Mô-típ “Suy Cử Hương Cả Cọp” ở Trà Vinh Nhìn Từ Văn Hóa Dân Gian ...

Khi xưa, người dân có tục gọi cọp là “Ông” và để tránh danh “cọp”, người ta gọi là “ông Ba Mươi”. Dân gian có tục lệ là vào ngày mồng ba Tết Nguyên đán, sau khi cúng xong, người ta thường dán trước cửa nhà một mảnh giấy hồng điều có vẽ hình cọp với dòng chữ Hán “Sơn Lâm đại tướng quân”.

1. KHÁI NIỆM VỀ MÔ-TÍP (MOTIF)  

Nguyễn Tấn Đắc trong Truyện kể dân gian đọc bằng type và mô-típ cho rằng: “Mô-típ là thuật ngữ chỉ bất kì một phần nào mà ở một tiết (item) của folklore có thể phân tích ra được… Mô-típ truyện kể đôi khi là những khái niệm rất đơn giản, thường gặp trong truyện kể truyền thống. Có thể đó là những tạo vật khác thường như: Thần tiên, phù thủy, rồng, yêu tinh, người mẹ ghẻ ác, con vật biết nói… có thể đó là những thế giới diệu kỳ, hoặc ở những nơi ma thuật luôn có hiệu lực… Bản thân mô-típ cũng có thể đã là một mẫu kể ngắn và đơn giản, một sự việc đủ sức gây ấn tượng hoặc làm vui thích cho người nghe” [1].

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, mô-típ được định nghĩa như sau: “Mô-típ, từ Hán Việt là mẫu đề, có thể chuyển thành các từ khuôn, dạng hoặc kiểu trong tiếng Việt, nhằm chỉ những thành tố, những bộ phận lớn hoặc nhỏ đã được hình thành ổn định bền vững và được sử dụng nhiều lần trong sáng tác văn học nghệ thuật, nhất là trong văn học nghệ thuật dân gian” [2].

Như vậy có thể hiểu mô-típ có thể là một yếu tố hoặc ý tưởng lặp lại trong suốt tác phẩm văn học đó. Mô-típ có mối liên hệ bền chặt với chủ đề tác phẩm nhưng không nên đồng nhất mô-típ với chủ đề. Trong các tác phẩm tự sự dân gian, mô-típ là đơn vị tham gia cấu tạo cốt truyện, được hình thành ổn định, bền vững, xuất hiện lặp đi lặp lại trong nhiều tác phẩm như một ấn tượng nghệ thuật, nhằm thể hiện một tư tưởng nào đó. Trong mô-típ thường ẩn chứa nhiều lớp văn hóa gắn với những thời đại lịch sử khác nhau.

2. MÔ-TÍP SUY CỬ HƯƠNG CẢ CỌP Ở TRÀ VINH NHÌN TỪ VĂN HOÁ DÂN GIAN NAM BỘ 

Vùng đất mới Nam Bộ với thời tiết nhiệt đới đặc trưng không chỉ mở lối cho cây cối, cỏ dại sinh sôi thành rừng, là môi trường lý tưởng cho muỗi mòng, rắn rết… mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho cá sấu làm chúa cõi sông nước đầm lầy, cọp dữ tự do tung hoành làm vua nơi rừng sâu bóng cả. Trong các loại thú dữ ở xứ sở này thì cọp trên bờ và cá sấu dưới sông là hai con vật nguy hiểm nhất đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong tâm thức của người dân “Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”. Ở Nam Bộ, vào thế kỷ XVII-XVIII, cọp nhiều vô kể. Chúng sống rải rác ở khắp nơi, ở các cánh rừng ngập mặn tại các cửa của sông Tiền, sông Hậu, kể cả những nơi đã được khai hoang khá sớm như: Sài Gòn, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh… Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức nhận xét  thêm: “Xứ này có nhiều cá sấu và cọp dữ” [3].

Tranh thờ Cọp ở đình thần huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: baotintuc.vn)

Cọp không chỉ ở tận rừng sâu mà nó còn lảng vảng quanh làng, làm cho người dân cũng khiếp sợ. Thức ăn chủ yếu của cọp là heo rừng, nai và các loài ăn cỏ khác. Dần dần các thú mồi của cọp tìm cách lẩn tránh, tản sang các địa bàn khác sinh sống. Thức ăn của cọp ngày càng trở nên khan hiếm, vì lẽ đó, cọp tìm về những nơi có dân cư sinh sống để kiếm người ăn thịt. Chính vì quá khiếp sợ nên người Nam Bộ tìm cách diệt cọp. Truyền thừa cho nhiều thế hệ những phương pháp diệt cọp độc đáo. Thế nhưng khi diệt cọp xong, người ta lại lập miếu thờ. Người già còn bảo nếu trẻ con khóc đêm thì người mẹ phải lén ăn trộm hình vẽ chúa sơn lâm để trong gối ngủ của đứa bé thì đứa bé sẽ hết khóc. Các đình làng ở Nam Bộ phần lớn đều có miễu thờ thần Hổ ở về phía trái sân đình.

