Mô Hình Sản Xuất Giống Thỏ Trắng New Zealand

Tổ Ứng dụng và chuyển giao công nghệ được thành lập vào tháng 04/2014 trực thuộc phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế, tổ có nhiệm vụ ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học vào thực tiễn sản xuất. Thạc sỹ Đỗ Ngọc Diên – Phó trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế được giao phụ trách mảng hoạt động này. Ngay từ những ngày đầu thành lập được sự ủng hộ của Ban giám hiệu Nhà trường về cơ sở vật chất và nguồn vốn, Tổ đã mạnh dạn lập kế hoạch xây dựng mô hình sản xuất giống thỏ trắng New Zealand tại khu vực trại chăn nuôi của Nhà trường. Mô hình sản xuất giống thỏ trắng New Zealand không chỉ cung cấp con giống cho thị trường mà còn là địa điểm để các bạn sinh viên tham gia thực hành, thực tập nghề nghiệp và nghiên cứu khoa học.

 

ThS. Đỗ Ngọc Diên – Phó trưởng Phòng Khoa học và HTQT hướng dẫn sinh viên thực tập nhận biết thỏ mẹ đang mang thai

Hiện nay tổng diện tích chuồng nuôi thỏ là trên 180m2 tương đương với 226 ô chuồng. Chuồng nuôi được xây dựng theo tiêu chuẩn rộng 0,6m, dài 0,8m, cao 0,45m, mặt chuồng cách mặt đất 0,6 m, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh cho thỏ. Có trên 60% diện tích ô chuồng đã đưa vào sử dụng, dự kiến trong khoảng từ 2 đến 3 tháng nữa với tốc độ sinh sản của thỏ mẹ như hiện nay thì cần mở rộng thêm diện tích chuồng nuôi.

Ban đầu khu chuồng thỏ có 12 con thỏ đực giống và 70 con thỏ cái giống, mỗi con được nhốt riêng một ô chuồng, đến nay sau khoảng thời gian là 3 tháng nuôi dưỡng đã có trên 130 thỏ con. Thỏ trắng New Zealand là giống thỏ có nhiều ưu điểm hơn so với các giống thỏ thông thường khác như khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, sinh sản nhiều, thịt thơm ngon, hấp dẫn và đặc biệt Thỏ trắng New Zealand được công ty Nippon Zoki của Nhật Bản chọn làm nguyên liệu để chế biến dược phẩm. Chúng sinh trưởng nhanh, thành thục sớm, nhiều thịt, phù hợp với phương thức chăn nuôi công nghiệp và gia đình, thích nghi với nhiều điều kiện nuôi dưỡng khác nhau.

 

Thỏ trắng New Zealand đã được tách mẹ sau 28 – 30 ngày tuổi

Thỏ trắng New Zealand có đặc điểm lông trắng dày, mắt đỏ hồng, thỏ từ khi sinh ra đến khi xuất chuồng vào khoảng 3 tháng và đạt trọng lượng từ 2,2 kg – 2,5kg. Thức ăn chủ yếu của thỏ là thức ăn xanh (các loại rau, củ quả có trong tự nhiên) và một lượng cám tinh ( có thể dùng cám ăn thẳng dành riêng cho thỏ), thỏ là loài vật nuôi dễ nuôi, các loại thức ăn xanh phải sạch, lưu ý không có dính dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và nên phơi tái cỏ trước khi cho chúng ăn. Nếu cho thỏ ăn thức ăn chứa nhiều nước, dập nát, hoặc thức ăn nghèo chất, không phù hợp  dễ dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa chướng bụng, tiêu chảy và thỏ có thể bị chết.

Đây là loài mắn đẻ trung bình mỗi con mẹ đẻ từ  5 - 7 thỏ con/1 lứa, thời gian động dục và cho phối lần đầu tiên từ 4 – 6 tháng tuổi, khi đó trọng lượng cơ thể thỏ mẹ phải đạt từ 2,5kg trở lên. Thời gian mang thai của thỏ mẹ là 30 ngày, thỏ mẹ có thể vừa nuôi con vừa mang thai (thỏ mẹ sau sinh 3 ngày có thể cho giao phối ngay, nhưng để giữ con mẹ thì bình quân 12 ngày sau người nuôi sẽ tiếp tục cho phối giống). Trong thời gian thỏ bú mẹ chúng ta có thể tập cho thỏ ăn thêm rau xanh và các thức ăn bổ sung, thông thường cai sữa tách mẹ chúng từ 28 - 30 ngày tuổi. Là một loài vật nuôi ưa sạch sẽ cho nên việc vệ sinh và tiêm phòng bệnh định kỳ cho thỏ là rất quan trọng. Một số bệnh thỏ thường mắc phải như: bệnh bại huyết; bệnh tụ huyết trùng; bệnh cầu trùng, bệnh tiêu chảy; bệnh nấm ngoài da… với các bệnh như trên ta cần thực hiện theo đúng các quy trình phòng bệnh và sử dụng các loại thuốc đặc trị như thuốc Biseptol trị tiêu chảy, thuốc Griseofulvin trị nấm, thuốc Ampicoli trị tụ huyết trùng…

Ngày nay nhu cầu dùng thịt thỏ làm thực phẩm trên thị trường là rất lớn, nhiều nhà hàng quán ăn sử dụng thịt thỏ làm các món ăn đặc sản. Đặc biệt hơn, da thỏ trắng New Zealand còn được người Nhật sử dụng để sản xuất dược phẩm phục vụ cho nhu cầu của con người, Công ty NipponZoki Nhật Bản đã xây dựng xong nhà máy chế biến dược phẩm có trụ sở tại khu công nghiệp Quế Võ – Bắc Ninh, theo ước tính khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ cần 2500 con thỏ thương phẩm/1 ngày, như vậy nhu cầu thỏ giống cung cấp cho thị trường là rất lớn.

Từ trước đến nay đã có rất nhiều hộ gia đình chăn nuôi thỏ với quy mô vừa và nhỏ. Nhưng để có được giống thỏ trắng New Zealand thuần chủng đáp ứng nhu cầu của thị trường và nhà máy thu mua chế biến dược phẩm tại Bắc Ninh thì chưa phải là nhiều. Vì vậy mô hình sản xuất giống thỏ trắng New Zealand của Tổ Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ thuộc trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang sẽ đáp ứng được phần nào nhu cầu về giống cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới. Nhà trường sẽ là điểm trung chuyển, vừa cung cấp giống, vừa thua mua thỏ thương phẩm cho bà con nông dân.

 

Trần Trang

Tin Khác:
  • Thực tập sinh khóa 2014 – 2015 tại Arava - Israel - (Ngày: 25-08-2014)
  • Chùm ảnh Khoa Nông học với các mô hình nghiên cứu Khoa học - (Ngày: 19-06-2014)
  • Ảnh hưởng của chế phẩm EMINA thảo dược đến giống cà chua Savior - (Ngày: 28-05-2014)
  • Mô hình trồng chăm sóc giống cà chua Savior an toàn - (Ngày: 12-05-2014)
  • Hoạt động Khoa học công nghệ Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang năm 2014 - (Ngày: 03-05-2014)
  • Khoa Tài chính – Kế toán nghiệm thu đề tài khoa học cấp trường - (Ngày: 26-04-2014)
  • Khoa Lý luận chính trị báo cáo đề tài khoa học cấp trường - (Ngày: 20-04-2014)

Từ khóa » Giới Thiệu Về Thỏ Trắng