Mễ Sở - Vùng đất Ven Sông Huyền Thoại - An Ninh Thủ đô

  • Những sắc màu văn hoá dân gian ở phố đi bộ hồ Gươm
  • Bình minh trên sông Hằng
  • Các phố nghề của Thăng Long một thời vang bóng

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (hay còn gọi là lễ hội Đa Hòa - Dạ Trạch) được tổ chức ở hai ngôi đền là đền Đa Hòa (xã Bình Minh) và đền Hóa (xã Dạ Trạch) cùng huyện Khoái Châu, Hưng Yên

Thuở nàng công chúa Tiên Dung dong thuyền dạo chơi sông Hồng, gặp chàng Chử Đồng Tử nghèo khổ, thì bãi Tự Nhiên và các làng ven sông với những tên mộc mạc - Thiết Trụ, Phú Thị, Nhạn Tháp, Đa Hòa… đã có rồi. Tên Mễ Sở do vua Trần Nhân Tông đặt, lưu danh chiến công của nhân dân đã từng cất giấu, tiếp tế lương thảo cho quân đội nhà Trần đánh giặc Nguyên, cũng gợi liên tưởng về một vùng quê trù phú.

Một cảnh tượng độc nhất vô nhị nơi sông nước

Tổng Mễ xưa thuộc Lộ Hồng Châu. Đến thời Trần, tướng Nguyễn Khoái được vua cho hưởng thực ấp ở lộ này, nên Hồng Châu đổi tên thành Khoái Châu. Từ 1954, Mễ Sở là 1 trong 10 xã thuộc tỉnh Hưng Yên. Dân Mễ Sở vừa làm ruộng vừa làm nghề buôn bán ở chợ Mễ - nơi giao lưu hàng hóa giữa Khoái Châu - Văn Giang với các tỉnh Bắc Ninh, Hà Đông, Hà Nam và kinh thành Thăng Long. Chợ có phố chạy ven sông, người dân quê tôi vẫn gọi là phố chợ Mễ. Đường phố chợ được lát những tảng đá xanh đen dày dặn, vuông vức tạo nên cảnh tượng độc nhất vô nhị nơi sông nước vỗ bờ ì oạp.

Từ 2-3h sáng, dân các xã Hàm Tử, Bình Minh, Yên Vĩ, Đông Cảo, Hoàng Trạch… đã gồng gánh nông sản đến chợ Mễ để kịp chuyến thuyền buổi sớm, ngược lên Kẻ Chợ. Gạo, ngô, khoai, chuối là những nông sản phổ biến góp mặt với Kinh kỳ, nhưng ngon nhất, nổi tiếng nhất là cá chép đầm Dạ Trạch, gà Đông Cảo, nhãn lồng Hưng Yên. Tâm trí tôi vẫn nhớ như in vào những năm 63-65 của thế kỷ trước, mỗi lần về quê, tôi vẫn thường được mẹ cho đi chợ Mễ chơi.

Bánh dày Quán Gánh từ bên kia sông sang chợ, bày la liệt trên mẹt. Bánh dày mịn màng, thơm mùi gạo nếp hoa vàng, được gói lá chuối xanh đậm. Bắt mắt nhất là các đồ trang sức và vải vóc chạy dài thành dãy trên sạp. Nhìn sang mẹ, thấy bộ xà tích bạc mà bà ngoại đánh cho mẹ từ 17 tuổi, thật đẹp, nền nã! Còn tôi được mẹ thưởng cho chiếc vòng bạc trước khi vào lớp mẫu giáo. Nhưng hấp dẫn nhất trí tưởng tượng của lũ trẻ chúng tôi, chính là cảnh tượng những chiếc thuyền đinh, lòng rộng và sâu, chứa được rất nhiều hàng hóa và cả mấy chục chiếc xe đạp; mùa nước lên phải có thợ dùng dây chão to như cổ tay để kéo thuyền dọc sông đến nửa cây số mới có thể sang ngang.

Phong cảnh trù phú, thanh bình ấy bị bom đạn Mỹ tàn phá vào những năm 1966-1972. Chợ lùi vào trong làng. Bến phà, cầu phao và hệ thống kho, bãi chứa hàng hóa để chở vào chiến trường được lập gần chợ cũ. Xe tải, xe chở hàng quân sự từ Thường Tín trên đường 1, rẽ ngang theo đường Vân La sang sông, lên đường 199B, qua Đông Cảo - Từ Hồ - ra Yên Mỹ trên đường 5 và ngược lại, rầm rập suốt đêm. Đầu bến phà, vẫn còn chân bốt Thiết Trụ kiên cố của Phòng Nhì Pháp, tra tấn và thủ tiêu Việt Minh ngay trong hầm bốt.

Bến Mễ là trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ. Năm 1966-1967, không lực Mỹ đã ném xuống bến phà đủ các loại bom từ trường, bom bi, thủy lôi... Chiều 17-11-1967, tổ dân quân trực chiến của của 3 xã: Mễ Sở, Bình Minh, Đông Cảo đã đón đúng đường bay khi tốp máy bay Mỹ bổ nhào cắt bom xuống bến phà Mễ Sở. Cả 6 khẩu súng 12,7 ly đồng loạt nhả đạn. Máy bay trúng đạn bốc cháy, viên phi công bị bắt sống. Sau chiến công này, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã về tận trận địa biểu dương và tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba cho dân quân 3 xã.

