác dụng dược lý đa dạng mà còn cung cấp nhiều thành phần dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Do đó bạn có thể bổ sung loại quả này vào chế độ ăn để cải thiện tình trạng thiếu máu, tăng cường hệ miễn dịch và nâng cao sức khỏe.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Cây Me ấn độ