Có thể hiểu sự phức tạp trong tâm lý của người lưu dân trong buổi đầu khai phá vùng đất mới là do sự tương quan giữa con người và tự nhiên mà ở đây là giữa người và cọp. Thuở mới khai phá lập làng lập ấp, khi thực lực còn chưa nghiêng hẳn về bên nào nên những lưu dân tiên phong một mặt sợ cọp nhưng mặt khác cũng phải diệt cọp để làm chủ vùng đất mới. Do sợ cọp mà họ lập miếu thờ với nhiều danh xưng trang trọng như: “Sơn quân chi thần”, “Sơn quân mãnh hổ”, “Sơn lâm chúa xứ”, “Sơn lâm đại tướng quân”… và bầu cọp làm Hương cả của thôn làng. Trong truyện Lục Vân Tiên, cọp xuất hiện ba lần: Một lần cởi trói cho tiểu đồng và đưa ra đường cái; một lần đưa Vân Tiên ra khỏi hang Thương Tòng, nơi Vân Tiên bị gia đình Thể Loan hãm hại; lần cuối, cọp bắt hai mẹ con Thể Loan bỏ lại trong hang Thương Tòng để “trả báo”, nhưng không… ăn thịt. Về cơ bản, cọp vẫn là ác thú ăn thịt người. Vì vậy, trong truyện, Trịnh Hâm mới bắt tiểu đồng trói vào gốc cây:

“Trước cho hùm cọp ăn mày

Hại Tiên phải dụng mưu này mới xong

Vân Tiên ngồi những đợi trông

Trịnh Hâm về nói tiểu đồng cọp ăn.”

Tuy nhiên, Nguyễn Đình Chiểu là người xây dựng hình ảnh cọp dưới với diện mạo là cứu tinh:

“Sơn quân ghé lại một bên

Cắn dây mở trói cõng lên ra đường.”

Chính Nguyễn Đình Chiểu cũng đã gọi cọp là “Sơn quân” bằng sự thành tâm kính ngưỡng.

Chính những điều đã trình bày như trên cho thấy mô-típ “suy cử Hương cả Cọp” là một mô-típ dân gian được hình thành từ tâm thức tôn trọng lề luật “rừng nào cọp ấy”. Mô-típ “suy cử Hương cả Cọp” là một mô-típ phổ biến ở một số truyện kể dân gian từ miền Đông Nam Bộ cho đến miền Tây Nam Bộ. Hầu hết các truyện dân gian có đề tài này đều tập trung lý giải tập tục người dân tôn cọp làm chức “Hương cả” và lệ cấm kỵ không bầu bất cứ một người nào trong thôn làng nắm giữ chức vụ này. Theo đó, hàng năm (vào dịp cuối năm hay trước ngày tổ chức lễ Kỳ Yên đình làng), dân chúng tổ chức lễ suy cử Hương cả Cọp. Trong lễ này người dân bày một cái đầu heo và kèm theo một “tờ cử” (Tờ cử có nội dung: “Cả làng cử cọp làm chức Hương cả với nhiệm kỳ một năm”) đặt trong một cái ống tre ở một địa điểm cố định nào đó. Người dân kể rằng: Đêm ấy, cọp sẽ về ăn sạch cái đầu heo, đổi “tờ cử” cũ và nhận “tờ cử” mới đem vào rừng. Người dân có niềm tin chắc chắn nếu thôn làng có người nào cả gan đứng ra làm chức “Hương cả” thì sẽ bị cọp vồ chết ngay.

