Minimalism & Fashion: Xây Dựng Tủ Quần áo Cơ Bản
Có thể bạn quan tâm
Chào bạn đọc The Present Writer,
Sau một thời gian tập trung viết về tư duy tích cực, phát triển bản thân, và du học, blog lần này trở lại với đề tài Chủ nghĩa tối giản (Minimalism) – một trong những đề tài được bạn đọc quan tâm nhiều nhất. Trong vài tuần tới, tôi sẽ chạy chuỗi bài về những ứng dụng thực tiễn của Chủ nghĩa tối giản. Bắt đầu bằng cụm từ “Minimalism & …”, mỗi bài viết ghi lại kinh nghiệm và lời khuyên của tôi trong việc tối giản hoá cuộc sống. Bài viết tuần này là về thời trang: Minimalism & Fashion: Xây dựng tủ quần áo cơ bản.
—-
Khi tôi bắt đầu viết về Chủ nghĩa tối giản, rất nhiều bạn đọc gửi thư và tin nhắn yêu cầu viết thêm về cách tối giản hoá tủ đồ cá nhân của mình (bao gồm quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện). Quần áo có vẻ là vấn đề lớn nhất của mọi người, nhất là các bạn nữ. Ai cũng cảm thấy ngộp thở vì quần áo nhưng không thể ngừng mua sắm thêm đồ mới, và cũng lại không nỡ bỏ đồ cũ đi. Tủ quần áo của ai cũng ngập đến tận nóc nhưng nhiều người sáng nào cũng lúng túng vì không biết mặc gì. Rất nhiều bạn chia sẻ với tôi rằng mỗi lần mở tủ quần áo ra là một lần cảm thấy stress vì thấy các món đồ nhàu nát, chen chúc nhau, phải mất rất nhiều thời gian “đào bới” mới tìm được món đồ mình muốn. Tôi hiểu cảm giác này.
Trước khi đến với Chủ nghĩa tối giản, tôi từng sở hữu rất nhiều quần áo (có thời điểm lên tới hằng trăm món!) nhưng chưa bao giờ thấy là đủ. Tôi cảm giác các món đồ của mình không có cái nào ăn nhập với cái nào, tôi tốn rất nhiều thời gian để chọn lựa và phối đồ mỗi sáng, trong khi đó vẫn không ngừng mua sắm với hy vọng cải thiện thêm tủ quần áo của mình. Chỉ cho đến khi bắt đầu xây dựng tủ quần áo cơ bản (capsule wardrobe) tôi mới dần cảm thấy tự tin hơn về thời trang của mình. Tủ quần áo cơ bản là một bộ sưu tập nhỏ (khoảng 30 món) bao gồm những món đồ yêu thích nhất, phối hợp tốt nhất với nhau, và không bao giờ lỗi mốt. Quá trình xây dựng tủ quần áo cơ bản đã giúp tôi thanh lọc tất cả những món đồ thời trang mình sở hữu, ngừng hẳn việc mua sắm theo trào lưu, và tập trung vào tạo dựng phong cách riêng cho mình.
