Miệng Lúc Nào Cũng Ngọt Là Bệnh Gì? | Báo Dân Trí

Vị ngọt trong miệng có thể là dấu hiệu cơ thể có vấn đề về điều hòa đường huyết do bệnh tiểu đường. Ngoài ra còn có một loạt các nguyên nhân khác cần được chăm sóc đặc biệt.

Nguyên nhân

Không giống dư vị do ăn các thực phẩm chứa đường tự nhiên hoặc đường nhân tạo, vị ngọt dai dẳng trong miệng thường do tình trạng sức khoẻ tiềm ẩn.

Bệnh tiểu đường

Vị ngọt trong miệng có thể do bệnh tiểu đường.
Vị ngọt trong miệng có thể do bệnh tiểu đường.

Bệnh tiểu đường là nguyên nhân thường gặp của vị ngọt trong miệng. Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến khả năng cơ thể sử dụng insulin, ảnh hưởng trực tiếp đến kiểm soát đường trong máu của cơ thể.

Bệnh tiểu đường không kiểm soát có thể dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Đôi khi bệnh tiểu đường có thể gây ra vị ngọt trong miệng và thường kèm theo các triệu chứng khác.

Các triệu chứng khác bao gồm:

• Giảm khả năng nếm vị ngọt trong thực phẩm

• mờ mắt

• khát nhiều

• đi tiểu nhiều

• mệt mỏi nhiều

Nhiễm toan xê-tôn tiểu đường

Bệnh tiểu đường cũng có thể gây ra một biến chứng nghiêm gọi là nhiễm toan xê-tôn tiểu đường. Biến chứng này xảy ra khi cơ thể không thể sử dụng đường làm nhiên liệu và bắt đầu sử dụng mỡ để thay thế, tạo ra một loại axít gọi là xê-tôn tích tụ trong cơ thể.

Thừa xê-tôn trong cơ thể có thể gây ra mùi và vị ngọt trái cây trong hơi thở và trong miệng. Nhiễm toan xê-tôn tiểu đường có thể gây ra các triệu chứng khác, bao gồm:

• khát rất nhiều

• mất tri giác

• mệt mỏi

• buồn nôn và nôn

• đau bụng

Chế độ ăn ít carbonhydrat (low-carb)

Những người có chế độ ăn ít carbohydrat có thể cảm thấy vị ngọt kiểu trái cây trong miệng. Carbohydrat là nguồn năng lượng phổ biến trong cơ thể và nếu thiếu cơ thể sẽ phải đốt cháy mỡ để thay thế.

Quá trình này gọi là ketosis và khiến xê-tôn tích tụ trong dòng máu, tạo ra vị ngọt trong miệng.

Bất cứ ai dự định ăn kiêng kiểu low-carb hoặc ketogenic cần được hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng hoặc chuyên gia y tế. Lời khuyên của chuyên gia có thể giúp ngăn ngừa tự tích tụ xê-tôn đến mức có hại trong cơ thể.

Nhiễm trùng

Một số nhiễm khuẩn có thể gây ra vị ngọt trong miệng. Nhiễm trùng đường hô hấp có thể ảnh hưởng đến đáp ứng của não với vị giác.

Ngay cả những bệnh nhiễm trùng đơn giản, như cảm lạnh, cúm hoặc viêm xoang, có thể khiến nước bọt có nhiều glucose hơn. Glucose là một loại đường, vì vậy có thể gây ra vị ngọt trong miệng.

Nếu đúng như vậy, vị ngọt sẽ hết khi nhiễm trùng được điều trị.

Bệnh lý thần kinh

Tổn thương thần kinh cũng có thể gây ra vị ngọt dai dẳng trong miệng. Những người bị động kinh hoặc đột quị có thể bị rối loạn cảm giác, ảnh hưởng đến các giác quan, bao gồm vị giác và khứu giác.

