Mẹo đặt Phòng Khách Sạn Giá Rẻ - Cách Săn “deal ... - WOWWEEKEND

Sau khi biết được cách lựa chọn và phân biệt được website đặt phòng ở phần 1, WOWWEEKEND xin chia sẻ đến các bạn những mẹo đơn giản giúp bạn có thể “săn” được phòng tốt nhất với giá rẻ nhất có thể.

Trước khi vào bài viết, các bạn cần phải biết những thông tin sau:

- Những mẹo chia sẻ bên dưới phù hợp với mục đích du lịch hơn là công tác, dành cho những người du lịch tiết kiệm nhưng vẫn muốn tận hưởng những dịch vụ nghỉ dưỡng tốt nhất (3-5 sao).

- Không áp dụng với những khách sạn, resort quốc tế tiêu chuẩn “luxury”.

- Booking đặt phòng khách sạn được tính bằng đêm, thời gian check-in (nhận phòng) sau 14h, check-out (trả phòng) trước 12h trưa. Tuỳ theo chính sách, công suất phòng và thương lượng giữa bạn và khách sạn mà có thể cho phép trả phòng trễ mà không thu thêm phí.

- Phải có thẻ tín dụng (credit) hoặc ghi nợ quốc tế (debit) để thanh toán hoặc "làm tin".

Chỉ cần nắm được những mẹo đơn giản là bạn có thể dễ dàng săn được “deal” đặt phòng giá rẻ với chất lượng ngang bằng giá thông thường

MẸO SĂN “DEAL” ĐẶT PHÒNG GIÁ RẺ

1. Đăng ký thành viên các website đặt phòng:

Đây là bước cực kỳ quan trọng, quyết định thành bại của chiến dịch “đặt phòng giá rẻ”. Vì sau khi đăng ký thành viên bạn sẽ biết được:

- Tất cả chương trình khuyến mãi của website đặt phòng.

- Những "deal hot", độc quyền của khách sạn, resort.

- Mã giảm giá dành riêng cho từng tài khoản (sẽ giải thích rõ hơn ở cách số 7).

- Nhận mã đặt phòng (booking confirmation) từ khách sạn.

… và rất nhiều thông tin khác nữa.

Cách đăng ký cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần truy cập vào website của các trang đặt phòng. Nhấn đăng ký (thường ở góc phải trên cùng website) bằng email cá nhân của mình

Email thông báo giảm giá từ Booking.com

2. Hạn chế đặt phòng vào mùa cao điểm, ngày cuối tuần:

Mùa cao điểm ở mỗi nơi sẽ khác nhau, thường dựa vào thời tiết, vị trí địa lý, thiên nhiên và mùa lễ hội ở nơi ấy.

Tham khảo mùa cao điểm một số vùng ở Việt Nam như sau:

- Miền Bắc: Tháng 10 – tháng 3: Mùa hoa ở Tây Bắc, mùa lễ hội kéo dài đến qua tết.

- Miền Trung (những tỉnh giáp biển): Tháng 5 – tháng 9: Mùa hè nắng nóng.

- Tây Nguyên (Đà Lạt): Cuối năm – tháng 4, mùa hè thường mưa.

- Miền Nam (Tp.HCM): Tháng 11 – tháng 4: Mùa khô ở miền Nam.

- Miền Tây: Mùa nước nổi tầm tháng 10, 11 kéo dài đến tết.

Bên cạnh mùa cao điểm, những ngày cuối tuần: thứ 6, 7 (chủ nhật không phải ngày cao điểm vì thông thường trưa 12h chủ nhật là ngày khách trả phòng) thường giá phòng sẽ cao hơn ngày thường và khó tìm được phòng giá rẻ vào thời điểm này.

3. So sánh giá phòng:

Có 2 cách để so sánh giá phòng:

- Cách 1: So sánh giá phòng của các khách sạn trên cùng 1 website đặt phòng.

Một tính năng so sánh giá phòng khách sạn trên Agoda: cùng hạng sao, đánh giá từ khách hàng khác "tuyệt vời", "vị trí tốt"… giúp bạn dễ dàng lựa chọn hơn

- Cách 2: So sánh giá phòng của khách sạn trên nhiều website đặt phòng cùng lúc.

Đơn giản có thể hiểu là, một khách sạn có thể đăng bán phòng trên nhiều website và tự điều chỉnh mức giá theo từng thời điểm, hoặc có thể ký kết một chương trình ưu đãi độc quyền trên một website nào đó. Đây là cách giúp bạn dễ tìm được website có giá rẻ nhất với cùng một loại phòng, tiêu chuẩn như nhau.

Trivago là website so sánh giá phòng khách sạn trên nhiều website đặt phòng khác nhau, giúp bạn biết được cùng 1 loại phòng, của cùng 1 khách sạn thì đặt ở website nào rẻ nhất.

