Miền Trung ứng Phó Với Biến đổi Khí Hậu: Thiên Tai Và Nhân Tai

Zalo Facebook Twitter Lưu bài viết Bản in Copy link Miền Trung ứng phó với biến đổi khí hậu: Thiên tai và nhân tai ảnh 1Tìm kiếm nạn nhân trong vụ sạt lở ở Trà Leng năm 2020. (Nguồn: TTXVN)

Tác động của biến đổi khí hậu khiến thiên tai diễn biến ngày càng bất thường và cực đoan. Lũ quét, sạt lở núi, triều cường xâm thực ngày càng sâu vào đất liền gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng.

Do vậy, tìm giải pháp căn cơ, đồng bộ và có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện của từng địa phương để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; trong đó việc nhận diện nguyên nhân dẫn đến yếu tố bất thường của thời tiết, đề xuất các giải pháp phòng ngừa phù hợp cũng như xây dựng các khu tái định cư lâu dài gắn với ổn định sinh kế bền vững cho đồng bào là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài đối với các tỉnh miền Trung.

Phóng viên đã có chùm 4 bài phản ánh về vấn đề này.

Bài 1: Thiên tai và nhân tai

Kinh hoàng, thảm khốc, bất thường là những cụm từ được dùng nhiều nhất để nói về những trận bão, lũ, sạt lở núi gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản ở các tỉnh miền Trung trong những tháng cuối năm 2020, nhất là ở miền núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Chỉ tính riêng ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, những vụ sạt lở núi, lũ ống, lũ quét, mưa bão đã khiến 111 người thiệt mạng và mất tích, hàng nghìn ngôi nhà bị vùi lấp, hư hỏng nặng, thiệt hại về tài sản lên đến trên 30.000 tỷ đồng.

Thảm họa sạt lở núi

Đến bây giờ, bà Nguyễn Thị Cúc, ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), người sinh sống gần hiện trường vụ sạt lở đất khiến 22 cán bộ, chiến sỹ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 hy sinh ngày 18/10/2020 vẫn chưa hết bàng hoàng.

Theo bà Cúc, mùa mưa những năm trước, tình trạng sạt lở đất thường xuyên xảy ra nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng.

Vụ sạt lở đất kinh hoàng ở thôn Cợp cuối năm 2020, người dân địa phương chưa bao giờ thấy. Sau vụ sạt lở đất này, người dân địa phương rất mong muốn được di dời đến nơi an toàn.

Trong số 56 người thiệt mạng ở Quảng Trị do mưa lũ hồi cuối năm 2020, có đến hơn 30 người chết do sạt lở đất ở huyện miền núi Hướng Hóa. Nguyên nhân trực tiếp khiến sạt lở đất liên tiếp xảy ra là do mưa quá lớn và dài ngày làm phá vỡ kết cấu đất đá ở những quả đồi, dãy núi; trong khi việc dự báo sạt lở đất vô cùng khó khăn.

Sạt lở đất khó dự báo nên việc rà soát kiểm tra, cảnh báo và di dời kịp thời người dân ở vùng có nguy cơ cao đặc biệt quan trọng để giảm thiệt hại.

Cũng trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa vào cuối năm 2020, sau mưa lớn, đỉnh núi Ta Bang thuộc thôn La Ri Lào, xã Hướng Sơn xuất hiện vết nứt dài khoảng 200m, rộng khoảng 20-50cm, nguy cơ sạt lở xảy ra bất cứ lúc nào.

Ông Lê Trọng Tường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hướng Sơn cho biết ngay sau khi tiếp nhận tin báo của người dân về núi Ta Bang bị nứt, chính quyền đã kiểm tra và kịp thời di dời khẩn cấp trên 170 nhân khẩu sinh sống ở dưới chân núi này đến nơi an toàn. Theo điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo trượt lở đất đá ở các vùng miền núi của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, tỉnh Quảng Trị có 241 vị trí sạt lở, trong đó có 27 vị trí quy mô lớn, 4 vị trí quy mô rất lớn và đặc biệt lớn.

Trượt lở đất đá ở Quảng Trị thường xảy ra dọc hành lang đường Hồ Chí Minh. Mật độ vị trí sạt lở toàn tỉnh không cao nhưng mức độ tập trung ở một vài địa bàn lại rất dày. Điển hình là ở huyện miền núi Hướng Hóa có 147 điểm sạt lở, chiếm đến 61% tổng số vị trí sạt lở đất ở Quảng Trị.

Miền Trung ứng phó với biến đổi khí hậu: Thiên tai và nhân tai ảnh 2Một điểm sạt lở tại địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: TTXVN phát)

Là địa phương thường xuyên chịu tác động của thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) Thái Hoàng Vũ cho biết các trận sạt lở đất, lũ quét gây thiệt hại lớn về người và nhà ở của đồng bào trong thời gian qua trên địa bàn huyện đều có điểm chung là vị trí sạt lở núi không nằm trên hoặc ngay dưới cung trượt mà nằm gần suối nhỏ, cạn nước về mùa nắng, nhưng là khu vực tụ thủy cho cả lưu vực khi mưa.