Viết đến đây, ngùi ngùi nhớ kỷ niệm xưa, anh em tôi đẩy xe bò mía từ đồng Nam thôn ra bến phà Mễ, để HTX xuất cho nhà máy đường Vạn Điển. Anh tôi chơi ném thia lia rồi ao ước: Bao giờ quê mình có điện nhỉ? Ráng chiều đỏ rực hắt xuống mặt sông. Và những ngôi sao li ti như hạt vừng lấp lánh cùng ánh điện xa xa… khung cảnh ấy đối với chúng tôi như thiên đường khi chúng tôi còn xách đèn dầu đi học nhóm buổi tối.

Linh khí thiêng cho muôn lòng hướng về

Giờ thì Mễ Sở đã trở thành nông thôn mới điển hình của cả nước. Nhân dân thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 46,53 triệu đồng/người/năm, trong đó, nhiều hộ nông dân đạt trên, dưới 100 triệu/ năm. Diện mạo Mễ Sở ngày càng khởi sắc.

Hỏi cụ cao niên đang thăm vườn chỉ giùm rặng nhãn cổ trùm bóng mát rượi hai bên đường làng, mà thuở bé, tôi vẫn đi trên đường ấy, và chợ Mễ thời chống Mỹ là đâu, cụ cười, khoát tay: “ Ngay cạnh khu vườn kia thôi. Thời ấy, rặng nhãn cổ chạy tuốt ra tận đường quốc lộ 199B. Bây giờ, đất chật người đông, không còn rặng nhãn vì nhà nhà nhô ra mặt phố Mễ Sở. Cháu xem, phố đẹp có khác gì phố ở phường ngoài Hà Nội không?”. Nghe tiếng cười sảng khoái của cụ, biết là dân no ấm hơn, vui hơn.

Làng quê và phố chợ vẫn gắn với nhau trong không gian xanh yên lành. Mễ Sở không chỉ có trang trại và ruộng đồng trồng nhiều cam Canh, bưởi Diễn, cây thuốc nam, đem lại giá trị kinh tế khá cao. Một số gia chủ trẻ mê hoa phong lan cổ, hoa cúc cổ, đã khôi phục và nhân giống ngay trên vườn nhà. Ở thôn Phú Thị, có gia chủ như ông Nguyễn An đã được kế thừa ngôi nhà cổ hơn 300 năm tuổi do các cụ để lại. Bà chủ tên Miên, vẫn giữ nét đẹp dịu dàng của phụ nữ thôn quê, niềm nở dẫn tôi đi xem những cổ vật quý hiếm. Nhìn hoa văn trên bình gốm lam, có hai quai hai bên bình, và cả chiếc mâm gỗ khảm trai, họa tiết tinh tế, tôi biết rằng những cổ vật này chỉ có ở bảo tàng hay những nhà sưu tầm gốm cổ.

Người tài một vùng văn hóa

Các dòng tộc ở Mễ Sở có nhiều danh nhân nổi tiếng góp mặt với văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Dòng họ Chu có Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh; dòng họ Dương có sĩ phu Dương Bá Trạc; Giáo sư Dương Quảng Hàm; họa sĩ Dương Bích Liên, Nhà giáo ưu tú - Anh hùng lao động - Giáo sư Dương Trọng Bái; Giáo sư - bác sĩ Dương Thị Cương, nhà thơ - liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý; dòng họ Nguyễn có nhà biên kịch điện ảnh - nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát… Những năm gần đây, trường cấp ba của huyện Văn Giang mang tên Dương Quảng Hàm thường xuyên tổ chức Lễ tri ân tại trường và mời đại diện gia đình của giáo sư đến dự Lễ. Đó là nét đẹp văn hóa đã thấm vào tâm thức của thầy trò trường Dương Quảng Hàm.

Đất Mễ Sở được thiên nhiên ban tặng, cảnh và người tươi đẹp, linh khí thiêng cho muôn lòng hướng về. Mồng Một đi chùa cầu Phúc, cầu An, du khách có thể đến ngôi chùa cổ nằm ven chân đê - chùa Mễ, chiêm bái Phật nghìn mắt nghìn tay (Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn), một Bảo vật Quốc gia. Đây là một trong ba kiệt tác của nghệ thuật tạo tác từ thế kỷ XIX mà nhà chùa còn gìn giữ được, dù đất trời đã trải bao hưng phế, can qua…

Một vùng văn hiến của Sơn Nam xưa - Hưng Yên nay, được khai mở từ thời vua Hùng thứ 18, đang bừng sức sống mới. Trong nắng gió sông hây hẩy thổi, tâm thành lễ Thánh Chử Đồng Tử và Nhị vị phu nhân (Tiên Dung công chúa và Tây Sa công chúa) ở đền Đa Hòa - ngôi đền mà Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, đã thiết kế khi trùng tu đền và dân thờ. Ông trong một gian - nhớ ơn tiền nhân đã đổ mồ hôi xây đắp và truyền lại cho con cháu ngọn lửa của niềm tin. Xuân này, mời bạn về Tổng Mễ thưởng thức hương Xuân và lòng lâng lâng thư thái trong lễ hội Thánh Chử Đồng Tử, một trong 16 lễ hội lớn của đất Việt.

Từ khóa » Tống Mễ đa