Văn học dân gian Trà Vinh cũng lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nhiều câu chuyện kể về cọp. Những truyền thuyết về cọp được thu thập ở Cầu Ngang, Duyên Hải, Cầu Kè… trong số đó có những truyện gắn với tục “suy cử Hương cả Cọp”. Theo lời kể ông Hai Chắc ở Tập Ngãi – Tiểu Cần – Trà Vinh (Tài liệu điền dã của nhà nghiên cứu Trần Dũng) là câu chuyện: Năm 1985, ông đã nghe ông nội của ông kể lại là chính ông nội của ông nội ông là người đứng ra lập làng Tập Tráng (tiền thân của xã Tập Ngãi bây giờ). Nể bậc hậu hiền, làng đề cử ông vào chức Đại Hương cả đứng đầu 12 vị trong Ban Hương chức Hội tề. Nhận lời, chưa kịp vật heo (lợn) ăn mừng thì ông đã bị cọp về móc họng chết ngay giữa nhà. Từ đó trở đi, làng Tập Tráng không ai dám nhận chức “Hương cả” nữa, nên Ban Hương chức Hội tề chỉ còn 11 vị, đứng đầu là chức danh Hương chủ (sau này khi chức danh Hương cả được phục hồi thì người ta lại loại chức danh “Chánh Lục bộ” ra, để Ban Hương chức Hội tề vẫn đúng 11 vị). Mỗi năm, vào dịp Kỳ Yên, toàn bộ Hội tề tề tựu về đình hiến tế thần Thành hoàng con heo trắng toàn sinh, toàn sắc. Trước khi vào lễ Chánh tế, vị Hương chủ thay mặt dân làng mang chiếc đầu heo kèm theo “tờ cử” của làng suy cử cọp vào chức danh “Hương cả” làng ra án thờ Thanh long, Bạch hổ trước sân đình. Đêm đó, cọp về nhận “tờ cử” cùng chiếc đầu heo và suốt cả năm ấy, vị Hương cả Cọp sẽ bảo vệ dân làng an toàn. Năm nào Ban Hội tề quên thủ tục suy cử, ắt làng sẽ gặp hữu sự như thiên tai, địch họa hoặc dịch bệnh vô chừng. Tục “suy cử Hương cả Cọp” của làng Tập Tráng duy trì mãi đến năm 1930 (không biết vì khi ấy sự khai phá đã thành khoảnh, cọp từ lâu không xuất hiện nữa hay do nhập làng, hai Ban Hội tề nhập một nên dư người mà thiếu ghế) làng mới Tập Ngãi có vị Hương cả đầu tiên [4].

Ở Nam Bộ, vào thế kỷ XVII-XVIII, cọp nhiều vô kể. Chúng sống rải rác ở khắp nơi, ở các cánh rừng ngập mặn tại các cửa của sông Tiền, sông Hậu, kể cả những nơi đã được khai hoang khá sớm như: Sài Gòn, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh…

Cũng theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Dũng thì “Chuyện suy cử Hương cả Cọp” không chỉ có ở Tập Ngãi mà ở các địa phương khác cũng có như: Vinh Kim (Cầu Ngang), Long Vĩnh (Duyên Hải), Long Đức (thị xã Trà Vinh), Hoà Thuận (Châu Thành)… tuy có nhiều tình tiết na ná như chuyện kể của ông Hai Chắc ở Tập Ngãi. Có thể thấy một hiện tượng thú vị là: Ở Trà Vinh, trong một thời gian dài, không làng nào có chức danh “Hương cả”. Như thế có thể thấy truyền thuyết về cọp ở Trà Vinh thể hiện niềm tin tuyệt đối của người dân đối với sự linh thiêng của loài cọp. So sánh với truyền thuyết về tục “suy cử Hương cả Cọp” ở Trà Vinh với một số địa phương khác như: Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Tháp, Đồng Nai… chúng ta thấy có một số điểm tương đồng cũng như khác biệt. Tại Sóc Trăng vẫn còn lưu truyền câu chuyện về “Hương cả Cọp” như sau: Ở làng Hòa Tú, Sóc Trăng công cuộc khai hoang lập ấp đã hoàn tất, người dân xây đền miếu thờ Thành hoàng bổn cảnh. Việc cai quản và giữ gìn an ninh trật tự trong làng là trách nhiệm của Ban Hội tề gồm mười hai vị Hương chức, đứng đầu là chức Hương cả. Hương cả thường là người có uy tín, có học vấn được người dân nể trọng. Sau ba tháng làm Hương cả gia đình ông gặp nhiều biến cố. Cuối cùng, bản thân ông cũng lâm bệnh rồi chết. Những người kế nhiệm ông cũng không thoát khỏi tình huống bất hạnh như người tiền nhiệm. Chứng kiến cảnh tai ương gây chết chóc cho các vị Hương cả, nhiều người lo lắng, bàn tán.  Không ai dám “cả gan” nhận lãnh chức “Hương cả” dù được thỉnh mời. Chính vì vậy mà Ban Hội tề trong làng suốt ba năm liền không có người đứng đầu. Sau nhiều lần bàn bạc thảo luận, các vị lão làng quyết định cử… ông cọp ba chân vào chức Hương cả! Thế là một ngôi miếu nhỏ trang hoàng theo hình thức tôn thờ vị Thần nhỏ được dựng lên phía sau miếu Thành hoàng. Nhân lễ cầu an trong làng, Ban Hội tề làm lễ khánh thành ngôi miếu ông Hổ, đồng thời tổ chức lễ “tấn phong” ông Hổ lên chức “Hương cả”. Từ khi Hổ ba chân giữ chức Ông cả thì “phong điều vũ thuận” dân chúng an cư lạc nghiệp do vậy mà niềm tin vào “Hương cả Hổ” ngày càng lớn lao.