Kết quả của tổn thương kểu này rất phức tạp và có thể khác nhau tùy từng trường hợp. Trong một số trường hợp, người ta có thể cảm thấy vị ngọt trong miệng thường xuyên hoặc thỉnh thoảng.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Một số người bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD) cũng phàn nàn về việc có vị ngọt hoặc vị kim loại trong miệng.

Điều này là do các axit tiêu hóa trào ngược lên ống thực quản và cuối cùng là miệng. Vị ngọt có vẻ bắt nguồn từ thành sau miệng. Điều trị GERD bằng thay đổi chế độ ăn và lối sống sẽ làm giảm các triệu chứng.

Mang thai

Mang thai là một nguyên nhân khác có thể gây ra vị ngọt trong miệng. Mang thai gây ra những thay đổi về lượng hoóc-môn của người phụ nữ và hệ tiêu hoá, cả hai đều có thể ảnh hưởng đến vị giác và khứu giác.

Phụ nữ mang thai có thể cảm thấy vị ngọt hoặc vị kim loại trong miệng. Nguyên nhân tiềm ẩn vẫn có thể là một tình trạng khác, chẳng hạn như GERD hoặc đái tháo đường thai kì, vì vậy bất kỳ phụ nữ nào có sự thay đổi dai dẳng về vị giác đều nên nói chuyện với bác sĩ.

Thuốc

Một số thuốc cũng có thể là thủ phạm gây ra vị ngọt trong miệng. Các thuốc hóa trị thường làm thay đổi vị giác của người bệnh.

Đây là tác dụng phụ nhẹ của nhiều thuốc được sử dụng cho các bệnh nghiêm trọng, nhưng các bác sĩ vẫn sẽ muốn kiểm tra và chắc chắn rằng thuốc là nguyên nhân gây ra triệu chứng.

Nếu vị ngọt ảnh hưởng đến chế độ ăn uống hoặc chất lượng sống của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định phương án thay thế.

Ung thư phổi

Ung thư phổi là nguyên nhân hiếm gặp của vị ngọt trong miệng, nhưng không nên bỏ qua. Trong một số ít trường hợp khối u ở phổi hoặc đường hô hấp có thể làm tăng lượng hoóc-môn và ảnh hưởng đến vị giác.

Các giải pháp

Một số nguyên nhân gây ra vị ngọt ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp và khứu giác, trong khi một số khác lại ảnh hưởng đến hoóc-môn hoặc hệ thần kinh.

Bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám và các xét nghiệm chẩn đoán. Họ cũng sẽ hỏi về tiền sử bệnh hoặc loại thuốc mà bạn đang dùng.

Các xét nghiệm có thể bao gồm:

• xét nghiệm máu để kiểm tra nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virut, mức hoóc-môn, và mức đường trong máu

• Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để kiểm tra các dấu hiệu tăng trưởng và ung thư

• chụp não để kiểm tra tổn thương thần kinh và kiểm tra đáp ứng thần kinh

• nội soi để kiểm tra các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa

Khi đã xác định được nguyên nhân gây ra vị bất thường, bác sĩ sẽ giúp tìm ra phương án điều trị để kiểm soát các triệu chứng.

Điều trị sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân. Ví dụ, người bị bệnh tiểu đường sẽ thấy đỡ nhờ liệu pháp insulin, tập thể dục và chế độ ăn uống lành mạnh, nhưng người bị nhiễm trùng đường hô hấp có thể cần kháng sinh. Tốt nhất là hỏi bác sĩ về trường hợp cụ thể của bạn.

Cuối cùng

Vị ngọt không giải thích được trong miệng thường không đáng lo. Tuy nhiên, nếu vị ngọt xảy ra thường xuyên hoặc trong một thời gian dài thì nên đi khám bác sĩ.

Chẩn đoán đúng là cách tốt nhất để điều trị tình trạng bệnh tiềm ẩn và tránh các biến chứng nghiêm trọng.

Cẩm Tú

Theo MNT

Từ khóa » Trong Miệng Lúc Nào Cũng Có Vị Chua