Mẹo Giúp Bạn ăn Nói Khéo Léo Hơn Trong Mắt Mọi Người

Bạn thường không gặp may mắn trong các mối quan hệ vì không biết cách giao tiếp hiệu quả? Hay nói chính xác hơn là bạn bị mọi người coi là không khéo léo trong các nói chuyện.

Có những cách giúp bạn trở nên “khéo” hơn theo hướng tích cực mà bạn chưa biết đấy!

Hầu hết mọi người đều thích “buôn chuyện”, kêu ca, đôi khi là nói xấu sau lưng người khác. Điều đó không đúng.

Bạn phải nói KHÔNG với những hành động đó. Bạn hãy chỉ nói ra những điều tích cực, tốt đẹp và lời khen (tất nhiên phải chân thành). Mọi người đánh giá bạn không chỉ ở điều bạn nói ra mà còn cả cách bạn nói (Quy tắc 2). Vì vậy, hãy trở thành một người nào đó, lạc quan và thân thiện chẳng hạn.

Mẹo ăn nói khéo léo hơn

Dưới đây là những mẹo giúp bạn trở thành người ăn nói khéo léo hơn:

1. Đừng buôn chuyện

Mọi thứ không liên quan đến công việc của công ty, hoặc là của bạn, thì, ” Nó liên quan gì tới tôi?” Bạn hãy đọc câu hỏi như thế với bản thân mình, hoặc kẻ “buôn chuyện” (Nhưng tôi khuyên là nên khéo léo, tốt nhất là im lặng, đặt câu hỏi ngược giống dội một gáo nước lạnh vào người đó, và điều đó không tốt cho cả hai)

Trừ trường hợp bạn là người trong cuộc và có liên quan gần gũi với nhân vật được đề cập trong chuyện, bạn cần phải quan tâm và khai thác một cách khéo léo, còn lại, ĐỪNG BUÔN CHUYỆN.

Nhưng bạn nên lắng nghe, cái gì cũng có nhiều mặt của nó, biết đâu có chi tiết nào giúp ích cho bạn trong công việc?

Quy tắc: Hãy lắng nghe, nhưng đừng tiếp tục kể chuyện đó với người khác, hoặc là không cần phải nghe, nếu đối tượng “đi buôn” không nhắm đến bạn là khán giả.

Buôn chuyện là sản phẩm của những cái đầu rỗi rãi – không có việc gì phải làm. Đó cũng có thể là “năng khiếu” của những người làm việc nhiều mà không cần dùng đến trí óc là mấy (về cả thời gian dùng và hiệu suất dùng). Vì thế họ làm cho mình trở nên bận rộn bằng những câu chuyện ngớ ngẩn, vô nghĩa, kể tôi nhau, bịa chuyện, nói dối và những câu chuyện có thể làm ảnh hưởng tới người khác.

Bạn cũng nên để ý và khéo léo một chút, nếu bạn không tham gia, họ sẽ cho rằng bạn quá khắt khe hoặc hợm hĩnh, bạn cần phải khéo léo, vẫn là nguyên tắc đừng đem chuyện đó đi kể với người khác, bạn chỉ đơn giản là giao tiếp như thể cho họ thấy, bạn đang tiếp nhận thông tin một cách đầy đủ và rõ ràng, đó cũng là ý định của những kẻ buôn chuyện, có người nói thì có kẻ nghe. Và bạn cũng phải thật biết kiềm chế cảm xúc, đừng gắt gỏng (bởi tính phiền hà của họ) và đi nói với người khác về hành động của họ, ĐỪNG như thế.

2. Đừng kêu ca, phàn nàn

Cuộc sống không công bằng, đúng là như vậy. Nhưng tôi muốn chia sẻ với bạn một chút về cách suy nghĩ của tôi về 2 chữ công bằng.

Thực ra, cuộc sống “RẤT CÔNG BẰNG”. Bởi vì tất cả mọi người trong mỗi hoàn cảnh, mỗi địa vị xã hội, mỗi số phận v.v.. Đều nhận được những thử thách (bất công) khác nhau, nếu chúng ta xem đó là cơ hội để vươn lên, thì nó chính là một cơ hội tốt để phát triển bản thân. Một khi mọi người nhận sự “bất công” như nhau (hiểu theo nghĩa đối với từng người), thì cuộc sống “RẤT ĐANG CÔNG BẰNG” với tất cả.

