Mênh Mang Chợ Nổi

Đến các chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều người có cảm nhận như đang được chứng kiến một bức tranh cuộc sống sinh động, nhiều sắc màu. Hòa mình vào không khí mua bán hàng hóa trên sông nước, chúng ta càng hiểu thêm về nét văn hóa đặc sắc của người dân vùng đồng bằng châu thổ phía Nam đất nước. Các chợ nổi giờ đây không chỉ là nơi giao thương hàng hóa, là nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ, mà còn là sản phẩm du lịch độc đáo, cần được duy trì và phát huy để phát triển bền vững.

Bàn về nguồn gốc ra đời của chợ nổi, các nhà nghiên cứu khẳng định: Chợ nổi ra đời xuất phát quy luật tất yếu của sự phát triển thương mại, đáp ứng nhu cầu phân phối, tiêu thụ hàng hóa của cư dân trong vùng khi điều kiện giao thông đường bộ còn hạn chế; đồng thời thể hiện tập quán đi lại, mua bán trên sông của cư dân vùng đất Nam Bộ. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt là đặc trưng thiên nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều nơi hợp lưu của các nhánh sông đã tạo thành các ngã ba, ngã tư, ngã năm, ngã sáu, thậm chí là ngã bảy trên sông. Đó là một trong những yếu tố quan trọng góp phần hình thành nên các chợ nổi trên sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.

Chợ nổi Ba Ngàn (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) tấp nập ghe xuồng với bạt ngàn đặc sản hoa trái phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Thạc sĩ Trần Thị Bích Thủy, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh lý giải, để thích nghi điều kiện sống nhiều sông, rạch, cư dân miền sông nước đã hình thành phương thức mưu sinh mang tính đặc thù riêng. Con người mua bán, trao đổi hàng hóa trên sông nước bằng các phương tiện vận tải đường thủy, đó chính là chợ nổi. Rất nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long có chợ nổi, có thể kể đến như các chợ nổi Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), chợ An Hữu, Cái Bè (Tiền Giang), chợ Ngã Năm, Trà Men ở Sóc Trăng hay chợ Năm Căn, Thới Bình ở tỉnh Cà Mau... Liên quan đến mốc thời gian ra đời của chợ nổi, một số thương hồ (người buôn bán hàng hóa trên ghe, xuồng) cho biết, họ không rõ chợ chính xác có tự khi nào. Chỉ biết rằng từ thuở ấu thơ đã theo cha mẹ lên ghe, xuồng rong ruổi trên sông, khi lớn lên tại tiếp tục mưu sinh bằng nghề bán buôn nông sản, hàng hóa ở chợ nổi.

Còn từ góc độ nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nhân, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng: Chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long ra đời một cách tự nhiên từ hoạt động đi lại và mua bán trên sông của người dân. Vì lẽ đó, năm ra đời cụ thể của từng chợ chưa thấy tài liệu nào ghi chép lại. Qua tìm hiểu, tham vấn người dân địa phương cũng như cư dân thương hồ, chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) có thể được ra đời vào cuối thế kỉ XVIII còn chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) được hình thành vào đầu thế kỉ XX sau khi luồng lưu thông giữa sông Cần Thơ với rạch Cái Tư và sông Cái Lớn thuận tiện. Còn chợ nổi ở Cà Mau hay ở Long Xuyên, Châu Đốc (An Giang) có thể ra đời muộn hơn.

Hình thành gắn với đặc thù vùng sông nước, chợ nổi có vai trò rất quan trọng trong việc tiêu thụ hàng nông sản ở vùng, đem lại việc làm đáng kể cho người dân, góp phần cải thiện đời sống của cư dân thương hồ. Chợ nổi thực sự là bức tranh đầy màu sắc về kinh tế - văn hóa - xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long. Tại chợ, hình thức mua bán hàng hóa diễn ra trên cơ sở kết tinh giữa môi trường sông nước và tập quán mua bán trên sông của người dân trong suốt chiều dài lịch sử. Chợ cũng là nơi tiếp thị, giới thiệu nhiều loại đặc sản, nông sản, là điểm trung chuyển hàng hóa giúp gắn kết giữa khu vực thành thị với vùng nông thôn.

