Mến Gái Miền Tây: Sao Cứ Phải Mang Người đồng Tính Ra Tấu Hài Và ...

Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Ghe Bẹo Ghẹo Ai là series web-drama ăn khách của Võ Đăng Khoa hồi năm 2019 với nội dung xoay quanh những mảnh đời "bóng gió" ở miền Tây sông nước. Trước thành công của tác phẩm, Võ Đăng Khoa quyết định thực hiện phiên bản điện ảnh mang tên Mến Gái Miền Tây. Tuy có một số điểm đổi mới tích cực nhưng bộ phim vẫn chưa thể thỏa lòng khán giả bởi nội dung nhàm chán, lỗi thời cùng những cảnh "câu nước mắt" không mấy hiệu quả.

Mến Gái Miền Tây: Sao cứ phải mang người đồng tính ra tấu hài và câu nước mắt giả trân? - Ảnh 1.

Tuy có một số điểm đổi mới tích cực nhưng bộ phim vẫn chưa thể thỏa lòng khán giả bởi nội dung nhàm chán, lỗi thời cùng những cảnh "câu nước mắt" không mấy hiệu quả.

Dạ Nguyệt

Nội dung Mến Gái Miền Tây vừa là tiền truyện vừa là hậu truyện của Ghe Bẹo Ghẹo Ai. Phim bắt đầu khi Mến (Võ Đăng Khoa) còn là một học sinh trung học. Cậu luôn ra tay bảo vệ bạn bè thuộc cộng đồng LGBT khỏi Bình Anh (Anh Tú) – một học sinh có mẹ là giáo viên nên hay bắt nạt bạn bè. Trên thực tế, Mến tỏ ra mạnh mẽ để che giấu giới tính thật của mình cùng tình cảm với cậu bạn thân tên Nhớ (Phạm Hoàng Nguyên).

Biến cố ập đến khi cha dượng của Mến là Tư Chơn (Quốc Cường) đánh bài thua hàng chục triệu đồng. Gã bắt mẹ cậu là Nhạn (Ngân Quỳnh) phải đưa tiền trả nợ. Vì bảo vệ mẹ nên Mến mâu thuẫn với Tư Chơn và bị gã tìm cách đuổi khỏi nhà. Dưới sự ủng hộ của Má Bảy (Hoài Linh), Mến quyết định sống thật với giới tính và trở thành vợ của Nhớ. 12 năm sau, cuộc đời cô một lần nữa đối mặt với bi kịch khi Nhớ ngoại tình với người phụ nữ khác.

Nội dung dễ đoán, cũ kỹ

So với phiên bản web-drama chú trọng mảng miếng hài, Võ Đăng Khoa đã có một bước đi đúng đắn khi cho Mến Gái Miền Tây thiên hướng về cảm xúc. Bộ phim tập trung miêu tả cuộc đời bi kịch của Mến vì "không là một người phụ nữ đúng nghĩa". Song, bộ phim lại phí phạm đi toàn bộ tiềm năng bởi một kịch bản dễ đoán và cũ kỹ. Trên thực tế, hình ảnh những chàng trai "bóng gió" không còn mới do hàng loạt tác phẩm về chủ đề này từng lên sóng như Xóm Trọ 3D (2017), Lô Tô (2017).

Mến Gái Miền Tây: Sao cứ phải mang người đồng tính ra tấu hài và câu nước mắt giả trân? - Ảnh 3.

Thậm chí, đây còn là một nét "đặc sản" ở miền Tây thời điểm hiện tại. Do đó, việc bộ phim vẫn còn khai thác hình tượng người thuộc giới LGBT lố lăng, dữ tợn để gây cười dường như không còn phù hợp. Những cảnh cãi nhau ồn ào, náo loạn, đặc biệt là màn chửi như đọc thơ liền một mạch hàng chục câu của Mến không mang lại hiệu quả cần thiết. May mắn là Võ Đăng Khoa đã tiết chế bớt những chi tiết này trên màn ảnh rộng.

Trong khi đó, những bi kịch của Mến không hẳn đến từ việc cô thuộc cộng đồng LGBT. Quá trình mâu thuẫn với cha dượng không liên quan gì giới tính của Mến. Nỗi đau lớn nhất có lẽ là cô không thể sinh con cho chồng nhưng lại được phim giải thích một cách lạc quẻ. Thậm chí, tác phẩm cũng không thể hiện rõ sự kỳ thị của mọi người dành cho cô trừ một vài câu chửi mắng nhẹ nhàng. Phim cứ thế trôi qua một cách nhạt nhòa với mọi nút thắt đều được xử lý nhân văn đến gượng gạo.