Đôi khi đồng nghiệp trốn việc đi chơi còn ta phải làm thêm việc, sếp không đủ chuyên môn để hiếu ý bạn trình bày, những kẻ dốt nát bợ đỡ thì được thăng chức, đôi khi bạn có quá nhiều thứ phải làm, các hệ thống công việc thì bất hợp lý, những kẻ vớ vẩn thì luôn cản đường bạn. THẬT BẤT CÔNG phải không?

Nhưng liệu kêu ca, phàn nàn phỏng có ích gì cho bạn? Có thay đổi được điều gì không? Hay chỉ làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn?

Nó làm mất thời gian của bạn, làm bạn rối trí, nó là một việc làm vô ích, không giải quyết được gì cả. Và thường thì nó mang lại hậu quả:

Mọi người coi bạn là người nhàn rỗi, vụn vặt và tầm thường, khiến bạn có thể trở thành kẻ lắm điều, suốt ngày đổ lỗi cho người khác và trông có vẻ chán nản.

Lãng phí thời gian

Trở thành đồng minh của những kẻ “buôn chuyện”

Mang tiếng là người không bao giờ làm việc hiệu quả

Tạo ra vòng luẩn quẩn làm bạn chán nản với công việc

Trước khi định kêu ca cái gì, tốt nhất bạn nên tìm cách giải quyết vấn đề đó, cho mình thời gian nghiền ngẫm và tìm ra giải pháp tối ưu.

Kêu ca dễ trở thành nói xấu, và nếu bạn định kêu ca về một ai đó, tốt nhất có thể là nên đến trước mặt họ nói chuyện, giải bày.

NẾU KHÔNG NÓI ĐƯỢC GÌ TỬ TẾ, THÌ HÃY IM LẶNG

3. Ủng hộ và giúp đỡ những người khác

Hãy ủng hộ người khác, cho dù người đó thật khó để ủng hộ và không xứng đáng được giúp đỡ.

Con người đều có những điểm tốt đẹp nào đó, hãy cho họ thêm thời gian, và bạn sẽ nhận ra những điểm tốt đó.

Hãy kiên trì, vì đây là một việc khó khăn. Dưới mắt mọi người, bạn sẽ trở thành một người đáng tin cậy, thân thiện và tràn đầy sức mạnh. Điều đó sẽ mang lại cho bạn một “lớp bảo vệ” vô hình trước những “đòn đánh” bất ngờ từ những tình huống tiêu cực xảy ra ở công ty.

Nó hình thành một mối liên hệ vô hình với những người bạn bảo vệ, và họ sẽ bảo vệ bạn trước những nguy cơ khác, họ sẽ nói cho bạn biết nếu có ai đó muốn gây khó dễ cho bạn. Họ sẽ cố gắng mọi thứ vì sự quan tâm của bạn đã dành cho họ. Nếu bạn cần được giúp đỡ, họ sẽ là những người đồng đội đáng tin cậy.

Và tiếng lành thì đồn xa, bạn luôn biết cách bênh vực kẻ yếu, luôn thông cảm và ít nhất cũng tìm được một vài điều tốt còn sót lại của một vài kẻ tồi tệ nhất có thể.

Nhưng, mọi thứ phải xuất phát từ tấm lòng chân thật và tự nguyện. Nó cần phải nhưu thế, bịa đặt hay nói dối chẳng ích gì. Hãy tìm những lý do thật chính xác (Logic) để giải thích về điểm mạnh nào đó của một người, nó rất hữu ích, thay vì bạn chỉ “cảm giác” là thế.

4. Khen người khác một cách thật lòng

Những lời khen phải đúng sự thật, chân thành, nhiều ý nghĩa và không khoa trương. Trở thành một người luôn biết cách khen người khác là một điều rất khó. Bạn rất có thể bị trở thành một kẻ “xu nịnh”. Tuy nhiên, nếu chân thành và khéo léo, bạn sẽ thật sự “xé” được cái nhãn đó.

Hãy thật tự nhiên. Bạn cần phải có một tips (mẹo) nhỏ:

Bước 1: Đặt lời khen

Bước 2: Đặt câu hỏi

Ví dụ: Răng bạn thật đẹp! Làm cách nào để bạn được như vậy?