Vì đây không phải là blog thời trang, bài viết này không nhằm để hướng dẫn bạn đọc phối đồ theo phong cách tối giản (có rất nhiều trang khác đã viết về mảng này). Tôi chỉ mong muốn truyền đạt lại một số quy tắc cơ bản mà tôi cảm thấy hữu ích trong quá trình xây dựng tủ quần áo cơ bản cho mình. Bạn đọc có thể linh hoạt ứng dụng những quy tắc này vào gu thẩm mỹ, phong cách thời trang, và điều kiện cụ thể của mình. Dưới đây là 5 điểm quan trọng để bắt đầu để xây dựng tủ quần áo cơ bản:
1. Thanh lọc TẤT CẢ món đồ hiện có
Bước đầu tiên xây dựng một tủ quần áo nhỏ nhưng “chất” là thanh lọc những món đồ hiện có. Lời khuyên của tôi là chọn một ngày nghỉ hoặc một buổi tối rảnh rỗi trong tuần, lôi tất cả quần áo, giày dép, phụ kiện, túi xách… ra để riêng một chỗ (“tất cả” có nghĩa là cả quần áo mùa đông lẫn mùa hè, giày dép ở cả ở trong ngăn tủ lẫn va li, túi xách treo trong phòng ngủ lẫn phòng khách…). Sau đó, bạn bắt đầu rà soát lại từng món một và quyết định xem món nào nên giữ, món nào nên bỏ, và món nào còn đang cân nhắc. Tôi đã từng viết khá nhiều và khá chi tiết về quy trình này, bạn đọc có thể tham khảo trên blog về các bước thực hiện theo Phương Pháp KonMari và 5 điều Chủ nghĩa tối giản thay đổi cuộc sống tôi. Trải qua quá trình này (thường là khó khăn nhất), tôi cam đoan rằng tủ quần áo của bạn sẽ thu nhỏ lại đáng kể.
Hãy nhớ rằng chỉ nên giữ lại những món đồ mà bạn thực sự yêu thích. Đừng ngại bỏ đi (hoặc cho đi) những món đồ đã cũ, lỗi thời, hoặc không còn mang lại niềm vui (“spark joy”) cho mình. Cũng đừng nên mang tư duy “bỏ thì thương mà vương thì tội” mà giữ lại những món đồ thừa thãi, không còn ý nghĩa cho cuộc sống. Bạn đọc có thể tham khảo thêm luận điểm của tôi về vấn đề này trong bài viết 7 hiểu lầm thường gặp về Chủ nghĩa tối giản.
2. Tập trung vào màu sắc trung tính (và 1-2 màu đặc biệt)
Theo ngôn ngữ thời trang, tối giản có nghĩa là ít rườm rà, sặc sỡ, thiên về cổ điển, đơn giản, chỉ dựa trên nền 1-3 màu cơ bản.
Khi bắt đầu xây dựng tủ quần áo cơ bản của mình (khoảng 1,5 năm trước), tôi ghi chép lại những món đồ mình mặc thường xuyên (những món mà mình có thể vơ vội mặc mà vẫn yên tâm là ổn, hay những món mình không ngại mặc đi mặc lại nhiều lần). Trong quá trình này, tôi nhận ra là mình luôn có xu hướng tìm đến những món đồ có màu sắc trung tính (neutral colors) như màu đen, màu trắng, màu be. Đơn giản là vì những màu sắc này không bao giờ làm người mặc thất vọng — chúng dễ ăn nhập với nhau, không bao giờ lỗi mốt, và thường đi với thiết kế đơn giản. Từ đó, cộng thêm quá trình nghiên cứu về Chủ nghĩa tối giản, tôi quyết định đầu tư vào quần áo có màu sắc trung tính. Đây có lẽ là quyết định quan trọng và sáng suốt nhất của tôi trong quá trình xây dựng tủ quần áo cơ bản vì nó thực sự làm việc phối đồ sẵn có và mua đồ bổ sung đơn giản hơn rất nhiều. Vì cùng dựa trên nền màu trung tính, các món đồ trong tủ quần áo dễ ăn nhập với nhau hơn và việc phối đồ trở nên dễ dàng hơn (thay vì sáng sáng “lạc lối” trong một rừng hoa đủ màu sắc). Cũng vì đã có định hướng cụ thể, khi cần mua một món đồ mới, tôi không mất quá nhiều thời gian cân nhắc về màu sắc như trước kia. Thay vào đó, tôi có thêm điều kiện tập trung vào kiểu dáng, đường cắt may, chất lượng vải của từng món đồ – những yếu tố vô cùng quan trọng để đảm bảo một tủ quần áo chất lượng, có thể sử dụng lâu dài.