Tùy theo ngành hàng buôn bán ở chợ nổi, chợ buôn bán đa ngành hàng hay chuyên về trái cây, nông sản mà nhóm họp cả ngày hoặc chỉ một buổi, nhưng thường có điểm chung là đông nhất là vào buổi sáng sớm, thời điểm khoảng 3 - 5 giờ sáng tùy từng chợ.

Một điểm nổi bật khi nói đến hoạt động giao thương ở chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long là sự xuất hiện của những cây bẹo - cách thức tiếp thị, quảng cáo độc đáo, là dấu hiệu giúp người mua nhận biết trên ghe, xuồng bán loại nông sản, hàng hóa nào để ghé lại mua hàng.

Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Phỏng Diều: Cây bẹo được coi là linh hồn của chợ nổi, thường là cây sào làm bằng tre tầm vông, được sử dụng để treo lên đầu ngọn sào các loại trái cây, rau củ mà trên ghe có bày bán để từ xa người mua đã có thể nhận biết. Cây bẹo vì thế trở thành một quy ước, nét sáng tạo trong quảng cáo và tiếp thị từ rất sớm ở Đồng bằng sông Cửu Long

Còn Thạc sĩ Trần Thị Bích Thủy cho rằng, đây là cách quảng bá hàng hóa tại chỗ rất sinh động, cụ thể. Trước mũi ghe, người bán chỉ cần cắm hoặc gác một cây bẹo là sào dài, treo lủng lẳng trên đó những thứ nông sản hàng hóa mà họ muốn bán. Vì thế, đến chợ sẽ thấy có cây bẹo treo trái bí, trái bầu, có cây bẹo lại treo mấy trái xoài, chôm chôm, nhãn, thơm (dứa)… Đây là lối rao hàng độc đáo, không ồn ào, vồn vã, không níu kéo nhưng lại có sức thu hút khách hàng, là nét “văn hóa kinh doanh thương hồ” của chợ nổi.

Du khách nước ngoài thích thú trải nghiệm tại chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ).

Các thương hồ ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) chia sẻ thêm: Cây bẹo thường được họ sử dụng để giới thiệu các loại trái cây, rau củ, hàng tạp hóa… Nhưng cũng có những mặt hàng bán mà không treo lên cây bẹo như các xuồng, ghe bán hàng ăn uống và nước giải khát. Hoặc có những mặt hàng treo mà không bán là những bộ quần áo của chính những thương hồ phơi trên ghe. Một điểm nữa, trước đây khi chưa kết hợp với hoạt động du lịch, hầu hết các chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long là chợ bán sỉ (bán buôn) chứ ít bán lẻ nông sản, hàng hóa. Hằng ngày, sau khi khách mua sỉ đã gần hết họ mới chuyển sang bán lẻ hàng hóa.

Khẳng định chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long mang đậm bản sắc văn hóa vùng sông nước, theo Nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ Nhâm Hùng, chợ nổi còn là nơi hình thành nhiều điệu hò đối đáp độc đáo giữa những chàng trai thương hồ và cô gái miệt vườn, quen nhau ở chợ, giao lưu văn nghệ bằng các câu hò trên mênh mang sông nước như:

“Ơ ầu ơ… Chuyến này anh chở cát. Chuyến khác anh chở vôi. Anh làm sao cho duyên nợ lôi thôi, nay đổi, mai dời. Liệu bề anh có thương đặng trọn đời. Anh hãy thương, ơ ầu ơ…”.

Chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long mang đậm bản sắc văn hóa vùng sông nước.

Với giá trị văn hóa đặc sắc, văn hóa chợ nổi Cái Răng - một trong những chợ nổi tiêu biểu ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tạp chí du lịch Rough Guide (Anh) bình chọn chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới với các xuồng, ghe bán những hàng hóa rực rỡ sắc màu, hay trang website du lịch Youramazingplaces đã đưa chợ nổi Cái Răng vào danh sách những chợ nổi đẹp nhất ở châu Á.