Khi khen, không nên tỏ thái độ thái quá, nó làm cho người được khen ngượng, hoặc là có cảm giác rất xấu hổ (bởi nó không đúng với những gì thực tế mà họ thấy).

Hãy thích mà thôi, đừng có “yêu”.

Đừng có: Trời ơi, mình yêu bộ váy mới của bạn quá, nó thật đáng yêu, mình muốn mặc thử, mình muốn dùng thừ v.v…

Một vài câu nói bạn có thể luyện tập:

Tôi thật sự thích……

Tôi rất thích……..

Phải nói thật là tôi thích…. Lắm

Tôi khá ấn tượng với……..

Tôi nghĩ rằng bạn đã làm rất tốt…. Bởi vì….

Cách bạn làm….thật sự đáng học hỏi…

Hãy khen đúng chỗ, đúng lúc, và liên quan đến công việc của cả 2 đang làm.

5. Vui vẻ và lạc quan

Bạn lạc quan thì không những có ích cho sức khỏe của bạn mà con có ích cho sức khỏe của người xung quanh. Bởi lúc đó bạn biến thành một kiểu người mà căng thẳng và phiền muộn sẽ phải tránh xa. Mọi người sẽ nghĩ đến bạn như một người lạc quan, yêu đời, hòa nhã, và tự tin v.v…

Ngoài trời thì mưa, bầu trời thì u ám, cảnh kẹt xe, ùn tắc thật chán nản, khói bụi mịt mù, lạm phát thì tăng, giá xăng thì không chịu giảm, người hàng xóm thì hay dẫn con cún sang “ị” nhà bạn, sếp thì đang nổi cáu v.v… Như vậy thì sao?

Đó là những lý do không đủ mạnh để bạn thôi mỉm cười. Qua cơn mưa trời lại sáng, vậy bạn cứ “sáng ” trước khi trời thôi mưa đi, có hại gì ai. Hãy cứ luôn vui vẻ. Chỉ cần bạn có niềm tin là cuộc sống lúc nào cũng tốt đẹp, thì mọi chuyện sẽ tích cực hơn nhiều.

Đây là một “thủ thuật” có khoa học, gọi là NLP – lập trình ngôn ngữ tư duy, giúp bạn định hình suy nghĩ, thái độ và niềm tin của mình theo hướng mà bạn mong muốn. Từ đó giúp cơ thể bạn tiết ra những chất hóa học phù hợp để kích thich sự hưng phấn, giúp bạn luôn vui vẻ và sảng khoái.

Và hãy luyện tập nó thành thói quen, bởi không phải bạn chỉ cười ngày 1 ngày 2, chỉ cần rèn luyện từ 3 đến 5 tuần, nó sẽ hình thành nên thói quen tích cực này cho bạn.

Mọi người sẽ ở bên cạnh bạn nhiều hơn, đó là một dấu hiệu chứng tỏ việc làm của bạn đã hiệu quả, bởi không gì hấp dẫn hơn một người lạc quan và yêu đời.

6. Biết cách đặt câu hỏi

Đặt câu hỏi phải phụ thuộc vào tình huống, không phải lúc nào tình thế cũng cho phép bạn đặt câu hỏi, nhưng hầu hết các trường hợp, đặt câu hỏi thông minh là một cách để bạn có thể:

Được đánh giá là làm việc hiệu quả, rõ ràng

Được đánh giá là người chủ động, dễ thành công hơn

Trở nên là một người khôn ngoan trong mắt đồng nghiệp

Đặt ra câu hỏi cho thấy bạn đang chú ý, quan tâm, thích thú với vấn đề được đề cập. Đặt câu hỏi cho thấy bạn là người có suy nghĩ, biết suy xét, thông minh và sáng tạo.

Đôi khi đặt câu hỏi sẽ giúp bạn thoát ra khỏi tinh trạng ngốc nghếch, chán nản, lười biếng. Đặt câu hỏi cũng giúp bạn tránh rắc rối khi giao tiếp công việc với người khác, tránh những hiểu lầm đáng tiếc. Đặt câu hỏi đôi khi giúp bạn từ chối nhận những công việc không nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Và đôi khi đặt câu hỏi là để không đồng ý về vấn đề gì đó, nhưng khong thông qua nhận định trực tiếp thẳng thừng.