Tập trung vào màu sắc trung tính không có nghĩa là từ bỏ các màu sắc khác. Theo tôi, mỗi tủ quần áo cơ bản nên có 1-2 màu sắc đặc biệt tạo điểm nhất (accent colors). Đây là những màu sắc nổi bật hơn nền màu trung tính nhưng vẫn có thể kết hợp được đẹp với nhau. Về cơ bản, tôi nghĩ mọi người đều có thể chọn màu mình thích cho accent colors. Cá nhân tôi thích màu xanh da trời nhạt và màu xanh nước biển đậm. Màu xanh da trời luôn khiến tôi cảm thấy dịu mát, nhẹ nhàng, trẻ trung. Còn màu xanh nước biển lại gợi cho tôi nhớ về bộ đồng phục học sinh phổ thông (quần xanh, áo trắng) và cảm giác lịch sự, gọn gàng, ưa nhìn. Tôi có biết nhiều người chọn accent colors là là màu hồng phấn, da cam đậm, hay nâu đất – những màu này khi phối đồ hợp lý cũng rất ưa nhìn. Nếu bạn chưa biết hoặc chưa quyết định accent colors của mình là gì, tôi khuyên nên quay lại đánh giá những món mình yêu thích nhất và chọn ra một số màu sắc thường làm bạn cảm thấy tự tin khi mặc.
Tham khảo thêm video của blogger Gold Zipper về xây dựng tủ quần áo cơ bản (đặc biệt về khía cạnh màu sắc).
3. Đầu tư vào những món “đinh”
Vì tủ quần áo cơ bản có tương đối ít món đồ, điều quan trọng là tất cả những món này phải có chất lượng cao ( vì phải mặc đi mặc lại nhiều lần), không bao giờ lỗi mốt, và có thể phối hợp ăn ý với phần lớn các món khác. Việc đầu tư vào những món “đinh”(staple pieces) như thế này sẽ giúp bạn tập trung vào chất lượng hơn là số lượng khi mua sắm và khiến tủ quần áo có “chất” hơn. Mặc dù những món chất lượng cao thường đi kèm với giá thành cao nhưng về lâu về dài, chúng sẽ có giá trị sử dụng nhiều hơn là những món rẻ tiền nhưng chỉ mặc được một vài lần. Vì vậy, tôi rất khuyên nên đầu tư vào những món “đinh” có chất lượng tốt khi xây dựng tủ quần áo cơ bản.
Các món “đinh” cũng có thể thay đổi theo thời gian và theo mùa. Hiện tại, những món không thể thiếu được trong tủ quần áo của tôi là: quần jean xanh và đen (đơn giản, không mài, không rách quá nhiều), áo phông trơn màu trắng/đen/ghi, áo da biker jacket, giày thể thao, và bốt cổ ngắn. Đối với từng loại, tôi chỉ hạn chế trong khoảng 1-2 món nhưng mỗi món tôi đều cố gắng đề cao chất lượng. Tôi thường nghiên cứu kỹ các lựa chọn, kiểu dáng, so sánh các nhãn hàng khác nhau trước khi mua. Tôi cũng cẩn thận hơn khi sử dụng những món đồ quan trọng này: tôi thường dành thời gian giặt tay và là hơi nước, treo cẩn thận lên móc hoặc gấp gọn gàng để mỗi lần mặc đều gần như mới. Đây là cách hữu hiệu để tiết kiệm tiền cho thời trang, trong khi đó vẫn có thể mặc đẹp trong số lượng đồ hãn hữu.