Một truyền thuyết khác ở Bến Tre cũng không kém phần hấp dẫn cũng được lưu lại đến ngày nay. Nhắc đến địa danh Châu Bình (tên gọi Bình Khương Tôn xưa), huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, người ta thường liên tưởng đến huyền thoại “Cả Cọp” Châu Bình. Truyện kể rằng khi mới lập làng, nơi đây là rừng rậm hoang vu có nhiều thú dữ. Chức “Hương cả” của làng đã khuyết nhiều năm, vì người nào ở chức này hoặc bệnh mà chết, hoặc bị cọp giết hại. Vì vậy, dân làng phải để chức danh “Hương cả” này cho “cọp”. Hàng năm, dân chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ mời “Cả Cọp” về nhận chức: Tờ cử, đầu heo, mâm ngũ quả và rượu. Tuy nhiên, “Cả Cọp” chỉ nhận đầu heo và “tờ cử”, còn rượu năm nào dân làng dâng rượu ngon thì Ông mới mang về, và để “tờ cử” năm trước lại mới nguyên. Năm nào Ông nhận rượu thì năm đó cả làng trúng mùa. Có người làng trong mộng được Thần tiên mách bảo cách làm rượu ngon để hóa giải nỗi lo này: Rượu phải làm từ nếp “rặt”, chưng cất sau phải ủ (hạ thổ) nhiều năm để thành rượu ngon mà cúng hàng năm. Mãi về sau, khi ông Cả Cọp mất đi, các ông Cả Non, Cả Tiết tiếp tục kế vị cho đến khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, chức danh “Cả” của làng mới hết. Hiện nay, tại cầu Bà Bồi (Ấp 3, xã Châu Bình) còn lăng Cả Cọp để minh chứng cho câu chuyện trên. Hằng năm, vào mùng bảy tháng Giêng Âm lịch, dân làng Châu Bình vẫn theo lễ cúng, lễ khai sơn tại lăng này, nhằm nhắc nhở con cháu về một thời mở cõi khó nhọc của ông cha. Vì không dám gọi là cọp nên tương truyền ở vùng Giồng Chuối (An Đức – Ba Tri Bến Tre) có một con cọp vằn hùng cứ, dân gọi là “Cả Vằn” chứ không dám ngang nhiên gọi tên tục của Ông. Ở vùng Đông Phèn có con cọp bạch chúa, gọi là “Cả Bạch”. Một hôm, Cả Vằn nhảy phóc qua vòm Mương Đào, đến địa phận của Cả Bạch. “Rừng nào cọp nấy”, Cả Bạch xông ra giao chiến. Hai “Cả” đánh nhau kịch liệt suốt ba ngày đêm với tiếng gầm thét vang động cả một vùng. Dân chúng ai cũng kinh hoàng. Sau trận đánh, hai “Cả” đều tử thương. Từ đó ở đây mới dám cử người ra nhận chức “Hương cả”. Ở Hưng Nhơn (Bình Đại, Bến Tre), có ông “Cả Cọp” rất hung dữ. Hàng năm, dân làng phải nộp cho ông “Cả” một người. Sau đó, khấn vái mãi, mới thay bằng con heo, sau nữa giảm bằng đầu con heo. Dân ở vùng Thạnh Phú ( Bến Tre) nói rằng, chính cọp chỉ định địa điểm xây cất đình. Dân làng An Nhượng (Thạnh Phú) mua gỗ về định chuyển ra Bến Sung (Thạnh Lại) để cất đình ở đó. Nhưng tới đêm, cọp về tha cây gỗ đến chỗ đất cất đình Thạnh Phú hiện nay. Bô lão trong làng cho đó là điềm linh hiển, nên dựng đình ngay trên đất ấy, trong sân đình có miếu thờ “Cả Cọp”.

Ở Bến Tre còn lưu truyền “Hàng năm, dân làng phải nộp cho ông “Cả” một người. Sau đó, khấn vái mãi, mới thay bằng con heo, và sau nữa, giảm bằng đầu con heo”. Vật hiến tế cho cọp đa số ở các địa phương là cái đầu heo.

