'Mở' đầu Vào Thạc Sĩ - Tuổi Trẻ Online

Mở đầu vào thạc sĩ - Ảnh 1.

Trường đại học Kinh tế TP.HCM lần đầu tuyển sinh thạc sĩ theo hình thức xét tuyển với kết quả khả quan - Ảnh: M.G

Tháng 8-2021, Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ mới để thay thế quy chế năm 2014. Quy chế mới không giới hạn số đợt tuyển thạc sĩ trong năm như trước (2 đợt/năm). Phương thức tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển của quy chế cũ cũng được mở tối đa ở quy chế mới: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển.

Muôn kiểu xét tuyển

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vừa kết thúc tuyển sinh thạc sĩ đợt 1 năm 2022. Đây là lần đầu tiên trường tuyển sinh thạc sĩ ứng dụng theo hình thức xét tuyển dựa trên hồ sơ ứng viên, kết quả học tập bậc đại học và điều kiện ngoại ngữ. Những thí sinh chưa đạt yêu cầu ngoại ngữ theo quy định sẽ thi đầu vào ngoại ngữ do trường tổ chức. Riêng thí sinh thạc sĩ định hướng nghiên cứu, ngoài xét tuyển như thạc sĩ định hướng ứng dụng, còn phải trải qua kỳ kiểm tra năng lực (GMAT) do trường tổ chức.

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng vừa kết thúc đợt tuyển sinh thạc sĩ theo hình thức xét tuyển. Ông Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho biết số lượng thí sinh dự tuyển thạc sĩ đợt 1 năm 2022 tăng gần gấp đôi so với khi thi tuyển.

Tương tự, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng lần đầu xét tuyển thạc sĩ hoàn toàn dựa vào kết quả học tập bậc đại học nhưng với điều kiện tiếng Anh cứng theo quy định. Những thí sinh muốn xét tuyển phải có chứng chỉ ngoại ngữ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc. Những thí sinh không đạt ngoại ngữ sẽ bị loại, trường không tổ chức thi tiếng Anh đầu vào.

Nhiều trường đại học khác cũng xét tuyển thạc sĩ dựa vào kết quả học đại học như Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trà Vinh, Quy Nhơn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Học viện Tài chính, Đại học Huế, Tài chính - marketing...

Phó trưởng phòng sau đại học một trường đại học tại TP.HCM cho biết kết quả tuyển sinh thạc sĩ đợt 1-2022 khả quan hơn so với năm trước, trường đã tuyển được 50% chỉ tiêu bậc thạc sĩ năm nay. Theo vị này, việc thi tuyển sẽ có nhiều thí sinh rớt hơn do phải thi nhiều môn.

Để đảm bảo tiêu chí phân loại, một số trường kết hợp xét tuyển và phỏng vấn hoặc tổ chức thi tuyển cho những ngành có đông thí sinh dự thi. Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ngoài các phương thức tuyển thẳng, xét tuyển đặc thù của ĐH Quốc gia, trường tổ chức thi tuyển với các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật xây dựng công trình biển, kỹ thuật xây dựng công trình thủy và khoa học tính toán. Những ngành còn lại xét hồ sơ kết hợp phỏng vấn kiến thức chuyên môn hai môn chuyên ngành.

Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) có 38 ngành tuyển sinh thạc sĩ, trong đó 8 ngành tuyển sinh theo hình thức xét tuyển kết hợp vấn đáp, các ngành còn lại thi tuyển 3 môn - ngoại ngữ, môn cơ sở, môn chuyên ngành. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xét tuyển hồ sơ và phỏng vấn thí sinh.

ĐH Huế xét tuyển 83 ngành đào tạo thạc sĩ. Riêng các ngành đào tạo trình độ thạc sĩ của Trường ĐH Y dược (ĐH Huế), ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện xét tuyển, thí sinh phải tham dự kỳ thi phụ với môn thi là môn chuyên ngành do trường tổ chức.

Thuận lợi cho thí sinh

Ông Phạm Thái Sơn cho biết số hồ sơ đăng ký vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM tăng gấp đôi so với cùng đợt năm 2021 nhưng số thí sinh trúng tuyển chỉ tăng khoảng 50%. Lý giải điều này, ông Sơn cho biết quy định mới nếu thí sinh chưa có chứng chỉ năng lực ngoại ngữ bậc 3 (B1) hoặc tương đương phải tham gia kỳ thi tiếng Anh đầu vào. "Đây là trở ngại lớn nhất khiến nhiều thí sinh đạt điểm hồ sơ nhưng lại rớt môn tiếng Anh nên không đủ điều kiện trúng tuyển" - ông Sơn nói.

Theo nhiều trường, phương án xét tuyển đã thu hút nhiều người đã đi làm - vốn ngại ôn và thi đầu vào - học thạc sĩ. Ông Hoàng Trang, trưởng phòng sau đại học Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết thống kê khi thi tuyển cho thấy độ tuổi trung bình của thí sinh dao động từ 25 - 26 tuổi, nhưng khi trường xét tuyển thì độ tuổi trung bình tăng lên 27 - 28.

"Quy định mới thuận tiện hơn, trường có thể tự chủ chọn phương thức phù hợp, người học cũng có thêm sự lựa chọn. Xét tuyển hồ sơ và kết hợp với phỏng vấn kiến thức chuyên môn giúp anh chị đi làm lâu rồi cũng mạnh dạn nộp hồ sơ" - ông Trang nói.

Cùng quan điểm này, ông Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng hình thức xét tuyển kết hợp tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh nhiều hơn so với việc thi tuyển trước đây.

"Còn những ngành có lượng thí sinh đông, việc đưa ra tiêu chí xét tuyển để phân loại sẽ khó. Dễ quá sẽ không phân loại được, khó quá không nhiều thí sinh đạt được. Do đó, những ngành này trường vẫn tổ chức thi như truyền thống để có thang đo phân loại" - ông Hạ cho biết thêm.

Bên cạnh nhiều trường tuyển theo phương thức xét tuyển, không ít trường vẫn tuyển sinh thạc sĩ theo hình thức thi tuyển như trước đây như Trường ĐH Y dược TP.HCM, các trường thành viên ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM)...

Thi hay xét đều như nhau

Nói về việc chọn phương án xét tuyển, ông Nguyễn Đức Trung - phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM - cho biết việc tổ chức thi rất tốn kém cho nhà trường và thí sinh, trong khi chỉ để loại một vài thí sinh. Thi hay xét đều như nhau, nên năm nay trường chọn phương án xét tuyển. Cũng theo ông Trung, trường xét tiêu chuẩn cứng về tiếng Anh, thí sinh không đạt sẽ loại, trường không tổ chức thi tiếng Anh đầu vào cho những thí sinh chưa đạt tiếng Anh.

Học bổng thạc sĩ nào đang có sức hấp dẫn nhất hiện nay? Học bổng thạc sĩ nào đang có sức hấp dẫn nhất hiện nay?

Học thạc sĩ là dự định của không ít người, vừa muốn nâng cao năng lực cá nhân, thêm những cơ hội thăng tiến. Năm 2022 trường nào đang có học bổng thạc sĩ tài năng 'xịn' nhất?

Từ khóa » Xét Tuyển Thạc Sĩ