Nhưng muốn đặt câu hỏi không phải dễ, nhất là nó đòi hỏi bạn phải chân thành, quan tâm đến đồng nghiệp, nhẹ nhàng và đôi khi phải thật “đắt giá”, ĐỪNG ĐẶT CÂU HỎI MÀ BẠN CHỈ CẦN SUY NGHĨ THÊM MỘT TÍ NỮA LÀ CÓ CÂU TRẢ LỜI

Tuy nhiên, lạm dụng cách đặt câu hỏi thì cũng không hay tí nào, nếu người ta chưa kịp giải thích hết, hoặc đối với những vấn đề cực kỳ giản đơn mà bạn cũng phải hỏi, thì đó là tình trạng của sự “lười suy nghĩ”, không động não v.v… và không ai thích làm việc với người như vậy cả, vì suốt ngày phải giải thích cho họ những vấn đề mà họ không tự suy nghĩ lấy được.

Tránh đặt câu hỏi xen vào đời tư, chi nên đặt câu liên quan đến công việc.

Giữa câu hỏi tọc mạch và câu hỏi quan tâm có lằn ranh rất mỏng manh, bạn phải thật khéo léo tận dụng câu hỏi quan tâm, bởi nó sẽ giúp phát triển mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp.

Ví dụ: Chiếc áo mới đẹp thế, bạn mua có tốn nhiều tiền không?

7. Biết nói cảm ơn và dùng từ nhẹ nhàng khi nhờ người khác

Đây là một phép lịch sự tối thiểu, nhưng đôi khi trong giao tiếp thường ngày, nó mang lại hiệu quả đến không ngờ.

Bất kể chuyện gì bạn cũng nên cảm ơn nếu người ta giúp bạn (dù lớn hay nhỏ), và tùy trường hợp mà dùng thái độ, giọng điệu phù hợp để gửi thông điệp thân thiện của bạn tới đối phương.

Những lời nói của bạn có thể làm người đối diện vui vẻ, hoặc chán nản là tùy thuộc vào bạn.

Mỗi khi nói cảm ơn và khi nhờ vả người khác, bạn hãy thật khéo léo và thật lòng, bạn sẽ thấy hiệu quả trên cả sự mong đợi của mình trong việc giao tiếp với đồng nghiệp, Đó là sức mạnh của sự tử tế và tôn trọng.

Bạn sẽ cảm ơn khi:

Người ta giúp đỡ bạn

Quan tâm đến bạn

Khen bạn (nhất là khi khen bạn, bạn đừng nói kiểu khiêm tốn “ôi dào, không có gì”, “chuyện nhỏ ý mà…”, đừng như vậy, hãy đơn giản là cảm ơn.

Nhận xét về bạn

8. Không chửi thề, chửi tục, nói tục tĩu, ẩn ý bậy bạ

Tôi biết rằng tất cả chúng ta đều có suy nghĩ về những câu chửi thề, một số ít đã “dùng thử”, và có một số thì dùng như câu cửa miệng. Nhiều người cho rằng chửi thề là…. sành điệu, là theo kịp thời đại. Thành thật mà nói, ĐỪNG CHỬI THỀ ở môi trường làm việc, đó là việc làm hạ thấp lòng tự trọng của bạn.

Không chửi thề, chửi tục, nói tục tĩu và bậy bạ v.v… bạn sẽ được bảo vệ thoát khỏi những tình huống “tế nhị”

Người ta thường chửi thề khi:

Mọi thứ diễn ra không đúng như mong đợi

Gặp khách hàng khó tính (thường chửi thầm)

Gặp Sếp ứng xử làm mình không hài lòng

Và đôi khi là… chửi cả khách hàng hoặc đồng nghiệp.

Thói quen

Thích chửi để tỏ vẻ là sành điệu

Báng bổ tôn giáo

Những lúc đó, giống như bạn đem một “quả bom nổ chậm” trên người, nó có thể gây hại bất cứ lúc nào ảnh hưởng đến bạn.

Nếu không chửi thể, nói tục tĩu và chửi bậy, bạn sẽ chẳng tốn thời gian để làm sao để nghĩ bậy và làm bậy.