Các điểm sạt lở thường cách khu vực bị vùi lấp từ 200 mét trở lên và xảy ra vào thời điểm lượng mưa lớn. Sạt lở tác động vào dòng lũ quét, tạo nên lũ bùn, đất, đá kể cả cây cối. Loại này nguy hiểm hơn lũ quét, sạt lở đất thông thường và gây hậu quả nặng.

Cùng với hiện tượng “bão chồng bão, lũ chồng lũ” là 14 trận sạt lở, lũ quét kinh hoàng tại 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam làm 111 người thiệt mạng và mất tích. Bão lũ vượt mốc lịch sử, song sự ứng phó của các địa phương còn rất nhiều hạn chế.

Tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam chỉ sau một đêm, lũ ống đã cuống phăng cả một ngôi làng cùng với 20 người thiệt mạng và mất tích. Trong số này, đến nay nhiều người vẫn chưa tìm thấy thi thể.

[Nhìn lại năm 2020: Một năm thiên tai khốc liệt và dị thường]

Sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3, tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền khiến 30 người chết và mất tích vẫn còn là nỗi ám ảnh dai dẳng đối với người dân Thừa Thiên-Huế và đồng bào cả nước.

Sạt lở núi san bằng nhà điều hành, vùi lấp 17 công nhân. Lực lượng cứu nạn đã tổ chức 7 giai đoạn tìm kiếm với nhiều phương án tối ưu nhất. Hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ lực lượng quân đội, công an, kiểm lâm và phương tiện đã được điều động đến hiện trường vụ sạt lở làm nhiệm vụ tìm kiếm.

Đến nay, qua gần 10 tháng tổ chức tìm kiếm, vẫn còn 11/17 công nhân chưa được tìm thấy.

Trong thiên tai có nhân tai

Nhận định về nguyên nhân thảm họa thiên tai ở các tỉnh miền Trung, tiến sỹ Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, cho rằng nguyên nhân khách quan là do địa hình đồi núi khu vực có độ dốc cao, chia cắt mạnh, kết cấu đất vùng núi phần lớn là bở rời, dễ sạt trượt, kết hợp với mưa vượt mức lịch sử nên lũ tập trung nhanh, gây ra sạt lở đất, lũ quét.

Mùa mưa năm 2020, miền Trung phải hứng chịu nhiều trận thiên tai, bão lũ liên tiếp xảy ra trên diện rộng, với cường độ rất mạnh, vượt mốc lịch sử, chưa từng có trong nhiều năm qua.

Đặc biệt, cơn bão số 9 (Molave) đã đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua với gió cấp 14, giật cấp 17, thời gian lưu gió mạnh lên đến 6-7 tiếng đồng hồ. Bão đổ bộ trùng với thời điểm triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Miền Trung ứng phó với biến đổi khí hậu: Thiên tai và nhân tai ảnh 3Hình ảnh lũ lớn trên sông Hiếu gây ngập diện rộng tại khu vực huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị năm 2020. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Nguyên nhân chủ quan dẫn đến thiệt hại nặng về người và của là do nhận thức, mức độ quan tâm của chính quyền, người dân một số nơi còn hạn chế, chưa tập trung đề ra giải pháp cụ thể cũng như đầu tư thích đáng cho công tác phòng, chống thiên tai, thậm chí một số nơi trong quá trình xây dựng hạ tầng, sinh sống, sản xuất còn làm gia tăng rủi ro thiên tai, thiệt hại.

Hệ thống tổ chức bộ máy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương hầu hết là kiêm nhiệm, hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu trang thiết bị chuyên dùng, công cụ hỗ trợ theo dõi, giám sát, kết nối chỉ đạo điều hành, dẫn đến lúng túng, bị động trong ứng phó, khắc phục hậu quả đối với tình huống thiên tai lớn, trên diện rộng.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trong công tác phòng, chống thiên tai còn rất hạn chế, đặc biệt đối với lũ quét, sạt lở đất, tiến sỹ Trần Quang Hoài nhận định.

Tại hội thảo khoa học “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung, nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu” do Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức vào đầu năm 2021 tại thành phố Hội An, tiến sỹ Hoàng Ngọc Tuấn,Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung-Tây Nguyên cho rằng nguyên nhân gây sạt lở tại Quảng Nam là do sự dịch chuyển của khối đá, các mảnh vụn hay đất xuống mái dốc.

Sạt lở đất là tổ hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, trong đó, các yếu tố độ dốc, địa mạo, lượng mưa, địa chất công trình, thảm phủ thực vật rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng là các yếu tố chính.

Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất và xác định các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở đất cần thực hiện theo nhiều bước, nhiều yếu tố như độ dốc, lượng mưa, địa chất thủy văn, địa chất công trình, thảm thực vật.

Tuy nhiên, sự chuẩn bị các yếu tố cần thiết này để ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra chưa được các địa phương trong khu vực quan tâm đúng mức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Từ khóa » Nguyên Nhân Gây Sạt Lở đất ở Miền Trung