Hát Xoan Phú Thọ là loại hình dân ca nghi lễ phong tục gắn với lễ hội mùa xuân, mang đậm dấu ấn tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, với nội dung khấn nguyện cầu mong mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, mùa màng tươi tốt… Hát Xoan có bề dày lịch sử, có tổ chức nghệ thuật chặt chẽ, không gian văn hóa rộng lớn và sức lan tỏa mạnh mẽ khắp cộng đồng.
Điệu Xoan cổ ở miếu Lãi Lèn do các đào Xoan nhí biểu diễn. Ảnh: Đạt Lê.
Trên chặng đường dài của lịch sử, Hát Xoan đã được nhiều thế hệ nối tiếp trao truyền; nhiều người có chức sắc; các nhân sĩ trí thức đã nâng đỡ, tạo điều kiện duy trì, phát triển. Do nguồn gốc của hát Xoan gắn với những câu chuyện truyền thuyết của thời đại Vua Hùng; các làng Xoan gốc đều là những ngôi làng cổ nằm trên địa bàn trung tâm nước Văn Lang như: Kim Đái, Phù Đức, Thét (xã Kim Đức), An Thái (xã Phượng Lâu), thành phố Việt Trì, nên Hát Xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố cổ thuộc tầng sâu của Văn hóa dân gian thời đại bình minh lịch sử dựng nước của dân tộc ta… Với tục giữ cửa đình kết nghĩa, hát Xoan lan tỏa ra 18 xã của hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc.Mỗi phường Xoan là một tổ chức phường họ chặt chẽ, trước đây dựa theo nguyên tắc liên kết huyết thống, nay mở rộng hơn trong phạm vi làng xã. Đứng đầu là trùm phường Xoan, có vai trò trong quản lý, tổ chức các hoạt động truyền dạy và biểu diễn của phường. Trong đó, kép nam giữ vai trò hát dẫn cách, đệm trống giữ nhịp và tham gia một số tiết mục; các đào nữ giữ đội hình múa chủ đạo hát láy, hát đối đáp. Khi hát, các kép thường mặc áo the khăn xếp, các đào nữ mặc áo tứ thân.Trong hát Xoan, nghệ thuật múa hát luôn đan xen và kết hợp hài hòa giữ nhạc, thơ và thanh điệu cùng với việc sử dụng các nhạc cụ đơn giản gồm một chiếc trống nhỏ giữ nhịp, một vài tiết mục sử dụng cặp phách. Lời ca Xoan thường được thể hiện dưới dạng song thất lục bát, thất ngôn, lục bát biến thể…
Phường Xoan xã Kim Đức hiện nay có hơn 100 thành viên với nhiều lứa tuổi già trẻ. Ảnh: Đạt Lê.
Một cuộc hát Xoan có 3 chặng: Hát nghi lễ, hát quả cách và hát giao duyên (hát hội). Hát nghi lễ gồm các bài: Hát chào Vua, mời Vua, Giáo trống, Giáo pháo, Thơ nhang, Đóng đám. Hát quả cách gồm 14 bài (quả là bài; cách là hình thức hát, lối hát): Kiều giang cách; Nhàn ngâm cách; Tràng mai cách; Ngư tiều canh mục cách; Đối dẫy cách; Hồi liên cách; Xoan thời cách; Hạ thời cách; Thu thời cách; Đông thời cách; Tứ mùa cách; Thuyền chèo cách; Tứ dân cách; Chơi dâu cách. Hát hội gồm nhiều bài, hát tự do phóng khoáng, nội dung các bài hát mang tính trữ tình sâu sắc: Thết trầu (còn gọi là Bợm gái); Bỏ bộ; Xin huê - Đố huê; Đố chữ; Hát đúm; Cài huê; Mó cá...Đến với miếu Lãi Lèn, xã Kim Đức, TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) du khách sẽ được tham quan tại nhà trưng bày di sản nghệ thuật hát Xoan. Tại đây, du khách trong và ngoài nước được giới thiệu, trải nghiệm, hiểu rõ hơn về nghệ thuật hát Xoan, lịch sử hình thành và tồn tại của di sản hát Xoan Phú Thọ; cảm nhận về hát Xoan, được thưởng thức biểu diễn hát Xoan, giao lưu cùng các nghệ nhân, sống trong không gian diễn xướng Xoan một cách chân thực và sống động nhất… việc trưng bày di sản bao gồm hệ thống tài liệu, hình ảnh, hiện vật, bản đồ, phim tài liệu khoa học...Với những giá trị lịch sử, văn hóa, đặc sắc của loại hình nghệ thuật độc đáo này và những nghi lễ trong hát Xoan còn được lưu giữ và bảo tồn cho đến ngày hôm nay. Ngày 24 tháng 11 năm 2011, Tổ chức UNESCO đã chính thức công nhận hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại và ngày 8 tháng 12 năm 2017 đã chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.Một số hình ảnh về phường Xoan xã Kim Đức, TP Việt Trì với những điệu Xoan cổ ở miếu Lãi Lèn do phóng viên báo Kinh tế & Đô thị ghi lại:
Miếu Lãi Lèn nơi phát tích nhiều điệu Xoan cổ.
Du khách được giới thiệu, trải nghiệm, hiểu rõ hơn về nghệ thuật hát Xoan.
Một tiết mục biểu diễn hát Xoan tại miếu Lãi Lèn.
Các đào Xoan nhí thuộc phường Xoan xã Kim Đức.
Ở mỗi phường Xoan, các đào với nhiều lứa tuổi khác nhau từ trẻ em, thanh niên đến người già...
Đào Xoan nhí ở phường Phù Đức.
Những đào Xoan họ đều có tình yêu, đam mê với nghệ thuật hát Xoan.
Nghệ nhân Lê Xuân Ngũ (80 tuổi) trùm phường Xoan Phù Đức.
Một cuộc hát Xoan có 3 chặng: Hát nghi lễ, hát quả cách và hát giao duyên (hát hội)...
Du khách tham quan sẽ được trải nghiệm với nghệ thuật hát Xoan tại miếu Lãi Lèn.
Du khách tham quan tại phòng trưng bày nghệ thuật hát Xoan ở miếu Lãi Lèn.
Trống phách, nậm rượu sử dụng trong điệu hát Xoan.
Bộ sưu tập đèn sử dụng khi hát Xoan của các nghệ nhân.
Trang phục chính thức của đào, kép Xoan được trưng bày tại nhà hát Miếu Lãi Lèn.
Nghệ nhân Lê Xuân Ngũ cho biết, cả đời đã gắn bó với nghệ thuật hát Xoan và ông đang nỗ lực truyền nghề cho lớp trẻ để gìn giữ, bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể độc đáo...