9. Hãy là một người lắng nghe kiên nhẫn

Không nên trở thành một “chuyên gia tư vấn tâm lý” tất tần tật. Bạn không có nhiều thời gian cho nhiều người. Và đó không phải là một người lắng nghe, mà người đó chỉ đơn thuần là một nơi mọi người muốn kể khổ và tìm sự thông cảm, đồng cảm, bạn không nên như thế.

Để lẳng nghe tốt, bạn nên có những động thái sau:

Trả lời hoặc đặt câu nối tiếp câu chuyện để người ta biết mình đang lắng nghe và muốn nghe cho tỏ ngọn ngành

Dáng điệu thích hợp, đừng nhìn lung tung, đang nói người này lại nói với người khác, đang nói thì nghe điện thoại hoặc nhắn tin mất tập trung. Kẻ mà đang nói chuyện với người này nhảy qua người khác, rồi làm những điều khác thì không nên tiếp xúc nhiều, bởi kẻ đó không có được sự tôn trọng cần thiết, sẽ khiến bạn thêm bực mình

Nhắc lại một số ý của người nói, thi thoảng hỏi xem “tôi hiểu vậy có đúng ý bạn nói không” để mang lại hiệu quả giao tiếp cao nhất

Bảo họ nhắc lại một số thông tin mà bạn quan tâm

Đặt câu hỏi tiếp nối

Ghi chép, nếu cần thiết

Trở thành một người lắng nghe giỏi, bạn sẽ đạt được nhiều lợi ích:

Có thêm thông tin

Hiểu biết hơn về những điều xung quanh

Được giúp đỡ mọi người nhiều hơn

Và các vấn đề về con người khác

Lắng nghe và thấu hiểu là một kỹ năng, thói quen mà bạn phải học tập và rèn luyện mới có.

Đừng lắng nghe để đối đáp, hãy lắng nghe để thấu hiểu (thói quen thứ 5 trong 7 thói quen thành đạt)

10. Không nói những điều vô nghĩa, vớ vẩn

Tránh nói những điều như vậy để bạn rèn luyện bản thân trở thành người thông minh, chững chạc, đáng tin cậy. Có biết bao nhiêu cuộc đời tan nát chỉ những lời nói vớ vẩn không suy nghĩ, và những lời nói không ác ý nhưng lại gây hại cho người khác, khiến cuộc đời của những người khác cũng chuyển màu xám theo.

Bạn cần tránh:

Nói ám chỉ, nói bóng gió về những điều không tốt

Bình phẩm hoặc buôn chuyện để gây tổn hại đến uy tín của người khác trong một đám đông (lúc người đó vắng mặt)

Có thành kiến về tôn giáo, giới tính

Tỏ ra bề trên (như là sếp người ta)

Nói những lời kiêu căng, tự tin thái quá

Nói những lời mất bình tĩnh làm tổn thương người khác

Nói tục

Phàn nàn, kêu ca

Nói những lời quan tâm đến cái gì đó mà không cần thiết (nhiều chuyện)

Hãy là người khôn ngoan nếu bạn biết cách thỉnh thoảng mới cất tiếng chứ không phải lúc nào cũng huyên thuyên, nói dài dòng và dông dài. Nếu bạn không kiểm soát được lời nói của mình, có khả năng lớn là những lời nói đó quay lại hại bạn.

Bớt nói lại, bạn sẽ tránh phải tật “nói suông” – nói rồi quên mà không thực hiện.

Và phải chắc chắn những điều bạn nói ra phải có giá trị, có ảnh hưởng, hay giúp ích được cho người khác.

Lời nói của bạn thể hiện con người bạn một cách rõ nhất, chỉ cần nghe bạn nói thì người khác có thể hiểu được bạn.

Hãy thể hiện sự khéo léo tài giỏi của bạn qua lời nói, thái độ khi nói chuyện

Lời lẽ của một người thể hiện rõ bối cảnh gia đình, hoàn cảnh giáo dục và địa vị của người ấy.

Trò chuyện là công cụ hữu hiệu nhất để phán đoán địa vị xã hội, kinh nghiệm sống, bối cảnh trưởng thành và độ tin cậy của một người lạ. Nội dung và kỹ xảo nói chuyện cũng là thước đo phẩm chất tư cách chân thực của một người.