4. Tăng tính ứng dụng của từng món đồ
Một trong những điểm quan trọng nhất của việc tối giản hoá cuộc sống là sử dụng những món đồ ứng dụng được vào nhiều hoàn cảnh và mục đích khác nhau (versatile pieces). Điều này cũng hoàn toàn đúng với tủ quần áo. Ví dụ, những người có tư duy tối giản thường hạn chế mua hoặc đầu tư quá nhiều tiền vào những món chỉ có một mục đích hoặc rất ít khi sử dụng như váy cưới xa hoa (chỉ dùng một lần) hay áo váy dạ hội đắt tiền (trong khi không mấy khi tham gia tiệc tùng, biểu diễn). Thay vào đó, họ dành tiền đầu tư vào những món sử dụng được vào nhiều mục đích như quần áo dùng được cả đi làm công sở cả đi chơi phố, giày thể thao có thể vừa đi tập gym vừa đi bộ hàng ngày, hay túi xách dùng được cả đi học lẫn đi du lịch. Những món đồ đa dụng như vậy tạo điều kiện cho tủ quần áo tuy nhỏ nhưng có thể biến hoá đa dạng. Đây cũng là lý do những món đa dụng như váy đen (little black dress) hay giày cao gót màu da (nude pumps) luôn được các chuyên gia thời trang khuyên nên có trong tủ quần áo của phụ nữ (tương tự như áo sơ mi trắng và quần tây trong tủ quần áo nam).
Nhưng con người có lẽ là yếu tố quan trọng nhất để tăng tính ứng dụng cho từng món đồ thời trang. Trước đây, khi có một tủ quần áo lớn, tôi rất ít khi đầu tư suy nghĩ làm sao để tận dụng tối đa những món đồ mình có. Tôi từng có một nhóm đồ riêng để đi mặc đi chơi, một nhóm đồ riêng mặc đi làm, và một nhóm đồ đẹp chỉ mặc khi “có dịp”. Trong thực tế, những món đồ mặc đi chơi đôi khi quá luộm thuộm, những món đồ mặc đi làm thỉnh thoảng quá nghiêm túc, còn lại cũng không mấy khi “có dịp” để mặc đồ đẹp — dẫn đến việc quần áo thì nhiều nhưng toàn để xó tủ. Từ khi thu hẹp tủ quần áo chỉ còn lại rất nhỏ, tôi buộc phải suy nghĩ sáng tạo làm sao để tối đa hoá phạm vi sử dụng của từng món đồ. Một trong những “bí kíp” của riêng tôi là sử dụng linh hoạt các kiểu dáng giày. Ví dụ, một chiếc quần bò dáng thụng, bụi bặm hoàn toàn có thể làm điệu hơn, sang hơn bằng cách phối với giày cao gót và áo sơ mi; một bộ quần áo nghiêm túc (thậm chí vest) hoàn toàn có thể mặc đi học hoặc đi chơi phố nếu phối với đôi giày sneakers (loại yêu thích của tôi là Converse và Adidas trắng, dáng cổ điển). Cũng từ khi sống chỉ với một tủ quần áo nhỏ, tôi quyết định không để dành quần áo đẹp đợi “có dịp” nữa, tôi cho mỗi ngày là một ngày đặc biệt và mặc tất cả những món đồ mình thích.
5. Tìm cảm hứng thời trang hàng ngày
Để có thể làm mới tủ quần áo thường xuyên (mà không nhất thiết phải đi mua sắm) và có ý tưởng để tăng tính ứng dụng của từng món đồ, tôi thường tìm cảm hứng thời trang từ nhiều nguồn khác nhau. Việc tham khảo các ý tưởng thời trang để phối đồ trở thành niềm vui mới của tôi, lấn át cả thói quen mua sắm trước đây.
Nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, trang Pinterest là một nơi rất tốt để tìm cảm hứng thời trang. Pinterest gần giống như mạng xã hội, trong đó bạn có tài khoản riêng và bộ sưu tập riêng lưu lại hình ảnh của mình, điểm khác biệt lớn nhất là bạn có thể đánh dấu (pin) và lưu lại hình ảnh và ý tưởng mà bạn thích. Chỉ cần đánh từ khoá đơn giản như: fashion, minimalism, minimalist fashion, capsule wardrobe…. là có hàng trăm nghìn kết quả hình ảnh, ý tưởng thời trang để bạn học theo và ứng dụng vào tủ quần áo của mình. Đây là một ứng dụng rất thuận tiện để tìm cảm hứng thời trang đối với những người thường xuyên trên mạng.
