Mở Tủ Lạnh Toàn Món Ngon Việt Trong Thời Giãn Cách Xã Hội

Thời giãn cách, mỗi chị em lại nghĩ ra cách chế biến và bảo quản món ăn sao cho vừa ngon, hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng mà lại an toàn trong mùa dịch. Nhiều chị em lo xa còn tranh thủ “tích trữ” thêm một số đồ khô trong nhà, theo đúng cách truyền thống của các bà mẹ xưa.

Thay đổi thói quen mua sắm

Kể từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách, nhiều bà nội trợ đã hình thánh thói quen mua sắm mới. Bữa ăn gia đình vẫn đảm bảo đủ các loại thực phẩm tươi xanh nhưng… lại không phải bước chân đến chợ hay xếp hàng chờ đến lượt vào quầy siêu thị để thanh toán. Chỉ cần vào mạng, bấm chuột, lướt vào các cửa hàng rau củ quả quen thuộc, vài ba tiếng sau, chị em đã có thể được shipper mang đến tận cửa các loại rau củ, quả, thịt lợn, gà, ngan, cá…

Báo cáo của một số sàn thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đã nhanh chóng đón nhận việc sử dụng kênh thương mại điện tử, trực tuyến như: Lazada, Sendo, Shopee, Tiki...; trong đó, gần 60% khách hàng được khảo sát cho biết đã mua sắm trực tuyến ít nhất một lần trong 12 tháng qua. 

Thống kê của một số siêu thị ở Hà Nội như Vinmart, Big C, Co-op mart, BRG, … đều ghi nhận đơn mua hàng online của người dân trong những ngày qua đã tăng đột biến từ 50-80% so với thời điểm chưa giãn cách. Số lượt khách mua qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn đạt con số hơn 1.000 đơn hàng tính từ ngày 24/7, trong đó sản lượng tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu tại Hà Nội đạt hơn 7 tấn và có tốc độ tăng trưởng đạt 70% so với trước khi giãn cách.

Các loại thực phẩm truyền thống Việt hút hàng

Ngoài thịt, trứng, rau xanh và hoa quả, các thực phẩm khô sau vẫn được nhiều bà nội trợ chọn mua vì đặc tính tiện lợi, dễ chế biến, dễ bảo quản và để được lâu, có thể ăn dài ngày trong mùa dịch.

Các loại miến, bánh đa, bún phở khô được cho là lựa chọn đầu tiên của các bà nội trợ: Những thực phẩm này có thành phần chủ yếu từ gạo, muối, nước, có thể chế biến thành các món bún phở thơm ngon, nhanh chóng và giàu dinh dưỡng. Khi ăn lại rất tiện lợi, chỉ cần ngâm bún, phở, bánh đa khô trong nước lạnh, sau đó rửa sạch và để ráo nước. Trần thực phẩm này qua nước sôi hoặc thả bánh phở vào luộc, sau đó vớt ra xả nước lạnh và để ráo. Cho vào bát chan nước dùng, có thể cho thêm rau thơm, hành lá, thịt, tùy theo sở thích. 

Bên cạnh đó, loại bún, phở, bánh đa khô còn có thể được sử dụng cho chế biến các món nấu rau, ăn lẩu,... thay thế bún tươi, phở tươi.

Các loại cá khô, cá nướng, cá phơi một nắng: Với đặc tính dễ bảo quản, bảo quản lâu và thậm chí không cần để vào trong tủ lạnh, khi ăn rất đưa miệng cũng như tiện chế biến các món ăn. Vì thế, các loại cá khô, cá nướng, cá phơi một nắng được nhiều gia đình chuộng mua ngày dịch.

Trên chợ mạng, rất nhiều tiểu thương rao bán đủ loại cá khô, là cá được ướp muối hoặc một số gia vị khác như ớt, tỏi, thảo quả, tiêu... phơi nắng hoặc sấy. Chúng có hương vị đặc biệt, khi nướng, chiên hay rim đều đưa cơm. Có nhiều loại cá khô cho bà nội trợ lựa chọn như: cá khô sặc, cá đù, cá chỉ vàng, cá khoai, cá đuối, cá mối, cá cơm, cá trạch, cá nục,...