Có thể qua chuyện trò người ta nắm được một cách mạch lạc tư tưởng và sự tu dưỡng cá nhân của một con người nào đó. Cho dù bạn có bao nhiêu thành tích, tiền của, bạn giàu có đến đâu, trình độ học vấn của bạn cao đến đâu, lời nói của bạn sẽ miêu tả sinh động câu chuyện của bạn, từng câu, từng từ, đã khắc họa hình tượng của bạn. Bạn chọn dùng pháp ngữ, ngôn từ, ngữ âm, khẩu âm v.v… như thế nào, mọi người sẽ hình dung ra hoàn cảnh sống của bạn, hình dung ra con người bạn.

Có không ít người được người khác mến mộ, họ thường là những người ăn nói có duyên, giỏi đối đáp. Ấn tượng đầu tiên, quan trọng nhất là khi giao tiếp, người giao tiếp giỏi dể để lại ấn tượng đầu tiên sâu sắc với đối tượng mà họ giao tiếp. Ăn nói lịch sự, cử chỉ lịch thiệp trang nhã có thể làm cho bạn nhận được sự hoan nghênh, nó giúp ích cho sự thành công của bạn trong sự nghiệp và trong cuộc sống. Có rất nhiều người thành đạt một phần là nhờ họ giỏi thuyết phục, đối đáp nhanh và thông minh.

Ăn nói, giao tiếp khôn ngoan, lịch sự là một thói quen tốt có lợi cho cả cuộc đời bạn. Điều này sẽ giúp cho bạn xây dựng được hình ảnh cá nhân tốt trong mắt đối phương.

Đại đa số mọi người đều muốn tiếp xúc với người ăn nói lịch sự, khéo léo, hiểu biết sâu rộng, bởi vì trò chuỵên với người ấy thực ra giống như một sự hưởng thụ. Khi giao tiếp với một người ăn nói dễ nghe, âm thanh rủ rỉ giống như âm nhạc rót vào tai ta, làm rung động tâm hồn ta, hoặc làm cho tinh thần ta phấn chấn, hoặc có thể an ủi khích lệ ta làm nên những điều tốt đẹp.

Cho dù trong trường hợp nào, nếu bạn có thể diễn đạt điều mình muốn nói một cách rõ ràng, khúc chiết nếu bạn biết dùng ngôn từ đẹp, lại cộng thêm ngữ điệu lên bổng xuống trầm, thì bạn có thể lôi cuốn hấp dẫn người giao tiếp với bạn. Cử chỉ lịch thiệp, lời nói tao nhã có thể giúp cho sự nghiệp của bạn thành công. Nếu bạn lại giỏi ăn nói, cộng thêm những cử chỉ trang nhã thì trong bất kỳ trường hợp nào bạn đều có thể vượt qua mọi trở ngại, nhận được sự hoan nghênh và ủng hộ của mọi người.

Trong thực tế cuộc sống, có những người luôn chú ý bồi dưỡng năng lực ngôn ngữ của mình, bồi dưỡng cho mình có thói quen diễn đạt tốt, song cũng có những người không có thói quen đó, thậm chí không có ý thức bồi dưỡng thói quen đó.

Ngay từ bây giờ, bạn có thể bắt đầu bồi dưỡng sự ăn nói lịch sự cho mình! Điều này vừa nhẹ nhàng vừa dễ thực hiện. sách báo, tạp chí hướng dẫn về cách diễn thuyết rất nhiều, chỉ cần bạn muốn đọc, chỉ cần bạn cầu tiến, bạn nhất định sẽ làm được điều mình mong muốn.

Lời khuyên:

Đại đa số mọi người đều muốn được giao tiếp với người ăn nói lịch sự, bởi vì trò chuyện với những người như vậy sẽ mang lại cảm giác dễ chịu, thoải mái cho bản thân. Trong mọi tình huống, bạn hãy chú ý bồi dưỡng cho mình năng lực diễn đạt, thói quen diễn đạt mạch lạc, giàu hình ảnh, ngữ điệu thu hút.

9 cách cải thiện kỹ năng giao tiếp

Không phải ai sinh ra cũng có khả năng ăn nói tự tin, khéo léo và thu hút sự chú ý của người khác.

Bạn phải tích lũy và phát triển khả năng này như một thói quen hằng ngày để đạt được thành công trong sự nghiệp cũng như cuộc sống.