4. Tìm hiểu các chương trình khuyến mãi trước khi đặt:

Mỗi website sẽ có những chương trình ưu đãi riêng. Chính vì vậy, khi bạn đã trở thành thành viên thì chắc chắn sẽ nhận được thông tin khuyến mãi. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu các chương trình ưu đãi giảm giá do website kết hợp với các ngân hàng…

Trang thông tin khuyến mãi của Traveloka

5. Last minutes booking (Đặt phòng giờ chót, đặt phòng sát ngày, sát giờ…):

Không như vé máy bay, nhiều người cứ lầm tưởng là đặt khách sạn càng sớm giá càng rẻ, điều này không sai nhưng chưa đúng hoàn toàn. Bạn không có nhiều lựa chọn di chuyển nhưng có rất nhiều lựa chọn khách sạn tại một điểm du lịch nào đó. Vì thế việc "cancel booking" (huỷ đặt chỗ), "no show" (khách không đến), thay đổi lịch trình phút chót, hoặc bạn bị trễ chuyến bay đến nơi đôi khi quá khuya… là việc xảy ra thường xuyên đối với ngành dịch vụ lưu trú. Đặt phòng giờ chót ra đời để giải quyết việc lấp đầy công suất tối đa phòng trống cho các khách sạn, đổi lại khách sạn phải “down giá cực sốc” để kích thích khách đặt phòng ngay.

Áp dụng cùng lúc giảm giá trên Agoda + giảm Last minutes (Giảm giá giờ chót) và Giảm giá 24h (chỉ áp dụng trong 24h) của 1 khách sạn 4 sao ngay phố cổ Hà Nội đã giúp giá phòng chỉ còn hơn 900K/đêm trong khi giá gốc là hơn 6 triệu đồng

Nổi tiếng nhất có thể kể đến app HotelQuickly - ứng dụng đặt phòng giờ chót hoặc tính năng đặt phòng giờ chót trên Traveloka, Agoda… Hoặc một số chủ nhà trên Airbnb hay Luxstay sẵn sàng giảm giá phòng ngày trống ở giữa 2 booking đặt phòng để lấp đầy công suất.

6. Săn “deal” độc quyền, ưu đãi bí mật:

Thường một số khách sạn trên website Agoda sẽ có những ưu đãi độc quyền giảm lên đến 70%, 80%, 90%... bạn dễ dàng đặt được phòng giá rẻ nhưng lại được phục vụ tiêu chuẩn 4 - 5 sao.

Để tìm được những khuyến mãi “khủng” như thế bạn chỉ có cách thường xuyên tìm kiếm trên website thôi. Nếu thấy giá tốt thì phải đặt ngay kẻo lỡ.

Ưu đãi giảm giá trong ngày thường chỉ diễn ra trên Agoda, bên cạnh đó khi bạn đăng nhập tài khoản sẽ nhận thêm ưu đãi lên đến 30%

7. Bỏ “phòng vào giỏ” nhưng không đặt ngay:

Nếu đã từng mua hàng ở các website thương mại điện tử (TMĐT) như Tiki, Lazada… thì khi bạn chọn một sản phẩm nào đó bỏ vào giỏ hàng, đến bước chuẩn bị thanh toán nhưng bạn quyết định không mua nữa. Khoảng vài giờ sau, hoặc vài ngày sau bạn sẽ nhận được email thông báo về việc bạn đã “bỏ quên” món hàng ấy và yêu cầu bạn vào mua lại. Đặt phòng cũng vậy, khi bạn đã chọn khách sạn, loại phòng ưng ý rồi nhưng đến bước cuối cùng bạn không đặt nữa thì bạn sẽ nhận được email của bên website kèm thêm một mã giảm giá (thường xảy ra ở Booking.com, Agoda), đây chính là điểm khác biệt lớn đối với website TMĐT thường thấy.

Email của Agoda tặng thêm mã giảm giá lên đến 500K sau khi đã xem phòng nhưng không đặt

8. Đặt trực tiếp với khách sạn:

Thông thường khi khách sạn đăng bán phòng trên các website như Agoda, Booking.com,… phải trả 15% phí hoa hồng cho các website ấy khi có khách đặt phòng thành công. Ở một số khách sạn nhỏ, chính sách giá phòng sẽ linh hoạt hơn khách sạn lớn. Vì thế, bạn có thể gọi điện thoại đặt trực tiếp hoặc qua kênh Facebook của khách sạn, rất có thể bạn sẽ nhận được giá ưu đãi hơn. Chúng tôi không khuyến khích bạn sử dụng cách này vì khi đặt trực tiếp với khách sạn bạn phải thanh toán cọc trước, nếu gặp những rủi ro về thanh toán như: đặt rồi nhưng khách sạn không giữ phòng, tự đổi loại phòng so với thoả thuận ban đầu… ngay lúc đó bạn phải tự giải quyết những rắc rối "không đáng có" như trên. Nhưng khi bạn đặt qua các website, bạn sẽ được đảm bảo quyền lợi đặt phòng hơn.

Hi vọng với những cách cơ bản trên bạn sẽ tìm được những khách sạn tốt nhất với giá tiết kiệm nhất. Sẽ càng tiết kiệm hơn nếu bạn kết hợp với “Hướng dẫn đặt vé máy bay giá rẻ” phần 1 và phần 2 đã đăng tải trên WOWWEEKEND.

Từ khóa » đặt Ks Giá Rẻ