Mẹo Giúp Con Sơ Sinh Bú Bình Thành Thạo Như Bú Mẹ - Baby Brezza

Nhiều mẹ đau đầu với việc con không chịu ti bình. Tuy nhiên, chỉ với một số cách sau mẹ sẽ hoàn toàn yên tâm bé thích ti bình như ti mẹ.

Cho bé bú khi đang đi ngủ

Thường thì khi buồn ngủ, các bé sẽ rơi vào trạng thái mơ màng và không ý thức được đó là ti bình hay ti mẹ. Hơn nữa, trước khi đi ngủ em bé khá mệt và sẽ bú bình một cách không ý thức.

Tuy nhiên, ban đầu mẹ đừng nhét ti bình ngay vào miệng con mà cho con bú mẹ như bình thường. Khi em bé bắt đầu mơ màng và hơi buông lơi ti mẹ thì mẹ nhanh chóng đặt bình sữa vào miệng con. Khi đó, phản xạ bú mút của trẻ lên cao nên dễ bảo hơn. Tuy nhiên, không bao giờ cho con bú khi bé ngủ say vì bé rất dễ bị sặc hay bị ngạt mũi.

Chọn núm ti

Mẹ nên tập cho con thói quen ngậm ti giả ngay khi bé chỉ mới vài tháng. Ti giả không những cho bé làm quen với việc ti bình mà còn ngăn chứng bệnh đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh.

Nhiều bé không chịu ti bình vì nhận thấy núm vú của bình cứng hơn ti mẹ. Khi đến giai đoạn tập ti bình, mẹ hãy đổi loại núm ti gần giống với ti giả hoặc núm ti mềm như đầu ti của mẹ. Do vậy, mẹ hãy chọn những loại núm ti mềm rồi vắt một ít sữa mẹ cho bé bú. Khi bé đã dần quen rồi, bạn mới nên pha sữa ngoài vào bình và cho bé bú.

Hãy dùng vú cao su có độ rộng vừa miệng bé và tốc độ sữa chảy của núm ti là 1-2 giọt/giây. Dòng chảy quá nhanh sẽ khiến bé sợ và dòng chảy chậm quá lại khiến bé bực bội vì phải chờ lâu. Không chỉ xem xét hình dáng mà còn phải thử độ mềm, tốc độ sữa chảy của núm vú, cũng như để ý việc núm có mùi cao su hay không.

Ban đầu, hãy làm ấm núm vú trong nước ấm để có nhiệt độ giống như cơ thể mẹ, sau đó cho bé nhai núm ti không có sữa một lúc rồi mới từ từ cho bé ngậm sữa. Không nên quá lo lắng khi bé bú ti lượng sữa ít vì khi bé đã quen dần với ti bình thì chắc chắc bé sẽ yêu cầu lượng sữa cao hơn.

Giãn cữ bú 

Trước tiên, mẹ hãy bỏ cữ ti mẹ từ 1-2 cữ trong ngày, khi bé ngủ dậy đang tràn trề năng lượng và đỡ quấy khóc nhất. Đến cữ thứ 3 thì mẹ mới nên xuất hiện và cho con ti bình sữa mẹ. Qua 1-2 cữ không được bú sữa có thể khiến trẻ đói và nhanh chóng muốn lấp đầy dạ dày dù đó là ti bình hay ti mẹ.

Tuy nhiên, với cách này, mẹ phải cương quyết và không được mềm lòng vì có thể bé sẽ quấy khóc khi đến cữ mà không được bú.

Thay sữa mẹ bằng sữa bột

Không nên cho con ti bình sữa công thức ngay lập tức bởi cùng lúc con phải đối phó với cả hai sự thay đổi đột ngột thì sẽ rất khó chấp nhận. Sau khi tập cho bé ti bình bằng sữa mẹ khoảng 2 tuần thì mẹ bắt đầu thay bằng sữa công thức. Mới đầu, mẹ không cần phải pha đúng chính xác công thức của nhà sản xuất mà cần pha loãng để sữa bột có vị như sữa mẹ.

Sau vài ngày, khi bé đã dần quen hương vị sữa công thức thì mẹ mới pha đúng lượng bình thường. Sau đó, mẹ lại tăng cữ ti bình cho con như bình thường.

Đổi người cho ăn

Thường thì khi mẹ cho ti, bé sẽ quen hơi sữa của mẹ và nhất định rúc vào lòng mẹ đòi ti mà nhất quyết không chịu bú bình. Lúc này, mẹ có thể nhờ một người thân trong gia đình cho con bú. Người tập bé bú bình không phải là mẹ cũng sẽ hiệu quả hơn vì con thấy mẹ sẽ nhõng nhẽo, đòi ti trực tiếp ngay lúc đó.

Nếu như mẹ là người cho bé ti bình thì mẹ nên tránh âu yếm à ơi hay ôm con vào lòng bởi bé sẽ càng quện hơi mẹ. Nếu con nhất quyết không chịu ti bình khi không có mẹ, có thể bọc bình sữa trong khăn có mùi của mẹ để con nhận ra mùi hương và dễ dàng chấp nhận ti bình hơn.

Đi dạo

Không hẳn là bế con ra ngoài đi dạo nhưng nếu bé nhất quyết không chịu ti bình, mẹ có thể ẵm con đi loanh quanh trong nhà. Đi lại sẽ khiến con thấy thoải mái hơn từ đó việc ăn uống cũng dễ dàng hơn. Khi ẵm cho con bú thật như thế nào thì hãy giữ y chang thế. Việc tiếp xúc tối đa giữa mẹ và con sẽ làm bé an tâm hơn, thấy quen thuộc hơn.

Nếu dùng xe đẩy, không đặt con nằm hẳn khi bú mà cho con nằm hơi dựng lên để sữa không bị chảy vào tai, nhất là sữa công thức. Nếu trẻ khóc lóc, bạn hãy đợi một lát nữa hãy thử lại. Trong lúc đó hãy trò chuyện và tiếp tục đi dạo với con yêu.

Mẹ nên lưu ý không nên cho con ti bình quá sớm. Bởi vì nếu cho ti bình quá sớm sẽ làm bé bỏ ti mẹ. Điều này làm mẹ có nguy cơ mất sữa hoặc làm trẻ có khớp ngậm không đúng dẫn đến mẹ bị đau rát đầu ti hoặc nứt đầu ti…

Từ khóa » Bú Bình Lúc Ngủ