Dưới đây là 9 cách giúp bạn cải thiện kỹ năng giao tiếp trong công việc:

Nói với giọng nhiệt tình, quyết đoán

Nói lí nhí là dấu hiệu của sự thiếu tự tin. Nếu là người nói chậm, bạn nên luyện tập cách nói to, nhanh và dứt khoát hơn. Hãy ngẩng cao đầu và nói một cách rõ ràng, khẳng khái.

Không nói vòng vo

Khi được hỏi, hãy trả lời thẳng thắn và trực tiếp. Bạn có thể dành vài giây suy nghĩ nhưng đừng trả lời một cách vòng vo, đi ra ngoài chủ đề cuộc đối thoại. Hãy nói một cách trực tiếp để chứng tỏ sự tự tin của mình cũng như thể hiện sự tôn trọng thời gian của đối phương.

Tránh ậm ừ

Những từ dư thừa như “à, ừ” đã tố cáo sự lo lắng, hồi hộp hay không nắm rõ thông tin của bạn. Đặc biệt trong những buổi thuyết trình, sự ậm ừ sẽ khiến mọi người đánh giá thấp bạn. Vì vậy, bạn cần hạn chế tối đa thêm các từ đó trong cuộc nói chuyện của mình.

Sử dụng ngôn ngữ cử chỉ “phản chiếu”

Ngôn ngữ cử chỉ cũng quan trọng không kém lời nói. Theo Susan Constantine, một chuyên gia về ngôn ngữ cử chỉ, 90% giao tiếp của chúng ta là phi ngôn ngữ. Vì vậy, khi giao tiếp hãy chú ý tới ngôn ngữ cử chỉ của bạn.

Đặc biệt, bạn nên tận dụng ngôn ngữ cử chỉ “phản chiếu”, tức là có hành động giống như người nói chuyện cùng mình. Chẳng hạn, trong cuộc phỏng vấn tìm việc, nếu nhà tuyển dụng hơi ngả người về phía trước, bạn cũng nên làm như vậy. Tất nhiên, bạn phải thực hiện một cách tế nhị, khéo léo, tránh để người phỏng vấn có cảm giác bạn đang trêu tức anh/cô ấy.

Hỏi lại những điều chưa rõ

Đây là cách bạn thể hiện sự tham gia và tập trung vào cuộc nói chuyện. Hơn nữa, hỏi lại những điều mình chưa rõ sẽ giúp bạn nhìn nhận và tương tác với người nói chuyện một cách chính xác, hiệu quả hơn.

Liên lạc qua ánh mắt

Ánh mắt có thể thể hiện sự tự tin, quả quyết và thấu hiểu. Người đối diện sẽ biết bạn có thoải mái, tự tin và nắm được vấn đề trong cuộc nói chuyện hay không thông qua ánh mắt của bạn.

Chứng tỏ khả năng giao tiếp qua văn viết

Bên cạnh nói, viết cũng là cách thức thể hiện phong cách giao tiếp của bạn bởi các công việc hiện nay đều đòi hỏi kỹ năng viết ở một mức độ nào đó, đơn giản nhất là qua email trao đổi nhiệm vụ hằng ngày. Vì vậy, bạn có thể chứng tỏ sự tiến bộ trong kỹ năng giao tiếp của mình qua các bài viết trên blog, mạng xã hội… Tất nhiên, nội dung của chúng phải liên quan tới lĩnh vực của bạn.

Nhớ tên người đối diện

Khi gặp đối tác, khách hàng hay sếp/đồng nghiệp mới, hãy nhanh chóng nhớ tên của họ và gọi một cách thân mật. Ví dụ, thay vì nói một cách chung chung “Rất vui được gặp anh”, hãy nêu tên cụ thể của người đó “Rất vui được gặp anh Minh”. Như vậy, bạn sẽ gây thiện cảm tốt hơn với người nói chuyện cùng.

Tạo sự thân mật

Những cuộc nói chuyện thành công là những cuộc nói chuyện mang lại cảm giác như một cuộc trao đổi thân tình chứ không phải như một cuộc thẩm vấn. Hãy thoải mái, thân thiện khi giao tiếp, tỏ ra cứng rắn khi cần thiết và không nên liên tục ngắt lời đối phương.

(Sưu tầm)

Từ khóa » Cách để Nói Chuyện Khéo Léo