Hình thành trên sông nước, chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long với những hàng hóa đặc sản được chuyên chở, bày bán trên ghe, xuồng, cách thức mời khách mua hàng độc đáo qua những cây bẹo cùng tiếng chào hỏi, trò chuyện chân tình, mộc mạc của người miền Tây đã trở thành sản phẩm du lịch có sức hút lớn với du khách trong và ngoài nước.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, chợ nổi còn là đặc trưng văn hóa, đặc sản du lịch, niềm tự hào của vùng đất, con người Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ Nhâm Hùng khẳng định.

Cảnh nhộn nhịp của chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ).

Trong số các chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long, những chợ nổi như: Cái Bè (Tiền Giang) và Cái Răng (Cần Thơ) đang được nhiều du khách trong và ngoài nước chọn làm điểm đến trong các chuyến tham quan khi đến miền Tây Nam Bộ. Theo khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, trong những năm gần đây, hơn 70% du khách trong và ngoài nước khi đến Cần Thơ đã chọn chợ nổi là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, Lê Thanh Phong: Từng có dịp đến chợ nổi ở một số nơi trên thế giới, càng nhận thấy sức hấp dẫn đặc biệt của chợ nổi Cái Răng - một chợ nổi tiêu biểu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi vì, ở chợ nổi này, những hoạt động giao thương hàng hóa là đời sống sinh hoạt thực tế của người dân chứ không phải chỉ là tái hiện, trình diễn hay chỉ tổ chức để chuyên bán hàng hóa cho du khách. Chính vì vậy, chợ thể hiện bản sắc văn hóa rõ nét, chân thực và sinh động của người dân vùng đồng bằng, khiến du khách cảm thấy rất thú vị.

Chị Đặng Thu Hiền ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) - du khách từng đến Cần Thơ, đi chợ nổi Cái Răng đã chia sẻ cảm nhận: “Sáng sớm, khí trời mát mẻ, làn gió sông thổi nhè nhẹ, đi chợ nổi, lắng nghe những âm thanh náo nhiệt, vang động trên cả một khúc sông, thưởng thức những đặc sản đậm chất miền Tây Nam Bộ do chính người dân vùng sông nước chế biến như: tô hủ tiếu, ly chè bà ba, bánh tằm bì, bánh chuối nướng, thấy thật thú vị và sảng khoái. Có dịp đến các chợ vùng cao của đồng bào Tây Bắc rồi lại đến chợ nổi ở sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, tôi khám phá, hiểu nhiều hơn về đời sống, phong tục, tập quán người dân từng vùng, miền của đất nước”.

Trải qua thời gian, cùng với nhiều thay đổi, đa dạng hình thức mua bán, giao thương hàng hóa, chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tồn tại, vừa có vai trò trong hoạt động thương mại vừa là sản phẩm du lịch của đồng bằng. Song, làm thế nào để gìn giữ, phát huy giá trị của chợ nổi một cách bền vững, làm phong phú, đa dạng hơn nữa những trải nghiệm cho du khách khi đến tham quan chợ nổi là điều nhiều chuyên gia, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp lĩnh vực du lịch, dịch vụ quan tâm.

Theo Phó Giáo sư Đào Ngọc Cảnh (Trường Đại học Cần Thơ), tài nguyên du lịch tuy rất quan trọng, nhưng chỉ là nguyên liệu để làm ra sản phẩm du lịch. Tựa như khi nấu ăn, dù đã có nguyên liệu tươi ngon, nhưng nếu không có đầu bếp giỏi thì chưa chắc đã có bữa ăn ngon. Vì vậy, từ tài nguyên du lịch phải qua sự đầu tư, sự sáng tạo của người làm du lịch trên cơ sở nắm bắt nhu cầu, thị hiếu du khách để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Lấy ví dụ từ chợ nổi Cái Răng, Phó Giáo sư Đào Ngọc Cảnh nêu ý kiến: Chợ nổi này được hình thành vào đầu thế kỉ XX, đến nay đã trở thành một trong những chợ nổi có tiếng không chỉ trong nước mà trên cả thế giới. Đối với chợ nổi Cái Răng, phát triển du lịch là tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Nhưng không thể nghĩ rằng, chợ nổi Cái Răng hấp dẫn thì cứ thế đưa du khách đến hoặc khách du lịch sẽ tự tìm đến. Quan niệm này dẫn đến tâm lý chỉ khai thác mà không đầu tư, làm cho sản phẩm du lịch chợ nổi sẽ dần trở nên đơn điệu. Hiện nay, hoạt động du lịch ở chợ nổi Cái Răng chưa tương xứng với tiềm năng, sản phẩm du lịch còn ít, chất lượng chưa cao.

