[Mẹo Nhỏ] Hướng Dẫn Cách Ghép Lan đơn Thân Vào Gỗ - Chăm Lan

Cách trồng lan hay cách ghép lan đơn thân vào gỗ cực kì đơn giản nhưng nhiều người chơi lan ban đầu lại không biết cách ghép như thế nào. Với tôi cách trồng lan đơn thân vào gỗ cực kì đơn giản không giống như lan đa thân. Cá nhân tôi ưa thích những giò lan đơn thân khủng, cho hoa đồng loạt thành từng chùm trông mới sướng mắt chứ ngắm lèo tèo mỗi giò 1-2 ngồng hoa nhìn chán lắm.

Lan đơn thân mọc trong rừng với đủ các thể loại tư thế đứng có, nghiêng có, ngọn hướng lên, gục xuống cũng đủ cả. Chính vì vậy, bạn ghép lan đơn thân không nên quá gò bó mà hãy trồng lan một cách linh hoạt nhất để đảm bảo giò lan có được sự cân đối, hài hòa mà hoàn toàn tự nhiên.

Những loài lan đơn thân có thể ghép vào gỗ

Một giò lan quế tôi ghép thành trụ không hề câu nệ tư thế
Một giò lan quế tôi ghép thành trụ không hề câu nệ tư thế

Có thể nói, hầu như tất cả các loại lan đơn thân đều có thể ghép vào gỗ và phát triển mãnh liệt. Tuy nhiên có nhiều loại lan hiện nay có kích thước, trọng lượng lá khá lớn, trong khi đó bộ rễ nhỏ và yếu nên khi buộc vào gỗ sẽ khó đứng vững được, đặc biệt là trong gió lớn.

Những loại lan đơn thân thường được mọi người ghép vào gỗ là các loài lan sau: quế lan hương, tam bảo sắc, sóc lào, hoàng nhạn, bạch nhạn, hồng nhạn, quế tím, đuôi cáo, đuôi chồn, đai châu,…

Nguyên tắc ghép lan đơn thân vào gỗ

Trồng lan đơn thân vào gỗ không hề khó một chút nào cả. Tuy nhiên dù đơn giản bạn vẫn phải trồng chúng theo những nguyên tắc sau:

Phải xử lý gỗ cho khô và xử lý nấm trước khi ghép.

Khi ghép cây lan phải được cố định, tuyệt đối không được lay gốc.

Gốc cây lan phải để thật thoáng, hạn chế bó nhiều xơ dừa vào làm chặt gốc, giữ quá nhiều nước vào gốc cây làm úng nước, cây lan dễ bị thối gốc mà chết. Có nhiều bạn cứ nghĩ rằng bó nhiều xơ dừa vào để cây lan được giữ ẩm cho nhanh ra dễ. Tuy nhiên, bạn nên để gốc thật thoáng, nếu muốn giữ ẩm có thể dùng xơ dừa đã qua xử lý hoặc dớn chile nhét vào một chút quanh gốc để giữ ẩm vừa phải, tránh đọng nước lâu dài.

Không được dùng dây sắt, dây nhôm, thép nhỏ để cố định cây lan. Mặc dù cố định lan không lay gốc là điều tất yếu nhưng cây lan rất kị kim loại. Thay vì đó ta có thể dùng dây thít nhựa hoặc dây nilon để buộc chặt. Đối với dây nilon cần phải để diện tích tiếp xúc của dây vào cây lan nhỏ nhất có thể nhưng vẫn đủ để giữ cây lan chắc chắn.

Xem thêm: Cách xử lý gỗ trồng lan hạn chế nấm bệnh

Cách trồng lan đơn thân vào gỗ chưa bao giờ đơn giản đến vậy

Làm móc treo trước tiên

Bạn nên thiết kế móc treo trước khi ghép lan đã để tránh trường hợp ghép lan xong xuôi hết cả rồi mới bắt đầu tìm chỗ làm móc treo. Khi thiết kế móc treo sau lúc trồng cây chắc chắn sẽ làm những cây lan bị vướng, va chạm nên rất dễ bị dập nát. Làm móc treo trước sẽ giúp bạn dễ dàng định hướng theo móc treo, theo hướng nắng và những vị trí ghép lan phù hợp.