Như vậy, nếu so sánh truyện “suy cử Hương cả Cọp” ở Trà Vinh và các địa phương khác sẽ thấy điểm chung là: Người nào dám chấp nhận chức “Hương cả” sẽ bị tai họa, thế nên người dân phải suy cử Cọp là Hương cả (mô-típ). Tùy vào từng địa phương mà hình thức tai họa có khác nhau. Ở Trà Vinh, người nhận chức “Hương cả” bị cọp móc họng; ở Sóc Trăng thì người nhận chức “Hương cả” và vợ con bị bệnh, họ hàng xích mích; ở Bến Tre thì lại gộp chung người nhận chức có thể bị bệnh hoặc bị cọp giết hại…

Trong những câu chuyện kể về tục “suy cử Hương cả Cọp” vẫn còn “tàn tích” của tục hiến tế xưa khi con người còn khiếp đảm trước sức mạnh của tự nhiên. Ở Bến Tre còn lưu truyền “Hàng năm, dân làng phải nộp cho ông “Cả” một người. Sau đó, khấn vái mãi, mới thay bằng con heo, và sau nữa, giảm bằng đầu con heo”. Vật hiến tế cho cọp đa số ở các địa phương là cái đầu heo. Đây chính là dấu vết còn sót lại của thời kỳ Nguyên thủy, con người phải hiến tế vật tế cho Thần linh để cầu cuộc sống được yên lành. Người Nam Bộ cúng đầu heo trong tục “suy cử Hương cả Cọp” cũng nhằm vào mục đích ấy. Họ cầu “quốc thới dân an, phong điều vũ thuận”.

Thêm một điều thú vị, phải chăng từ tục “suy cử Hương cả Cọp” mà người Nam Bộ hình thành luôn thói quen đặt thứ con đầu lòng là thứ Hai chứ không gọi là Cả như ở vùng Bắc Bộ, nghĩa là không ai gọi con đầu lòng là anh Cả, mà thay vào đó gọi là anh Hai, vì sợ đụng chạm đến ông “Cả Cọp”?

Khi xưa, người dân có tục gọi cọp là “Ông” và để tránh danh “cọp”, người ta gọi là “ông Ba Mươi”. Dân gian có tục lệ là vào ngày mồng ba Tết Nguyên đán, sau khi cúng xong, người ta thường dán trước cửa nhà một mảnh giấy hồng điều có vẽ hình cọp với dòng chữ Hán “Sơn Lâm đại tướng quân” với lòng mong muốn là “ông Ba Mươi” sẽ trấn giữ không cho những thứ nhiễm độc vào nhà. Trong mâm cúng đầy tháng cho trẻ con ở Nam Bộ còn có thêm mảnh hồng đơn in hình con cọp cùng trầu cau cột dính vào nhau. Sau khi cúng xong chùm giấy hình cọp và trầu cau được treo trước cửa buồng của đứa bé. Tục lệ này có liên quan đến tín ngưỡng thờ cọp ở Nam Bộ. Người ta tin Cọp có thể trấn yểm tà ma và những thứ xấu xa có thể làm hại trẻ nhỏ.

3. KẾT LUẬN 

Như vậy, có thể nói, tục “suy cử Hương cả Cọp” ở Trà Vinh nói riêng và các tỉnh Nam bộ nói chung không nên hiểu giản đơn chỉ thể hiện sự khiếp sợ trước tự nhiên (điển hình là hình tượng cọp) mà người dân Nam Bộ còn gửi gắm vào đó những khát khao được tự nhiên che chở. Đó chính là thái độ sống hòa hợp với tự nhiên của các lưu dân trong những ngày đầu khai phá. Để rồi những truyền thống tốt đẹp ấy đã lưu truyền cho đến ngày nay kể cả trong đời sống đương đại, hình ảnh cọp chỉ còn là những ký ức mờ xa.

ThS. Trầm Thanh Tuấn

Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1] Nguyễn Tấn Đắc, Truyện kể dân gian đọc bằng type và motif, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011, tr.27.

 [2] Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Lê Bá Hán, Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.197.

[3] Gia Định thành thông chí, Tập hạ, Nguyễn Tạo dịch, Nxb. Văn hóa, Sài Gòn, tr.21.

[4] Trần Dũng, “Hình ảnh cọp trong truyện dân gian Trà Vinh”, Văn nghệ Trà Vinh, Số 69 (tháng 1&2), 2010.

Download QR 🡻

Từ khóa » Dán ông Hổ Trước Nhà Vào Ngày Nào