Mô Hình Liên Kết Sản Xuất Giúp Nâng Cao Giá Trị Thịt Bò Vàng Hà Giang

Tiềm năng phát triển của sản phẩm bò H’mông

Bò H’mông là một trong những giống bò bản địa, sinh trưởng và phát triển ở khu vực miền núi phía Bắc nước ta. Giống bò H’mông mới được đưa vào Atlas vật nuôi năm 2007. Các nghiên cứu cho thấy bò H’mông là nguồn gen đặc hữu, rất quý, có khả năng chịu lạnh, chịu kham khổ, có sức đề kháng tốt, trọng lượng trung bình trên 500 kg khi trưởng thành (có thể lên tới 700-800 kg/con), hiện nay bò H’mông được đánh giá là “giống siêu thịt” của Việt Nam.

Bò H’mông được nuôi “trên lưng” theo văn hóa riêng của người H’mông, với quy trình khác biệt so với quy trình nuôi bò thông thường: Nơi ở của bò cao, thoáng, sạch sẽ; quy trình chăn nuôi bản địa chú trọng vỗ béo bò trong vụ đông xuân; thức ăn cho bò là cỏ, ngô và các loại lá cây đặc thù của vùng núi cao; các kỹ thuật nuôi dưỡng bò sinh sản, bê... khá tương đồng với cách nuôi bò của người nông dân Nhật Bản và Hàn Quốc (nơi tạo ra các “siêu phẩm” thịt bò). Giống bò tốt, nét văn hóa độc đáo và kinh nghiệm chăn nuôi bò của người người H’mông là những cơ sở quan trọng và điều kiện tiên quyết cho thấy tiềm năng xây dựng và phát triển thương hiệu thịt bò chất lượng cao, đáp ứng thị trường thịt cao cấp trong nước, tiến tới xuất khẩu.

Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn chủ yếu thuộc 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang, là khu vực tập trung số lượng lớn bò H’mông. Bên cạnh đó còn một số địa phương khác lân cận như huyện Pắc Nậm của Bắc Kạn, Bảo Lâm của Cao Bằng… Đây là những địa phương vùng biên giới đặc biệt khó khăn, người dân chủ yếu là dân tộc H’mông, sinh sống dựa vào việc trồng ngô, nuôi bò từ nhiều đời nay. Việc khơi dậy tiềm năng kết hợp giữa chăn nuôi bò H’mông, trồng ngô và du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ là giải pháp không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà còn hướng tới làm giàu cho người dân nơi đây.

Tại Hà Giang, những năm gần đây, nghề chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân, nhiều gia đình đã tập trung phát triển chăn nuôi và vỗ béo bò thịt. Đặc biệt, với chính sách cụ thể và hiệu quả hỗ trợ cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi đại gia súc nói riêng của tỉnh Hà Giang, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo bền vững và từng bước có tích lũy từ đầu tư phát triển chăn nuôi trâu, bò, ngựa theo hướng hàng hóa gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ.

Tổng đàn bò vàng trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã tăng theo từng năm. Theo Cục Thống kê tỉnh Hà Giang, trong giai đoạn 2016-2019, tổng lượng đàn bò tỉnh Hà Giang đã tăng 16.593 con, từ mức 104.016 con năm 2016 lên 120.609 con năm 2019.

Thịt bò Hà Giang đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bình chọn và đưa vào danh sách bảo tồn, được đánh giá chất lượng hơn hẳn các giống bò khác ở trong nước cũng như bò Úc, bò Mỹ. Hiện thịt bò Hà Giang không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn được các thương lái Trung Quốc ưa thích và sẵn sàng trả giá cao hơn các loại thịt bò lai.

Tháng 4/2019, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt bò Hà Giang, với vùng chỉ dẫn là các xã thuộc 6 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần.

Trên cơ sở đó, tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều hoạt động để quản lý và khai thác chỉ dẫn địa lý hiệu quả. Cụ thể, tỉnh thực hiện giám sát và kiểm soát việc tuân thủ các yêu cầu về chất lượng của các nhà sản xuất và kinh doanh thịt bò Hà Giang, tiến hành trao quyền sử dụng, cấp mã vạch cho các nhà sản xuất và kinh doanh; tăng cường tuyên truyền phổ biến, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật nhằm tăng số lượng, chất lượng và hiệu quả kinh tế đối với các hình thức chăn nuôi bò; Đồng thời, tập trung nguồn lực để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân tham gia chuỗi liên kết sản xuất và kinh doanh và bảo tồn giống bò vàng vùng cao với mục đích nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Nâng cao giá trị thịt bò vàng Hà Giang qua mô hình liên kết sản xuất của hợp tác xã Đại Dương

Bò vàng là vật nuôi đã và đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Hà Giang, tuy vậy, nghề chăn nuôi bò trên vùng cao nguyên đá Hà Giang cũng đang gặp nhiều thách thức như: việc khai thác đàn bò vàng vùng cao của Hà Giang vẫn còn mang tính tự nhiên, thiếu khoa học nên không phát huy hết giá trị của giống bò vàng; kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng đàn bò chưa theo đúng yêu cầu kỹ thuật nên sản lượng thịt hàng hóa chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng; hệ thống quản lý và sử dụng giống chưa hoàn chỉnh, công tác tuyển chọn bò đực giống chưa được đầu tư theo đúng yêu cầu nên hiệu quả chăn nuôi chưa cao...

Để khắc phục những khó khăn, thách thức trên, dưới sự hỗ trợ của Chương trình CPRP – IFAD, tỉnh Hà Giang bước đầu đã hình thành chuỗi giá trị thịt bò thông qua mô hình liên kết chuỗi của hợp tác xã Đại Dương.

Hợp tác xã Đại Dương đã hỗ trợ đầu vào đồng thời bao tiêu đầu ra cho các hộ thành viên và các hộ dân cùng tham gia trên địa bàn. Cụ thể: về vấn đề đầu vào, hợp tác xã đã đầu tư con giống, kỹ thuật chăn nuôi bò cho các thành viên. Sau khi bò sinh sản và được nuôi đến tuổi xuất bán, hợp tác xã sẽ thu mua lại theo hợp đồng đã ký kết. Đáng chú ý, hợp tác xã đã hỗ trợ các hộ xã viên mở rộng quy mô chuồng trại để phát triển chăn nuôi đàn bò hàng hóa nhằm dần tạo nguồn nguyên liệu đảm bảo cả về số lượng và chất lượng cho chế biến sản phẩm thịt bò khô vùng cao.

Ngoài ra, hợp tác xã Đại Dương đã mạnh dạn đầu tư máy sấy thịt bò, kèm máy hút chân không công nghiệp để sản xuất sản phẩm thịt bò khô, đồng thời xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm mang thương hiệu thịt bò khô vùng cao. Sản phẩm đã được trưng bày tại gian hàng truyền thống phục vụ Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ 3, thứ 4 và thứ 5. Hiện sản phẩm thịt bò khô của hợp tác xã Đại Dương đã được Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành thẩm định, rồi cấp mã vạch đánh dấu xuất xứ...

Với việc đầu tư bài bản vào việc thực hiện chuỗi liên kết giá trị thịt bò của hợp tác xã Đại Dương, dự kiến sản phẩm thịt bò vàng của tỉnh Hà Giang sẽ ngày càng nâng cao giá trị, mở ra hướng thoát nghèo cho người dân Hà Giang.

Từ khóa » Tinh Bò 3b đại Dương