Bạn nên có người hỗ trợ khi ghép lan vào gỗ

Đơn giản nhất bạn cần 1 người cầm cây lan để cố định vị trí cần ghép, trong khi đó bạn sẽ có nhiệm vụ dùng dây buộc cố định cây lan vào. Có nhiều người nói rằng ghép lan vào gỗ không nhất thiết phải cần người hỗ trợ. Tuy nhiên, có người hỗ trợ bạn chắc chắn ghép lan sẽ nhanh hơn, chính xác hơn, thẩm mĩ hơn.

Nên ghép lan quay đầu lên hay quay đầu xuống?

Có nhiều bạn rất cứng nhắc chuyện ghép lan quay đầu lên hay quay đồi xuống là “chuẩn”. Thực ra cách ghép lan tùy thuộc vào sở thích của mỗi người mà thôi. Có người thích ghép thẳng đứng lên, có người ghép quay đầu xuống, có người quay lên trên, có người quay nghiêng nghiêng khiến nhiều bạn không biết rằng thế nào là chuẩn mực.

Ghép lan đơn thân vào gỗ quay ngọn lên trên
Ghép lan đơn thân vào gỗ quay ngọn lên trên

Cá nhân tôi ghép lan đơn thân vào gỗ quay cả đầu lên và quay đầu xuống dưới. Những loại tôi ghép cho quay đầu xuống thường là những loài dễ bị thối ngọn do tưới quá nhiều nước. Chính vì thế cách ghép quay đầu xuống giúp hạn chế sự đọng nước ở các kẽ lá, từ đó giúp cây tránh được nguy cơ thối ngọn. Khi cây đã thích nghi được môi trường và cho nhiều rễ khỏe, bạn có thể lật ngược lại để chúng có thể phát triển bình thường phần ngọn.

Ghép lan đơn thân vào gỗ quay ngọn xuống dưới
Ghép lan đơn thân vào gỗ quay ngọn xuống không hề ảnh hưởng gì cả

Ghép lan quay ngược xuống cũng có thể là các giề lan có chiều dài lớn nên ngọn có thể cong lên nhanh chóng đón lấy ánh nắng, điển hình là 2 loài quế lan hương, tam bảo sắc và đuôi cáo. Nếu cây lan của bạn có hình thù quái dị, gốc cong cong hình chữ L hay chữ U thì cách ghép này rất hợp lý, khi đó ghép lan sao cho ngọn của chúng hướng ra bên ngoài là chuẩn nhất chứ không phải là chúc đầu xuống bên dưới.

Những loại lan ghép quay ngọn lên trên khá phổ biến để chúng có thể lấy ánh nắng một cách dễ dàng. Đây là những loài lan khó bị thối do úng nước ở kẽ lá nên được ghép hướng ngọn lên trên phổ biến. Những loại lan đơn thân ghép vào gỗ theo cách hướng ngọn lên trên phổ biến lên đến 95%.

Ghép lan đơn thân vào gỗ bằng cách nào?

Cách đơn giản nhất bạn có thể sử dụng dây thít nhựa hoặc dây nilon buộc cây lan chặt vào gỗ là được. Chú ý vị trí buộc dây không quá gần ngọn để tránh nát cây, không quá thấp dưới phần rễ để tránh giữ cây không được chặt. Để ý tránh buộc dây vào vị trí mà rễ có thể mọc ra.

Ghép lan vào gỗ lũa không hề khó
Ghép lan vào gỗ lũa không hề khó

Cầu kì hơn bạn có thể khoan một lỗ nhỏ vào gỗ, sau đó dùng 1 đoạn tre hoặc gỗ nhỏ cắm vào lỗ đã khoan. Dùng dây bạn cố định cây lan vào đoạn gỗ nhỏ đó lá được. Bạn có thể thay thế đoạn gỗ nhỏ này bằng cách đóng đinh và dùng đoạn ống nhựa bọc lại rồi ghép lan cũng được. Tuy nhiên về lâu dài chiếc đinh sẽ han gây ảnh hưởng không tốt đến cây lan.

Sau khi ghép xong bạn treo vào nơi tránh mưa nắng trực tiếp, đợi ngày hôm sau bắt đầu tưới thật đẫm cho cây. Tại sao không nên tưới luôn cho cây? Trong quá trình ghép lan sẽ để lại những vết xước hay vết thương cơ giới, nếu tưới nước luôn sẽ tạo điểu kiện cho mầm bệnh phát tán nhanh chóng vào cây lan.

3/5 - (2 votes)

Từ khóa » Ghép Lan Quế Lên Gỗ