Phát triển du lịch song vẫn giữ được cái hồn cốt của chợ nổi truyền thống, duy trì, đảm bảo đời sống của các thương hồ ở chợ nổi gắn với văn minh thương mại, bảo vệ môi trường là rất cần thiết. Do đó, nên thành lập Trung tâm dịch vụ du lịch chợ nổi với các chức năng như kiểm tra, giám sát các dịch vụ du lịch chợ nổi, đảm bảo kinh doanh du lịch văn minh, bảo đảm an ninh trật tự, tổ chức các tour - tuyến du lịch kết nối chợ nổi Cái Răng với các điểm du lịch lân cận và tổ chức hoạt động thông tin, quảng bá du lịch.

Văn hóa chợ nổi Cái Răng đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cũng theo Phó Giáo sư Đào Ngọc Cảnh, để sản phẩm du lịch ngày càng phát triển đa dạng, đáp ứng nhu cầu khách du lịch, nâng cao hình ảnh và thương hiệu du lịch chợ nổi, cần phát triển các loại dịch vụ bán đặc sản, quà lưu niệm, tổ chức song song tại khu dịch vụ trên bờ và tại các ghe xuồng bán lẻ, tạo sự đa dạng cho khách lựa chọn. Đồng thời, cần hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch chợ nổi, nhất là trái cây, thực phẩm, quà lưu niệm mang bản sắc văn hóa sông nước; khuyến khích người dân địa phương tham gia nhiều hơn các dịch vụ như chèo thuyền đưa khách tham quan chợ nổi, bán lẻ trái cây, đồ ăn uống, quà lưu niệm và đặc sản địa phương. Các dịch vụ này phải được đầu tư bài bản và được quản lý chặt chẽ. Các phương tiện chở khách tham quan chợ nổi phải thiết kế theo mẫu thống nhất, đảm bảo an toàn, người tham gia làm dịch vụ phải đăng ký và tuân thủ sự điều hành của cơ quan chứng năng. Ngoài ra, cần đặc biệt quan tâm việc tổ chức hoạt động thu gom rác, vớt rác trên sông, đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo sự phát triển bền vững.

Khẳng định chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cư dân phương Nam, Thạc sĩ Trần Thị Bích Thủy, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, sự phát triển của đất nước, của công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đòi hỏi chợ nổi phải “chuyển mình” sao cho phù hợp với thời đại, để vừa tồn tại và phát triển, vừa giữ được văn hóa truyền thống. Do đó, quy hoạch lại hoạt động của chợ nổi là rất cần thiết. Nên chọn một số chợ nổi tiêu biểu, kết hợp với các làng nghề, nhà vườn, nhà hàng... tạo thành khu liên hợp, vừa là điểm du lịch sinh thái, nghỉ ngơi, để du khách vừa có thể tự trải nghiệm cảm giác làm thương hồ, họ có nơi khám phá, học tập, nghiên cứu, thưởng thức các món ngon, vật lạ, đặc sản của vùng đất Nam Bộ.

Cùng với đó, chính quyền địa phương, ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, hiểu rõ di sản văn hóa là nền tảng để thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, đồng thời, phát triển du lịch nhằm tạo nguồn lực thuận lợi cho công tác bảo tồn, phát huy di sản, trong đó có di sản văn hóa chợ nổi.

Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) là điểm tham quan du lịch đặc sắc của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng.

Bài: Thanh Trà Ảnh: TTXVN - Bảo An Biên tập: Kỳ Thư Trình bày: Nguyễn Hà

22/01/2022 05:30

Từ khóa » Chợ Nổi