Mẹo Giúp Trẻ Vượt Qua Nỗi Sợ Bóng Tối Hoặc 'quái Vật' - VnExpress

Nhiều đứa trẻ luôn ám ảnh về con "quái vật" dưới gầm giường, do ảnh hưởng bởi video game, phim ảnh và những câu chuyện người lớn thường dọa dẫm. Việc thuyết phục trẻ ngủ một mình do đó trở nên khó khăn hơn. 

Nỗi sợ bóng tối, đặc biệt là cảm giác bị bỏ lại trong bóng tối, là một trong những nỗi sợ lớn nhất mà trẻ em phải đối mặt. Một nghiên cứu năm 2015 công bố trên Tạp chí Tâm lý học quốc tế cho thấy bản chất của nỗi sợ này không hẳn là bóng tối, mà là khoảng thời gian vào ban đêm. 

Một số nhà nghiên cứu đặt ra giả thiết, nỗi sợ ban đêm liên quan đến quá trình tiến hóa. Thời xưa, ban đêm là lúc con người dễ bị thú dữ tấn công. Trẻ em khóc như một cách nhằm thu hút sự chú ý của người lớn và đảm bảo sự an toàn trước những mối nguy quanh mình.

Vì vậy, nỗi sợ ban đêm và bóng tối của trẻ em ngày nay rất tự nhiên và dễ hiểu. Càng lo lắng, trẻ càng tưởng tượng nhiều và tin răm rắp những lời kể về con quái vật trốn dưới gầm giường. Sách truyện, phim hoạt hình về những sinh vật kỳ lạ càng khiến hình ảnh trong tưởng tượng của trẻ trở nên sống động hơn.

Đọc sách về nhân vật dũng cảm cho trẻ nghe trước giờ đi ngủ có thể giúp xua tan những nỗi sợ phi lý. Ảnh: Parent Toolkit

Đọc sách về nhân vật dũng cảm cho trẻ nghe trước giờ đi ngủ có thể giúp xua tan những nỗi sợ phi lý. Ảnh: Parent Toolkit

Tùy độ tuổi, nỗi sợ hãi của mỗi đứa trẻ có hình hài khác nhau. Trẻ mới biết đi (2-3 tuổi) có thể sợ bất cứ điều gì chúng không hiểu. Bất cứ khi nào nhìn thấy thứ gì đó lạ lẫm, chẳng hạn vết nứt trên đĩa hoặc vết băng bó trên cơ thể của người nào đó, trẻ có thể òa khóc.

Trẻ mẫu giáo (3-5) tuổi có xu hướng sợ những mối nguy hiểm trong tưởng tượng. Chúng gặp khó khăn trong việc tách rời trí tưởng tượng với thực tế.

Với trẻ em trong độ tuổi đến trường, nỗi sợ hãi thường trở nên cụ thể hơn. Chúng có thể ám ảnh với giông bão, sấm chớp, tiếng chó sủa, hỏa hoạn... Khi hiểu biết của trẻ về thế giới tăng lên, những nỗi sợ hãi phi lý về con quái vật sống dưới gầm giường sẽ dần biến mất.

Một số gợi ý giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi:

1. Thay vì nói "Con đừng sợ", bạn nên sửa thành: "Bố mẹ biết con đang sợ". Câu xác nhận này giúp trẻ hiểu việc cảm thấy sợ hãi là bình thường. 

2. Khuyến khích trẻ dùng búp bê, thú nhồi bông để diễn kịch. Chẳng hạn, trẻ có thể cầm một nhân vật siêu anh hùng trên tay và nghĩ lời thoại nhằm xua đuổi lũ quái vật ở xung quanh, hoặc tưởng tượng một công chúa đang dùng tiếng hát của mình để vượt qua nỗi sợ hãi và chìm vào giấc ngủ. Những trò chơi dạng đóng vai nhân vật như vậy còn có khả năng giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo. 

3. Khuyến khích trẻ vẽ tranh về quái vật hoặc mô tả cảm giác của bản thân mỗi khi đi ngủ. Việc nói về điều đó một cách thoải mái có thể giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn. 

4. Trước khi tắt đèn đi ngủ, bạn hãy hỏi trẻ có muốn cùng nhìn xuống gầm giường hay không. Nếu trẻ đồng ý, bạn nên dùng đèn pin và soi kỹ, giúp trẻ đối diện với nỗi sợ hãi của mình. 

5. Nếu trẻ sợ bóng tối, bạn hãy nghĩ ra những việc vui vẻ để làm trong bóng tối. Chẳng hạn, bạn có thể đọc sách cho trẻ nghe trước khi đi ngủ chỉ với cây đèn pin nhỏ trong tay, hoặc tắt đèn và kể chuyện vui. 

6. Hãy hỏi trẻ cần những gì để cảm thấy can đảm hơn và sẵn sàng làm theo đề nghị của trẻ. Chẳng hạn, một số em bé thích ngủ với thú nhồi bông hình con sư tử hoặc mặc đồ ngủ siêu nhân. 

7. Chọn đèn ngủ với độ sáng hợp lý và không đặt quá gần trẻ, tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ. 

8. Nếu trẻ ra khỏi giường nhiều lần vào ban đêm, bạn hãy đưa trẻ trở về chỗ. Nếu trẻ liên tục trì hoãn việc đi ngủ đúng giờ, đừng thỏa hiệp. Bạn cần giúp trẻ hình thành thói quen lành mạnh và đảm bảo sự nhất quán. 

9. Trước giờ đi ngủ, trẻ nên bị hạn chế quyền truy cập Internet, tránh xem video có nội dung đáng sợ hoặc bạo lực. Bạn cũng không nên kể những câu chuyện liên quan đến quái vật trước lúc bé chìm vào giấc ngủ, thay vào đó chọn những câu chuyện về nhân vật dũng cảm. 

Ngoài những điều kể trên, phụ huynh nên nhớ rằng trẻ cần đối mặt với nỗi sợ hãi một cách từ từ và chỉ cảm thấy yên tâm khi được bố mẹ đồng cảm. Việc trêu chọc, sử dụng biện pháp mạnh như nhốt trẻ trong phòng một mình hay cho trẻ xem những bộ phim đáng sợ có thể gây tác dụng ngược, khiến trẻ gặp vấn đề về tâm lý. Nếu nỗi sợ hãi ngày càng tăng ngay cả khi trẻ đã lớn, bạn cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ.

Nhật Minh (theo Verywell Family)

Từ khóa » Sợ Bóng Tối Khó Ngủ