Ngoài ra, các tạp chí và lookbook của các nhãn hàng thời trang luôn là nơi bạn có thể tham khảo cách các chuyên gia thời trang phối đồ. Cá nhân tôi thường tìm thấy cảm hứng thời trang qua việc quan sát phong cách ăn mặc của mọi người xung quanh. Khi bắt gặp những người có phong cách thời trang thú vị, tôi thường chú ý ghi nhớ trong đầu hoặc xin phép chụp hình lại để áp dụng vào phối đồ hàng ngày của mình. Mỗi khi phối được một bộ đồ yêu thích, tôi thường chụp ảnh lại và lưu trữ trên tài khoản Pinterest để xem lại mỗi khi cần. Việc thường xuyên quan sát, đọc, và tìm kiếm về thời trang cũng giúp tôi luyện tập con mắt thẩm mỹ tinh tế hơn và nhạy bén hơn với những xu hướng mới.
—
Trong 1,5 năm vừa qua, Chủ nghĩa tối giản đã mang lại cho cuộc sống của tôi nhiều màu sắc và niềm vui mới (trái với suy nghĩ của nhiều người, tối giản không đồng nghĩa với nhàm chán). Mặc dù tôi không phải chuyên gia thời trang, cũng không có điều kiện dành quá nhiều thời gian để chăm chút bề ngoài, việc xây dựng tủ quần áo cơ bản đã làm tôi thay đổi hoàn toàn cái nhìn về thời trang ứng dụng và tư duy sáng tạo của con người để tối ưu hoá số lượng đồ hữu hạn. Tôi tin rằng không phải sở hữu 100 hay 200 món đồ mới là “thời trang”, trái lại, việc tập trung vào một số lượng đồ nhỏ, có định hướng màu sắc, kiểu dáng, có chất lượng cao, khiến cho người mặc cảm thấy tự tin, thoải mái mới thực sự định hình phong cách cá nhân độc đáo.
Vậy tại sao không xây dựng tủ quần áo cơ bản ngay từ hôm nay? Tôi chờ nghe về trải nghiệm của bạn!
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Từ khóa » Tối Giản Hoá Tủ Quần áo
-
7 Bước để Xây Dựng Tủ Quần áo Tối Giản Nhưng Phong Cách - My Life
-
Hướng Dẫn Xây Dựng Tủ Quần áo Tối Giản Cho Nam Giới | ELLE Man
-
Tối Giản Quần áo Như Thế Nào? - Life 30
-
Tủ Quần áo Tối Giản Và Làm Sao để Yêu Hơn Những Bộ đồ Bạn Có?
-
Tủ Quần áo Cho Cô Nàng Tối Giản - Summer Days
-
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TỐI GIẢN HOÁ TỦ ĐỒ CỦA BẠN? | THEWOLF.VN
-
Xây Dựng Tủ Quần áo Tối Giản Với 5 Items Cơ Bản - YouTube
-
Cách Mình Tối Giản Hoá Tủ Quần áo - YouTube
-
Áp Dụng Lối Sống Tối Giản Trong Chi Tiêu Và Thanh Lọc Hơn 100 Món ...
-
Minimalism & Wardrobe: Làm Sao để Duy Trì Tủ Quần áo Tối Giản ...
-
SỐNG TỐI GIẢN: TỐI GIẢN TỦ QUẦN ÁO - Thythylittlethings
-
Bí Quyết “tối Giản Hóa” Cuộc Sống Dành Cho Thế Hệ Millennials?
-
CÁCH MÌNH TỐI GIẢN HOÁ TỦ QUẦN ÁO - GIANG ƠI