Mỏ Than Bình Minh (Quảng Ninh): Định Hướng Thăm Dò Và Khai Thác ...

Nâng cấp trữ lượng và bổ sung các lỗ khoan

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép thăm dò số 2066/GP-BTNMT ngày 24/9/2014, cho phép thăm dò mỏ than Bình Minh, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh trên diện tích 9,42 km2. Đề án thăm dò nhằm xác định tài nguyên, trữ lượng than từ lộ vỉa đến mức -750m phục vụ các dự án khai thác và định hướng các công tác thăm dò tiếp theo.

Trữ lượng và tài nguyên than trong phạm vi Giấy phép thăm dò trên (không kể trữ lượng và tài nguyên trong phạm vi các giấy phép khai thác) là 144.437 nghìn tấn, trong đó: Trữ lượng cấp 121 là 9.570 nghìn tấn; trữ lượng cấp 122 là 75.855 nghìn tấn; tài nguyên cấp 333 là 59.012 nghìn tấn.

Sau thời gian thăm dò, Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin đã đạt được một số kết quả nhất định. Theo ông Nguyễn Đăng Luật - đại diện Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin, tính đến ngày 31/3/2019, khối lượng khoan máy thuộc Đề án thăm dò mỏ than Bình Minh đã thực hiện là 36.875,7m/80 lỗ khoan. Kết quả thi công các công trình thăm dò của Đề án đã cơ bản đảm bảo độ tin cậy về tài liệu kỹ thuật, đáp ứng được mục tiêu đề ra, tạo cơ sở cho việc nghiên cứu phát triển các Dự án đầu tư khai thác theo Quy hoạch phát triển ngành than đã được Thủ tướng phê duyệt.

Công ty VITE đã hiệu chỉnh lại cấu trúc địa chất khu mỏ phù hợp thực tế, trên cơ sở các công trình thăm dò đã thi công và hiện trạng đã khai thác đến 31/3/2019, phản ánh trung thực các yếu tố địa chất, kiến tạo, cấu tạo vỉa than. Ngoài ra, nâng cấp trữ lượng và giải quyết một số vấn đề còn tồn tại trong công tác thăm dò giai đoạn trước như đã bố trí bổ sung các lỗ khoan gần đứt gẫy lớn F.6, F.2 và cơ bản khống chế được diện phân bố và mức độ biến đổi chiều dầy vỉa gần các đứt gẫy trên.

Ông Nguyễn Đăng Luật cho biết, trên cơ sở kết quả thi công thăm dò của Đề án, Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - Công ty than Hòn Gai - TKV đã phối hợp cùng Công ty VITE thành lập “Báo cáo kết quả thăm dò mỏ than Bình Minh, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh”, trình Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia thẩm định, phê duyệt. Báo cáo đã đi sâu vào việc tổng hợp, chỉnh lý cấu trúc địa chất, xác định sự tồn tại và mức độ duy trì của các vỉa than từ lộ vỉa đến mức -750m, tổng hợp và đánh giá tổng quát về đặc điểm địa chất thủy văn - địa chất công trình, khí mỏ cho mỏ than Bình Minh, xác định trữ lượng và tài nguyên than mỏ Bình Minh đáp ứng yêu cầu thiết kế khai thác than ở mỏ.

Khai thác than tại mỏ than Quảng Ninh. Ảnh minh họa

Đề xuất kế hoạch khai thác hợp lý

Báo cáo kết quả thăm dò mỏ than Bình Minh đã giải quyết một số vấn đề còn tồn tại trong công tác thăm dò giai đoạn trước, nhưng chưa thể giải quyết trọn vẹn tất cả các yêu cầu của công tác quy hoạch thiết kế, khai thác cụ thể đặt ra. Ông Nguyễn Hoàng Huân - Phó Giám đốc Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin cho rằng, trong quá trình khai thác than, cần tiếp tục thi công các lỗ khoan thăm dò khai thác tại các khu vực vỉa có cấu trúc phức tạp, nếp uốn và độ dốc lớn trong phạm vi các dự án theo quy hoạch đầu tư.

Bên cạnh đó, việc đánh giá điều kiện địa chất thủy văn - địa chất công trình phần lớn dựa vào phương pháp tính toán và đới sập đổ luôn gia tăng trong quá trình khai thác. Vì vậy, trong quá trình khai thác nên bố trí các công trình quan trắc địa chất thủy văn - địa chất công trình để cung cấp bổ sung thông tin và kịp thời phòng ngừa, hạn chế tác động xấu trong quá trình khai thác mỏ.

Theo Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Huân, công tác nghiên cứu, đánh giá mức độ chứa khí trong than còn có những hạn chế nhất định do số lượng mẫu chưa nhiều, một số mẫu có chất lượng kém. Do vậy, công tác tổng hợp chưa thật sự phản ánh thực tế độ chứa khí trong khu mỏ. Mặt khác, khi tiến hành khai thác mức độ thoát khí và tích đọng khí sẽ mang tính cục bộ nhiều hơn. Vì vậy, cần bổ sung các biện pháp quan trắc và thu thập số liệu khí và dự báo các khu vực có khả năng chứa khí cao để có biện pháp phòng tránh an toàn.

Đặc biệt, tài nguyên sau thăm dò giảm 51.115 nghìn tấn so với mục tiêu của Đề án. Ông Nguyễn Hoàng Huân lý giải, phần trữ lượng giảm chủ yếu ở khu trung tâm và khu tây Bình Minh, khi thăm dò vào đánh giá nhiều khu vực tài nguyên không có triển vọng, không đạt chỉ tiêu công nghiệp. Nguyên nhân do một số công trình nằm trong khu vực đông dân cư thuộc các phường của TP. Hạ Long nên không thi công được, dẫn đến một số khối không đạt được mạng lưới thiết kế, điều này có ảnh hưởng đến công tác xếp cấp trữ lượng và hiệu quả công tác thăm dò. Đây là hạn chế của công tác thăm dò, cần lưu ý trong thiết kế kỹ thuật thi công và khai thác mỏ.

“Trong quá trình khai thác, cần tiếp tục bổ sung các công trình thăm dò để chính xác hóa sự tồn tại của các đứt gãy trong khu mỏ. Từ đó có kế hoạch khai thác cho hợp lý, tránh lãng phí tài nguyên khu vực gần các đứt gãy”, ông Nguyễn Hoàng Huân đề xuất.

Từ khóa » Vị Trí Vùng Mỏ Than Quảng Ninh