Miền Bắc đón Không Khí Lạnh Liên Tiếp, Nắng Nóng đến Muộn Và ...

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia

PV: Được biết, cuối tuần này miền Bắc sẽ đón một đợt không khí lạnh mạnh, được đánh giá là đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa Đông năm nay tính đến thời điểm hiện tại. Vậy ông có thể nói rõ hơn về đợt không khí lạnh này, nhiệt độ sẽ giảm xuống ra sao và có xảy ra mưa phùn hay chỉ “rét khô”?

Ông Hoàng Phúc Lâm:Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, khoảng chiều và đêm 18/02, một bộ phận không khí lạnh mạnh sẽ ảnh hưởng đến một số nơi ở vùng núi phía Bắc của Bắc Bộ, sau đó sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ từ đêm 18, ngày 19/02.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh kết hợp với mưa và mưa rào nên từ ngày 19/02, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét đậm, rét hại; riêng từ ngày 20-22/02, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa trời rét hại với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 8-11 độ, vùng núi 4-6 độ, vùng núi cao có nơi xấp xỉ 0 độ và có khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết.

Từ ngày 21 đến 23/02/2022, các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ có mưa, mưa rào; phía Bắc trời rét, phía Nam trời lạnh.

PV: Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó dự đoán, nhưng những năm gần đây, các chuyên gia, nhà khoa học đều đưa ra nhận định chung là trái đất có xu hướng ấm dần nên, nhiệt độ các năm tiếp theo sẽ có xu hướng tăng hơn so với trung bình nhiều năm. Nhưng đợt nghỉ Tết Nhâm Dần 2022 vừa qua, miền Bắc đã trải qua chuỗi ngày rét đậm, rét hại và kéo dài tới tận thời điểm này, vậy đó có phải là diễn biến bất thường của thời tiết không, thưa ông?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Xét chung toàn cầu và trong thời gian dài thì biểu hiện của biến đổi khí hậu chính là nhiệt độ trái đất có xu hướng tăng lên. Nhưng biến đổi khí hậu cũng làm cho các hiện tượng thời tiết cực đoan (mưa lớn, nắng nóng, rét hại…) trở nên gay gắt hơn. Đợt rét đậm rét hại diện rộng ở miền Bắc kéo dài từ ngày 30/01-06/02 vừa qua (tức từ ngày 28 Tết đến ngày 06 Tết) là bình thường, vì tháng 01 và tháng 02 giai đoạn chính Đông ở Bắc Bộ, trong giai đoạn này các đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta nhiều, mạnh, và xét về mặt khí hậu, đây cũng là giai đoạn tập trung nhiều đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng nhất trong năm.

PV: Theo cơ quan khí tượng thủy văn, thì các “mùa thời tiết” được phân theo các tháng như thế nào và thời gian tới, miền Bắc còn đón thêm đợt rét nào khác ngoài đợt rét vào cuối tuần này, thưa ông?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Mùa đông được xác định là giai đoạn từ tháng 12 năm trước tới tháng 2 năm sau. Mùa hè là từ tháng 6 đến tháng 8. Mùa xuân từ tháng 3 đến tháng 5 và mùa thu từ tháng 9 đến tháng 11.

Về tình hình dự báo, khu vực Miền Bắc sẽ còn chịu tác động của KKL trong tháng 3 và có thể gây ra các đợt rét thậm chí còn có thể gây rét đậm, rét hại, tuy nhiên không kéo dài. Các đợt KKL ảnh hưởng đến nước ta trong giai đoạn này chủ yếu lệch Đông, nên ở khu vực phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, có nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù.

PV: Về câu hỏi mang tính dự báo xa, ông có thể cho biết diễn biến thời tiết mùa hè này ở miền Bắc như thế nào?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Nhìn chung trong các tháng mùa hè ở các tỉnh Miền Bắc có nền nhiệt độ ở mức tương đương với TBNN cùng thời kỳ. Nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ nhiều khả năng đến muộn hơn so với TBNN, có khả năng không gay gắt và không kéo dài.

Về bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông cũng như ảnh hưởng đến nước ta vào thời kỳ đầu mùa mưa bão có xu hướng ít hơn TBNN, cuối mùa có khả năng tương đương so với TBNN.

Tạp chí KTTV

Từ khóa » Trời Còn Rét Nữa Không