Mến Gái Miền Tây: Sao cứ phải mang người đồng tính ra tấu hài và câu nước mắt giả trân? - Ảnh 4.

Phim cứ thế trôi qua một cách nhạt nhòa với mọi nút thắt đều được xử lý nhân văn đến gượng gạo.

Dạ Nguyệt

Tâm lý nhân vật ngược ngạo

Vì cố gắng biến mọi người thành người tốt mà Mến Gái Miền Tây dẫn đến hàng loạt tình tiết và tâm lý nhân vật phi lý. Mến được xây dựng là một người lì lợm, mạnh mẽ và dám nói dám làm. Khi còn là học sinh, cô từng nhận tội đánh bạn bể đầu thay Nhớ hay ra mặt chửi rủa những kẻ "tiểu tam" mà không chút sợ hãi. Nhưng đến khi chồng mình ngoại tình, Mến bỗng yếu đuối đến mức còn không dám vào gặp tình địch và được giải thích đơn giản là "ai chẳng ngu muội khi yêu".

Bản thân Nhớ cũng có suy nghĩ một cách khó hiểu khi từ bạn thân trở thành chồng của Mến một cách dễ dàng mà không có bất kỳ lời giải thích nào. Sau 12 năm chung sống, nhân vật sau đó nói lời chia tay vì cả hai "chỉ là bạn" và Mến "là đàn ông". Anh chuyển sang yêu phụ nữ vì… muốn sinh con trong khi đã có một đứa con nuôi chung với Mến. Giới tính trong phim không khác gì bánh tráng vì có thể lật bất cứ lúc nào. Do đó, những cảnh cảm động trong phim đều không mang đến cảm xúc gì.

Mến Gái Miền Tây: Sao cứ phải mang người đồng tính ra tấu hài và câu nước mắt giả trân? - Ảnh 6.

Giới tính trong phim không khác gì bánh tráng vì có thể lật bất cứ lúc nào. Do đó, những cảnh cảm động trong phim đều không mang đến cảm xúc gì.

Dạ Nguyệt

Diễn xuất là điểm cộng

Điểm cộng lớn nhất trong Mến Gái Miền Tây có lẽ chính là diễn xuất đồng đều của dàn diễn viên. Võ Đăng Khoa có một vai diễn xuất thần khi có sự tiết chế rõ rệt mà vẫn thể hiện được nét dịu dàng, nữ tính trong thân xác đàn ông. Sau màn trang điểm và khoác lên mình bộ bà ba, Mến có sự lột xác hoàn toàn so với hình ảnh nam sinh "đầu gấu" trước đó khiến khán giả khó long màn nhận ra. Anh diễn những cảnh bi kịch lẫn dữ tợn của Mến cũng rất nhập tâm.

Bình An của Anh Tú chung tình trong tình yêu nhưng vẫn có sự nghịch ngợm và cá tính riêng thay vì chỉ biết mù quáng. Sau thời gian vắng bóng, vai diễn của Hoài Linh lại mang màu sắc u buồn mà không có miếng hài nào so với trước đây. Những cái tên như Ngân Quỳnh, Quốc Cường, NSND Kim Xuân hay Đại Nghĩa đều tròn vai và thể hiện được vai trò của mình trong câu chuyện đời của Mến.

Mến Gái Miền Tây: Sao cứ phải mang người đồng tính ra tấu hài và câu nước mắt giả trân? - Ảnh 8.

Chấm điểm: 2/5

Nhìn chung, Mến Gái Miền Tây có sự chỉn chu nhất định trong khâu sản xuất. Tuy nhiên, kịch bản phim đã quá cũ kỹ và mờ nhạt so với thời điểm năm 2022. Các nhà làm phim Việt có lẽ nên khai thác một góc nhìn mới về cộng đồng LGBT thay vì cứ bám vào hình ảnh "bóng gió" để tấu hài hoặc "câu nước mắt" khán giả.

Mến Gái Miền Tây: Sao cứ phải mang người đồng tính ra tấu hài và câu nước mắt giả trân? - Ảnh 9.

Nguồn ảnh: Tổng hợp

https://kenh14.vn/men-gai-mien-tay-sao-cu-phai-mang-nguoi-dong-tinh-ra-tau-hai-va-cau-nuoc-mat-gia-tran-20220325204223465.chn

Từ khóa » Phim Chiếu Rạp Võ đăng Khoa