Miếu Bà Chúa Xứ Tồn Tại Gần 1 Thế Kỷ ở Vũng Tàu

Miếu Bà Chúa Xứ Vũng Tàu tọa lạc tại ngã ba Ẹo Ông Từ (điểm giao giữa đường Võ Nguyên Giáp, đường 30/4 và đường 3/2) thuộc phường 12, TP.Vũng Tàu. Đây là phiên bản của miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam – Châu Đốc, một địa điểm thờ phụng tâm linh của người dân làng Thắng Nhất, TX.Vũng Tàu từ giữa đầu thế kỷ trước và được lưu giữ đến ngày nay.

Miếu Bà Chúa Xứ Vũng Tàu thường xuyên được người dân địa phương kính viếng. Trong ảnh: Gian chính điện thờ tượng Bà Chúa Xứ.
Miếu Bà Chúa Xứ Vũng Tàu thường xuyên được người dân địa phương kính viếng. Trong ảnh: Gian chính điện thờ tượng Bà Chúa Xứ.

Trước năm 1975, miếu Bà Chúa Xứ (miếu Bà) nằm trong xóm Ẹo ông Từ, làng Thắng Nhất, TX.Vũng Tàu. Theo lời kể của những bậc cao niên trong vùng, miếu Bà được người dân địa phương xây dựng và thỉnh tượng Bà từ Châu Đốc, An Giang về thờ trong miếu vào đầu thập niên 30 của thế kỷ trước. Lúc đầu, miếu được xây dựng mái ngói, xung quanh lợp bằng lá tranh nằm sát con đường mòn (nay là đường 30/4) ở làng Ẹo Ông Từ, làng Thắng Nhất để tiện cho việc thờ cúng của người dân quanh vùng. Năm 1938, để phục vụ cho việc mở rộng đường đi lại, miếu Bà được dời sâu vào khoảng 60m. Lúc này, miếu được nâng cấp lợp mái tôn, chiều cao khoảng 2m, xung quanh xây tường gạch có diện tích khoảng 10m2. Năm 1958, miếu được di dời đến vị trí hiện tại, được xây dựng khang trang với nhiều gian thờ trên diện tích 500m2.

Ông Tạ Văn Vững, người quản lý miếu Bà cho biết, kiến trúc miếu Bà được xây dựng theo kết cấu đình, chùa đặc trưng của văn hóa tâm linh người Việt. Cổng có mái vòm cong tự nhiên. Miếu gồm 3 gian với 14 ngôi thờ, gồm: ngôi chánh điện thờ Bà Chúa Xứ và 13 ngôi phụ thờ các vị thần, các bậc tiền hiền. Từ ngoài vào, bên trái miếu có am thờ Chúa Cậu, bên phải là am thờ Thần Hoàng bổn cảnh và Thần Nông. Bước vào gian chính điện, tượng Bà được đặt chính giữa, mặc áo bào thêu hình rồng phụng, kim tuyến lấp lánh, đầu đội mão sặc sỡ. Bà ngồi trên điện, dáng ngồi khoan thai, uy nghi; 2 bên tả, hữu của chánh điện có 2 vị thần hộ pháp Hữu ban, Tả ban bảo vệ. Kế bên là gian nhà khách rộng rãi được sử dụng trong các dịp lễ cúng lớn, đãi khách. Phía sau là nhà kho để cất những vật dụng phục vụ việc thờ cúng Bà, tổ chức lễ hội.

Hàng năm, người dân địa phương tổ chức lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Vũng Tàu, các nghi thức được cử hành theo nghi thức của lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam (Châu Đốc, An Giang). Lễ hội Vía Bà được tổ chức vào các ngày từ 20 đến 23/3 Âm lịch. Vào ngày diễn ra lễ hội, đông đảo người dân khắp nơi tụ hội tại miếu Bà để thắp hương, cầu nguyện, cúng bái cầu bình an, tài lộc. Lễ vật được dâng lên trong ngày hội là hương, hoa, trái cây, trà, bánh, rượu, heo quay… bày tỏ lòng thành tri ân. Vào đêm 22, rạng sáng 23/3 Âm lịch, người dân thực hiện nghi thức tắm và thay y phục mới cho Bà. Còn bộ y phục cũ của Bà được cắt nhỏ ra, phân phát cho những người dân hay khách tới vía, xem như lá bùa hộ mệnh đuổi tà, trừ ma, bảo vệ sức khỏe.

Ông Nguyễn Văn Út (60 tuổi, ngụ phường 12, TP.Vũng Tàu) cho biết, theo lời kể của cha mẹ ông, hồi xưa, người dân quanh vùng chủ yếu làm nông sống qua ngày, được Bà phù hộ giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp và thoát khỏi bệnh tật. Ngày nay, nhiều người gặp khó khăn trong công việc, gia đình hoạn nạn tìm đến miếu cầu xin Bà phù hộ hóa nguy thành an. Vì vậy, miếu Bà được nhiều người biết đến và thành tâm đóng góp trong việc tu bổ, sửa chữa nơi thờ cúng anh linh của Bà. “Tôi thường xuyên đến miếu Bà thắp hương thành kính, cầu an cho gia đình”, ông Út nói.

Lâu nay, các nghi thức trong lễ hội miếu Bà Chúa Xứ Vũng Tàu được lưu truyền theo hình thức truyền miệng. Đến nay, những nghi thức này vẫn được thể hiện một cách trọn vẹn, đầy đủ và giữ nguyên được những ý nghĩa sơ khai của nó. “Vài năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu thờ cúng tâm linh của người dân, miếu Bà được mở cửa đều đặn mỗi ngày từ 8 giờ đến 20 giờ”, ông Tạ Văn Vững cho hay.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Từ khóa » Sự Tích ẹo ông Từ