Mô Hình Trồng Cây ăn Quả Dưới Tán Rừng Phòng Hộ - Vụ Kế Hoạch

Mô hình trồng cây ăn quả dưới tán rừng phòng hộ Địa điểm mô hình: Lâm Hòa, xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận

Lâm Sơn là xã miền núi của huyện Ninh Sơn tỉnh Ninh Thuận với truyền thống và kinh nghiệm canh tác cây ăn quả lâu đời; nơi đây có điều kiện khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ thích hợp trồng nhiều loại cây ăn quả. Đặc biệt về thổ nhưỡng vùng đất này bất chấp sự khô cằn cũng như sự khắc nghiệt của thời tiết mà những loài cây nơi đây vẫn đơm hoa kết trái; đặc biệt thơm ngọt và có năng suất cao như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, vú sữa, bơ, mít…

Với diện tích rừng phòng hộ khá lớn, với hơn 1.000ha. Diện tích rừng phòng hộ thường tập trung ở vùng khó khăn nơi người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thu nhập chính chủ yếu phụ thuộc vào rừng. Tuy nhiên, theo quy định, rừng phòng hộ chỉ được khai thác tỉa khi được cấp phép lại là “rào cản”, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Để giúp người dân giảm phụ thuộc vào rừng phòng hộ, tạo điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập nhằm tránh tình trạng chặt phá trái phép rừng phòng hộ.

Tháng 9/2016, Dự án JICA2 Ninh Thuận đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận, BQL rừng Krông Pha thực hiện mô hình trồng cây ăn quả (chôm chôm, bơ sáp, măng cụt) với quy mô 10ha/22 hộ tham gia. Đối tượng tham gia mô hình là những hộ dân được nhận khoán bảo vệ rừng của BQL rừng Krông Pha, hộ nghèo hoặc những hộ là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh được hỗ trợ về kỹ thuật trồng cây ăn quả, tham gia mô hình người dân được hỗ trợ 100% cây giống và 50% vật tư.

mh_ninhthuan_rung2.jpg

Là một trong những hộ có nhiều kinh nghiệm trồng cây ăn quả, anh Huỳnh Văn Minh ở thôn Lâm Hòa, xã Lâm Sơn đã nhận thực hiện mô hình 0,9ha cây bơ đã chia sẻ: bơ, măng cụt, chôm là loại cây rất khó trồng, khó chăm sóc so với một số cây trồng khác; trước khi trồng ngoài việc bón lót phân hữu cơ thì cần phải trồng cây che bóng đây là khâu quan trọng nhất. Do các loại cây chủ yếu được trồng trên diện tích đất đồi núi, nên cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn các hộ tiến hành trồng theo đường đồng mức để giảm thiểu tối đa nguy cơ đất bị xói mòn, rửa trôi chất dinh dưỡng khi có mưa lớn. Cùng với đó, những nông dân tham gia mô hình có kinh nghiệm và nhiệt tình chăm sóc cây trồng, tuân thủ quy trình kỹ thuật. Đến nay 0,9ha cây bơ sau 02 năm trồng đã cho quả sớm hơn dự kiến. Anh Mơ Num Ha Tư chia sẻ thêm: trong những năm trước đa số bà con đồng bào dân tộc thường phá rừng và khai thác gỗ để kiếm cái ăn. Sau khi được Nhà nước đầu tư mô hình 0,4ha cây chôm chôm giờ đây gia đình tôi và nhiều người khác đã không còn phá rừng nữa; vì giờ chúng tôi dành thời gian chăm sóc vườn chôm chôm để sau này có cái ăn.

Ông Phạm Thiều, phó giám đốc Dự án JICA2 cho biết: Mục tiêu quan trọng của Dự án là giúp người dân tìm và hướng đến nguồn sinh kế mới nhằm giảm áp lực vào rừng. Từ đó, tránh được tình trạng chặt phá rừng trái phép rừng phòng hộ. Trồng cây ăn quả dưới tán rừng chỉ là một trong nhiều hoạt động của Dự án JICA2; cùng với đó: hợp phần phát triển rừng; hỗ trợ phát triển sinh kế; phát triển cơ sở hạ tầng sinh kế; phát triển cơ sở hạ tầng lâm sinh và hợp phần kiểm soát cháy rừng. mới triển khai nhưng bước đầu đã cho thấy có nhiều triển vọng.

Nhằm hình thành vùng sản xuất cây ăn quả đặc sản Lâm Sơn tập trung, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm trái cây chất lượng, phục vụ thị trường, xã Lâm Sơn đang triển khai nhóm cùng sở thích trồng cây ăn quả trên diện tích 43ha. Ông Đoàn Nhật Vương, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hiện nay, một số nông hộ hình thành mô hình cây ăn quả dưới tán rừng vừa giảm được tác hại thiên tai, vừa tận dụng quỹ đất trống, giảm thiểu việc phá rừng làm nương rẫy. Tăng thu nhập kinh tế nông hộ, hình thành những mô hình sản xuất chuyên canh trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

6/27/2019 3:41:00 PM Nguồn: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Thuận

Từ khóa » Trồng Cây Gì Dưới Tán Rừng