Metro Nhổn - Ga Hà Nội Lại đội Vốn - Tiền Phong

9/10 gói thầu tăng vốn, chậm tiến độ

Thông tin với báo chí, ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban MRB, cho biết, dự án đang thực hiện 10/10 gói thầu chính. Tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt 74,36% (trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 95,1%). MRB đang cùng đơn vị tư vấn, các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Metro Nhổn - ga Hà Nội lại đội vốn ảnh 1

Dự án Metro Nhổn – ga Hà Nội lại đội vốn và chậm thêm 7 năm

Tuy nhiên, lãnh đạo MRB thừa nhận, dù không ngừng nỗ lực nhưng dự án vẫn gặp phải những khó khăn, vướng mắc, dấn đến 9/10 gói thầu cần phải ký kết các phụ lục gia hạn thời gian thi công; bổ sung các chi phí đầu tư, do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. Tổng mức đầu tư cho dự án cần được điều chỉnh phù hợp thực tế là 34.532 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 4.905,24 tỷ đồng so với mức đầu tư trước đó.

Về tiến độ hoàn thành dự án, trao đổi với PV Tiền Phong chiều 19/5, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, cùng với tăng nguồn vốn đầu tư, MRB vừa có văn bản kiến nghị UBND thành phố Hà Nội báo cáo Chính phủ xin điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án metro Nhổn - ga Hà Nội giai đoạn 2009-2022 thành 2009-2029 (chậm thêm 7 năm).

Dự án Metro Nhổn – ga Hà Nội được thành phố Hà Nội (đại diện chủ đầu tư là MRB) khởi công 9/2010. Tại thời điểm khởi công, dự án có tiến độ hoàn thành năm 2016 với tổng mức đầu tư khoảng 18.408 tỷ đổng; sau các lần điều chỉnh tổng mức đầu tư vào các 2016, 2017 và 2018, dự án có tổng mức đầu tư tăng lên trên 30.000 tỷ đồng (khoảng 50%). Đến nay, theo văn bản vừa được MRB kiến nghị thành phố báo cáo Thủ tưởng, tổng mức đầu tư của dự án là 34.532 và thời gian hoàn thành là năm 2029, chậm thêm 7 năm.

Lý giải phải đưa ra các kiến nghị trên, lãnh đạo MRB đưa ra 5 nguyên nhân chính. Trong đó có việc chậm trễ, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB) và di dời hạ tầng kỹ thuật; các gói thầu của dự án được ký theo mẫu hợp đồng quốc tế FIDIC có nhiều điểm khác biệt với quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành; vướng mắc liên quan đến điều chỉnh hợp đồng Tư vấn Systra (hợp đồng trọn gói); các vướng mắc liên quan đến hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định về định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành; ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 kéo dài trên toàn thế giới hơn 2 năm qua đã làm chậm trễ, gián đoạn sản xuất, nhập khẩu thiết bị và huy động chuyên gia từ châu Âu…

Với nguyên nhân tăng vốn, MRB thông tin, do biến động khách quan của tỷ giá quy đổi (từ Euro sang VND) trong quá trình thanh toán khối lượng thực hiện dự án; do điều chỉnh thiết kế và các yêu cầu kỹ thuật; bổ sung các phần việc còn thiếu do không lường trước được bởi đây là dự án có quy mô lớn, phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam…

Sẽ kiện nhà thầu nước ngoài bỏ công trường

Về phương án thi công dự án thời gian tới, ông Lê Trung Hiếu, cho biết, MRB đã và đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý từng hạng mục công việc; đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. “Trong 5 nhóm vướng mắc được nêu trên, các vướng mắc thuộc trách nhiệm của thành phố đều đã được UBND thành phố Hà Nội kịp thời chỉ đạo tháo gỡ, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Với vướng mắc mặt bằng khu vực công trình phụ trợ ga ngầm S9 Ngọc Khánh, UBND thành phố đã giao UBND quận Ba Đình xử lý dứt điểm trong tháng 6/2022”, ông Hiếu nói:

Đề cập 50 tòa nhà bị ảnh hưởng trong quá trình thi công tuyến hầm từ Cầu Giấy về ga Hà Nội, lãnh đạo MRB cho biết, MRB đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các quận Đống Đa và Ba Đình tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tạm cư cho các hộ dân, hoàn thành trước ngày 30/9/2022 theo yêu cầu của thành phố.

Với 3 nhóm vướng mắc vượt thẩm quyền của thành phố (gồm vướng mắc hợp đồng FIDIC; vướng mắc liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá; điều chỉnh hợp đồng tư vấn Systra), từ năm 2021, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành. Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt để rà soát, tháo gỡ các khó khăn nhằm thúc đẩy tiến độ dự án.

Về công trường các ga ngầm đoạn từ Cầu Giấy về ga Hà Nội đang bị dừng thi công hơn 1 năm nay, ông Hiếu cho biết, nhà thầu nước ngoài tại dự án đang dùng chính việc dừng thi công để gây sức ép với chủ đầu tư. Để xử lý việc này, lãnh đạo MRB nhấn mạnh, Ban đang củng cố hồ sơ để kiện nhà thầu về việc này ra trọng tài quốc tế.

Anh Trọng

Từ khóa » Dự án Metro Hà Nội