Mở Ra Nhiều Giải Pháp Nâng Cao Giá Trị Nông Sản

Siết chặt khu vực trồng phù hợp

Tại hội thảo “Giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ bền vững trái thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” diễn ra vào sáng 19/5, do Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) và UBND tỉnh tổ chức, nông dân Lê Văn Dũng (xã Thuận Hòa, Hàm Thuận Bắc) đại diện cho một số người trồng thanh long tại địa phương bày tỏ lo lắng khi thanh long đang “bí” đầu ra. Hiện bà con đang phải cầm cự, duy trì vườn khi chi phí đầu vào quá cao, dẫn đến thua lỗ. Đến với hội thảo, nông dân này cho biết rất phấn khởi, khi nhận được sự quan tâm của Đoàn ĐBQH và các bộ, ngành, địa phương đã ngồi lại để tìm hướng giải quyết khó khăn cho bà con. Đồng thời, mong các cấp tiếp sức thêm cho nông dân về vốn, hỗ trợ chính sách, đẩy mạnh liên kết sản xuất, tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác để phát triển thanh long trở lại. Song song, cần siết chặt khu vực trồng thanh long phù hợp hơn.

thanh-long.jpg
Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát thực tế về tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long. Ảnh: K. Hằng

Trước đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thành lập đoàn khảo sát thực tế về tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long tại 3 địa phương là Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình. Ông Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Kết quả khảo sát và lấy phiếu điều tra, cho thấy hiện tại do ảnh hưởng của việc không bán được thanh long, nhiều trụ thanh long đã già cỗi… nên nhiều hộ nông dân đã phá bỏ vườn thanh long, giảm khoảng 10% diện tích trồng thanh long toàn tỉnh, còn 29.830 ha (tính đến quý I/2022). Ngoài ra, sản xuất thanh long còn manh mún, quy mô nhỏ, tự phát và cá thể; 64% nông dân không biết và không tiếp cận vùng trồng. Ngoài ra, chi phí đầu vào trồng thanh long như phân bón, thuốc BVTV hóa học, nhân công chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành sản phẩm…

Từ kết quả khảo sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề cập đến những mục tiêu, giải pháp và kiến nghị trong thời gian tới. Cụ thể, tiếp tục duy trì sản xuất thanh long theo vùng tập trung quy mô lớn. Đến năm 2025 mở rộng hơn 70% diện tích vùng trồng được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; trên 50% diện tích ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch, an toàn… Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái bền vững trong sản xuất, tiêu thụ, chế biến và các dịch vụ liên quan đến thanh long. Tăng cường các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ thanh long theo chuỗi giá trị; có chính sách đảm bảo doanh nghiệp, HTX giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt thúc đẩy phát triển…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong cũng nêu ý kiến, để góp phần cho Bình Thuận phát triển ngành nông nghiệp bền vững, có giá trị gia tăng cao, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh nhà, UBND tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại, nâng cao công suất chế biến các sản phẩm từ trái thanh long đạt chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó, đáp ứng yêu cầu thị trường và góp phần làm giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi…

Đẩy mạnh liên kết sản xuất, hỗ trợ vốn

Tiến sĩ Phạm Hùng Tiến - Phó Giám đốc Viện FNF Việt Nam cho biết, hiện nay tất cả nông hộ, hộ kinh doanh, HTX và doanh nghiệp tại Bình Thuận đang cùng nỗ lực để đạt được mục tiêu phát triển đặt ra trong thời kỳ hậu Covid-19. Chúng ta cần nhìn nhận toàn diện hơn vai trò của nền kinh tế nông nghiệp, trồng trọt cùng với kinh tế số trong việc tạo ra sự thay đổi. Việt Nam nói chung và chính quyền Bình Thuận nói riêng hãy tin tưởng vào năng lực của phong trào hợp tác xã trong việc thúc đẩy những thực tiễn sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm, triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn và xanh theo hướng sản xuất và tiêu thụ bền vững trái thanh long…

Chia sẻ thêm các giải pháp, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã đề xuất việc quản lý quy hoạch, hoàn thiện chuỗi giá trị thanh long. Ngoài ra, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật… Trong đó, cần ổn định diện tích có điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng phù hợp, có điều kiện đầu tư sản xuất tại vùng sản xuất tập trung. Song song, không mở rộng diện tích trồng mới tại vùng có điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng không phù hợp. Đẩy mạnh liên kết sản xuất thông qua HTX, tổ hợp tác, tạo liên kết sản xuất với doanh nghiệp, giảm tiêu thụ qua nhiều khâu trung gian. Quan trọng là áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, như tưới nước tiết kiệm.

Liên quan đến việc gợi mở các giải pháp tháo gỡ, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, thanh long nằm trong 13 sản phẩm chủ lực của quốc gia, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của cả nước. Nông dân trồng thanh long Bình Thuận có kinh nghiệm canh tác, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi. Vấn đề hiện nay là việc liên kết sản xuất giữa nông dân với nông dân, thương lái với doanh nghiệp xuất khẩu chưa chặt chẽ. Chúng ta phải tháo gỡ điểm nghẽn về logistics, chi phí sản xuất, phân bón tuần hoàn, giống và thị trường. Người đứng đầu Liên minh HTX Việt Nam kiến nghị các chính sách để hỗ trợ người sản xuất thanh long, nhất là vấn đề vốn. Theo đó, cần có giải pháp tháo gỡ về cho vay quỹ vốn nông dân tại địa phương, nới rộng chính sách cho vay không cần thế chấp tài sản. Mặt khác, cần có các chính sách hỗ trợ thuế đối với HTX. Về thông tin thị trường, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, cần xác định Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính trong thời gian tới, nhưng cần đi sâu vào xuất khẩu chính ngạch.

Phát biểu kết thúc hội thảo, đồng chí Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh, việc mở rộng diện tích, sản lượng thanh long, đến một thời điểm nào đó cần phải dừng lại. Cần phải có nhiều sản phẩm nông nghiệp khác để cân bằng, có quy hoạch theo quy luật thị trường. Chúng ta phải chú trọng tăng giá trị thanh long chứ không phải tăng sản lượng. Phải chuyển đổi mô hình kinh tế từ số lượng sang chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng. Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ, những năm qua Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và có những chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua đó, giúp phát triển ngành nông nghiệp, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế… Trưởng đoàn ĐBQH nhấn mạnh thêm, các ý kiến thảo luận trong hội thảo là gợi ý cho địa phương thực hiện tốt quy hoạch, hoàn thiện chuỗi giá trị, khoa học kỹ thuật, thị trường tiêu thụ. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu để thực hiện trên thực tế, làm sao để thanh long Bình Thuận giữ được vai trò là nông sản chủ lực. Đồng thời sẽ có báo cáo đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương về các chính sách hỗ trợ phù hợp…

Từ khóa » Giải Pháp Nâng Cao Giá Trị Nông Sản Xuất Khẩu