Mê Tín Dị đoan: Tệ Nạn Cần Phải Bài Trừ

Đừng nhầm lẫn tín ngưỡng và mê tín

Đến bây giờ, khi đã là mẹ của một cặp sinh đôi kháu khỉnh, chị N.N.H. (phường Khánh Hậu, TP.Tân An, tỉnh Long An) vẫn có cảm giác ghê sợ khi nghĩ về lần đi “tìm con” cách đây nhiều năm tại nhà một thầy cúng. Lúc đó, chị H. lập gia đình khá lâu nhưng chưa có con. Anh chị đến bệnh viện, rồi đi bốc thuốc Nam về uống nhưng vẫn chưa có kết quả. Quá mong con nên vợ chồng chị bị áp lực tâm lý. Nghe ở vùng Đồng Tháp Mười có một ông “thầy” trị được bách bệnh nhờ làm phép và bốc thuốc, vợ chồng chị tìm tới với hy vọng “thầy” sẽ giúp mình có con.

Hôm đó, chị bị đưa vào phòng kín, chồng phải ở ngoài, không được vào. “Thầy” làm phép bằng cách yêu cầu chị trút bỏ quần áo và sờ nắn người chị. Quá sợ hãi, chị bỏ ra ngoài, gọi chồng rời đi. Sau khi về nhà, chị luôn tự trách mình mê muội, để người khác lợi dụng, trở thành miếng mồi ngon cho kẻ hoạt động MTDĐ.

Tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của người dân, pháp luật nước ta tôn trọng, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ảnh: Hà Lan

Đó là câu chuyện của nhiều năm trước, ngày nay, khi đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, nếp sống văn hóa được xây dựng thì những câu chuyện tương tự vậy cũng dần vắng bóng ở tỉnh ta.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là hoạt động MTDĐ hoàn toàn bị xóa bỏ. MTDĐ vốn thể hiện ở rất nhiều dạng: Không chỉ chữa bệnh bằng cách cúng bái phản khoa học mà còn lợi dụng tôn giáo tổ chức cúng tế, cầu xin với mục đích trục lợi cá nhân, xem bói toán,... Trong thời đại kỹ thuật số, việc mê tín cũng có những biến tướng để “thích nghi” với sự phát triển của xã hội.

Mới đây, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, thị trường hàng mã xuất hiện một số sản phẩm: Khẩu trang, kính chắn giọt bắn, thậm chí là vắc-xin, ống tiêm,... để “đốt cho ông bà”. Ngoài ra, việc xem bói toán qua mạng xã hội cũng trở nên phổ biến. Chỉ cần từ khóa “tử vi” trên Tiktok, người dùng có thể tìm được hàng trăm clip có nội dung giải lá số tử vi, xem tướng,... Trong các clip, nội dung thông tin khá phổ thông và người dùng được hướng dẫn kết nối trực tiếp với chủ tài khoản qua Zalo, Facebook hoặc số điện thoại được cung cấp sẵn.

Trang Tiktok Cô H** Tử Vi trả lời câu hỏi của một người xem, cuối video, nhân vật trong video không quên nhắc nhở người đặt câu hỏi cúng giải vong để vạn sự được hanh thông

Từ thông tin số điện thoại cung cấp trên tài khoản Tiktok Cô H** Tử Vi, chúng tôi tìm được trang cá nhân và fanpage trên Facebook. Tại đây, người dùng được giới thiệu các dịch vụ: Xem lá số, giải âm binh, giải vong tiền duyên,... với mức giá từ 500 ngàn đến 3 triệu đồng. Đó chính là hoạt động lợi dụng tín ngưỡng để hoạt động mê tín.

Dịch vụ mê tín được báo giá trên mạng xã hội

Theo Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương, Phó Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh - Hòa thượng Thích Minh Thiện, tín ngưỡng là niềm tin có tính khoa học, tính nhân quả, có cơ sở. Trong khi mê tín là niềm tin dựa vào sự nhẹ dạ cả tin không tính đến khoa học, logic, nhân quả.

Hòa thượng Thích Minh Thiện giải thích: “Tín ngưỡng thể hiện sự tôn kính, ngưỡng mộ một sự việc, một nhân vật, giúp người ta thiết lập niềm tin hướng đến những việc làm, suy nghĩ tích cực, lợi mình, lợi người, lợi cho chúng sinh. Khi ai đó dựa vào tín ngưỡng để trục lợi và không dựa vào khoa học nào cả thì đó là mê tín. MTDĐ sẽ dễ dẫn đến tội ác, đau khổ cho mọi người”.

Hòa thượng kêu gọi các phật tử, người dân hãy tu tập theo chánh tín, tránh xa MTDĐ, bởi mê tín chỉ đem đến điều hại cho người thực hiện. Người dùng pháp mê tín là người có ý xấu, muốn trục lợi cho mình.

Xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ mê tín

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của người dân. Các tín ngưỡng dân gian do ông bà ta để lại, được gìn giữ đến ngày nay, là những mỹ tục, có bản chất tốt đẹp, hướng con người đến cái thiện, tránh xa cái ác, cái xấu. Những hủ tục trong tín ngưỡng theo thời gian dần được xóa bỏ, thay thế. Pháp luật nước ta tôn trọng, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Tuy nhiên, việc lợi dụng tín ngưỡng để thực hiện mê tín là hành vi cần phải bài trừ. Để người dân không nhẹ dạ, rơi vào bẫy của kẻ bày ra hành vi mê tín, việc chú trọng đầu tiên là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân.

Tín ngưỡng giúp người ta thiết lập niềm tin hướng đến những việc làm, suy nghĩ tích cực, lợi mình, lợi người, lợi cho chúng sinh (Trong ảnh: Các bạn nhỏ sinh hoạt tại chùa được tổ chức những hoạt động dã ngoại nhằm rèn luyện sức khỏe, kỹ năng sống)

Nhiều năm qua, việc xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh thông qua xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa, nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, góp phần làm chuyển biến tích cực đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là vùng nông thôn.

Công tác tuyên truyền được chú trọng, nhiều mô hình do các ban, ngành, đoàn thể xây dựng như “Xây dựng gia đình nông dân văn hóa”; “Điểm sáng văn hóa vùng biên giới”; “Cựu chiến binh gương mẫu”;... mang lại hiệu quả tích cực. Việc bình chọn gia đình văn hóa, ấp văn hóa tạo điều kiện cho người dân giám sát, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, nâng cao ý thức giữ gìn nếp sống văn minh, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống tốt đẹp, phòng, chống các tệ nạn xã hội,...

Từ đó, nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, MTDĐ./.

Theo tôi, để bài trừ tệ nạn MTDĐ, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân, trước hết là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và thế hệ trẻ nhận thức đúng đắn về tín ngưỡng, tôn giáo và MTDĐ, phân biệt rõ những hiện tượng MTDĐ với các tín ngưỡng, tôn giáo chân chính.

Ngày nay, sự quan tâm của gia đình, nhà trường đến những hoạt động của con em, học sinh là rất quan trọng. Gia đình và nhà trường là môi trường giáo dục ban đầu và rộng rãi nhất của xã hội, góp phần duy trì bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Ở nhà trường, giáo dục văn hóa tâm linh có thể dựa trên giáo dục công dân và giáo dục quyền con người. Trong giảng dạy, cần giúp các em nhận thức và phân biệt rõ văn hóa tâm linh với MTDĐ nhằm nhận biết và tránh xa với đạo giáo “khác lạ””.

Trưởng ban Tôn giáo tỉnh - Nguyễn Văn Mưng

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok,... xuất hiện nhiều kênh, trang hoặc cá nhân hành nghề “xem bói dạo”, “cho số đề” và tuyên truyền MTDĐ,... Điều đặc biệt, những kênh này thu hút người xem rất đông, những buổi livestream lên đến hàng ngàn người theo dõi. Những cá nhân đó tự xưng là “thầy” sẽ xem bói qua chỉ tay hoặc ngày, tháng, năm sinh của khách hàng. Khách hàng sẽ trả phí bằng cách tặng những phần quà được quy đổi bằng tiền.

Tôi không tin vào bói toán. Khi gặp bế tắc trong cuộc sống, tôi thường tìm nguyên nhân và nghĩ cách giải quyết. Tôi nhận thấy MTDĐ gây ra những thiệt hại lớn và hậu quả xấu cả về sức khỏe, tinh thần và thời gian, tiền bạc, tính mạng cá nhân. Do đó, bản thân mỗi người cần tỉnh táo trước những lời mời, rủ rê xem bói, giải hạn, trị bệnh phản khoa học”.

Nguyễn Thị Quỳnh Như (SN 1998, ấp 7, xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành)

Hiện nay, vì MTDĐ mà không ít gia đình đã lâm vào cảnh ly tán, tan cửa nát nhà, suy kiệt về kinh tế. Bao cái chết thương tâm đã xảy ra mà nguyên nhân là do người dân nhẹ dạ, cả tin vào thầy mo, thầy cúng.

Thời gian gần đây, nhiều tổ chức (các trang làm về coi bói) mang màu sắc MTDĐ lợi dụng tâm lý lập nghiệp, mong muốn làm giàu của thanh niên, sinh viên để mời các em tham gia lớp học, hội thảo kỹ năng mềm, qua đó tuyên truyền về tổ chức ấy, lôi kéo các em tham gia. Học sinh, sinh viên bỏ học, bỏ làm để đi theo tổ chức, tụ tập dụ dỗ, lôi kéo người khác, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và làm những điều trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Để tránh điều đó, phụ huynh có con mới vào đại học, đi học xa nhà cần quan tâm, dặn dò để con không bị những tổ chức này lôi kéo”.

Chị Đào Thị Hên (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức)

Mộc Châu - Hà Lan

Từ khóa » Giải Pháp Chống Mê Tín Dị đoan