Lạc khô, vừng khô, hạt điều khô: Trong những ngày giãn cách xã hội, hầu như gia đình nào cũng mua 2-3kg lạc hay vừng khô về làm lọ muối vừng dự trữ, ăn dần. Món ăn truyền thống này vừa thơm ngon, vừa tiết kiệm lại đảm bảo dinh dưỡng và không ngấy ngán, bảo quản được lâu. Làm muối vừng, muối lạc vừng và hạt điều trộn lẫn tạo nên món gia vị dân dã để chấm rau củ, ăn với cơm, xôi.

Ruốc thịt, ruốc cá, ruốc tôm: Loại thực phẩm khô thiết yếu luôn được bà nội trợ chuộng mua hoặc làm lấy là các loại ruốc thịt, ruốc cá, ruốc tôm. Bởi theo họ, các loại ruốc được làm từ thịt nạc thăn, tôm, cá và được giã nhỏ, rang khô với gia vị, ăn đưa miệng mà lại để được lâu đảm bảo dinh dưỡng cho cả nhà.

Món ăn này rất tiện lợi để ăn sáng với cơm trắng, ăn kèm với xôi hay nấu cháo... vừa nhanh, gọn, tiện lại nhiều chất dinh dưỡng. Với hương vị thơm ngon, các món ruốc này chinh phục được cả những bà nội trợ thành phố khó tính, sành ăn nên mặt hàng này được mua bán rất rôm rả.

Bảo quản món ngon Việt trong mùa dịch

Dịch COVID-19 đang ngày càng phức tạp. Để đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong những ngày giãn cách, các bà nội trợ rỉ tai nhau một số cách bảo quản đồ ăn sao cho vẫn đảm bảo độ tươi ngon và an toàn

Sơ chế, bảo quản thực phẩm sau khi mua về:

Đối với rau, củ, quả: Cần rửa sạch, để ráo nước và chia thành các phần nhỏ (lượng đủ dùng cho một bữa ăn) trước khi gói, bọc, bảo quản trong nhiệt độ mát.

Trứng: Trứng khi mua về cần rửa sạch, lau khô và bảo quản ở nhiệt độ mát. 

Thịt, cá và các sản phẩm động vật khác phải rửa sạch và để ráo nước; bọc kín bảo quản ở nhiệt độ mát khi chờ chế biến trong ngày; bảo quản ở nhiệt độ đông lạnh nếu bảo quản lâu hơn. Để riêng các loại thực phẩm khác khi bảo quản trong tủ lạnh.

Đảm bảo an toàn khi chế biến:

Rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm và nấu ăn. Sử dụng dao, thớt, dụng cụ chứa đựng… riêng khi chế biến thực phẩm sống và thức ăn chín. Dụng cụ cần tráng bằng nước sôi trước khi sử dụng. Nấu chín kỹ thực phẩm. Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ khu vực bếp, tủ lạnh.

Bảo quản thức ăn:

Thức ăn sau khi nấu chín chưa ăn ngay bảo quản cần: Che đậy tránh bụi, côn trùng. Bảo quản ở nhiệt độ môi trường (khoảng 22 độ C) không quá 2 giờ. Môi trường mùa hè thì không để thực phẩm, thức ăn ở bên ngoài quá 1 giờ. Khi có nhu cầu bảo quản lâu hơn, cần sử dụng tủ lạnh hoặc tủ đông để bảo quản. Thức ăn dư thừa, nếu để sử dụng cho bữa ăn sau cần đậy kín, để nơi thoáng mát hoặc bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh, đun sôi lại trước khi ăn.

Từ khóa » Những Thực Phẩm để được Lâu Trong Mùa Dịch